MUC LUC
        TRANG GIÁO LÝ



 

TÀI LIỆU HỌC HỎI GIÁO LÝ

DÀNH CHO LỄ  SINH

NHÂN NGÀY HỌP MẶT LỄ SINH NĂM 2007

(Theo phần mở rộng “BẠN CÓ BIẾT”

của Chương trình Giáo lý Kinh Thánh 2)

 

LỄ SINH TÌM HIỂU TÂN ƯỚC

 

TIN MỪNG LÀ GÌ?

1.    Tin Mừng trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là gì ?

Tin Mừng dịch từ tiếng euangelion của Hy Lạp, thường được dùng để chỉ việc loan báo tin chiến thắng.

2.    Trong Cựu ước chữ “loan báo Tin Mừng” có nghĩa là gì ?

Trong Cựu ước chữ “loan báo Tin Mừng” được dùng để nói về việc báo tin Thiên Chúa đến ban ơn giải thoát (Is 52, 7-10).

3.    Trong Tân ước, chữ Tin Mừng có nghĩa là gì ?

Trong Tân ước, chữ Tin Mừng dùng để chỉ lời Chúa Giêsu rao giảng về quyền cai trị của Thiên Chúa (Mt 4,23; Mc 1, 14-15) và cũng chỉ lời các tông đồ rao giảng về Chúa Giêsu Kitô đã chết và sống lại (Mc 16, 15; Rm 1,1-4).

Về sau, từ thế kỷ thứ hai, chữ Tin Mừng mới được dùng để chỉ các tập sách chép lại các lời rao giảng trên đây.

Tóm lại, chữ Tin Mừng có 2 nghĩa: vừa là loan báo ơn cứu độ, vừa là tập sách chép lại lời loan báo đó. 

DO THÁI THỜI CHÚA GIÊSU

4.    Thời Chúa Giêsu, người Do Thái có nơi nào để sinh hoạt tôn giáo không ?

Ở các địa phương, có các hội đường cho dân chúng họp nhau hàng tuần, vào thứ bảy, để nghe đọc, nghe giải thích Kinh Thánh và cầu nguyện. Trung tâm của tôn giáo là đền thờ Giêrusalem, do vua Hê-rô-đê tu bổ lộng lẫy. Hằng năm, các người Do Thái nam giới đều hành hương về đó, nhất là trong các dịp lễ lớn, như lễ vượt qua, lễ Năm mươi ( Ngũ tuần), lễ Lều tạm, lễ Cung hiến đền thờ.

 

QUÊ HƯƠNG CHÚA CỨU THẾ

5.    Bạn hãy cho biết diện tích nước Do Thái thời Chúa Giêsu ?

Diện tích nước Do Thái thời Chúa Giêsu khoảng từ 20 đến 25 ngàn km2. So với diện tích nước Việt nam là 334.230km2, nước Do Thái chỉ bằng 1/15.

6.    Bạn hãy cho biết về khí hậu và đất đai ở Do Thái như thế nào ?

-          Khí hậu ở nước Do Thái tương đối mát, ít mưa.

-          Đất đai phần lớn là đồi núi, sỏi đá khô cằn, cho nên nghèo.

7.    Thời Chúa Giêsu, Do Thái sản xuất những gì?

Sản xuất chính yếu là trồng trọt (lúa mì, dầu ô liu, trái vả nho) và chăn nuôi (dê, cừu).

8.    Thời Chúa Giêsu ai cai trị nước Do Thái ?

Thời Chúa Giêsu, đế quốc Rôma bành trướng rộng khắp các miền quanh Địa trung Hải. Nước Do Thái nằm dưới ách thống trị của đế quốc Rôma, dưới các triều hoàng đế Au-gút-tô (-29 đến 14), Ti-bê-ri-ô (14-37), Cơ-lau-đi-ô (41-54, Nê-rô (54-68). Thời Chúa Giêsu, xứ Pa-lét-tin do một viên tổng trấn Rôma trực tiếp cai trị tên là Phong-xi-ô Phi-la-tô.

 

NHỮNG NƠI CHÚA GIÊSU ĐÃ ĐI QUA.

9.    Belem có liên hệ gì với Chúa Giêsu ?

Bê-lem là nơi Chúa Giêsu được sinh ra.

10.     Giêrusalem có liên hệ gì với Chúa Giêsu lúc nhỏ ?

Đền thờ Giêrusalem là nơi Chúa Giêsu được dâng cho Chúa Cha.

11.      Nazaret có liên hệ gì với Chúa Giêsu ?

Na-za-rét là nơi Chúa Giêsu làm thợ mộc.

12.     Bêtania bên kia sông Giođan có liên hệ gì với Chúa Giêsu ?

Bê-ta-ni-a ( bên kia sông Gio-đan) là nơi  Chúa Giêsu chịu phép rửa.

13.     Cana có liên hệ gì với Chúa Giêsu ?

Ca-na là nơi Chúa Giêsu làm phép lạ đầu tiên trong tiệc cưới.

14.     Caphanaum có liên hệ gì với Chúa Giêsu ?

 Ca-pha-na-um là nơi Chúa đã tới và ở lại đó ít ngày.

15.     Bêtania gần núi Cây Dầu có liên hệ gì với Chúa Giêsu ?

Bê-ta-ni-a (gần núi Cây dầu) là nơi Chúa Giêsu cho ông La-da-rô sống lại.

16.     Xy-kha có liên hệ gì với Chúa Giêsu ?

Xy-kha là nơi có giếng Gia-Cóp. Chúa Giêsu nói chuyện với một phụ nữ Sa-ma-ri về nước hằng sống.

17.     Bết-xai-đa có liên hệ gì với Chúa Giêsu ?

Bết-xai-đa là nơi Chúa chữa một người bệnh phong.

18.     Na-in có liên hệ gì với Chúa Giêsu ?

Na-in là nơi Chúa Giêsu cho đứa con trai duy nhất của một bà góa sống lại.

19.     Xi-đôn có liên hệ gì với Chúa Giêsu ?

Xi-đôn là nơi Chúa chữa lành bệnh cho một cô gái người Sy-rô Phê-ni-xi.

20.     Tia vùng Phênixi có liên hệ gì với Chúa Giêsu ?

Tia (vùng Phê-ni-xi) là nơi Chúa chữa bệnh cho con gái một phụ nữ vùng này.

21.     Vùng Xê-da-rê của Philípphê có liên hệ gì với Chúa Giêsu?

Xê-da-rê của Phi-líp-phê là nơi Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.

22.     Mác-đa-la có liên hệ gì với Chúa Giêsu ?

Mác-đa-la là nơi quê hương bà Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu.

23.     Vùng Ép-ra-im có liên hệ gì với Chúa Giêsu ?

Ép-ra-im ở phía bắc Giêrusalem, là nơi Chúa Giêsu ở ẩn tại đây lúc người ta tìm bắt Người.

24.     Giêricô có liên hệ gì với Chúa Giêsu ?

Giê-ri-khô là nơi Chúa Giêsu vào trọ nhà ông Gia-kêu, người thu thuế.

25.     Em-mau có liên hệ gì với Chúa Giêsu ?

Em-mau là nơi Chúa Giêsu gặp hai môn đệ, sau khi sống lại.

THÁNH GIUSE

26.     Bạn biết gì về thánh Giuse ?

Thánh Giuse thuộc dòng dõi Đa-vít, nhưng thánh Giuse chỉ là một thợ mộc bình dị ở Na-za-rét. Sau lễ hỏi, thấy Đức Maria chưa về với mình mà đã có thai, Giuse định tâm rời bỏ đi. Thiên Chúa đã sai thiên thần báo mộng cho Giuse biết Đức Maria mang thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, yêu cầu Giuse đón Maria về nhà và đặt tên con trẻ là Giêsu. Việc đặt tên này rất quan trọng: Theo luật Do Thái, đặt tên cho ai là nhận người ấy làm con về mặt pháp lý.

Vâng ý Chúa, thánh nhân trở thành bạn trung tín của Đức Trinh Nữ và bảo vệ cho con trẻ giữa bao hiểm nguy lúc sinh ra và trong thời thơ ấu.

27.     Đức Giêsu có học nghề của thánh Giuse không ?

Khi Đức Giêsu trở về Na-za-rét, dân làng nói đến Ngài như chú thợ mộc. Điều ấy cho thấy Chúa Giêsu đã tiếp tục nghề thợ mộc của thánh Giuse một thời gian khá lâu, và cũng có nghĩa là thánh Giuse đã qua đời trước khi Chúa Giêsu lên đường rao giảng.

 

28.     Hội Thánh đã tôn kính thánh Giuse như thế nào ?

Từ thời trung cổ, người ta đề cao tấm gương thầm lặng kín đáo của thánh Giuse. Rồi từ đó Hội Thánh càng lúc càng tôn kính ngài, vị gia trưởng của gia đình Na-za-ret. Càng tìm hiểu về thánh Giuse, người ta càng thán phục lòng tin đã giúp ngài gắn bó với chương trình của Thiên Chúa và lòng yêu mến của ngài đối với Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Hội Thánh đã nhận ngài làm bổn mạng của Hội Thánh toàn cầu.

29.     Vì sao Đức Mẹ Maria lại đặt Chúa Giêsu trong máng cỏ ?

Máng cỏ là máng đựng thức ăn của bò lừa, khi sinh con trong cảnh bơ vơ không nhà, Đức Mẹ đã phải dùng một máng cỏ làm nôi đặt hài nhi Giêsu mới sinh (Lc2,7).

30.     Ai là người có sáng kiến làm hang đá và máng cỏ ?

Thánh Phan-xi-cô  Át-xi-di (thế kỷ 12) là người đầu tiên có sáng kiến mừng lễ Giáng Sinh với một hang đá Bê-lem, với cảnh Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ, có Đức Mẹ và thánh Giuse, có các mục đồng và thiên thần. Ngài đặt cả chiên bò vào đó để nhắc lại lời tiên tri I-sai-a: “Con bò biết người tậu nó và con lừa biết chuồng của chủ, còn Israel không hay không biết, dân Ta không hiểu không tường.” (Is 1,3). Người ta còn dùng hai từ máng cỏ để chỉ toàn cảnh hang đá ấy.

 

CÁC PHE NHÓM

31.     Em hãy cho biết về các phe nhóm thời Chúa Giêsu ?

Vào thời Chúa Giêsu, trong dân Do Thái có một số phe nhóm như : Nhóm Biệt phái (Pharisiêu), nhóm Sa-đốc, nhóm Et-xê-nô.

32.     Nhóm Biệt phái chủ trương những gì ?

Nhóm Biệt phái (Pha-ri-sêu): Đa số gồm những ký lục và luật sĩ thông thạo luật Mô-sê. Về phương diện luân lý, họ chủ trương giữ luật theo những truyền thống rất tỉ mỉ, vì thế nhiều lần họ đã bị Đức Giêsu đả kích rất nặng nề (Mt 23). Mặt khác, họ tin có thiên thần, tin người ta sẽ sống lại để được thưởng hoặc bị phạt đời sau, điều mà nhóm Sa-đốc không nhận. Họ cũng chờ đợi một Đấng Cứu Thế thuộc dòng dõi Đa-vít sẽ đến phục hồi tôn giáo và cứu dân tộc khỏi ách ngoại bang.

 

33.     Nhóm Sa-đốc chủ trương những gì ?

Nhóm Xa-đốc (do tên ông Xa-đốc, tư tế của Đa-vít) thường thuộc hàng tư tế và qúy phái. Họ chỉ nhận Ngũ Kinh là sách thánh, không nhận các truyền thống do các luật sĩ cắt nghĩa luật Mô-sê. Về phương diện chính trị, họ chấp nhận ách thống trị Rô-ma, nhóm Xa-đốc thường đối lập với nhóm Biệt phái.

 

34.     Nhóm Et-xê-nô chủ trương những gì ?

Nhóm Ét-xê-nô, thường sống trong những tu viện, một đời khắc khổ, không vợ con, không tiền bạc. Tại Cum-ram, ở phía tây bắc biển Chết, người ta tìm thấy một tu viện thuộc nhóm này, với một số sách vở tài liệu của họ. Thánh Gio-an Tẩy Giả có lẽ đã liên lạc với nhóm này.

 

TIN MỪNG NHẤT LÃM LÀ GÌ?

35.     Trong 4 sách Tin Mừng, ba sách nào có nhiều điểm giống nhau ?

 Ai chăm chú đọc 4 sách Tin Mừng sẽ nhận thấy điều này: 3 Tin Mừng Mát-thêu, Mác-cô và Lu-ca có rất nhiều điểm giống nhau; đồng thời 3 cuốn sách đó lại khác với Tin Mừng Gio-an.

36.     Ba sách Matthêu, Máccô và Luca giống nhau như thế nào ?

1.     Cả ba đều trình bày họat động của Chúa Giêsu theo một khuôn khổ giống nhau: Ngài giảng đạo ở Ga-li-lê một thời gian rồi lên Giêrusalem chịu khổ nạn và phục sinh ở đó.

2.     Các đoạn văn nhiều khi cùng theo một thứ tự, và cùng có một chi tiết giống nhau.

Chính vì 3 cuốn Tin Mừng này có thể xếp thành 3 cột để nhìn một lượt giúp thấy ngay những chỗ giống nhau, mà được gọi là Tin Mừng nhất lãm (nhất là một, lãm là nhìn xem).

CÁC ANH EM CHÚA GIÊSU

37.     Chúa Giêsu có anh chị em không ?

Trong Tin Mừng có nhắc tới “những anh em” của Chúa Giêsu. Bên Do Thái người ta cũng dùng tiếng “anh em”, “chị em” để gọi các anh chị em họ như bên Việt Nam ta.

Tiếng “anh em”, “chị em” trong Tin Mừng (Mc 6,3) hiểu theo nghĩa đó.

Trong những người có họ với Chúa Giêsu về bên ngoại, phải kể đến ông Da-ca-ri-a và Ê-li-xa-bét, cha mẹ của Gio-an Tẩy Giả.

 

GIO-AN TẨY GIẢ

38.     Ông Gioan Tẩy Giả là ai ?

Đây là vị tiên tri sống đồng thời với Chúa Giêsu và có bà con với Chúa Giêsu, đóng một vai trò quan trọng trong việc phát sinh Kitô giáo, tên gọi Gio-an có nghĩa là “Thiên Chúa tha thứ”.

39.     Cha mẹ ông Gioan Tẩy Giả tên là gì ?

Cha của ông là một vị tư tế tên là Da-ca-ri-a và mẹ là bà Ê-li-xa-bét đã già mà vẫn còn hiếm muộn không con.

40.     Ông Gioan Tẩy Giả rao giảng những gì ?

Ông sống khắc khổ trong hoang địa lâu năm, rồi khởi sự rao giảng rằng Đấng Cứu Thế sắp đến, phải kịp thời hoán cải để đón tiếp Ngài. Đám đông dân chúng tuôn đến dìm mình trong nước sông Gio-đan để biểu lộ lòng thống hối. Chính Chúa Giêsu cũng đến xin Gio-an làm phép rửa. Trong dịp này, Gio-an đã làm chứng rằng Đức Giêsu chính là Chiên của Thiên Chúa và là Đấng Cứu Chuộc Israel.

41.     Ông Gioan Tẩy Giả chết như thế nào ?

Ông bị vua Hê-rô-đê An-ti-pa bỏ tù vì đã dám lên tiếng chỉ trích nhà vua đã cưới em dâu làm vợ (cướp vợ của em trai). Trong một tiệc rượu của vương gia, vua Hê-rô-đê đã ra lệnh cho lính vào tù chém đầu ông.

Ông được coi là vị “tiền hô”, vị dọn đường cho Đấng Cứu Thế. “Ông không phải là sự sáng nhưng được sai đến để làm chứng cho Đấng là sự sáng” (Ga1,8).

 

PHÉP RỬA CỦA GIO-AN VÀ PHÉP RỬA CỦA CHÚA GIÊSU

42.     Phép rửa của thánh Gioan Tẩy Giả có tính cách như thế nào ?

-          Đây là phép rửa bày tỏ lòng ăn năn và xin ơn tha thứ.

-          Mọi người đều được mời gọi lãnh nhận.

-          Chỉ được ban một lần như đấu hiệu sự hoán cải nội tâm.

-          Và là một nghi thức tạm thời, trong lúc chờ đợi việc thanh tẩy trong Thánh Thần.

43.     Đức Giêsu lãnh phép rửa của ông Gioan để làm gì ?

Mặc dù vô tội, Đức Giêsu đã muốn lãnh nhận phép rửa của Gio-an để tỏ tình liên đới với các tội nhân mà Ngài đến cứu chuộc. Lễ rửa này là dịp để Ngài được biểu lộ là Con Thiên Chúa.

44.     Phép rửa của Chúa Giêsu ban những ơn gì ?

Sau ngày Chúa phục sinh, lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là khởi đầu cho việc thanh tẩy trong Thánh Thần. Phép Rửa Chúa Giêsu lập vẫn lấy nước tự nhiên làm dấu hiệu, nhưng ơn được ban cho người tín hữu là chính Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho họ trở nên con của Thiên Chúa và thành viên của Hội Thánh Chúa Kitô.

 

TIN MỪNG MÁT-THÊU

45.     Thánh Matthêu là ai ?

Theo truyền thống Hội Thánh, tác giả sách Tin Mừng thứ nhất là thánh Mat-thêu,  còn có tên là Lê-vi. Ông sống ở Ca-phác-na-um, làm nghề thu thuế. Được Chúa Giêsu kêu gọi, ông lập tức theo Ngài. Ông là một trong 12 tông đồ của Chúa. Có sách nói ông đã đem Tin Mừng tới xứ  Ê-thi-óp. Ông đã bị giết chết vì đạo Chúa.

 

46.     Sách Tin Mừng Matthêu biên soạn vào năm nào ?

Tin Mừng Mát-thêu lúc đầu được biên soạn bằng tiếng A-ram rồi được dịch ra tiếng Hy lạp, khoảng năm 80-90.

47.     Dàn bài Sách Tin Mừng Matthêu chia ra mấy phần?

Ngoài phần mở đầu về thời thơ ấu của Chúa (ch.1-2) và phần kết thúc với cuộc thương khó và phục sinh  (ch.26-28), sách chia làm 5 phần.

48.     Trong mỗi phần của sách Tin Mừng Matthêu có điều gì đặc biệt ?

Mỗi phần đều có phần thuật truyện và một bài giảng :

1.     Bài giảng trên núi (ch. 5-7)

2.     Bài giảng về thái độ người tông đồ (ch.10)

3.     Bài giảng về các dụ ngôn (ch.13)

4.     Bài giảng về tình anh em trong Hội Thánh (ch.18)

5.     Bài giảng về thời cuối cùng (ch. 24-25).

49.     Tác giả Matthêu muốn nói với đối tượng nào ?

Thánh Matthêu muốn nói với người Do Thái. Tác giả thấm nhuần giáo lý Cựu Ước, thường trích dẫn Cựu Ước để chứng minh cho người Do Thái rằng Đức Giêsu đã làm trọn những điều đã báo trước trong Cựu Ước. Tác giả cũng hay nhắc đến các tập tục Do Thái mà không cần giải thích (vì người đọc đã biết rồi).

50.     Tin Mừng Mt nhấn mạnh đến những điểm nào ?

Tin Mừng Mt nhấn mạnh đến 4 điểm sau :

1.     Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế Thiên Chúa đã hứa mà dân Do Thái đang mong đợi.

2.     Đức Giêsu đến rao giảng Nước Trời. Khi người ta tin vào Đức Giêsu và nhận Thiên Chúa làm chủ đời mình, thì nước Thiên Chúa ngự trị trong lòng họ.

3.     Đức Giêsu ban bố luật mới, không bãi bỏ luật Cựu Ước nhưng làm cho luật này được hoàn hảo hơn.

4.     Hội Thánh là cộng đoàn những người tin vào Chúa Giêsu và Cha Ngài, và sống tình anh em với nhau.

 

TIN MỪNG THEO THÁNH MÁC-CÔ

51.     Sách Tin Mừng thứ hai có đặc điểm gì ?

Sách Tin Mừng thứ hai chỉ có 16 chương, giọng văn có vẻ đơn giản nhưng cụ thể và sống động. Sách trình bày đời sống Đức Giêsu từ khi nhận phép rửa của Gio-an đến khi sống lại.

52.     Ai đã viết Tin Mừng thứ hai ?

Tác giả là Mác-cô, môn đệ của thánh Phê-rô.

Mác-cô cũng gọi là Gio-an, nhà ở Giêrusalem. Ông đã đi theo thánh Phao-lô trong cuộc hành trình truyền giáo thứ nhất rồi trở về Giêrusalem. Năm 60, ông về giúp thánh Phê-rô ờ Rôma. Sau khi thánh Phê-rô tử đạo, Mác-cô đã gom các bài giảng của thánh Phê-rô và một số tài liệu rời có sẵn, viết lại thành sách Tin Mừng, như một cuốn giáo lý của giáo đoàn Rô-ma.

53.     Tin Mừng Maccô được biên soạn vào năm nào ?

Sách được viết vào khoảng năm 65-70 và rất quan tâm đến những người không phải gốc Do Thái (giải thích các tập tục Do Thái, nó rõ về nơi chốn, giải thích các từ ngữ Do Thái…)

 

NHỮNG TƯỚC HIỆU CỦA ĐỨC GIÊSU KITÔ TRONG TIN MỪNG MÁC-CÔ

54.     Trong Tin Mừng Mác-cô, Đức Giêsu được gọi bằng những tước hiệu nào ?

Trong Tin Mừng Mác-cô, Đức Giêsu được gọi bằng nhiều tước hiệu:

1.            Con Ta yêu dấu (Mc 1,11; 9,7)

2.            Người Na-za-rét (1,24; 14,67; 16,6)

3.            Đấng Thánh của Thiên Chúa (1,24)

4.            Con Thiên Chúa (3,11; 15,39)

5.            Thầy (4,38; 5,35; 9,38; 10,7 và 35; 12, 14-19)

6.            Con Thiên Chúa tối cao (5,7)

7.            Người thợ mộc (6,3)

8.            Con bà Ma-ri-a (6,3)

9.            Anh em của Gia-cô-bê, Giuse và Si-mon (6,3)

10.       Một tiên tri (6,15; 8,28)

11.       Chúa (7,28; 11,3)

12.       Đức Kitô (8,29)

13.       Con vua Đa-vít (10,47-48)

14.       Đấng ngự đến nhân danh Chúa (11,9)

15.       Rabbi (11,21; 14,46)

16.       Con Đấng đáng chúc tụng (11,61)

17.       Người (14,71)

18.       Vua dân Do Thái (15,2.9.12.18.26)

19.       Đấng Thiên Sai (14,61;15,32)

20.       Vua Israel (15,32)

21.       Đấng chịu đóng đinh (16,6).

Tin Mừng Mác-cô cũng thường nhắc đến tước hiệu Đấng Con Người (Con-loài-người), chính Đức Giêsu cũng thường tự xưng bằng tước hiệu này (Mc 2,10.28; 8,31.38; 9,9-12.31; 10,33.45; 13,26; 14,21.41.62).

 

TIN MỪNG THEO THÁNH LU-CA

55.     Thánh Lu-ca là ai ?

Thánh Lu-ca là một y sĩ, sinh ở An-ti-ô-khi-a (ngày nay thuộc nước Thổ Nhĩ Kỳ).

Được gặp thánh Phao-lô, ngài trở lại Kitô giáo và đi theo thánh nhân trong các cuộc hành trình truyền giáo. Nhờ đó, ngài biết rõ sinh họat và sự phát triển của Hội Thánh buổi đầu. Ngài viết sách Tin Mừng thứ ba và sách Công vụ Tông đồ.

56.     Tin Mừng thánh Lu-ca trình bày những gì ?

Tin Mừng thánh Lu-ca trình bày cuộc đời Đức Giêsu từ hồi thơ ấu cho đến lúc chết trên thập giá, sống lại và lên trời. Tin Mừng Lu-ca dần dần tỏ cho thấy Đức Kitô là Đấng Cứu Thế phổ quát, chung cho tất cả mọi người.

57.     Đọc Tin Mừng Lu-ca và sách Công vụ Tông đồ, ta thấy điều gì ?

Đọc Tin Mừng Lu-ca và sách Công vụ Tông đồ, ta thấy tác giả là một người vừa thông thạo văn hóa Hy Lạp, vừa có tâm hồn tế nhị và đầy tin tưởng.

58.     Tin Mừng Lc được biên soạn vào năm nào ?

 Sách Lu-ca được biên soạn vào khoảng năm 80, nhắm tới những tín hữu không phải gốc Do Thái.

59.     Đức Giêsu theo Tin Mừng Lu-ca là Đấng như thế nào ?

Tin Mừng Lc nhấn mạnh đến hai điểm đặc biệt:

1.     Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế đầy thương xót. Ngài quan tâm đến tất cả nhưng ai bị khinh miệt (trẻ em, phụ nữ, ngoại kiều, người Sa-ma-ri…). Ngài ban ơn tha thứ cho tất cả; cho người phụ nữ thống hối ở nhà Si-mon tật phung (7,36-50), cho ông Da-kêu (19,1-10), cho các lý hình (23,34), cho người trộm lành (23, 39-43)… Chỉ có Lu-ca ghi lại các đoạn ấy, và cũng chỉ có Lu-ca kể chuyện người con hoang đàng được tha thứ (15,11-32).

2.     Đức Giêsu đòi ta phải từ bỏ triệt để (6,20-25; 9,57-62).

 

60.     Người môn đê trong Tin Mừng Lu-ca là người như thế nào ?

Trước tình thương bao la của Thiên Chúa, người tín hữu cần biết:

-          Vui mừng cảm tạ (xem các bài ca của Đức Mẹ, của ông Da-ca-ri-a và của của Si-mê-on).

-          Cầu nguyện không ngừng (Lc 11, 1-4; 18,9-14; 11,5-13; 18,1-8).

-          Bỏ hết mọi sự để theo Chúa (5,11.28; 18, 28-30; 9,23-26. 57-62; 14,26-27).

-          Yêu thương, tha thứ, chia sẻ và tự hiến mình (6,27-42; 17,3-4; 6,30; 11,41; 12,33; 16,9; 18,22; 19,8; 10, 25-37).

61.     Chữ INRI ghi trên Thánh Giá có nghĩa là gì ?

Viết tắt của chữ Jesus Nazareus Rex Judaeorum: “Giêsu Na-da-rét, Vua của người Do Thái”.

62.     Chữ JHS có nghĩa là gì ?

-              3 mẫu tự đầu của tên Chúa Giêsu, theo tiếng Hy Lạp viết hoa: IHSOUS (H=e)

-              Thường được diễn thành tiếng La tinh là: Jesus Hominum Salvator (Giêsu Đấng Cứu nhân lọai).

-              Và diễn thành tiếng Việt là Giêsu Hằng Sống.

 

63.     Chữ cr  có ý nghĩa gì ?

Chữ cr có nghĩa là Chúa Kitô, do hai chữ đầu của chữ cristos , trong tiếng Hy Lạp (XPYSTOS : Chrystos)

64.     Hình ảnh ‘Bánh không men’ trong Cựu Ước có ý nghĩa gì ?

Bánh mì không có bột nổi. Xưa kia, tổ tiên người Do Thái rời nước Ai Cập thật vội vàng, làm bánh với bột không kịp bỏ men. Hằng năm kỷ niệm lễ Vượt qua, người Do Thái ăn thịt chiên nướng và bánh không men và rau diếp đắng. Họ tiếp tục ăn bánh không men suốt một tuần sau lễ Vượt qua.

65.     Hình ảnh ‘Bánh không men’ trong Tân Ước có ý nghĩa gì ?

Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Kitô đã dùng bánh không men để lập phép Thánh Thể. Ngày nay, Hội Thánh Công Giáo Rô-ma cũng cử hành thánh lễ với bánh không men, còn Hội Thánh Chính Thống Giáo và các giáo đoàn Công Giáo “Đông Phương” thì dùng bánh có men.

66.     Luật Do Thái qui định hình phạt đánh đòn như thế nào ?

Theo luật Do Thái thì đánh đòn bằng gậy hoặc bằng roi (Đnl 25,2). Luật chỉ cho phép đánh tới 40 đòn. Để khỏi đánh quá, lý hình chỉ đánh tới 39 đòn. (2Cr 11,24).

TIN MỪNG THEO THÁNH GIO-AN

67.     Em biết gì về thánh Gioan tông đồ ?

Thánh Gio-an, là em của Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, quê ở Ca-phác-na-um, làm nghề đánh cá trên biển hồ Ga-li-lê, là một trong 3 môn đệ thân tín nhất của Chúa Giêsu, được chứng kiến giờ phút Chúa tỏ mình vinh quang và Chúa hấp hối. Gio-an là “người môn đệ được Chúa yêu” đứng dưới chân thánh giá Chúa và được Chúa ủy thác Đức Mẹ cho.

Gio-an cùng với Phê-rô chạy đến mộ Chúa buổi sáng ngày phục sinh. Rồi ngài sát cánh với Phê-rô trong những ngày đầu của Hội Thánh, về sau ngài rao giảng ở An-ti-ô-khi-a. Cuối cùng ngài rao giảng tại Ê-phê-xô và chết ở đó.

68.     Thánh Gioan đã viết những sách nào ?

Gio-an được coi là tác giả Tin Mừng thứ tư, của ba lá thư và của sách Khải Huyền.

69.     Tin Mừng Gio-an được biên soạn vào năm nào ?

 Tin Mừng Gio-an được biên soạn khoảng năm 90-95.

70.     Sách Tin Mừng Gioan có gì khác với ba sách Mt, Mc, Lc không ?

Sách này cũng trình bày cuộc đời Chúa Giêsu từ khi Gio-an Tẩy Giả rao giảng cho đến khi Chúa phục sinh, nhưng theo một dàn bài, những cách nói và những chủ đề khác ba sách kia, dễ giúp ta suy niệm về mầu nhiệm Đức Giêsu hơn.

71.     Tin Mừng Gioan nói về luật tình yêu như thế nào ?

Luật tình yêu trong Tin Mừng Gioan là : Hãy yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu thương.

72.     Bác ái là gì ?

Bác là rộng; ái là yêu mến. Bác ái có nghĩa là : lòng yêu mến trải rộng khắp mọi người không trừ ai

73.     Trong Tin Mừng Gioan Đức Giêsu có tương quan với Thiên Chúa như thế nào ?

-          Đức Giêsu là Ngôi Lời của Thiên Chúa, từ đời đời vẫn ở với Thiên Chúa, nay đã xuống thế làm người (1,1-14)

-          Ngài là Con Thiên Chúa (1,14.18; 3.16-18; 10,30-38; 14,10-11; 17,23)

-          Ngài với Cha là một (10,30)

-          Ngài đã đến thế gian để to cho ta biết Chúa Cha và tình yêu của Người (17,6)

-          Và rồi sẽ trở về với Chúa Cha (13,1; 16,28)

 

 

74.     Trong Tin Mừng Gioan Đức Giêsu có ý nghĩa như thế nào đối với chúng ta ?

-          Ngài là ánh sáng (1,9; 9,5; 12,46)

-          Là đường đưa ta đến với Chúa Cha (14,4-9)

-          Là sự thật đến nói cho ta biết vế Chúa Cha và ý định cứu rỗi của Người (8,32)

-          Là sự sống và là sự sống lại (11,25-26)

-          Là bánh bởi trời ban sự sống đời đời (6,26-58)

-          Là cửa ràn chiên (10,7-9)

-          Là cây nho thật (15,1-9)

-          Là đền thờ mới (2,21)

Tóm lại Đức Giêsu là Đấng duy nhất đem lại ơn cứu độ.

75.     Theo Tin Mừng Gioan chúng ta phải sống với Chúa Giêsu như thế nào ?

Tin Mừng Gio-an dùng một số động từ để diễn tả thái độ của chúng ta:

-          Thấy và tin (2,23; 11,45; 20, 24-29)

-          Biết Chúa (1,10-12; 10, 14-15)

-          Ở lại với Chúa (6,36; 8,31; 14,23)

-          Và làm chứng cho Chúa.

76.     Nghi thức xức dầu có ý nghĩa gì ?

Người Israel xức dầu thơm trên tóc, trên mặt, trên thân mình là chuyện thường, không có gì quan trọng. Điều ta muốn nói là việc tẩm dầu lên trán một vị vua mới. Cử chỉ này có một ý nghĩa tôn giáo: vị thủ lãnh của dân được tách riêng ra dành riêng cho Thiên Chúa, trở nên người thay mặt Chúa.

77.     Tên KITÔ có nghĩa là gì ?

Đây là phiên âm từ Christus của La tinh và Chrystos của Hy Lạp, có nghĩa là Đấng được xức dầu.

Đấng được xức dầu trong gốc tiếng Do Thái gọi là Đấng Mashiah (Mê-si-a), chỉ về Đấng Cứu Thế được Thiên Chúa hứa. Đức Giêsu chính là Đấng Cứu Thế ấy cho nên từ Kitô (tức là Mê-si-a, Đấng được xức dầu) được dùng để chỉ về Ngài, và cũng có thể dùng như một tên riêng của Ngài.

 

NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG KHỔ NẠN

78.     Em biết gì về Phòng Tiệc Ly ?

Trước hôm Ngài chịu chết , Chúa Giêsu sai mấy đệ đến chuẩn bị bữa ăn lễ Vượt qua tại một gia đình thân hữu ở Giêrusalem. Đây là bữa ăn chia ly nên sẽ gọi là Bữa Tiệc Ly. Sau khi Chúa sống lại các tông đồ vẫn tiếp tục nhóm họp tại đây. Hầu chắc lễ hiện xuống cũng đã diễn ra tại đây.

79.     Em biết gì về Vườn Cây Dầu ?

Sau bữa ăn, Chúa Giêsu đưa các môn đệ qua bên kia suối Kít-rôn, vào một thửa vườn dưới chân núi Cây Dầu, gọi là đất Ghết-sê-ma-ni (nghĩa là nơi ép dầu. Có lẽ Chúa Giêsu vẫn thường đưa các môn đệ tới qua đêm tại đó. Giu-đa biết rõ nơi ấy, và đã dẫn đường cho người ta đến bắt Ngài. Đức Giêsu bị điệu đến nhà thượng tế Cai-pha, rồi tới gặp tống trấn Rô-ma là ông Phi-la-tô tại đồn An-tô-ni-a.

80.     Em biết gì về đồn An-tô-ni-a ?

Đây là một pháo đài do Hê-rốt đại vương xây năm 37 trước công nguyên. Dịp lễ Vượt qua, nhà cầm quyền Rô-ma cai quản vùng Giu-đê từ Xê-da-rê đến đấy giám sát cuộc lễ. Tại đây Đức Giêsu bị nộp cho Phi-la-tô và ông này chấp thuận cho người Do Thái xử tử Người.

81.     Em biết gì về Núi Sọ ?

Cuộc đóng đinh diễn ra bên ngoài thành Giêrusalem, trên một gò nhỏ gọi là Gôn-gô-tha (Golgotha, theo tiếng A-ram, có nghĩa là Gò-Sọ, tiếng La tinh là Calvarius: Can-vê). Chúa Giêsu được an táng gần nơi Ngài bị đóng đinh. Từ thế kỷ thứ IV, người ta đã xây một vương cung thánh đường ngày tại nơi Chúa chết và được an táng.

82.     CỨU CHUỘC có nghĩa là gì ?

-          Cứu: giúp thoát khỏi tai nạn.

-          Chuộc: trả giá để nhận lại một vật trước đây đã thuộc về mình.

à     Cứu chuộc: Chúa trả giá bằng máu Ngài để mua lại linh hồn ta.

83.     CỨU ĐỘ có nghĩa là gì ?

-          Cứu: giúp thoát khỏi tai nạn.

-          Độ: cứu giúp; qua sông

à     Cứu độ: Chúa cứu ta, đưa ta từ cảnh nô lệ sang làm con Thiên Chúa.

84.     CỨU RỖI có nghĩa là gì ?

-          Cứu: giúp thoát khỏi tai nạn.

-          Rỗi: tự do; không bị ràng buộc

à     Cứu rỗi:Chúa cứu ta, cho ta được tự do.

85.     CỨU THẾ có nghĩa là gì ?

-          Cứu: giúp thoát khỏi tai nạn.

-          Thế: cõi đời

à     Cứu thế : Chúa cứu vớt mọi người trên cõi đời.

86.     KI-TÔ HỮU có nghĩa là gì ?

-          Hữu: bạn - có

-          Kitô hữu: bạn của Chúa Kitô, có Chúa Kitô trong lòng

87.     TÍN HỮU  có nghĩa là gì ?

-          Tín: tin. Hữu : bạn - có

à     Tín hữu: người tin, người bạn có đức tin.

88.     MÔN ĐỒ có nghĩa là gì ?

-          Môn: cửa (đây là cửa trường)

-          Đồ: học trò

à     Môn đồ: người theo học một vị thầy.

89.     MÔN ĐỆ có nghĩa là gì ?

-          Môn: cửa (đây là cửa trường)

-          Đệ: em

à     Môn đệ: người học trò được coi như em.

90.     ĐỆ TỬ có nghĩa là gì ?

-          Đệ: em. Tử: con

à     Đệ tử: người học trò được coi như con em.

91.     TÔNG ĐỒ có nghĩa là gì ?

-          Tông: Vị tổ đời thứ hai; đồ: học trò.

à     Tông đồ: người học trò trực tiếp của vị thầy, được coi như bậc tổ đời thứ hai.

92.     SA-MA-RI

Sa-ma-ri là một thành phố được xây dựng năm 880 trước công gnuyên để làm thủ đô cùa vương quốc phí bắc (Israel) mới tách khỏi đất nước mà vua Đa-vít thống nhất. Về sau người ta lấy tên thành ấy để gọi cả miền.

Năm -722, người At-xi-ri hủy diệt vương quốc Israel và bắt một phần dân chúng đi lưu đầy. Sau đó họ đưa nhiều chủng tộc khác đến định cư, pha trộn các chủng tộc, khiến cho đời sống tôn giáo bị biến chất. Thời Chúa Giêsu, người Do Thái coi thường người Sa-ma-ri là lai căng và lạc giáo, không thèm giao tiếp. Vì thế, khi Chúa nói chuyện với người Sa-ma-ri, người Do Thái bất bình …

 

12 TÔNG ĐỒ.

93.     Phê-Rô:

Tên thật là Si-mon. Là người Ga-li-lê, làm nghề đánh cá ở Ca-pha-na-um trên bờ hồ Ti-bê-ri-a. Có người em là An-rê cũng là môn đệ Chúa. Phê-rô là người chân thật, bộc trực quảng đại, nhiệt tình. Ngài được Chúa đặt tên cho la Kê-pha (nghĩa là đá), và được đặt làm đầu nhóm 12 tông đồ. Khi Chúa Giêsu bị bắt, Phê-rô hoảng sợ chối Chúa 3 lần. Chúa đã nhìn ngài. Sau khi Chúa sống lại, Phê-rô là trụ cột của Hội Thánh tại Giêrusalem. Mọi người trong Hội Thánh đều nhìn nhận quyền lãnh đạo tối cao của ngài.

Ngài bị bắt ở Giêrusalem 2 lần. Lần thứ 2 vào năm 41, sau khi thánh Gia-cô-bê tử đạo. Năm 49 ngài chủ tọa công đồng Giêrusalem.

Trong cuộc bách hại của vua Nê-rô năm 64, Phê-rô bị kết án tử hình tại Rô-ma, được an táng tại đồi Va-ti-can. Thế kỷ IV, trên đồi này, vua Công-tăng-ti-nô đã xây vương cung thánh đường đầu tiên của Hội Thánh tức là đền thờ thánh Phê-rô ngày nay. Bàn thờ của đền thờ này nằm ngay trên ngôi mộ thánh Phê-rô.

94.     An-rê:

Em của Phê-rô, cũng làm nghề đánh cá, lúc đầu là môn đệ Gio-an Tẩy Giả. Ông chết ở Hy Lạp, bị đóng đinh trên một khổ giá hình chữ X.

95.     Gia-cô-bê:

Quen gọi là Gia-cô-bê Tiền, vì được kể tên trước, là anh của Gio-an. Cả hai được Chúa gọi “Con của thiên lôi”. Là một trong ba môn đệ thân tín nhất của Chúa. Ông là người đầu tiên trong nhóm 12 đã chết vì Chúa: ông bị chém đầu thời Hê-rô-đê Ac-ríp-pa giữa năm 41-44.

96.     Phi-líp-phê:

Quê ở Bét-sai-đa; đừng lẫn với vị phó tế cùng tên trong sách Công vụ tông đồ.

97.     Ba-tô-lô-mê-ô:

Là bạn của Phi-líp-phê. Ông bị giết vì Chúa, bị lột da sống.

98.     Tô-ma:

Biệt danh là Đi-đi-mô nghĩa là “Sinh đôi”. Ông đã thọc tay vào lỗ đinh và cánh sườn của Chúa Kitô phục sinh. Có tài liệu nói ông đã đem Tin Mừng đến tận Ấn Độ.

99.     Gia-cô-bê:

Con của An-phê, khác với Gia-cô-bê “người anh em của Chúa” mà Mc15,40 gọi là Ga-cô-bê thứ.

100.            Giu-đa:

Cũng có tên là Ta-đê-ô.

101.            Si-mon:

Biệt danh là “nhiệt thành” có lẽ ông xuất thân từ nhóm Do Thái kháng chiến chống đế quốc Rô-ma.

102.            Giu-đa Ít-ca-ri-ốt:

Tin Mừng Gio-an gọi ông  là kẻ tham tiền và ăn cắp. Ông nộp Chúa cho đối phương để nhận 30 đồng bạc. Ông chết thảm thương.

103.            ĐỆ TỬ VIỆN, ĐỆ TỬ

-      Viện: trường sở; đệ tử: con em

à     Đệ tử viện: Trường dạy những con em muốn dâng mình làm tu sĩ hoặc nữ tu.

à     Đệ tử: học sinh của đệ tử viện.

104.            TẬP VIỆN, TẬP SINH

-      Tập sinh : những người đã được nhận vào tập sống đời tu sĩ hoặc nữ tu, thường là 2 năm trước khi khấn dòng lần đầu.

-      Tập viện : Trường dành cho các tập sinh (Cũng gọi là Nhà Tập)

105.            CHỦNG VIỆN, CHỦNG SINH

-      Chủng : Trồng; viện : Trường sở

à     Chủng viện : Trường ươm trồng người (chuẩn bị làm linh mục)

à     Tiểu chủng viện : Dành cho học sinh trung học.

à     Đại chủng viện : dành cho sinh viên, học 6 hoặc 8 năm về triết học và thần học.

à     Chủng sinh : Học sinh chủng viện.

106.            HỒI SINH, TÁI SINH, PHỤC SINH

-      Sinh : sinh ra, sống

-      Hồi : trở về

-      Tái : lần thứ hai

-      Phục : lấy lại

à     Hồi sinh : tưởng đã chết nhưng rồi tỉnh lại

à     Tái sinh : sinh ra lần thứ hai

à     Phục sinh : lấy lại sự sống đã mất

Khi Chúa Giêsu phục sinh, Ngài không chỉ lấy lại sự sống cũ của thể xác mà còn đưa nó lên một cấp độ hoàn toàn mới, thuộc về vũ trụ của ơn cứu độ.

107.            MỘ CHÚA

Vào thời Đức Giêsu, mộ người Do Thái là những hầm nhỏ đào trong đá hoặc sắp xếp trong các hang động. Thi hài được đặt trong các hốc đá hoặc trên các ghế dài. Có một cầu thang ngắn để xuống mộ. Cửa mộ hẹp và thấp được đậy bằng một thớt đá lớn. Phía ngoài được quét vôi trắng để người ta biết mà tránh (ai đụng vào mồ mả sẽ bị ô uế). Các ngôi mộ thường được tập trung bên ngoài thành phố, chẳng hạn mộ của dân thành Giêrusalem tập trung ở đồi Gôlgôta. Tại đây, ông Giuse quê ở Arimathê có một ngôi mộ mới. Ông đã an táng Đức Kitô ở đó.

Buổi sáng phục sinh, các phụ nữ ra thăm mộ Chúa thì thấy mộ trống, thi hài Chúa không còn ở đó nữa… Ngày nay, tại địa điểm ấy có một nhà thờ mang tên Mồ Thánh.

108.            LỄ VƯỢT QUA CỦA NGƯỜI DO THÁI

Lễ Vượt Qua được cử hành trong bữa ăn gia đình. Mở đầu người trẻ tuổi nhất nêu câu hỏi : “Thưa ba, nghi thức này có ý nghĩa gì vậy?” Người cha đáp : “Đây là để tưởng nhớ việc Chúa đưa chúng ta ra khỏi Ai Cập. Chúa không chỉ cứu cha ông chúng ta xưa, mà còn cứu cả chúng ta nữa…”

Mỗi người đều phải coi như chính mình được Thiên Chúa cứu thoát khỏi ách nô lệ để dâng lời tạ ơn Chúa, đồng thời cũng mong chờ những sự giải cứu mới, cho tới ngày các thế lực sự dữ hoàn toàn bị bẻ gẫy.

109.            CUỘC VƯỢT QUA CỦA ĐỨC KITÔ

Bữa Tiệc Ly diễn ra trong bầu khí bữa ăn Lễ Vượt Qua.

Đức Giêsu ban cho môn đệ được ăn Mình Ngài và uống Máu Ngài dưới hình dạng bánh và rượu. Đó là dấu chỉ giao ước mới mà các tiên tri đã báo trước. Giao ước bằng máu nối kết Thiên Chúa với loài người, sẽ được thực sự ký kết bằng cái chết của Đức Giêsu vào chính giờ trong đền thờ đang tế chiên Vượt qua.

Lễ Vượt Qua mới của Đức Kitô được diễn tả nơi việc Ngài phục sinh, chiến thắng sự chết và tội lỗi. Nhờ đó Đức Giêsu Kitô tỏ mình là Con Thiên Chúa và mở ra kho tàng viên mãn của đời sống trong Thiên Chúa cho mọi người.

 

110.            LỄ PHỤC SINH

Ngay từ đầu, các Kitô hữu đã biến mỗi ngày Chúa Nhật, “ngày đầu tuần” thành một ngày kỷ niệm Chúa phục sinh. Từ thế kỷ 2, Hội Thánh cử hành lễ Phục sinh hằng năm dựa theo ngày rằm đầu xuân như Lễ Vượt Qua Do Thái. Sau đó việc định ngày có nhiều nơi không thống nhất. Ngày nay, Hội Thánh Chính Thống Giáo cử hành Lễ Phục Sinh không trùng ngày với Hội Thánh CôngGiáo, còn trong Hội Thánh Công Giáo và các cộng đoàn Tin Lành thì cử hành cùng một ngày. Đó là ngày Chúa Nhật sau ngày rằm sau ngày xuân phân (21 tháng 3, dương lịch) 

111.            CHÚA LÊN TRỜI

Sau khi sống lại, Chúa hiện ra với các tông đồ nhiều lần. Lần cuối cùng được đánh dấu bằng việc Ngài rời khỏi các môn đệ : Ngài được đưa lên trời trước mắt các ông.

Những người thấm nhuần Kinh Thánh sẽ hiểu ngay ý nghĩa của sự việc : Lên trời không phải là bay lên một nơi nào đó trong không gian, nhưng là “lên với Đức Chúa Trời”, tức là đi vào trong vinh quang của Thiên Chúa. Ta không còn thấy Chúa Giêsu bằng mắt ta nhưng Ngài đang ở với ta mọi nơi mọi lúc.

112.            NGÔI VỊ LÀ GÌ ?

Đây là một từ triết học khó. Để bạn dễ hiểu và dễ nhớ, có thể nói cho vui và cũng rất đúng rằng ngôi vị là một vị ngự trên ngôi, là một vị đáng tôn trọng.

Mỗi người là một ngôi vị, là một người chủ có ý thức và tự do, đảm nhận chính bản tính con người của mình. Nhờ là một ngôi vị, mỗi người có thể tự xưng với người người khác là “tôi”.

Các con vật không thể tự xưng là “tôi”. Chúng không có ngôi vị, vì chúng không có ý thức và tự do, không có khả năng làm chủ.

Ngôi vị con người gọi là “nhân vị”.

Mỗi thiên thần cũng là một ngôi vị.

Mỗi ngôi vị đều độc đáo, không thể thay thế, không thể đồng hóa với ngôi vị khác được. Tất cả các ngôi vị con người và thiên thần đều do Thiên Chúa tạo ra, theo hình ảnh của ngôi vị Thiên Chúa. Nhờ là hình ảnh Thiên Chúa , các ngôi vị con người hoặc thiên thần giúp ta hiểu phần nào về các ngôi vị Thiên Chúa.

113.            BỐN SINHVẬT

Bạn có biết tại sao thánh sử Maccô được tượng trưng bằng con sư tử ? ba vị kia được tượng trưng như thế nào ? Tại sao ?

Sách Êdêkien mở đầu bằng một cảnh tượng lạ mà vị tiên tri được thấy: vinh quang Thiên Chúa ngự đến trên một chiếc xe do 4 sinh vat kéo. Mỗi sinh vật đều có 4 mặt: mặt người , mặt sư tử, mặt bò và mặt phượng hoàng (Ed 1, 10). Sách Khải huyền của thánh Gioan tông đồ cũng nói tới 4 sinh vật trên (Kh 4,7), nhưng mỗi sinh vật chỉ có một trong 4 khuôn mặt. Trong thị kiến, các sinh vật ấy tượng trưng cho toàn thể vũ trụ.

Người ta cũng lấy 4 khuôn mặt ấy làm biểu tượng cho 4 tác giả sách Tin Mừng, dựa trên đoạn mở đầu của mỗi sách:

à     Mt : mở đầu bằng gia phả Chúa Cứu Thế, kể toàn tên người (mặt người).

à     Mc : mở đầu bằng tiếng kêu trong hoang địa, giữa sa mạc và núi rừng (mặt sư tử).

à     Lc : mở đầu bằng việc dâng bò cừu làm của lễ trong đền thờ (mặt bò).

à     Ga : mở đầu bằng những suy niệm cao vời bay bổng (mặt phượng hoàng).

114.            CÁC SÁCH NGỤY THƯ

Các sách ngụy thư là những sách có vẻ giống như Kinh Thánh, nhưng không được nhận vào sổ bộ Kinh Thánh. Những sách này xuất hiện trong khoảng từ năm 150 trước công nguyên đến năm 200 sau công nguyên.

Trong các ngụy thư Cựu Ước, có thể kể : Sách ông Hê-nóc, tài liệu Đa-mát, chúc thư các tổ phụ, các thánh vịnh của Salômon… các sách này phản ảnh các tin tưởng và hy vọng của người Do Thái vào thời Chúa Giêsu.

Các sách ngụy thư Tân Ước đều ra đời sau các sách trong sổ bộ Kinh Thánh, nhưng cùng một thể loại văn chương :

-          Có các sách Tin Mừng tìm cách thêm thắt nhiều chuyện, chẳng hạn : Tin Mừng theo thánh Phêrô, Tin Mừng theo thánh Tôma, Tin Mừng khởi nguyên theo thánh Giacôbê, Tin Mừng theo thánh Nicôđêmô…

-          Các sách công vụ tông đồ, kể về những cuộc hành trình của Gioan, Tôma, Philipphê, Batôlômêô…

-          Một số lá thư viết ca ngợi một giáo đoàn địa phương nào đó, hoặc để bênh vực cho một giáo thuyết nào đó.

-          Các sách khải huyền.

Nói tóm lại, từ những sách ấy ta khó rút ra được điều gì bổ ích về lịch sử hoặc giáo lý. Chúng chỉ giúp ta biết được những chuyện tò mò và những khuynh hướng lệch lạc của dân chúng hồi ấy.

115.            THẦN KHÍ

Thần Khí là từ ngữ dùng để dịch nghĩa chữ “Ruah” trong tiếng Do Thái. Từ này vừa có nghĩa là tinh thần, vừa có nghĩa là hơi thở, là khí.

116.            THÁNH LINH

- Thánh : thuộc về Thiên Chúa

- Linh : Thần thiêng, linh thiêng, hồn

- Thánh Linh : Đấng Linh thiêng có tính Thiên Chúa

117.            THÁNH THẦN

- Thánh : thuộc về Thiên Chúa

- Thần : Thần khí

- Thánh Thần : Thần Khí của Thiên Chúa

Ngoài hình ảnh “khí” (Ga 3,8), Chúa Thánh Thần còn được diễn tả bằng hình ảnh lưỡi lửa (Cv 2,1-4), nước phát sinh sự sống (Ga 7,29), bồ câu (Mt 3,16).

 

 

 

 

 

 

Ban Giáo Lý Giáo Phận Đàlạt

ngày 10-6-2007