KITÔ GIÁO VÀ NGỘ ÐẠO
THÁNH IRÉNÉE THÀNH LYON

 

IRÉNÉE TRONG GIÁO HỘI THỜI NGÀI

Với Irénée, Giáo Hội xứ Gaule đi vào lịch sử. Tuy nhiên nguyên quán của Ngài lại ở Tiểu Á, như một phần Kitô Hữu của Lyon lúc bấy giờ. Ngài sống thời niên thiếu tại Smyrne, bên Thánh Giám Mục Polycarpe và các "presbyteri" khác (trưởng lão), là những nhân chứng trực tiếp ít nhiều với thời các Tông đồ. Xuất thân từ môi trường Kitô giáo kỳ cựu, Irénée không phải là người trở lại như Justin, nhưng là người đã được cắm rễ sâu vào Giáo Hội, có một ý thức Kitô giáo vững mạnh khiến cho toàn bộ tư tưởng của Ngài có một sự chắc chắn hơn nhiều so với các nhà Hộ Giáo đương thời, và rất quân bình trước những giáo lý sai lạc đang lan tràn ở Tiểu Á.

Môi trường Irénée xuất thân chịu ảnh hưởng rất sâu đậm của Thánh Phaolô và Thánh Gioan. Irénée là nhà thần học đầu tiên sử dụng các thư của Phaolô một cách có hệ thống, coi đó như nguồn suối thần học, và góp phần phổ biến các tác phẩm của Gioan ở Tây Phương. Ngài coi việc mình gắn bó với các Tông Ðồ qua các "Trưởng lão", nhất là Polycarpe, một môn đệ của Gioan, là điều hết sức quan trọng. Khi đó truyền thống Tông Ðồ đang còn được cảm nghiệm như một thực tại gần gũi và sống động, và Irénée sẽ là nhà thần học đầu tiên về "truyền thống" Giáo Hội, truyền thống theo nghĩa là sự thông truyền đức tin cách trực tiếp, sống động, một đức tin được sống và như được tái khám phá từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Ở Smyrna, Irénée hẳn có dịp tiếp xúc với nhiều luồng giáo thuyết và tôn giáo, đặc biệt những luồng bên lề Kitô giáo hoặc ngay cả hoàn toàn phi chính thống, trước đó Ngài đã quan tâm tới Ngộ đạo thuyết mà một trong những trung tâm của nó ở thế kỷ thứ II là Tiểu Á, chẳng hạn thuyết Marcion (lấy tên của Marcion, tiền bán thế kỷ thứ II, thuyết của ông có những nét giống Ngộ đạo) hoặc thuyết Montan (montanisme- Lấy tên của Montan, hậu bán thế kỷ thứ II: là một trào lưu "đặc sủng" - charismatique, ly khai với Giáo Hội). Ngoài ra, ảnh hưởng Do Thái - Kitô giáo (judéo-chrétienne) vẫn còn tồn tại ở Tiểu Á; điều này có lẽ cho chúng ta hiểu được tại sao Irénée gắn bó với niềm tin của phái Thiên Niên, dù Ngài nhìn nhận rằng niềm tin đó không phải là cách giải thích duy nhất rút từ sách Khải Huyền của Gioan trong Giáo Hội thời bấy giờ. Như vậy, Irénée ở vào thời điểm giao lưu của nhiều luồng tư tưởng và Ngài là văn sĩ duy nhất của thế kỷ II mà chúng ta còn giữ được những tác phẩm liên quan đến những vấn đề giáo lý quan trọng trong Giáo Hội thời Ngài.

Những Kỷ Niệm Thời Thơ Ấu của Irénée
Irénée thụ huấn với Thánh Giám Mục Polycarpe ở Smyrne

"Tôi nhớ rõ về thời ấy hơn là về những biến cố gần đây, vì những điều tôi học biết thưở thơ ấu lớn lên cùng với tâm hồn tôi, là một với tâm hồn tôi, nhờ đó mà ngày nay tôi có thể nói rõ chỗ thầy Polycarpe vinh phúc đã ngồi để giảng dạy ở đâu, những lối vào ra của Người, cung cách sống của Người, diện mạo của Người, những cuộc nói chuyện của Người với cộng đoàn, Người đã kể lại làm sao những mối liên hệ của Người với Gioan và với những người khác, là những kẻ đã nhìn thấy Chúa, Người nhớ lại như thế nào về những lời lẽ, những điều họ nói với Người về Chúa, về các phép lạ và về giáo huấn của Ngài: Polycarpe đã lãnh nhận tất cả những điều ấy từ cá thị-chứng-nhân của Lời sự sống làm sao và thuật lại đúng với Thánh Kinh như thế nào. Cả về những điều này nữa, nhờ lòng thương xót Chúa, tôi đã ân cần lắng nghe và lưu ký, không phải trên giấy tờ mà là trong trái tim tôi. Và mãi mãi tình yêu Chúa , tôi nghiền ngẫm thực sự những lời ấy và có thể đoan chứng trước Thiên Chúa rằng" Nếu vị trưởng lão (presbyte), người tông đồ vinh phúc ấy, đã nghe thấy điều gì tương tự như điều này (tức là các giáo thuyết ngộ đạo), hẳn Người sẽ kêu lên và bịt tai lại, hẳn Ngài sẽ nói như kiểu người thường nói: Ôi lạy Chúa! Các người còn để ta phải chịu đựng điều đó đến bao giờ nữa! Và dù đang đứng hay ngồi, hẳn người sẽ lập tức rời bỏ nơi mà người nghe thấy những giáo thuyết như thế. Vả lại, người ta có thể chứng minh điều đó qua thư từ người gửi cho các giáo đoàn lân cận để củng cố hoặc cho một số anh em để cảnh giác và khích lệ họ".

(Thư của Irénée gửi Florius, trong lịch sử Giáo Hội cuốn 20, 4-8 của Eusèbe de Césarée)

IRÉNÉE GIÁM MỤC LYON

Chúng ta không rõ hoàn cảnh nào đưa đẩy Irénée tới Tây Phương, nơi Ngài cư ngụ vĩnh viễn. Dường như Ngài có qua Roma và có lẽ ở đó một thời gian. Ngài quả có biết các truyền thống của giáo đoàn này (chính Ngài đã lưu giữ danh sách các Giám Mục đầu tiên của Roma, từ khởi thủy cho tới thơi Ngài). Ngài cho ta những chi tiết về cuộc hành trình của Polycarpe tới Roma thời Giáo hoàng Anicet, về thái độ của Giáo đoàn Roma trong cuộc tranh luận với các giáo đoàn ở Tiểu Á về ngày mừng lễ Phục Sinh. Ngài cũng biết các tác phẩm của Justin.

Tính duy nhất cần thiết và sự dị biệt chính đáng

Thư của Irénée gửi Victor, Giám mục Roma, liên quan đến cuộc tranh luận về lễ Phục Sinh. Irénée khuyên Ðức Victor hãy có một thánh độ khoan dung hầu bảo vệ sự chính đáng của một số dị biệt về các tập tục bên trong Giáo Hội Công Giáo.

"Một sự dị biệt như thế nơi những người tuân giữ (về việc giữ chay trước lễ Phục sinh) không phải ngày nay mới có nơi chúng ta, nhưng đã xảy ra từ lâu nơi các tiền bối của chúng ta, và thế hệ sau một cách đơn sơ và theo thói quen: dù như thế, tất cả các vị đó vẫn giữ được sự hòa hảo với nhau, còn sự dị biệt về việc giữ chay lại ủng cố sự đồng tâm nhất trí của đức tin.

Các trưởng lão (presbytres) điều khiển Giáo Hội mà ngày nay Ngài cai quản. đã không giữ (luật của các Giáo Hội Tiểu Á) cũng không truyền cho những người thuộc quyền phải giữ, nhưng dù như thế, các vị vẫn giữ được sự thuận hòa với những người thuộc các cộng đồng tuân giữ luật đó, khi các vị đến với họ. chưa từng có ai bị thải loại vì đã giữ như thế. Ngược lại, các trưởng lão tiền nhiệm của Ngài (các Giám Mục Roma tiền nhiệm), dù chính họ không giữ, song đã gửi Thánh Thể đến cho những người thuộc các cộng đoàn tuân giữ luật đó. Chân phúc Polycarpe lưu lại Roma thời Giám Mục Anicet: các Ngài đã tranh luận với nhau, không cãi cọ gì về chuyện này nữa. Anicet không thể thuyết phục Polycarpe đừng theo luật giữ mà Polycarpe đã hằng tuân thủ cùng với Gioan, môn đệ Chúa, và các Tông đồ khác Ngài quen biết. Phần Polycarpe cũng không thuyết phục nổi Ðức Anicet giữ luật đó, vì Ðức Anicet nói mình phải giữ tập tục của các trưởng lão tiền nhiệm: Dù sự thể là như thế, các vị vẫn hiệp thông với nhau và trong nhà thờ. Ðức Anicet đã nhường cho Polycarpe cử hành Thánh Thể hiển nhiên là vì kính trọng, rồi các ngài chia tay trong hòa bình, mọi người hòa hảo với nhau trong Giáo Hội, kẻ giữ cũng như người không giữ luật đó".

(Eusèbe, Lịch sữ Giáo Hội, V. 24, 12-17)

Eusèbe viết thêm:

 "Tên của Irénée thực hợp với người (Irénée tiếng Hy Lạp có nghĩa là: "bình an") và xét về cách sống, Ngài là người tác tạo hòa bình: với cách thức tương tự như thế, Ngài đã khuyên bảo, can thiệp nhằm đem lại hòa bình cho các Giáo Hội. Không phải chỉ với Ðức Victor, mà còn với cả các vị thủ lãnh các Giáo Hội khác, Ngài đã đưa ra những lời lẽ tương tự, qua thư từ, về vấn đề sang sôi động".

Năm 177, chúng ta thấy Irénée có mặt tại Lyon, vào lúc thái độ thù nghịch của quần chúng đối với các Kitô hữu lên cao, dẫn tới cuộc tử đạo của 50 người trong họ. Các tình tiết rất giống với những gì xảy ra ít lâu trước đó tại Smyrne, và đã được thuật lại trong thư gửi Giáo Hội Smyrne về cuộc tử đạo của Polycarpe và các bạn. Một lá thư của các Giáo Hội Vienne và Lyon gửi các Giáo Hội Tiểu Á cũng để lại cho chúng ta một trình thuật cảm động về cuộc bách hại năm 177, lá thư này được viết ngay sau các biến cố. Chính vào thời điểm đó, Irénée lên kế vị thánh Pothin, Giám Mục tử đạo, và sẽ đảm nhận nhiệm vụ này cho tới khoảng năm 200. Phụng vụ cũng tôn kính Ngài là Thánh Tử đạo.

Chúng ta không được biết nhiều về hoạt động Giám Mục của Ngài, ngoài việc Ngài rất nhiều lần dùng thư từ can thiệp với các Giáo Hội khác (Roma, Ðông Phương) trong nhiều cuộc tranh luận khác nhau. Một trong những lần can thiệp nổi tiếng nhất xảy ra dưới triều ÐGH Victor (189-199) nhân có tranh cãi giữa Giáo Hội Roma và các Giáo Hội ở Tiểu Á về việc cử hành lễ Phục Sinh. Ðức Victor có một lập trường cố chấp, hai bên có nguy cơ đi đến chỗ đoạn giao. Bấy giờ Iréné can thiệp mạnh mẽ nhằm đưa đến sự hòa giải: Dị biệt về các tục lệ phụng vụ không làm phương hại đến tính duy nhất, ngược lại nó còn làm nổi bật sự hiệp thông nền tảng trong đức tin; vị Giám mục Lyon nhắc cho Ðức Victor về mẫu gương khoan dung của Polycarpe và Anicet. Tính Công Giáo (catholicité) không phải là tính đồng loạt, đồng dạng (uniformité). Lời kêu gọi vừa kiên quyết vừa bình thản này góp phần, nếu không giải quyết vấn đề, thì ít ra cũng mang lại một tinh thần hòa dịu, điều này cho thấy rõ uy tín của Iréné trong Giáo Hội thời ấy. (Sử gia Eusèbe nhấn mạnh đến tên của Ngài: tên thật hợp với người, vì Iréné trong tiếng Hy Lạp gợi lên sự "hòa bình"). Có thể ức đoán hoạt động truyền giáo của Iréné còn vượt ra ngoài Lyon, nhưng người ta chỉ ghi nhận được sự hiện diện của người Kitô hữu ở Autun vào khoảng cuối thế kỷ thứ II (lời khắc trên bia mộ Pectorius) và sau đó tới thế kỷ thứ III, thấy có sự hiện diện của cả chục tòa Giám Mục ở Gaule.

Iréné tiên vàn là một mục tử, chính những bận tâm mục vụ đã khiến Ngài viết các tác phẩm mà chúng ta còn lưu giữ. Tác phẩm quan trọng nhất, xét về mọi phương diện, thường được gọi là cuốn "Chống lạc giáo", nhưng tựa đề gốc của nó là: "Trình bày và phản bác cái gọi là Ngộ đạo" Tác phẩm này nhằm chống lại sự truyền bá các giáo phái Ngộ đạo tại thung lũng sông Rhône. Có thể coi nó như một thứ "Tổng Luận" chống Ngộ đạo, viết bằng tiếng Hy Lạp, nhưng toàn bộ tác phẩm đó chỉ đến tay chúng ta qua bản dịch Latinh rất cổ xưa và rất sát. Tác phẩm này ảnh hưởng rất rõ trên các thần học gia về sau như Tertullien, Hippolyte thành Roma, hay Athanase.

Bên cạnh khảo luận đồ sộ đó, Iréné còn để lại cho chúng ta một tạp sách nhỏ mang tựa đề "Chứng minh Lời rao giảng Tông Ðồ", được lưu giữ qua bản dịch tiếng Arménie. Trong phần đầu, vị Giám Mục Lyon trình bày một bản toát yếu đặc sắc về giáo lý chống Ngộ đạo ("Lời rao giảng Tông Ðồ"), sau đó tới phần "Chứng minh" Lời loan báo về Ðức Kitô trong Cựu Ước, phần này nhằm đến người Do Thái.

Hai tác phẩm này là những cột trụ của thần học giáo phụ. Ðặt lại trong bối cảnh của chúng, có thể nói đây là công trình của sự sáng suốt trong tri thức đức tin, công trình của sự lành mạnh chống lại thứ thần bí bệnh hoạn của Ngộ đạo, một công trình luôn luôn hiện đại nhờ các viễn tượng thần học của Iréné mang đặc tính hết sức nền tảng. Tuy nhiên có thể phần nào đi vào các viễn tượng đó, thiết tưởng cần phải được hình dung Ngộ đạo thế kỷ II là như thế nào.

"QUI LUẬT ÐỨC TIN" DO THÁNH IRÉNÉ SOẠN THẢO  

"Ðây là qui luật đức tin của chúng tôi, là nền tảng tòa nhà, và là điều đem lại sự vững chắc cho lối sống của chúng tôi:

Thiên Chúa Cha, bất thụ tạo, Ðấng không bị chứa đựng, vô hình, một Thiên Chúa, Ðấng sáng tạo vũ hoàn - Ðó (là) điều khoản trước tiên của đức tin chúng tôi. Nhưng như điều khoản thứ hai: Ngôi Lời của Thiên Chúa, Con của Thiên Chúa, (Ðức) Kitô Giêsu Chúa chúng tôi, Ðấng đã hiện ra với các tiên tri tùy theo loại sấm ngôn của các ngài và tùy theo tình trạng của nhiệm cục cứu độ của Cha, nhờ Người mà mọi sự được tạo thành: hơn nữa, là Ðấng, khi thời đã mãn, đã làm người giữa loài người, hữu hình có thể sờ chạm đến, để thâu họp mọi sự, để tiêu diệt sự chết, làm xuất hiện sự sống và thực hiện sự hiệp thông của Thiên Chúa và của con người.

Và như điều khoản thứ ba:

Thánh thần, Ðấng mà nhờ Ngài các Tiên tri đã tuyên sấm và các Tổ phụ đã hiểu biết những điều liên quan đến Thiên Chúa, và những người công chính được dẫn dắt trong đường công chính và là Ðấng khi thời đã mãn, đã được đổ tràn cách mới mẻ trên nhân loại chúng ta, hầu đổi mới con người trên khắp mặt đất cho Thiên Chúa. Và vì vậy trong sự tái sinh của chúng tôi, phép rửa diễn ra qua ba điều khoản này, (phép rửa đó) ban cho chúng tôi ơn tái sinh trong Thiên Chúa Cha, nhờ Con của Ngài trong Thánh Thần. Vì chưng, những ai mang Thần Khí của Thiên Chúa thì được dẫn tới Ngôi Lời, nghĩa là tới Con; nhưng Con lại trình diện (họ) với Cha, và Cha ban cho (họ) sự bất hoại. Như thế không có Thánh Thần thì không (thể) nhìn thấy Con của Thiên Chúa và không có Con thì không ai có thể tiến gần đến Cha, vì chưng tri thức về Cha, (đó là) Con và tri thức về Con của Thiên Chúa (có được) là nhờ Thánh Thần: còn về Thánh Thần, thì tùy theo ý Cha mà Con ban phát (Thánh Thần) với tư cách là thừa tác viên, cho ai muốn và như là Cha muốn".

(Chứng minh Lời rao giảng tông đồ, 6-7, Sources Chrétiennes, n. 62)


Trở về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà