JEAN CHRYSOSTOME

 

I. MỤC TỬ NHIỆT THÀNH, CON NGƯỜI HÙNG BIỆN.

 

TỪ ÐỜI ÐAN TU ÐẾN VIỆC RAO GIẢNG.

 

Gioan đúng thực là người đồng thời với Theodore. Cũng như ông, ngài sinh ra tại Antioche vào khoảng giữa thế kỷ, nhưng lại chết trước 20 năm. Cha ngài, một sĩ quan rất cao cấp, đã để Anthousa, vợ mình góa bụa vào tuổi đôi mươi. Bà mẹ giàu tình thương này đã cho con mình được hưởng một nền giáo dục tốt đẹp nhất. Bà kiếm cho con một giáo sư tu từ học xuất sắc là Libanus và các thầy dạy đạo, là nhà chú giải Diodore và Giám Mục Mélèce. Nhưng Gioan từ chối nghiệp công danh. Ngài chọn con đường giáo sĩ, và rồi sau đó ngài chọn đời sống Kitô hữu nhiệm nhặt nhất : bốn năm sống cuộc sống cộng đoàn, có lẽ tại Asketerion (cộng đoàn khổ tu) của Diodore, và hai năm sống cô tịch khủng khiếp, là thời gian đã huỷ hoại sức khoẻ của ngài.

 

Trở lại thành phố, ngài được Giám Mục Mélèce truyền chức Phó Tế năm 381 và năm 386 được Giám Mục Flavien, vị kế nhiệm phong chức Linh Mục và đặt làm nhà thuyết giáo của ông giống như Giám Mục Valère đã làm đối với Augustin. Gioan đã tìm ra ơn gọi đích thực của mình trước mặt Thiên Chúa và trước mặt con người, ngài nói : "Chức Linh Mục của tôi là để rao giảng và loan báo Tin Mừng". Ngài sẽ là "Kim Khẩu", Chrysostome, như người ta sẽ gọi ngài vào thế kỷ VI. Có lẽ đây là thời hạnh phúc nhất của đời ngài và hầu chắc là thời phong phú nhất. Ngài giảng Lời Chúa khắp nơi, lúc thuận cũng như lúc nghịch, bằng một lòng hăng say và tài hùng biện hấp dẫn. Ngài giảng dạy nhiều lần mỗi tuần, đôi khi hai giờ liền, một cách dễ dàng : "Việc rao giảng làm tôi khoẻ mạnh. Vừa khi mở miệng ra rao giảng thì mọi mệt nhọc đều tiêu tan". Ngài nuôi dưỡng các linh hồn cũng như bênh vực họ về phần xác khi dân chúng, vì phải chịu sưu cao thuế nặng đã đập phá các bức tượng của hoàng đế, thì ngài đã giảng 21 bài để bênh vực anh em mình trong lúc nguy nan và biện hộ cho lẽ phải của họ nhưng không xu nịnh. Lòng nhiệt thành của ngài còn làm cho ngài trở thành nhà truyền giáo ; ngài lo cho những người Syrie, là những người sống ở ngoại thành và thường không biết tiếng Hylạp, cũng như sau này ngài đã nghĩ đến miền Phénicie, Scythie và nghĩ đến cả những người Goths. Tiếng tăm vị Linh Mục vượt xa ngoài ranh giới Tổng Giáo Phận.

 

TỪ TÒA CONSTANTINOPLE ÐẾN CHỐN LƯU ÐÀY.

 

Năm 397, tại Constantinople, Nectaire, người kế vị khiêm tốn và ốm yếu của Grégoire de Nazianze qua đời. Quan đại thần Eutrope, là người giám hộ đầy thế lực của vị hoàng đế trẻ tuổi Arcadius, đã chọn vị Linh Mục bé nhỏ là Gioan, một người thuộc trường phái Antioche để đảm nhận tòa này, tòa quan trọng nhất của Giáo Hội xét về mặt chính trị, đầy uy thế và giàu có, bất kể Théophile, giáo chủ Alexandrie không đồng ý, và vào năm 398, vị này đành ngậm bồ hòn làm ngọt, đến tấn phong cho đối thủ của mình. Constantinople là nơi diễn thuyết mới cho vị phát ngôn của Thiên Chúa. Nhưng, ngoài việc lo đến Lời Chúa, vị Tổng Giám Mục này còn có rất nhiều bận tâm khác. Trước hết, ngài lập lại trật tự trong Giáo Hội của mình, đang có phần xuống dốc, ngài còn phải làm trung gian hòa giải những tranh chấp các Giám Mục thuộc quyền (Suffragants - Giám Mục Giáo Phận tùy thuộc Tổng Giáo Phận) và bổ nhiệm vào các Tòa trống. Ngài phải quản lý các lãnh địa rộng lớn mà nguồn lợi tức nhằm cung ứng cho nhu cầu của các góa phụ và các trinh nữ. Ðứng trước tình trạng thiếu tài lực và vật lực, trong khi các hoạt động từ thiện lại hướng về những chuyện phô trương bên ngoài. Gioan, được sự trợ giúp đặc biệt của Olympias, một nữ Phó Tế giàu có, đã lập ra những cơ sở tiếp đón người nghèo khổ, đau yếu và kiều cư. Một số vụ việc thuộc phạm vi công bình cũng thuộc quyền tài thẩm của ngài.

 

Ngài chỉ can dự vào đời sống chính trị trong những trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn, trong cuộc xâm lăng của người Goths, hoặc lúc Eutrope bị thất sủng và bị xử vào năm 398, trong khi Nữ hoàng Eudoxie thao túng chính trường. Thái độ cứng rắn không khoan nhượng mà ngài biểu lộ ra trong mọi lãnh vực đã gây nên sự chống đối từ phía các Giáo Sĩ, Giám Mục, đan sĩ cũng như các bà lớn.

 

Vị thế của Gioan suy yếu làm sống lại lòng đố kỵ truyền kiếp của Alexandrie đối với Antioche. Thế là, xoay quanh một vụ đen tối về việc các thầy dòng theo trường phái Origène, Théophile, một Thượng Phụ đáng sợ, sau khi đã bày mưu tính kế từ xa, đã đáp tàu đến Constantinople và đã dễ dàng xúi bẫy triều đình chống lại Gioan, kẻ tự coi mình là Gioan Tẩy Giả. Trong một hội nghị (do Théophile tổ chức) tại biệt thự Chêne ở Chalcédoine gần Constantinople, Giám Mục Gioan từ chối hiện diện đã bị kết án rồi bị đày đi Tiểu Á. Kẻ thù đã không tính đến dân chúng, Eudoxie đã phải triệu người đi đày về, trong khi Théophile bị săn đuổi. Nhưng thử thách đã không làm ngài khôn ra. Triều đình thắng thế. Ðêm kinh hoàng vào dịp lễ Phục Sinh năm 404 đã làm ngài phải vĩnh viễn ra đi : Tới Nicée, Cucuse ở Capadoce, vùng giáp giới Arménie lúc bấy giờ, các mối liên lạc giữa Antioche và Constantinople với vùng này còn tương đối khá dễ dàng. Chúng ta còn giữ được 236 bức thư viết tại đây. Kẻ lưu đày được sự nâng đỡ của Romma, và lại bắt tay vào các hoạt động truyền giáo. Ngài được sai đến tận chân dãy Caucase năm 407 nhưng đã chết dọc đường vì kiệt sức. Những kẻ chống đối ngài mau lẹ bỏ khí giới và ghi tên Gioan vào sổ bộ, là danh sách những người thánh thiện mà Giáo Hội muốn tôn vinh trong phụng vụ.

 

Cyrille dAlexandrie là người nhượng bộ cuối cùng bởi ông là cháu và là người kế vị Théophile và sau này là đối thủ hăng say chống Nestorius. Năm 438, xác của Gioan được đưa về Constantinople trong vinh quang chiến thắng và được mai táng cạnh mộ Eudoxie.

 

Xét về mọi phương diện, Gioan là người đáng tin cậy, hết sức hùng biện và luôn trung thành với chính mình. Vào thế kỷ XVII, người ta gọi ngài là bậc "chính nhân" (honnête homme) vì văn hóa của ngài, ngài mãi mãi là một con người chính trực (homme honnête). Thiết tha với chân lý đến mức cứng rắn, không khoan nhượng. Ngài ghê tởm sự thỏa hiệp, và điều này đem lại nét cao quí cho lời rao giảng của ngài, nhưng đồng thời cũng làm hại đến các trách vụ điều hành của ngài, nhất là tại Constantinople.

 

Giống Basile, ngài là một mục tử lớn, dám nghĩ dám làm và quảng đại, nhưng ngài đã không có được sự khéo léo của bậc đàn anh. Là con người rất khắc khổ, vì xưa là đan sĩ, ngài lên án sự cười đùa, nhưng là nhà quan sát rất kỹ nhân tình thế thái, ngài lại không thiếu khôi hài, hóm hỉnh. Khi thấy một bạn trẻ lịch thiệp mang đôi giày da cột vải lụa, nhón gót mà đi, ngài nói với anh ta : "Giày làm ra là để cho bạn có thể lội bùn. Nếu bạn không đồng ý thì hãy đeo vào cổ hay đội lên đầu cho rồi". Ngày nọ, sau bài nói chuyện của mình, ngài giới thiệu với cử tọa một Giám Mục già ở Antioche ra nói chuyện, ngài nói : Như trong Tin Mừng, "đây là thứ rượu cũ và đáng đuợc trân trọng" được dọn ra "sau thứ rượu xoàng", sau "dòng thác hung hăng cuộn xoáy" "dòng suối chảy êm đềm như dầu chứ không như nước". Chúng ta thử đoán xem !

 

Ðược đưa trở về Constantinople sau thời gian ngắn đi đày, ngài tuyên bố : "Hoàn cảnh đã thay đổi nhưng vinh tụng ca vẫn là một : Nguyện danh Chúa được chúc tụng". Ngài đặc biệt có một tâm hồn mẫn cảm, bị dày vò bởi tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với con người. Ngày nay có lẽ chúng ta thấy các thư của ngài chất chứa quá nhiều tâm sự về tình trạng sức khoẻ yếu nhược của mình, những lời than thở và nước mắt . Nhưng chúng ta phải để ý tới yếu tố thời gian, văn thể và nhất là lòng quảng đại và sự tế nhị tuyệt vời là những yếu tố bù đắp lại. Ngài có tính khí của mình, và là người có tâm hồn, tuy hai điều này không thường xuyên gắn liền với nhau lắm . đây là một trong những khuôn mặt hấp dẫn nhất trong số các Giáo Phụ.

 

 

GIOAN ÐÚNG TRƯỚC VIỆC LƯU ÐÀY.

 

"Chúa ở với tôi, tôi sẽ sợ gì ai ?"

 

Sóng cả dữ dội, ba đào kinh khiếp, nhưng chúng ta không sợ biển cả vùi lấp, vì chúng ta đang đứng trên Ðá Tảng, dẫu biển có cuồng nộ vẫn không thể đập tan Ðá Tảng; dầu sóng có dâng cao thì cũng không thể nhận chìm con thuyền của Ðức Kitô. Chúng ta sợ hãi gì nào ? Hãy nói cho tôi hay. Sự chết ư ? "Ðối với tôi sống là Ðức Kitô và chết là một mối lợi" (Phil. 1, 21). Tù đày ư ? "Trời đất và mọi sự trên đó đều thuộc về Chúa" (Ps 23, 1). Bị tịch biên tài sản ư? "Cũng như chúng ta đã chẳng đem gì vào trái đất này thì cũng chẳng thể mang gì đi" (1Tm 6, 7). Thế gian đe dọa tôi, tôi coi khinh ; thế gian ưu đãi tôi, tôi xem thường. Tôi không sợ nghèo khó, cũng chẳng khát sang giàu. Tôi không sợ chết, tôi chẳng ham sống, nếu không phải là để làm anh em được tấn tới. Chính vì lẽ đó mà tôi cho anh em biết về chuyện đang xảy ra và khuyến khích đức ái của anh em bền lòng tin tưởng.

 

Anh em không nghe Chúa nói lời này sao ? "Khi có hai hay ba người họp nhau nhân Danh Ta, thì Ta ở giữa họ" (Mt 18, 20). Và ở nơi mà một dân đông đảo như thế được hiệp nhất lại bằng mối dây đức ái, Chúa lại chẳng hiện diện sao ? Tôi có được bảo đảm của Ngài : chẳng lẽ tôi lại đặt tin tưởng vào sức riêng tôi ? Tôi có lời Ngài : "Ðấy là chốn tôi nương tựa, là sự yên hàn, là bến bình an của tôi". Nếu cả thế giới có dấy lên, thì tôi có được lời này, tôi xin đọc : Này là thành lũy, là sự yên hàn của tôi. Bản văn nào vậy ? "Ta ở với các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28, 30).

 

Ðức Kitô ở với tôi ; tôi sợ gì ai ? Ngay cả khi sóng biển hay cơn giận dữ của bọn người mạnh thế nổi lên chống tôi, thì những điều ấy tôi coi nhẹ như tơ nhện, có đáng là gì. Nếu không là vì tình yêu đối với anh em, hẳn tôi đã không chối từ ra đi ngay ngày hôm nay. Bởi vì tôi không ngừng nói rằng : "Lạy Chúa, nguyện ý Chúa được thể hiện" (Mt 24, 42). Không phải điều kẻ nọ người kia muốn, nhưng là điều Chúa muốn. Chính đó là thành trì, là đá tảng vững bền, là chốn tựa nương vững chắc của tôi. Nguyện ý Chúa được thực hiện. Nếu Ngài muốn tôi ở lại đây, tôi tạ ơn Chúa. Dù Ngài muốn tôi đi đến nơi nao, tôi chúc tụng Ngài (.) Dù tôi có ở nơi đâu, anh em cũng ở đó, dẫu anh em ở nơi nào, ở đó cũng có tôi. Thân mình không tách lìa khỏi đầu, và đầu cũng không tách khỏi thân. Nếu chúng ta xa cách nhau, chúng ta vẫn hiệp nhất nhờ đức ái và ngay cả sự chết cũng không thể cắt đứt mối dây này. Nếu xác tôi có chết thì hồn tôi sẽ sống và sẽ nhớ đến dân của tôi (.)

 

Anh em là đồng bào của tôi, là những người cha của tôi, là anh em tôi, là con cái tôi, là chi thể tôi, là thân xác tôi, là ánh sáng của tôi, và đối với tôi anh em còn dịu êm hơn cả ánh sáng. Thật vậy, ánh sáng mặt trời không đem đến cho tôi điều gì có thể sánh được với những gì mà lòng mến của anh em mang lại cho tôi. Mặt trời hữu ích cho tôi trong cuộc sống hiện tại, nhưng lòng mến của anh em lại chuẩn bị cho tôi một triều thiên tương lai.

(Hom. "Avant de partir en Exit" 1 - 3

PG 52, 427 - 430, Trad. Liturgie des heures revue)

 

II. GIÁM MỤC LỚN, NGƯỜI CỦA HỌC THUYẾT.

MỘT CÔNG TRÌNH ÐỒ SỘ.

 

Gioan là tác giả dồi dào phong phú nhất của nền văn chương giáo phụ : tác phẩm của ngài chiếm 18 cuốn trong bộ Migne về Giáo Phụ Hylạp. 10.000 cột chữ Hylạp dày đặc cho khoảng 1500 bài viết. Trong số này, tuy có hàng trăm đề mục đang còn bị tranh cãi (Cha De Aldama đưa ra 581 đề mục vào năm 1967) thì cũng thời gian đó, khoảng 100 đề mục mới đã được xuất bản dưới tên của ngài. Năm 1955, cha Vanger đã chẳng khám phá ở núi Athos tám bài giáo lý, công bố có lẽ vào năm 390, đó sao ? Còn hàng trăm bản văn khác đang chờ các nhà phê bình phán quyết hoặc chờ nhà xuất bản chú ý tới. Công trình đồ sộ này dễ phân loại, ít ra một cách tương đối, nhưng xác định niên biểu của các tác phẩm thì lại là điều khó. Người ta thấy trong đó có 11 khảo luận hầu hết là về tu đức : "So sánh giữa vua và người đan sĩ". "Chống những đối thủ của đời đan tu" - "Gởi Théodore" - Gởi một góa phụ trẻ - Về hôn nhân độc nhất - Những sự sống chung đáng ngờ - Gởi Stagire - Về lòng ăn năn - Về hư vinh và về việc giáo dục con cái - Về đức khiết trinh - Về chức Linh Mục. Hai khảo luận cuối cùng quan trọng nhất. Những khảo luận này thường được xếp vào thời gian Gioan sống ở Syrie. Các tác phẩm về giảng thuyết hiển nhiên là phần lớn nhất, chiếm tới 9 cuốn trong bộ 13 cuốn của ấn bản Bénédictine bằng giấy rời (in-folio), được soạn trong suốt 17 năm, tuy niên biểu biên soạn một số bài còn bị tranh cãi rất nhiều. Các bức thư thì mãi về sau mới viết. Bức thư cũ nhất là bức thư ngài cậy nhờ Ðức Giáo Hoàng Innocent, viết năm 404, còn hầu hết là thuộc thời kỳ lưu đày. Mười bảy thư gửi Olympias, vị nữ Phó Tế quảng đại thành Constantinople, làm thành một phần riêng của tác phẩm và là tuyển tập "Các thư linh hướng" xưa nhất (Lettres de direction), tuy rằng tính chất Kitô giáo trong các lá thư đó không được rõ nét lắm. Hai thư khác thực ra là hai tiểu luận : "Về sự quan phòng của Thiên Chúa", "Gửi những kẻ đang phẫn uất" hay đúng hơn đó là "Lá thư Lưu đày", viết từ Cucuse dưa theo chủ đề của triết lý Khắc Kỷ kiểu Socrate : "Không ai có thể làm hại kẻ không tự làm hại mình" ; Số thư từ này, viết trong cảnh cô đơn, khốn khổ, được mài dũa đến độ thái quá, là bằng chứng cuối cùng về văn hoá, tài hùng biện, và lối viết văn kiểu cách của Gioan Kim Khẩu.

 

MỘT THẦN HỌC ÐA DIỆN.

 

Ðứng trước ngoại giáo, Dothái giáo và lạc giáo.

 

Gioan hoạt động trong một thế giới mà phân nửa còn là ngoại giáo, và các tín hữu của ngài vẫn còn bị tiêm nhiễm bởi phần ngoại giáo đó. Vào một số ngày, các Kitô hữu thích trường đua và rạp hát hơn là nhà thờ, những nơi này tổ chức biểu diễn ngay cả vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh và lễ Phục Sinh. Họ thuộc tên tuổi xà ích và tên ngựa hơn là tên các tiên tri, tông đồ, họ thực hành đủ thứ mê tín : Họ mừng năm mới theo lối cũ, mang tiền đồng in ảnh Alexandrie để xua trừ vận rủi. Họ đeo cho con cái bùa chú, lục lạc, dây vải điều, trét bùn từ bể tắm lên trán cũng để đuổi vận xui. Họ tin rằng, ban sáng mà gặp một trinh nữ thì họa đến nơi, còn gặp gái hư hỏng thì đấy là điềm lành. Vị mục tử còn tố giác ảnh hưởng của người Dothái ở Antioche trong tám bài giảng, ngài kêu gọi các tín hữu, những người đã được "nâng lên địa vị làm con", đừng trở xuống hàng "khuyển tộc". Những lời này làm chúng ta chướng tai, và chúng cũng không phải là ngoại lệ. Thực ra ở đây, nhà giảng thuyết chỉ đi theo truyền thống bài-Dothái chung, khi phải đương đầu với sự lôi kéo theo đạo hữu hiệu của các đối thủ của ngài, nhưng so với các Giáo Phụ khác, ngài hơn ở chỗ là chỉ giới hạn vào lãnh vực tôn giáo.

 

Ngược lại, ngài tỏ ra tương đối khoan dung đối với các Kitô hữu lạc đạo. Sự kiện chính yếu là : Gioan đã sống giai đoạn chuyển tiếp từ Kitô giáo chính thống sang qui chế quốc giáo, với khả năng khai thác quyền lực phần đời. Nếu ngài có nại đến đó, thì chỉ sau thời gian dài nhẫn nại mà ngài "đã để cỏ lùng mọc lên cùng với hạt giống tốt", và trên thực tế, giáo huấn của ngài không nhắm tới việc chống lạc giáo. Chỉ có 16 bài giảng "Về tính bất khả thấu đạt của Thiên Chúa", là có phần trực tiếp nhắm vào lạc giáo, và ở đây là phái Anoméen (chủ trương Chúa Con không giống Chúa Cha). Ðể chống lại phái Ariô quá khích hay đúng hơn có khuynh hướng duy lý này, ngài bảo vệ tính chất khôn tả của Thiên Chúa, Chúa Cha và Chúa Con ngang bằng về Ngôi Vị, dù rằng một bên không-được-sinh-ra, một bên được-sinh-ra. 88 bài giảng của ngài về thánh Gioan cũng nhấn mạnh đến thần tính trọn vẹn của Chúa Con, Ðấng "không giảm sút về bản tính khi Ngài đến với chúng ta", "Có sự bằng nhau và hoàn toàn giống nhau". Ngược lại, nếu thỉnh thoảng ngài có nói đến việc Ngôi Lời làm người thì ngài không hề nhấn mạnh đến nhân tính toàn vẹn của Ðức Kitô, về linh hồn lại càng không thấy nhấn mạnh. Ngài thường xuyên nói đến xác phàm. Qua sự thực hiện "nhiệm cục" (économie), có sự "kết hiệp khôn tả và không thể xác định được" của Ngôi-Lời-xác-phàm (Verbe-chair), chứ kkhông có sự "biến đổi bản tính này thành bản tính kia". Ở đây, người ta không tìm thấy dấu hiệu gì của Kitô học được gọi là theo khuynh hướng Antioche, cũng như dấu hiệu về cuộc chiến đấu chống lại bè Apollinaire thời bấy giờ.

 

THÁI ÐỘ BÀI DO THÁI TRUYỀN THỐNG.

 

Kitô giáo phát xuất từ Dothái giáo, một tôn giáo được nhìn nhận là hợp pháp trong đế quốc Roma. Cho đến khoảng năm 60, Kitô giáo là một giáo phái (Secke) của Dothái giáo và cũng nhờ vậy mà được hưởng tính cách hợp pháp. Sau đó các Kitô hữu tách riêng : cũng vì thế họ bị người Dothái thù nghịch và phải hứng chịu các cuộc bách hại, theo từng thời kỳ, từ phía chính quyền Roma.

 

A. Trong suốt ba thế kỷ đầu, mối bận tâm về tín lý của các Giáo Phụ trong toàn bộ tác phẩm của các ngài hoặc trong những khảo luận gửi người Dothái, trước hết là nhằm minh chứng rằng các lời tiên tri trong Cựu Ước được thực hiện trong Ðức Kitô và trong Giáo Hội. Nhưng nếu Justin, trong cuốn "Ðối thoại với Tryphon, người Dothái" hay Cyprien trong "Testimonia" còn dừng lại ở bình diện tư tưởng, thì các tác giả khác thường là nhằm tấn công : "Thư gửi Diongète, sách Nguỵ thư Barnabé" tập "Chống lại người Dothái" của Tertullien, cuốn "Chống lại người Dothái". Và những khảo luận bài Dothái khác của Pseudo-Cyprien, Commodien.

 

B. Ðầu thế kỷ IV, Kitô giáo dần dần trở thành quốc giáo, và kể từ thời Constantin, Dothái giáo là đối tượng của những phân biệt đối xử. Các thần học gia lớn như Eusèbe, Basile de Césarée, Grégoire de Nysse, Augustin ; tất nhiên vẫn tiếp tục cuộc tranh luận về tôn giáo. Những khảo luận bài Dothái trở nên một thứ thời thượng, đến mức có rất nhiều tác phẩm mang đề tựa giả (écrits pseudépigraphiques) cũng lấy tựa đề này, và thường là công kích các nhân vật. Chính trong bối cảnh đó mà vào năm 386 - 387, Gioan đã công bố ở Antioche tám bài giảng, trong đó ngài tố cáo việc người Dothái khước từ Ðấng Mêsia, những hình phạt mà vì đó họ phải chịu, và ngài cũng tố giác những yếu đuối của một vài Kitô hữu đã tham dự các ngày lễ của Dothái giáo. Nếu một vài kiểu nói của Gioan làm ta khó chịu, thì ngược lại, ngài không loại trừ người Dothái khỏi tình bác ái : "Dù người nghèo đó là dân ngoại hay Dothái, nếu họ cần đến lòng thương xót thì anh em đừng do dự. Họ có quyền được cứu giúp !" Chúng ta cũng đừng quên rằng phải đợi mãi đến năm 1959 thì từ ngữ "Sự bội bạc - perfidie" mới không còn trong các lời cầu nguyện ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.

 

v Tình yêu của Thiên Chúa và sự tự do của con người.

 

Gioan nhấn mạnh cùng một lúc tình yêu bao la của Thiên Chúa và sự cộng tác của con người vào chương trình cứu độ. Mặc dù là người thích lấy hình phạt hoả ngục để răn đe nhưng ngài lại không ngừng thốt lên nỗi kinh ngạc của mình trước lòng yêu thương của Thiên Chúa đối với chúng ta. "Chẳng có tình yêu xác thịt nào, dù người đó có yêu mến đến điên cuồng đi nữa, lại có thể cháy bỏng nỗi khát khao người mình yêu như là niềm khát khao của Thiên Chúa đối với phần rỗi linh hồn chúng ta". Lòng nhân ái của Ngài bao dung vô hạn đối với tội lỗi con người, vì tội lỗi cũng hữu hạn như chính bản chất của kẻ phạm tội. Ngài còn đi đến chỗ nói rằng việc hoán cải là "công trình hoàn toàn do ân sủng" để nhấn mạnh cho thấy lòng sốt sắng của con người không đủ, nếu nó không được ơn trên thúc đẩy. Ðúng là như vậy, nhưng "trong thực tế, tất cả đều tùy ở ý chí tự do của chúng ta sau khi lãnh nhận ân sủng từ trên ban cho". Vậy do đâu mà có sự thay đổi ? - Do ý chí tự do. Nói cho cùng, đây mới là nguyên nhân của mọi sự lành cũng như mọi sự dữ. "Nếu (con người) không khởi đầu ước muốn ân sủng, thì ân sủng không được ban, hoặc vẫn vô hiệu lực". "Ðối với linh hồn, chỉ cần ước muốn ân sủng thì mọi sự đã được nâng dậy, uốn nắn". Người ta ít khi thấy phía Latinh dành cho tự do một chỗ đứng như thế, ngay cả trước cuộc khủng hoảng Pélage.

 

Quả đúng là thần học của Gioan không quan tâm đến sự chính xác đến mức như thần học của thánh Augustin, là thần học luôn luôn phải đương đầu với lạc giáo. Thần học của ngài, vì nhằm để giảng cho quần chúng, nên trực tiếp nhắm đến tâm hồn hơn là suy lý. Ðây là cách dạy giáo lý "đơn sơ và dễ hiểu, như ngài nói, dành cho các nữ tỳ, cho góa phụ, cho chủ quán trọ, cho thủy thủ, cho nông dân". Ðiều cơ bản là loan báo tình thương của Chúa, thể hiện trong Ðức Kitô và tha nhân.

 

KIỂU CHÚ GIẢI ANTIOCHE.

 

Việc giảng thuyết của Gioan thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau : diễn từ (discours) tùy tình huống, các bài tán tụng trong các lễ trọng (panégyriques), các bài giảng lễ (homélies) và dủ thể loại giảng (sermons). Không thiếu gì những bài được viết thành hai bản, một bản gãy gọn, không liên tục, có lẽ đây là bản đầu tiên, còn bản kia đã được viết lại, đôi khi được hoàn chỉnh thành một bài chú giải liên tục. Ngoài bảy bản tán tụng thánh Phaolô, còn chỉ nguyên các thư Phaolô cũng đã cung cấp 280 bài giảng lễ (homélies), và qua những bài giảng này, Gioan tỏ cho thấy ngài là nhà chú giải tuyệt vời về các thư Phaolô, đặc biệt là thư Roma. Tuy nhiên, ngài nhạy cảm về bài học luân lý hơn là về nội dung tín lý. Và như thầy của mình là Diodore, ngài đem chú giải vào mục vụ. Ngài phân tích kỹ lưỡng bản văn dưới ánh sáng những dữ kiện ngữ văn học (philologiques) và tâm lý học, nhưng không đi xa hơn bản văn Hylạp của bộ LXX, trừ tập Thánh Vịnh. Ngài xác định chặt chẽ nghĩa đen (sens littéral) của bản văn và những thực tại lịch sử chứa đựng trong đó để rút ra bài học trực tiếp cho cử tọa : Việc Rebecca nói dối (Kn 27) không phải là một "mầu nhiệm" như nơi Augustin, mà chỉ là một sự kiện đơn thuần.

 

Cùng vối thầy mình, ngài sử dụng rất hạn chế lối chú giải gọi là ẩn dụ. Tuy nhiên ngài chấp nhận hình bóng "tiên trưng" (letype), "lời tiên báo được nói lên qua các sự kiện", các biến cố, các sự việc hay các nhân vật, là những điều sẽ tìm thấy thực tại tròn đầy của chúng trong Tân Ước : "Những biến cố xảy ra trong Cựu Ước là hình ảnh tiên trưng của điều xảy đến trong ân sủng". Ngài sửa sai cả thánh Phaolô là người tự cho phép nói đến ẩn dụ về đề tài hai người con của Abraham (Gal 4, 24) "ở đây, điều là tiên trưng (type) thì Phaolô lại gọi là ẩn dụ (allégorie). Ðó không phải là cách xử dụng thông thường từ ngữ này. Ðiều Phaolô muốn nói là thế này : câu chuyện ở đây không phải chỉ công bố điều đã rõ ràng. Nhưng nó còn tỏ cho ta biết một số điều khác nữa, từ đó mới có cái tên là ẩn dụ". Chính dựa trên cái nền tảng rõ ràng là Antioche đó mà Gioan đã vận dụng Kinh Thánh tối đa để xây dựng đời sống luân lý và đạo đức cho các tín hữu của ngài.

 

SỰ HỢP LỰC CỦA THIÊN CHÚA (La Synergie Divine).

 

Ðược Thánh Thần Thiên Chúa làm tăng sức, linh hồn vươn cao, vượt trên cuộc sống ba đào. Nó vượt qua con đường dẫn đến quê trời còn nhẹ nhàng hơn cả chiếc thuyền buồm, vì không phải gió đưa nó đi, nhưng là vì mọi cánh buồm vốn đã giương rộng của nó được căng phồng bởi chính Ðấng Bầu Chữa (Paraclet), Ðấng xua trừ khỏi tâm trí chúng ta tất cả những gì là lơi lỏng, không vững chắc. Gió đâu thế nào phô bày năng lực của nó khi ùa vào một cánh buồm không trương. Chúa Thánh Thần cũng không thể nào ở lại trong tâm hồn buông thả, nhưng Ngài đòi một sự nghiêm túc hết sức, một nghị lực lớn lao. Như vậy cần phải chứng tỏ nhiệt huyết dồi dào bằng cách thực sự dấn thân vào những gì chúng ta thực hiện. Chẳng hạn trong kinh nguyện, chúng ta hãy hành động với niềm xác tín, bằng cách vươn về Trời cao không phải với sự giúp đỡ của thừng chão, nhưng với lòng quảng đại lớn lao. Khi chúng ta cảm thấy lòng chạnh thương đối với người khác, cả ở đó nữa, chúng ta cũng hãy hành động với thật nhiều xác tín, không khi nào để cho những lo toan việc nhà, chuyện chăm sóc vợ, trách nhiệm với con hay nỗi sợ hãi túng nghèo có thể len vào và làm cho cánh buồm rơi xuống. Nếu nhờ niềm hy vọng vào những điều thiện hảo mai sau mà chúng ta luôn trương buồm thì nó tập trung được tối đa năng lực của Thần Khí . Chúng ta cần phải thực sự xác tín, vì chúng ta đang bơi thuyền trên bể rộng biển sâu, đầy những quái vật và đá ngầm. Chúng ta muốn vượt biển dễ dàng và không gặp nguy hiểm ư ? Hãy trương buồm lên, tức là ý chí tự do của chúng ta, thế là đủ.

Sur lEp. Au Hebreux, Hom. 34, 3.

PG 63, 235 - 236. Trad. Fr. Leduc.

 

Gioan nhấn mạnh trên sự cộng tác của con người với Thiên Chúa. "Nếu chúng ta đem tới phần đóng góp của chúng ta, chúng ta sẽ được hưởng lợi ích rất nhiều từ sự hợp lực của Thiên Chúa" (Sur la Gen., Hom. 52, 2 ; PG 54, 146). "Vấn đề không phải chỉ là tình yêu hay là nhân đức của ta, nhưng là cả hai cùng một lượt" (Sur lEx. Aux., Hom. 1, 2 ; PG 62, 12).

 

NHỮNG GIỚI HẠN CỦA PHƯƠNG PHÁP ẨN DỤ.

 

"Vì vườn nho Chúa các cơ binh (Seigneur Sabaoths) là nhà Israel và người chi tộc Giuda là cây nho được sủng ái. Ta đã chờ đợi nó sự phân biệt thị phi và nó đã phạm tội bất công : thay vì đức chính trực đó lại là những tiếng kêu la". Sau khi dùng nhiều cách diễn tả ám dụ (métaphoniques) như vườn nho, tháp canh, bồn ép, giậu rào, làm cỏ, tỉa cành, vì sợ có kẻ nào trong số người đồng thời với ông ngu ngốc tưởng rằng đó chỉ là chuyện về vườn nho, ông đã lưu tâm giải thích tất cả. Ông nói : "Vườn nho của Chúa các cơ binh ấy là nhà Israel". Ý ông muốn nói rằng, đây không phải là chuyện về cây cối, hay về miếng đất trơ lì, không phải về đá hay tường rào mà là về dân các người.

 

Ở đây, chúng ta còn gặp một bài học khác không phải là không quan trọng. Bài học nào thế ? Ðó là bài học dạy chúng ta biết khi nào và đối với đoạn nào trong Sách Thánh Kinh thì phải sử dụng phép ẩn dụ. Nó cũng dạy chúng ta biết rằng chúng ta không phải là chủ những qui tắc đó khi sử dụng lối giải thích ẩn dụ thì cúhg ta phải đi đúng theo ý tưởng của Thánh Kinh. Ðiều tôi muốn nói là thế này : Ở đây Sách Thánh đã dùng các tiếng : cây nho, giậu rào, bồn ép, nhưng không để thính giả tùy tiện muốn áp dụng những từ ngữ này vào các sự vật hay nhân vật thế nào tùy ý, vì ngay sau đó Sách Thánh diễn giải : "Vườn nho Chúa các cơ binh ấy là nhà Israel". Cũng vậy, khi Ézéchiel nói đến con Ðại Bàng với đôi cánh rộng bay đến núi Liban và lấy đi ngọn cây hương bá, thì ngài cũng không để người nghe được tự do giải thích ẩn dụ này theo như họ muốn, nhưng chính ngài nói rõ ai là chim Ðại Bàng, ai là cây hương bá.

 

Về phần Isaia, tiếp sau diễn từ của mình, ông nói : "Ngài khiến cho một dòng sông cuồn cuộn dâng lên chống lại đất Giuda", và để người nghe không thể nào áp dụng bản văn vào nhân vật họ chọn theo cảm nghĩ riêng của mình, ông nói rõ vị vua mà ông đã dùng chữ "Dòng sông" để chỉ là vị vua nào. Qui tắc thường hằng của Thánh Kinh đó là khi Thánh Kinh dùng ẩn dụ thì cũng đưa ra lời giải thích ẩn dụ, để cho ước muốn vô độ của những kẻ chẳng am hiểu gì về các ẩn dụ không thể đi vơ vẩn, lung tung, chẳng đi đến đâu cả.

(Sur Isaia 5, 3 (Is 5, 7) SC no. 304,

p. 223 - 225, trad. J. Dumortier).

 

III. NHÀ LUÂN LÝ VÀ THẦY DẠY ÐƯỜNG THIÊNG LIÊNG.

MỘT NỀN TU ÐỨC VỀ CÁC BẬC SỐNG.

 

Người ta đã nói hàng ngàn lần rằng Chrysostome không phải là nhà thần học nhưng là nhà luân lý. Trước hết, trong lãnh vực luân lý, ngài là một chuyên gia về các bậc sống : Ðời sống đan tu, linh mục, trinh nữ, hôn nhân, góa bụa . Ngài khởi đầu từ đời sống đan tu, là điều sẽ chiếm một vị trí đáng kể trong tất cả đời sống của ngài, chứ không chỉ dừng lại ở những khảo luận chuyên biệt, chẳng hạn trong các bài giảng 60 và 70 của ngài về Tin Mừng theo thánh Matthêu. Với kinh nghiệm về đời sống khổ tu và đồng thời với nền văn hóa cổ điển đã được hấp thụ. Trước hết, ngài kiên quyết bênh vực người đan sĩ. Sinh ra trong một thành phố đầy dẫy khoái lạc, Gioan bị ám ảnh - trong toàn bộ tác phẩm của mình - về biếm họa giàu sang gắn liền với tội lỗi nơi con người. Sự cô tịch là phương thế quan trọng đem lại ơn cứu độ và là con đường đảm bảo nhất. Mọi gia đình cần phải gởi con cái mình tới nơi cô tịch, ít là trong một thời gian. Chúng sẽ tìm gặp được ở đó một sự giáo dục và đào tạo hơn hẳn lối giáo dục trẻ em của Hylạp. Ngài mời gọi Théodore kiên trì ở đó, Démitriu hay Stéléchius thì hãy tĩnh tâm mà ăn năn hối lỗi, ông Stagire tội nghiệp bị ma quỉ hành khổ và hoàn toàn bị suy sụp thì hãy cố mà hiểu ý nghĩa của thử thách . trong sự tự do hoàn toàn của mình, người đan sĩ hơn hẳn một ông vua, sánh ngang với các thiên thần. Khốn cho kẻ nào chống lại đời đan tu. Quả đúng là người ta có thể trốn vào sa mạc vì lòng khinh chê bản thân hay những người khác. Nhưng thường xuyên hơn, làm đan sĩ là để thay mặt cộng đoàn mà cầu nguyện, mà tiếp đón, mà lo lắng việc truyền giáo. Qua đức khiết tịnh và nghèo khó, đan sĩ là dấu chỉ Nước Trời.

 

Gioan bênh vực người đan sĩ rải rác trong các tác phẩm, ngược lại chức Linh Mục là đề tài cho một cuộc đối thoại dài, được soạn kỹ lưỡng, gồm 6 cuốn, trong đó người Linh Mục - không phân biệt rõ với Giám Mục - được ca tụng nồng nhiệt về phẩm chức của mình, một phẩm chức đặt Linh Mục vào "Hàng các phẩm trật trên trời", nhất là qua việc cử hành Phụng Vụ Thánh Thể và các Bí Tích, ca tụng về tác vụ rao giảng đầy đòi hỏi, khiến Linh Mục sánh ngang với thánh Phaolô, và về trách nhiệm chăm sóc các linh hồn, vì điều này đặt Linh Mục lên trên những người sống độc thân khác, trong khi vẫn "lao mình vào cả những công việc của thời đại". Tuy nhiên, Gioan là người thực tế : Ngài không giấu diếm những mưu đồ đang bắt tay nhau rình rập các Tòa trống ngôi. Linh Mục vẫn là một con người. Hai mươi năm sau, ngài lên tiếng cảnh giác về sự "nguy hiểm lớn lao" của cái trách vụ nặng nề" này và khuyên những kẻ bị gánh nặng đó đe dọa thì hãy lo mà trốn tránh. Khảo luận "Về Ðức Trinh Khiết" ca ngợi sự vẹn toàn của thân xác, sự khiết tịnh của tâm hồn, và việc thánh hiến cho đức Kitô : Trinh khiết là sự khởi đầu đời sống mai hậu. Nhưng Gioan không bao giờ quên thực tế con người và tuyên bố chống lại việc các trinh nữ sống chung cùng nhà với các đan sĩ hoặc với giáo sĩ dù có ý hướng tốt lành nhất. Nhớ lại thư 1Cor 7, 38, dĩ nhiên ngài xếp bậc đồng trinh trên bậc hôn nhân, nhưng ngài đề cập đến bậc sống hôn nhân bằng những từ ngữ thật đáng kinh ngạc. Tuy không còn coi phụ nữ như một "quả bóng da dơ bẩn" như trong tiểu luận "Gửi Théodore", và đã coi sự kết hợp trong hôn nhân là hợp pháp, nhưng ngài cũng vẫn chỉ nghĩ tới những "cực nhọc và phiền nhiễu" của hôn nhân, tới những thằng bé thò lò phải lau nước mũi, hay cùng lắm tới việc làm dịu bớt "bản tính đang phát khùng". Thậm chí ngài còn mạnh mẽ đả kích lại việc chẳng đặng đừng ấy nữa : có như thế mới dễ dàng an ủi những "góa phụ trẻ" và mời gọi họ, nói chung, "đừng tái giá nữa" . Ở chỗ khác ngài nói người vợ có tốt chăng là để giúp người đàn ông, để "ông ta có thể chống lại hiểm nguy đang đe dọa". Nhưng cũng chính trong bài chú giải đó về sách Khởi Nguyên, ngài đã Cappadoce ngợi vợ chồng được kết hợp với nhau như xác với hồn, một sự hoà hợp trọn hảo. Trong bài giảng thứ tư về Ozias, ngài trình bày thật dài và thật hùng hồn sưu tập Kinh Thánh thật đẹp về những người lập gia đình, chẳng hạn như Phêrô là "người tình si mê đức Kitô" (.) đã quăng lưới xuống biển và chài lưới loài người, con người đó đã chẳng có một người vợ hay sao ? Ở chỗ khác, ngài còn thấy Ðức Kitô và các thiên thần tới dự đám cưới của người Kitô hữu nữa. Qua thư thánh Phaolô gửi người Êphêsô, ngài ca ngợi tình yêu thương lẫn nhau, hình bóng của Ðức Kitô và của Giáo Hội. "Ai có được những cái nhìn như thế khi lấy một người đàn bà làm vợ thì không hề kém những người sống độc thân, ai lập gia đình như thế thì không hề kém người không lập gia đình". Ngài đã có thể trở thành vị thầy hướng dẫn đường thiêng liêng cho giáo dân.

 

TÂM HỒN NGƯỜI LINH MỤC.

 

Tâm hồn người Linh Mục phải tỏa sáng giống như ngọn đuốc chiếu soi toàn mặt đất : tâm hồn chúng ta đã bị vây phủ bởi bóng tối phát sinh từ một lương tâm đau khổ, dằn vặt, đến nỗi nó không ngừng ngập chìm trong bóng tối đó và không còn có thể ngước đôi mắt tin tưởng nhìn lên thầy mình.

 

Các Linh Mục là muối đất : nhưng ai sẽ là người dễ dàng chịu đựng sự dại khờ của chúng tôi, sự thiếu kinh nghiệm của chúng tôi trong mọi việc nếu không phải là anh em, những người đã quen yêu thương chúng tôi quá đỗi ? Thật vậy, đâu phải Linh Mục chỉ cần là người tinh toàn để được coi là xứng đáng với một chức vụ như thế, ngài còn phải là người rất khôn ngoan và kinh nghiệm. Ngài không thể kém hơn người sống ngoài đời trong sự am hiểu nhân tình thế thái. Nhưng ngài phải giữ mình xa khỏi mọi chuyện đó hơn người đan sĩ đã lên tới những miền núi cao. Vì ngài phải sống cùng với những người có gia đình, nhưng kẻ nuôi con, những người sở hữu nhiều tôi tớ, những kẻ rất đỗi giàu sang, những người cai quản việc nước, những người giữ trách nhiệm quan trọng, nên ngài phải là người quyền biến, tôi không nói là lừa đảo, xu nịnh hay giả hình, nhưng tràn đầy tự do và tin tưởng, biết sẵn lòng giúp đỡ người khác cách hiệu quả, khi hoàn cảnh đòi buộc, biết đồng thời là người tốt bụng và không tự mãn. Thật vậy, không thể nào đối xử với hết những người dưới quyền mình theo cùng một cách, bởi vì, cũng như người thầy thuốc không thể áp dụng một cách điều trị duy nhất cho tất cả các bịnh nhân của mình, hay như người hoa tiêu không thể chỉ biết một cách duy nhất để chống chọi với phong ba, lý do là vì những cơn bão tố thuờng xuyên vây bổ con thuyền đâu phải chỉ ập đến từ bên ngoài mà còn cả những cơn bão thổi từ bên trong. Chúng đòi hỏi rất nhiều uyển chuyển và sáng suốt. Tất cả những chuyện khác nhau này chỉ có duy một mục đích : Vinh danh Thiên Chúa và xây dựng Giáo Hội.

(Sur le Sacerdoce, VI, 5, SC no. 272,

p. 318 - 321, trad. A.M. Malingrey).

SỰ THÁNH THIỆN CỦA BẬC GIÁO DÂN.

 

Gioan không chỉ dành riêng sự thánh thiện cho những người sống độc thân và các trinh nữ, mà ngài rất đề cao. Lý tưởng Phúc Âm được gửi tới mọi người, trong sự toàn vẹn của nó. Ngài nói : "Thật là một sai lầm khủng khiếp nếu nghĩ rằng người đan sĩ phải sống cuộc đời hoàn hảo hơn, trong khi người khác không phải sống tiết chế (.) Người sống ở đời và người đan sĩ có bổn phận đạt tới cùng một đỉnh trọn lành". Bậc sống hôn nhân phân biệt họ là giáo dân, nhưng không vì thế mà họ ít được mời gọi hơn đến "các mối phúc thật mà Ðức Kitô đã công bố". "nếu không thì thế giới sẽ sụp đổ". Lối sống có khác nhau, nhưng cả họ nữa, họ cũng phải tránh "tính toán lặt vặt" "làm tất cả vì yêu Chúa". Không nên giới hạn việc cầu nguyện vào thời gian qui định nhưng, "hãy đem lòng khao khát và tưởng nhớ Chúa vào trong mọi công việc của mình". Như thế "giống như hạt muối", tình yêu Chúa sẽ là gia vị biến tất cả nên của ăn ngọt ngào dâng lên Chúa. Ngài nói với từng người lời kêu gọi : "Bạn là công nhân ư ? Hãy hát Thánh Vịnh lúc ngồi làm việc. Nhưng bạn không thể hát lớn tiếng ư ? Hãy hát thầm trong trí. Bạn có thể ở trong xưởng thợ của mình như trong một đan viện". Ngài gửi lời kêu gọi đó tới "người phụ nữ đang cầm thoi dệt vải (.), tới người đàn ông đang vội vã đến công trường (.) tới người đang may da thuộc". Một người giúp việc, khi không được đến nhà thờ, có thể cầu nguyện chăm chú và cầm trí chính trong khi mua sắm, khi đi lại, khi phụ giúp đầu bếp. Gioan cổ vũ giáo dân đọc Thánh Vịnh : vì phải đương đầu với nhiều nguy hiểm hơn các đan sĩ, họ cần đến Thánh Kinh nhiều hơn. Người giáo dân nên chuẩn bị trang Phúc Âm trước khi nghe giảng giải trong cộng đoàn phụng vụ. Ðừng nói là mình không có giờ trong khi bỏ cả bao nhiêu ngày để xem đua ngựa, rồi những lợi, danh phù phiếm, trần tục thì lúc nào cũng sẵn sàng.

 

Mối lo về sự hoàn thiện cá nhân không phải là tất cả. Gioan muốn người giáo dân cộng tác vào thừa tác vụ của mình : một mình ngài không đủ. "Nhưng anh em, nếu anh em muốn tham phần đem lại phần rỗi cho nhau, và nếu mỗi người có lòng lo cho một trong những người anh em không được ai đoái hoài tới thì phận sự của chúng ta trong việc xây dựng (thân mình) sẽ tiến triển tốt đẹp. Ðây là công trình chung của mọi người, "có khác biệt thì cũng chỉ tùy theo sự khác biệt giữa các chi thể với nhau mà thôi". Chúng ta đừng trút hết gánh nặng cho các Linh Mục, nhưng chúng ta hãy lo cho toàn Giáo Hội như cho một thân mình thuộc về tất cả mọi người". Ðó đã là con đường "Dẫn vào đời sống đạo đức" của thánh Phanxicô Salê sau này, kể luôn cho phong trào Công Giáo Tiến Hành nữa.

 

Trong tinh thần đó, các bài giáo lý của ngài đòi hỏi không những một sự gắn bó của trí tuệ, mà còn hơn thế nữa, một cuộc hoán cải tất cả đời sống, được nâng đỡ bằng những phương thế cụ thể nhất : xét mình mỗi ngày, mỗi tháng sửa chữa một lỗi lầm . Trong số các đòi hỏi thực hành, thì việc làm phúc là điều được nhắc nhở thường xuyên nhất. Nhưng Gioan hiểu nó theo những nghĩa rất khác nhau : "Ðừng nói rằng bạn không có tiền", "giúp đỡ" cũng có giá trị như "vàng bạc". "Bạn có thể săn sóc ư ? Hãy làm đi. Bạn là thầy thuốc lành nghề ư? Hãy lo cho các bịnh nhân, đó cũng là điều quan trọng". tóm lại để thi hành bổn phận thuộc về đời sống của mình thì vừa phải cầu nguyện, vừa phải làm phúc.

 

Tuy nhiên, việc giúp đỡ người nghèo bằng tiền bạc và bằng sự tiếp đón rõ ràng là trọng tâm lời giảng dạy của Gioan. Ðằng sau sự nhấn mạnh này là cả một học thuyết xã hội và một học thuyết về tu đức.

 

SƯU TẬP HÌNH ẢNH THÁNH KINH VỀ NHỮNG NGƯỜI LẬP GIA ÐÌNH.

 

"Hãy ra đi, ngươi và con trai ngươi". Vậy là vị tiên tri có một người con. Mà đã có một người con thì tức là đã có một người vợ : đó là điều để bạn biết rằng, trong khi mãi dâm là chuyện xấu xa, thì hôn nhân không hề là việc đê hèn. Thế những khi chúng tôi nói chuyện với nhiều người và khi chúng tôi nói : tại sao bạn không sống một đời ngay chính ? Tại sao bạn không tỏ ra nghiêm chỉnh trong lối sống của bạn ? Họ trả lời chúng tôi : Ôi làm sao mà tôi có thể sống như thế được, trừ khi là bỏ vợ, bỏ con thơ, bỏ công việc của tôi ? - Tại sao thế ? Hôn nhân là một chướng ngại à ? Bạn có vợ là có được nguồn trợ lực chứ có phải là cạm bẫy đâu ! Vị tiên tri chẳng có vợ đó sao ? Và điều đó đã không là trở ngại cho Thánh Thần. Ông cũng có những quan hệ với vợ mình và vẫn là tiên tri. Môsê đã chẳng có một người vợ đó sao ? Thế mà ông đã làm vỡ tung những tảng đá, thay đổi bầu không khí, đàm đạo cùng Thiên Chúa và làm ngưng cơn nghĩa nộ của Thiên Chúa. Abraham đã chẳng có một người vợ đó sao ? Và ông đã trở nên cha của các dân tộc đông đúc và Cha của Giáo Hội. Ông đã có con là Isaac.

 

Người con này đã chẳng trở nên yếu tố để ông thể hiện tấm lòng của mình đối với Thiên Chúa đó sao ? Ông đã chẳng hiến dâng con trẻ, hoa trái của cuộc hôn nhân của mình làm hy lễ đó sao ? Ông đã chẳng trở thànhngười cha và đồng thời là người bạn Thiên Chúa là gì ? Ta lại không thể nhìn thấy một tư tế sinh từ chính lòng dạ của ông sao ? Không thấy đó là một tư tế và là một người cha sao ? Không thấy bản tính bị khuất phục và lòng đạo chiến thắng, người cha thì tan nát còn người bạn của Thiên Chúa thì được ân thưởng sao ? Bạn lại không thấy đó là một người yêu mến trọn vẹn con của mình và Thiên Chúa của mình sao ? Chẳng lẽ hôn nhân là một trở ngại ? Sao thế ? Bà mẹ trong sách Macabé lại không phải là một người vợ sao ? Bà đã chẳng sinh ra bảy người con, một ca đoàn các thánh đó sao ? Bà đã chẳng nhìn chúng chịu tử đạo là gì ? Bà đã chẳng đứng vững không nao núng, tựa hồ núi đá đó sao ? Bà đã chẳng đứng vững mà chịu tử đạo trong từng người con đó sao ? Và đó không phải là mẹ các tử đạo và bảy lần tuẫn đạo đó sao ? Khi chúng bị tra tấn, thì chính bà là người nhận lấy đòn vọt. Bà đã chịu đựng những gì xảy ra không phải cách gan lỳ vì bà là mẹ, và bạo lực đánh vào bản tính quả đã phô bày sức mạnh của nó, nhưng bà đã không chiến bại (.)

 

Hôn nhân của ngài phải chăng là chướng ngại ? Sao thế ? Phêrô, nền tảng của Giáo Hội, người tình si của Chúa Kitô, bác nhà quê đã thắng cả những tay diễn thuyết về sự hùng biện, người dân ngu đã khép miệng cả những triết gia, kẻ đã xé tan lề thói của người Hylạp như mành tơ nhện, kẻ đã đi cùng thế giới, đã kéo lưới trong biển và đánh lưới người, con người đó đã chẳng có một người vợ là gì ? Và Chúa Kitô thì sao ? Ngài quả đã được một trinh nữ sinh ra, nhưng Ngài đã xuất hiện ở một đám cưới và đã mang đến một món quà : Khi được cho biết "họ hết rượu rồi" Ngài đã biến nước thành rượu, làm vinh dự cho hôn nhân bằng sự trinh khiết, và đem lại giá trị cho hôn nhân qua tặng phẩm của Ngài, và điều này để bạn đừng ghê tởm hôn nhân, nhưng hãy thù ghét sự dâm dật đồi bại. Tôi liều chấp nhận hiễm nguy đem mình làm bảo đảm cho phần rỗi của bạn dù bạn có một người vợ. (Sau đó tác giả ca tụng Job, Suzanne, Sara).

Sur Ozias, hom. IV, 2- 3, SC no. 277, p. 149 - 153

Trad. J. Dumortier. Tác giả khởi đầu từ câu Isaie 7, 3.

CỘNG ÐOÀN VÀ SỰ HIỆP THÔNG.

 

1. Người nghèo khổ và người nô lệ.

 

Mọi sử gia đều nêu lên sự chênh lệch trầm trọng về tài sản ở Antioche vào thế kỷ IV và V. Sự giàu sang quá mức tập trung vào tay một số ít người trong khi đa số công dân sống trong cảnh lầm than. Gioan thường bênh vực thợ rèn, thợ giày, nông dân, thợ thuộc da, là những thành phần làm việc cho xã hội, cho nền kinh tế, trong khi những người giàu có thì ngài coi như những kẻ vô tích sự. Trong một bài giảng nổi tiếng, ngài đã vẽ ra một thành phố của những người giàu, là một thành phố không tồn tại nổi và một thành phố của những người thợ thủ công, của người nghèo có thể tự túc được. Những người nghèo, những nạn nhân mới của nạn cho vay nặng lãi và cả một đám đông hành khất bị quyến rũ bởi một hy vọng điên rồ, tất cả đã khiến cho khối quần chúng nghèo khổ, thấp kém không ngừng gia tăng. Cũng như các Giáo Phụ miền Cappadoce, như Ambroise, Gioan đã đứng lên tố cáo sự dữ, và còn hơn các vị đó nữa, ngài nhắc nhớ rằng, trái đất được dựng nên là cho tất cả mọi người. Khẳng định của sách "Khởi nguyên" được củng cố thêm bởi luận thuyết của phái Khắc Kỷ - khuyển nho (cynico-stoicisme) về một cộng đồng phổ quát cùng thân phận, cùng định mệnh, một quan niệm có thể thuộc về triết lý phổ thông của thời bấy giờ (koinè philosophique). Ngoài ra, nó còn được củng cố bởi lối sống chia sẻ đồng đều của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Trong thời gian làm Giám Mục, Gioan, cùng với Basile, đã mơ ước một thế giới theo hình ảnh một đan viện, trong đó người giàu tự ý trút bỏ của cải vì người nghèo để cùng đi tới một sự cân bằng khiêm tốn. Theo một sử gia Tây Ban Nha, Antonio Gonzalez Blanco, người vừa nghiên cứu lại cách cẫn thận và không thiên kiến về quan niệm "kinh tế và xã hội" (économie et société) nơi Gioan Kim Khẩu, thì vị Giám Mục Constantinople có thể thực sự đã đạt tới một quan niệm "cộng sản tông đồ" (communisme apostolique). Ðây hẳn là đích điểm, đồng thời là sự vượt qua học thuyết của ngài về việc bố thí. Dầu sao, ngài vẫn muốn tránh thái độ cha chú, kẻ cả (paternalisme) xúc phạm đến phẩm giá người khác. Ngài mời gọi những người có của hãy ngõ lời với người túng nghèo "xin được giúp một điều gì đó để họ khỏi phải hổ thẹn khi lãnh nhận, như vậy họ sẽ cảm thấy thoải mái, và giữa anh em sự tự do và tín nhiệm sẽ ngự trị".

 

Quả là một nỗi ưu tư đáng ngạc nhiên trong thời đại đó.

 

Những người nô lệ cũng cùng thuộc về một gia đình nhân loại. Một Kitô hữu "đừng bao giờ bắt một người phục dịch riêng cho mình". Miễn cưỡng lắm Gioan mới chấp nhận cho người ta có một hay hai người giúp việc vì những đòi hỏi của công việc. Nhưng phải giải phóng tất cả những người phục dịch cho chuyện vinh hoa phù phiếm hoặc tốt hơn, trước hết hãy dạy cho họ một nghề để họ có thể sử dụng được cho mình cách hữu ích. "Sự nô dịch không có nền tảng trong bản tính nguyên thủy của con người". Thiên Chúa đã dựng nên con người tự do. Tình trạng nô lệ là "hậu quả lòng tham vô đáy của con người", "hình phạt của tội". Nhưng Ðức Kitô đã cất bỏ sự chúc dữ đó.

 

SỰ VÔ DỤNG CỦA NHỮNG NGƯỜI GIÀU CÓ.

 

Nếu anh em muốn, chúng ta hãy tưởng tượng ra hai thành phố : một thành phố toàn người giàu có, thành kia gồm những người nghèo. Trong thành phố của người giàu sẽ không có người nghèo nào và trong thành phố của người nghèo, không có người giàu nào, vậy chúng ta hãy thử xem coi thành phố nào có thể tự túc tốt hơn (.) Trong thành phố của người giàu sẽ không hề có thợ thủ công, không có kiến trúc sư, chẳng có thợ rèn, thợ giầy, không có người bán bánh mỳ, không nông dân, không người bán chảo, không có thợ làm dây, chẳng có bất cứ thứ thợ nào (.) Vậy làm sao thành phố này có thể tồn tại ? (.) Như thế rõ ràng một thành phố không có người nghèo thì chẳng thể nào tồn tại.

 

Mặt khác, chúng ta hãy nhìn thành phố của người nghèo (.) Nếu phải xây dựng, thì người ta không cần đến vàng, đến bạc cũng chẳng cần ngọc ngà, nhưng cần sự làm việc của đôi tay, mà không phải là những bàn tay bất kỳ nào đó, nhưng là bàn tay chai sạn với nhữngngón tay cứng cáp, cần đến nhiều nỗ lực, cần xà gỗ, cần đá. Nếu phải dệt y phục, thì người ta lại cũng chẳng cần vàng cần bạc, nhưng một lần nữa lại cần những đôi tay, cần đến kỹ nghệ và sự làm việc của những người phụ nữ. Nếu phải cày bừa và cuốc xới đất đai, thì người ta cần kẻ giàu hay người nghèo ? Hẳn nhiên là người nghèo rồi ! (.) Hẳn anh em sẽ nói : Nếu của cải không hữu ích thì tại sao Thiên Chúa lại ban cho chúng ta ? Nhưng anh em trích đâu ra mà bảo Chúa đã ban cho anh em của cải ? (.) Ví thử tôi cho mình phạm lỗi bất lịch sự thì có lẽ tôi đã phải cười lên ha hả ở đây rồi (.) Chúng ta thấy những kẻ tích lũy được những của cải kếch xù thường là bằng những vụ cướp bóc, xúc phạm các ngôi mộ, gian lận và những việc xấu xa đại loại như thế, những kẻ sở hữu những của cải như vậy thì sống cũng chẳng đáng nữa là.

(Sur l Ep. I eau Cor, hom. 34, 5, 6,

PG 61, trad. Jeannin (revue).

 

Bossuet đã dùng lại "ý tưởng hay này ở đầu "Bài giảng về phẩm giá cao cả của người nghèo" của ông : Thánh Gioan Kim Khẩu, bậc thông thái và hùng biện (.) giới thiệu cho chúng ta về hai thành phố : một gồm toàn người giàu, một gồm toàn người nghèo, sau đó ngài xét xem thành phố nào mạnh hơn, (.) ngài) kết luận nghiêng về người nghèo". Bossuet nhắc lại rất tỉ mỉ các lý do tại sao nghiêng về người nghèo nhưng ông sửa lại tính "hư cấu"(fiction) của câu chuyện mà Gioan Kim Khẩu đưa ra : "Các thành phố đòi (.) có sự dung hòa pha trộn". "Chỉ có Chúa và đường lối Chúa mới có thể xây dựng cho chúng ta một thành phố thực sự là thành phố của người nghèo : thành phố đó là Hội Thánh".

 

"CỦA ANH VÀ CỦA TÔI, NHỮNG TIẾNG THẬT LẠNH LÙNG".

 

Bạn hãy nói cho tôi biết sự giàu có của bạn là do đâu ? Bạn đã nhận nó từ ai ? Và kẻ đó đã nhận nó từ người nào ? Người ta sẽ nói : Từ ông, từ cha. Thế, bằng cách đi ngược trở lại các thế hệ, liệu bạn có thể chứng minh quyền sở hữu của ông ta là chính đáng chăng ? Có lẽ bạn không làm nổi đâu, vì nguyên lý và cội rễ của nó nhất thiết là một sự kiện bất công nào đó : Tại sao ? Bởi vì, từ thuở ban đầu Thiên Chúa đã không làm nên kẻ này giàu, người kia nghèo (.) Ngài đã cho tất cả mọi người cùng một trái đất. Bởi nó là của chung, vậy thì tại sao bạn, bạn lại đầy dư của cải quá sức, trong khi láng giềng của bạn lại chẳng có dẫu chỉ một nắm ? Bạn nói, đó là cha tôi đã để lại cho tôi.

 

Thế còn ông ta, ông ta đã lãnh nhận từ ai ? Từ tổ tiên mình. Nhưng nếu cứ đi ngược lên mãi tất sẽ tìm thấy nguồn gốc. Jacob đã trở nên giàu có, nhưng bằng cách nhận lấy công quả lao động của mình, chuyện ấy tôi chẳng tranh cãi làm gì : chúng ta chấp nhận rằng sự giàu có là chính đáng và không dính gì đến chuyện trộm cắp, vì bạn không phải chịu trách nhiệm về sự tham lam của cha bạn ; bạn sở hữu hoa quả của việc trộm cắp, nhưng chính bạn, bạn đã không ăn cắp. Chúng ta chấp nhận ngay cả chuyện cha bạn cũng không ăn cắp nhưng ông ta được sở hữu số vàng này trồi lên đâu đó từ lòng đất. Nào, vậy thì sự giàu có vì đó mà tốt lành chăng ? Không hề ! Nó cũng chẳng xấu, người ta bảo thế. Nó không xấu, với điều kiện kẻ giàu phải là người không ham của và biết chia sẻ cho những người đang nghèo túng. Nếu ông ta không chia sẻ, thì sự giàu có thành xấu xa và lừa lọc (.)

 

Khi có kẻ cố chiếm một của cải nào đó làm của riêng thì bấy giờ cãi cọ sẽ bùng ra, như thể chính bản tính tự nhiên phải nổi giận trước việc, trong khi Thiên chúa tập hợp ta lại từ khắp nơi thì chúng ta lại đi chia rẽ, đối địch với nhau, chúng ta xâu xé nhau vì mong muốn chiếm hữu, chúng ta nói : của tôi, của anh, những tiếng thật lạnh lùng. Thực vậy, lúc đó chỉ còn là sự thù hận và căm ghét. Nếu điều đó không xảy ra (chia rẽ vì muốn chiếm hữu) thì sự cạnh tranh hay lòng thù hận đâu có nảy sinh, và như vậy tình trạng không phân chia là điều được di truyền nơi chúng ta và phù hợp với bản tính tự nhiên, hơn là tình trạng chia rẽ kia.

 

Làm sao người giàu tốt được ? Không thể nào. Người ta tốt khi biết chia sẻ với những người khác. Người ta tốt khi không chiếm hữu ; người ta tốt khi người ta cho kẻ khác ; bao lâu người ta chiếm hữu, bấy lâu họ không thể tốt.

(Sur lEp I à Tim, hom. 12, 4. PG 62, 562 - 564).

 

Người ta nghĩ tới Rousseau : Kẻ đầu tiên vừa rào chiếm một miếng đất xong, dám nói : "Ðất này là của tôi, và đã tìm được những người đủ ngây thơ để tin lời ông ta, kẻ đó đúng là nhà sáng lập ra xã hội dân sự".

(Diễn luận về nguồn gốc và nền tảng của sự bất bình đẳng

giữa con người, éd. Pléiade, t. III, 1970, p. 164).

 

2. Bố thí và Thánh Thể.

 

Từ nay, người nô lệ là "Anh em của chúng ta, đã được đổ tràn đầy những điều thiện hảo, là thành phần của cùng một Thân Mình như chúng ta, hay đúng hơn, người đó là nah em, không phải của chủ mình, nhưng của chính Con Thiên Chúa". Vì cộng đồng nhân loại mà Chrysostome nói tới cũng là một cộng đồng thiêng liêng, được xây dựng trên Mầu Nhiệm Nhập Thể và Bí Tích Thánh thể : "(Chúa Kitô) hòa nhập vào mỗi một tín hữu nhờ Bí Tích này. Những kẻ Ngài đã sinh ra thì Ngài nuôi dưỡng bằng chính bản thân Ngài, Ngài không trao họ cho một ai khác, ngược lại, qua Bí Tích Thánh Thể, Ngài làm cho bạn vững tin rằng Ngài đã mang lấy chính xác thân của bạn". Gioan thường trình bày Bí Tích Thánh Thể như là chóp đỉnh của lòng nhân ái (philantropie) của Thiên Chúa, là sự trải rộng (expansion) và trải dài liên tục (permanence) của Mầu Nhiệm Nhập Thể, trong đó Ðức Kitô trở thành của ăn "tan biến" trong chúng ta, "làm một khối duy nhất với chúng ta", "làm chúng ta trở nên Thân Mình Ngài". Thân Mình này của Ðức Kitô, được làm nên bởi tất cả những ai được mời gọi đến với Thánh Thể, đang dong ruổi trên các đường phố và các công trường. Ðức Giêsu Nazareth, Ðức Giêsu trong Bí Tích Thánh thể và Thân Mình mà Ngài tạo nên cho mình qua Bí Tích chỉ là một. Chính Ngài đã nói điều đó : "Chính là Ta". Bàn thờ nơi diễn ra hy tế của Ðức Kitô và bàn thờ nơi đức ái được thể hiện, có phẩm giá ngang nhau :

 

"Bạn muốn thấy bàn thờ Ðấng hay thương xót ư ? (.) Bàn thờ đó được làm nên bằng chính những chi thể của Ðức Kitô, và chính Thân Mình của Thầy Chí Thánh dùng làm bàn thờ cho Người (.) Bạn tôn kính bàn thờ (Thánh Thể) vì bàn thờ này đón nhận Thân Mình của Ðức Kitô. Nhưng bạn lại làm nhục bàn thờ kia, là Thân Mình của chính Ðức Kitô (.) Bạn có thể thấy một bàn thờ như thế ở khắp nơi ngoài đường phố, trên các công trường, hằng giờ bạn có thể dâng hiến tế ở đó vì cũng ở đó hiến vật được thánh hiến".

 

Bổn phận của các Kitô hữu là mặc y phục cho Thân Mình đó, là nuôi dưỡng, là tiếp nhận Thân Mình đó nơi các chi thể. Giữa Ðức Kitô và người nghèo, giữa những hy sinh dâng cho Chúa và những hy sinh cho người nghèo, có sự đồng nhất thần nhiệm.

 

Ngoài ra, Gioan không bận tâm đến chuyện người nghèo khổ, bất hạnh có thực sự kết hiệp với Ðức Kitô qua việc hiệp lễ không. Ngài chỉ trích các Kitô hữu đi điều tra về những người nghèo : "Họ lừa đảo và vô ơn phải không ? - Thế thì bạn sẽ được thưởng công nhiều hơn nếu bạn tiếp đón họ nhân danh Ðức Kitô". Mọi người cùng khổ đều là Ðức Kitô lang thang và trần trụi. Trước khi làm đẹp cho lừa ngựa của mình, thậm chí trước khi trang hoàng nhà thờ, thì cần phải chăm sóc cho Ðức Kitô đang luôn đau khổ : "Ðền thờ này còn tôn nghiêm hơn đền thờ kia". Và hàng chục trang với giọng điệu đả kích đanh thép tiếp nối nhau : "Trong khi con chó của ngươi ăn uống phủ phê, thì Ðức Kitô bị cơn đói cào cấu". "Có chỗ dành riêng cho xe ngựa, xe bò, nhưng dành cho Chúa Kitô lang thang thì không hề có". "Dù cho đó là nơi la lừa và tôi tớ ở, bạn hãy cứ tiếp nhận Ðức Kitô".

 

Việc thông hiệp vào Bí Tích ThánhThể dẫn đến việc hiệp thông thực sự với tất cả mọi anh em đồng loại trong Thân Mình Ðức Kitô, đặc biệt là với những anh em nghèo túng, trần trụi nhất.

 

Như vậy, ta thấy nhân đức làm phúc bố thí mang lấy một chiều kích khác hẳn. Bánh chia sẻ chính là Bàn Tiệc Thánh Thể. Lòng nhân ái của Thiên Chúa và tình âu yếm vô biên của Người được nối dài ngang qua Thân Mình Ðức Kitô. Và nếu như thế thì cái "quan điểm duy luân lý" mà người ta gắn vào tên của Gioan như là dấu hiệu của sự chật hẹp, không thể bay cao, lại chứa đựng phong phú một nền linh đạo cao siêu nhất. Tha nhân, đó chính là Ðức Kitô hằng ngày bên cạnh chúng ta, trong hình hài những người bị bỏ rơi không ai đoái hoài, Kim Khẩu sẽ gào thét điều gì nếu ngài sống vào ngày hôm nay ?

 

CHUNG THÂN PHẬN.

 

Thật vậy, ông (vịnh gia) đã nói đến "dòng dõi", ông lại thêm : "Vừa sinh bởi đất, vừa là con cái loài người". Ông đã nói đến cái chất mà thưở ban đầu chúng ta đã từ đó sinh ra. Ông nhắc nhở người mẹ chung của tất cả chúng ta (.) kẻ giàu sang, người nghèo khó (Thiên Chúa) cho ngồi chung bàn một thể. Ông chỉ cho thấy thân phận chung (.) cộng đoàn hãy cùng chung nhau, chung nhau lời nói, chung nhau lắng nghe (.) những điều thuộc về thân phận đều chung nhau, những điều thuộc về sự sinh ra đều chung nhau, những điều thuộc về mối quan hệ họ hàng đều chung nhau.

Sur les psaumes 48, 1 - 2, PG 55, 223 - 224.

 

"MỘT KHỐI DUY NHẤT VỚI CHÚNG TA,

MỘT THÂN THỂ DUY NHẤT CỦA ÐỨC KITÔ".

 

Ta nói gì đây ? Ta minh chứng tình yêu của mình không chỉ bằng điều đó mà thôi, nhưng còn bằng cả những đau khổ của Ta. Vì con, Ta chịu khạc nhổ và đánh đập, Ta đã rủ bỏ vinh quang của mình, Ta đã rời bỏ Cha Ta và đã đến với con, con, kẻ thù ghét Ta, trốn tránh Ta và thậm chí chẳng muốn nghe đến Tên Ta ; Ta đã theo đuổi con, đã chạy theo dấu vết của con để chiếm lấy con ; Ta đã kết hiệp, đã ràng buộc con với Ta, đã giữ lấy con và đã ôm chầm lấy con. Ta đã nói : "Hãy ăn Ta và hãy uống Ta". Ta chiếm hữu con ở trên trời và quyện lấy nơi con ở dưới đất. Ta chiếm hữu hoa quả đầu mùa của con ở trên trời, nhưng điều đó đâu có đủ, nó chẳng làm no thoả tình yêu của Ta. Ta còn xuống thế, không những để hòa trộn với con mà còn để xoắn quyện trong con. Ta bị ăn, bị bẻ thành miếng nhỏ là để cho sự hòa trộn, sự tan chảy và kết hợp được thật thâm sâu. Người ta có kết hợp các sự vật lại với nhau thì mỗi sự vật vẫn nguyên trong chính nó, còn Ta, Ta thấm nhập vào con khắp cả. Ta không muốn gì hơn nữa giữa chúng ta : Ta muốn cả hai trở nên một.

(Sur lEp à Tim, hom. 15, 4. PG 62, 568, trad. E.

Mersch complétée) (Ở đây Gioan để Ðức Kitô nói).

 

Ngài đã không lấy việc trở nên con người, bị đánh đòn,bị sát tế làm đủ ; Ngài đi tới chỗ tự trở nên một khối duy nhất với chúng ta và điều đó, không phải chỉ cho đức tin nhưng là trong chính thực tại. Ngài làm chúng ta nên Thân Thể Ngài (.) Chúng ta, chúng ta trơ nên một khối duy nhất với Ngài, một thân Thể duy nhất của Chúa Kitô và một xác thịt duy nhất.

(Sur Matt. Hom. 83, 5. PG 58, 743 - 744, trad. E. Mersch)

 

CHÍNH LÀ TA.

 

Còn chúng ta, tôi xin được lập lại những điều này một lần nữa, chúng ta lại từ chối nuôi Ngài khi Ngài đói, mặc cho Ngài khi Ngài trần trụi : khi thấy Ngài ăn xin là chúng ta lẳng lặng đi qua.

 

Tất nhiên, nếu anh em thấy Ngài ngày xưa, hẳn anh em tất cả đều từ bỏ của cải để cho Ngài. Thế nhưng, ngày nay thì cũng là Ngài thôi, vì chính Ngài đã nói như thế : "Chính là Ta".

 

Vậy tại sao bạn không tự tước bỏ mọi sự ? Vì cuối cùng, lúc này đây bạn vẫn còn nghe Ngài nói : "Ngươi làm điều đó cho chính Ta". Giữa việc bạn cho Ðức Kitô này và việc bạn cho Ðức Kitô kia, có khác biệt chi đâu ? Bạn nào có thiếu chút gì so với các phụ nữ thánh thiện đã nuôi Ngài ngày trước, thậm chí bạn có nhiều hơn kia mà. Tôi xin anh em, anh em đừng phản kháng ! Quả vậy, cho Ngài ăn khi Ngài xuất hiện như là Ðức Chúa, lúc mà dáng vẻ của Ngài khiến cho kẻ lòng dạ chai đá cũng phải xiêu lòng và việc săn sóc người nghèo, người què cụt, kẻ gù lưng, chỉ vì lời Ngài, đó là hai điều khác nhau. Thực thế, lúc bấy giờ, việc nhìn thấy Ngài và sự hiện diện uy nghi của Ngài phần nào đã khiến bạn hành động, nhưng giá trị của đức ái thì vẫn thuộc trọn về bạn. Còn bây giờ, nếu bạn vì dựa vào Lời Ngài, mà không ngừng phục vụ cho người bạn nô lệ của Ngài thì đó là bạn chứng tỏ lòng kính trọng đối với Ðức Kitô còn lớn lao hơn.

Sur Matt. Hom., 88, 3. PG 58, 778

 

CHÚA KITÔ LANG THANG.

 

Chúa Kitô không tự giới hạn ở cái chết và thập giá, nhưng Ngài đã hạ cố trở thành nghèo khổ, lang thang, không chỗ trú thân, trần trụi, bị cầm tù, đau yếu, để ít là qua đó lôi kéo bạn đến với Ngài. Ngài nói, nếu ngươi không bị xiêu lòng trước những gì Ta đã chịu đựng vì ngươi, thì ít ra hãy xót thương sự cùng khốn của Ta, hãy cúi mình trên tật bệnh của Ta, hãy oằn lưng vì xiềng xích của Ta, mà nếu ngay cả điều đó cũng chẳng làm ngươi động lòng xót thương, thì hãy chú ý đến sự dễ dàng của lời kêu xin. Ta đâu có xin điều chi đắt đỏ nhưng là bánh mì, một chỗ trú thân và một lời an ủi (.) Ít nhất ngươi hãy cúi mình trước con người của Ta, khi thấy Ta trần trụi, và ngươi hãy nhớ đến sự trần trụi mà Ta đã chịu đựng vì ngươi ở trên Thánh Giá. Nếu ngươi không muốn nhớ đến điều đó, thì ngươi hãy tưởng tượng ra sự trần trụi Ta phải hứng chịu trong những người nghèo khổ (.) Mặc dầu ngươi còn mắc nợ Ta vô số ơn lành, Ta vẫn thưởng cho ngươi, coi như vì ngươi đã chiều lòng Ta, và vì một chút xíu đó, Ta ban cho ngươi Nước Trời (.) Hẳn nhiên, Ta có thể ân thưởng cho ngươi ngay cả khi không có điều đó, nhưng Ta muốn trở nên người chịu ơn ngươi để ngươi được vững tâm hơn về phần thưởng. Dầu có quyền năng tự nuôi sống mình, song Ta vẫn ra đi và kêu xin. Ta đứng ngoài cửa và ngửa tay. Ta ao ước được ngươi nuôi ăn, Ta yêu ngươi biết mấy. Ta mong muốn được ngồi vào bàn của ngươi, như nơi nhà một người bạn và Ta tự giới thiệu quang cảnh đó cho cả vũ hoàn.

(Sur lEp. Aux Rom ; Hom. 15, 6. PG 60, 547 - 548. Trad. B. Bobrinsky revue)

 

Chúng ta vô ơn đến nỗi phủ đầy vàng lên các gia nhân, lên lừa lên ngựa của chúng ta, trong khi chẳng đoái hoài gì tới Chúa chúng ta, ra đi trần trụi, từ cửa này sang cửa khác, đứng mãi ở ngã tư đường và ngửa tay xin. Biết nói gì đây ? Chúng ta nhìn Ngài thường xuyên và với cặp mắt ngờ vực. Song, chính vì chúng ta mà Ngài cam chịu những nỗi khốn cùng đó, Ngài vui lòng chịu đói để nuôi bạn, vui lòng bước đi trần trụi để ban cho bạn tấm áo bất tử. Ấy thế mà anh em chẳng cho chút gì của anh em cả. Áo quần của anh em, số thì bị sâu mọt ăn, số thì khoá kỹ trong hòm, có ích gì ngoài việc gây ra những lo lắng vô ích cho kẻ sở hữu, trong lúc đó, Ðấng đã ban những của cải như thế và tất cả các điều khác lại ra đi trần trụi !

(Sur la II Ep. De Jean, hom. 27, 3. PG 59, 161

Trad. E. Merson revue)

NGƯỜI NGHÈO TRƯỚC, NHÀ THỜ SAU.

 

Sau khi nhắc lại lời lập phép (Thánh Thể) - mà ngài thường theo nghĩa rất hiện thực - Gioan coi những lời của Ðức Kitô - Thẩm Phán : "Một trong các kẻ bé mọn này . chính là Ta", một cách nào đó có cùng giá trị hiến thánh.

 

Nhà thờ không phải là một cửa tiệm nơi người ta nấu vàng, cũng không phải là xưởng của kẻ đúc tiền, mà là cộng đoàn các thiên thần ! . Anh em muốn tôn kính Thân Thể Ðức Kitô ư ? Vậy thì đừng khinh khi Ngài khi Ngài trần trụi. Anh em tỏ lòng tôn vinh Ngài thì không phải chỉ (bằng cách dâng cho Ngài) những trang trí lụa là, mà còn phải bằng cách này nữa, đó là đừng khinh bỉ Ngài ở bên ngoài (nhà thờ) khi Ngài lạnh cóng vì mình trần. Ðấng đã nói : "Này là Mình Ta" và bảo đảm cho thực tại đó bằng Lời của Ngài, Ðấng ấy cũng đã nói : "Các ngươi đã thấy Ta đói mà các ngươi không cho Ta ăn". Ngài còn nói : "Ðiều các ngươi đã từ khước đối với một trong các kẻ bé mọn này, chính là các ngươi từ khước Ta" (.) Nào có ích lợi gì khi có một chiếc bàn bày những chén vàng để tôn vinh Ðức Kitô trong lúc chính Ngài bị cái đói cào cấu ? Hãy cứu giúp Ngài trong cơn nghèo khó trước đã, rồi anh em trang hoàng bàn của Ngài với những gì anh em còn lại. Anh em cho Ngài một chén bằng vàng, nhưng anh em lại chẳng dâng cho Ngài, dù chỉ một bát nước lã ! Anh em chuẩn bị bàn của Ngài với những vuông vải dệt vàng, nhưng anh em lại chẳng cung cấp cho Ngài đồ che thân ! Nếu thế thì lợi ích gì cho anh em ? Hãy thử nói tôi nghe : Nếu, khi thấy một người bất hạnh, không có của nuôi thân, anh em lại chỉ dọn ra một chiếc bàn bằng bạc mà không đoái hoài gì đến việc làm dịu cơn đói của ông ta, thử hỏi người đó cảm thấy biết ơn anh em hay cảm thấy phẫn nộ ? Sao ? Khi thấy một người ăn mặc rách rưới, run lên vì lạnh, anh em chẳng tưởng gì đến việc cho người ta một tấm áo choàng, nhưng lại hiến cho ông những cột bằng vàng, lại còn nói rõ rằng đấy là cách mà anh em muốn tôn kính ông ta ! Người đó lại chẳng nói rằng anh em nhục mạ ông ta, trút lên đầu ông ta những sỉ nhục nặng nề nhất hay sao ? Anh em hãy nghĩ rằng đối với Ðức Kitô cũng thế. Khi anh em thấy Ngài đi qua lang thang, xa lạ, không chỗ nương thân, mà anh em lại từ khước không dâng cho Ngài lòng hiếu khách nhưng lại trang trí bậc thềm (nhà Ngài), các bức tường, đỉnh cột ; anh em treo những sợi xích vàng để móc đèn, nhưng lại không bằng lòng đi thăm Ngài trong tù, nơi Ngài bị xiềng xích. Một lần nữa, nếu tôi có thể nói thế, thì không phải để ngăn cấm anh em tôn vinh Ngài (ở nhà thờ) nhưng để anh em biết cứu giúp Ngài cùng lúc đó, hay đúng hơn, trước lúc đó nữa . vừa tôn kính Ngài nơi Nhà Thiên Chúa, đồng thời cũng đừng có khinh bỉ người anh em mình đang lâm cảnh cùng quẫn : đền thờ này còn quan trọng hơn đền thờ kia nhiều !

(Sur Matt. Hom. 50, 3 - 4, PG 58, 508 - 509

Trad. Fr. Leduc).

 

Cũng với tinh thần này, trong Thông điệp "Sollicitudo rei socialis" (30.12.1987), Ðức Gioan-Phaolô II đã viết : "Trong trường hợp nghèo đói, người ta không thể ưu tiên cho việc trang hoàng dư thừa những ngôi giáo đường hay cho các đồ phượng tự quí giá ; ngược lại có thể đòi buộc phải chuyển nhượng những tài sản đó để cung cấp bánh mì, thức uống, áo quần và một ngôi nhà cho những người không có".

(IV, 31. Chú thích 59 trưng dẫn bản văn trên).


Trở về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà