NĂM 2015 : NĂM ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

(xuanbichvietnam.net) Tháng Ba 17th, 2014.

Đức Thánh Cha kêu gọi « đánh thức » thế giới

Năm 2015 được chọn là Năm Đời Sống Thánh Hiến. Đức Thánh Cha Phanxicô đã loan báo điều này vào dịp gặp gỡ với các thành viên của Hiệp Hội Các Bề Trên Tổng Quyền (USG) hôm 29/11/2013, tại  Vatican. Đức Thánh Cha kêu gọi « đánh thức » thế giới nhờ đời sống thánh hiến. Điều đó muốn nói tầm quan trọng mà ngài dành cho đời sống thánh hiến trong công cuộc Tân Phúc Âm hóa.

Các Bề Trên Tổng Quyền đã tổ chức Đại Hội lần thứ 82 tại Rôma, từ 27-29/11/2013, bàn về những thách đố hiện nay được được ra bởi mẫu gương của Đức Thánh Cha Phanxicô, chính ngài cũng là một tu sĩ dòng Tên.

Trong suốt cuộc đối thoại « huynh đệ » của ngài với 120 tham dự viên, Đức Thánh Cha đã loan báo rằng năm 2015 sẽ được dành cho đời sống thánh hiến.

Những người sống đời thánh hiến « là những người nam và người nữ vốn có thể đánh thức thế giới. Đời sống thánh hiến là sứ ngôn », Đức Thánh Cha nhấn mạnh như thế và đồng thời nói rằng « những người thánh hiến không phải đồ dùng cứu trợ, nhưng là những đặc sủng làm phong phú các giáo phận ».

Đức Thánh Cha kết luận : « Cám ơn, vì những gì anh chị em đang làm, vì tinh thần đức tin và lòng tìm kiếm phục vụ của anh chị em. Cám ơn vì chứng tá của anh chị em và vì những khổ nhục mà anh chị em phải trải qua ».

Những người sống đời thánh hiến, nhiều hơn các linh mục

Một Năm đời sống thánh hiến, đó là một sự mới mẻ có tầm quan trọng to lớn vì ít là bốn lý do.

Trước tiên, trong Giáo Hội Công Giáo, con số người sống đời thánh hiến nhiều hơn hai lần con số linh mục. Vậy mà đã có một Năm Linh Mục rồi, nhưng lại chưa có Năm Đời Sống Thánh Hiến.

Trên thế giới, có khoảng 413.000 linh mục giáo phận và linh mục tu sĩ : thực tại của đời sống thánh hiến vì thế là hơn gấp đôi. Quả thế, các nữ tu hiện nay có hơn 713.000 theo Niên giám Tòa Thánh năm 2013, các nam tu sĩ không phải là linh mục là 55.000 : cần phải thêm vào đó các tu sĩ linh mục, các giáo  dân sống đời thánh hiến…

Vì Đức Thánh Cha có thói quen dùng thuật ngữ « đời sống thánh hiến » hay « người thánh hiến », nên điều đó còn bao quát hơn « đời sống tu trì » : nó bao gầm những người thánh hiến ở  giữa đời, trong đời sống trần thế, nhưng cả những người ẩn tu, chẳng hạn, theo các phạm trù của bộ giáo luật.

Trong tư cách là Giáo Hoàng, ngài đã dùng thành ngữ « đời sống thánh hiến » từ sứ điệp đầu tiên của ngài về đời sống thánh hiến, ngày 8/5/2013. Ngài đã nhắc lại những đòi hỏi trong ơn gọi của họ, nhất là đặc tính trọng tâm của Chúa Kitô, và « sự cảm thông » trong và với Giáo Hội.

Sửa lỗi huynh đệ

Lý do thứ hai là có nhiều cộng đoàn ở Châu Âu đang mất đi cách nhanh chóng trên bình diện tuyển sinh, cho dầu một số cộng đoàn có một sức sống mới mẻ ở Ấn Độ, Châu Phi hay Châu Mỹ Latinh.

Lý do thứ ba : những người sống đời thánh hiến thường ở trên tiền tuyến giáo dục và y tế, trên tiền tuyến của công cuộc Tân Phúc Âm hóa.

Lý do thứ tư, đó là chính Đức Thánh Cha là một tu sĩ sống đời thánh hiến từ bên trong và ngài đã thấy tính cấp bách của việc canh tân đời sống thánh hiến, trong khuôn khổ của cuộc Tân Phúc Âm hóa. Như thế ngài nói về những gì ngài sống và hiểu từ bên trong.

Trong Tông huấn « Niềm Vui Tin Mừng », có một số đoạn là một lời mời gọi kiểm điểm lương tâm cả đối với người sống đời thánh hiến và Đức Thánh Cha không quên nêu bật những khó khăn : « Ở nhiều nơi các ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến trở nên khan hiếm. Thông thường, trong các cộng đoàn đó là do việc thiếu đi lòng nhiệt huyết tông đồ có sức lan tỏa, và vì lý do này chúng không làm phấn khởi và không khơi lên sự cuốn hút » (107).

Hoặc là : « Ngày nay, người ta có thể gặp thấy nơi nhiều người hoạt động mục vụ, bao gồm cả những người sống đời thánh hiến, một bận tâm quá mức về những không gian tự trị và thư giãn cá nhân, vốn dẫn họ đến chỗ sống các nhiệm vụ của họ chỉ như một cái phụ tùy của cuộc sống, như thể chúng không thuộc về căn tính của họ. Đồng thời, đời sống thiêng liêng bị lẫn vào với những thời điểm  tôn giáo vốn mang lại một sự khuây khỏa nào đó, nhưng không nuôi dưỡng việc gặp gỡ với người khác, sự dấn thân trong thế giới, lòng say mê loan báo Tin Mừng. Như thế, người ta có thể tìm thấy nơi nhiều người hoạt động loan báo Tin Mừng, cho dầu họ cầu nguyện, một sự gia tăng rõ nét chủ nghĩa cá nhân, một sự khủng hoảng căn tính và một sự giảm sút lòng lòng nhiệt thành. Đó là ba điều xấu vốn nuôi sống lẫn nhau » (78).

« Tôi rất đau lòng khi thấy làm thế nào, trong một số cộng đoàn Kitô hữu, và ngay cả giữa những người sống đời thánh hiến, người ta để chỗ cho những hình thức hận thù, chia rẽ, vu khống, bôi nhọ, báo thù, ghen tương, ước muốn áp đặt những ý riêng của mình bằng bất cứ giá nào, cho đến những bách hại giống với một thứ thanh trừng khắt khe. Chúng ta muốn loan báo Tin Mừng cho ai với những hành xử như thế ? » (100).

Làm cha làm mẹ thiêng liêng

Điều quan hệ, trong đời sống thánh hiến, chắc chắn đó là một quan niệm về Giáo Hội, một Giáo hội học. Nhưng còn cả một quan niệm về người nam và người nữ. Đức Thánh Cha thường xuyên khuyến khích các linh mục đừng quên rằng họ được làm nên cho niềm vui trở thành « những người cha » thiêng liêng. Các linh mục được kêu gọi đến « tình cha mục tử, tình cha thiêng liêng…trao ban sự sống cho người khác, trở nên người cha ». Chính Đức Thánh Cha đã khuyến khích các linh mục cầu xin ân huệ làm cha thiêng liêng này. Bởi vì thiếu nó, cuộc đời của linh mục chỉ dừng lại ở nửa đường (xem bản tin Zenit ngày 26/6/2013). Và trong sứ điệp của ngài ngày 8/5 gởi cho các phụ nữ sống đời thánh hiến, ngài đã nhắc lại tình mẹ thiêng liêng của họ : « Người nữ tu thánh hiến là người mẹ, họ phải là một người mẹ chứ không phải là một « cô gái già » ! Xin thứ lỗi cho tôi nếu tôi nói như thế, nhưng đặc tính mẹ của đời sống thánh hiến này là quan trọng, tức sự phong nhiêu này! Chớ gì niềm vui của sự phong nhiêu thiêng liêng này đánh động cuộc sống của quý chị em; hãy trở thành những người mẹ, nhưng hình ảnh của Đức Maria là Mẹ và của Giáo Hội là Mẹ. Ta không thể hiểu Đức Maria mà không có tính hiền mẫu này, ta không thể hiểu Giáo Hội mà không có đặc tính mẹ này và quý chị em là một hình ảnh của Đức Maria, của Giáo Hội ».

Cuối cùng, chúng ta nhớ rằng Đức Gioan-Phaolô II đã muốn một Thượng hội đồng về « Đời sống thánh hiến và sứ mạng của nó trong Giáo Hội và trên thế giới », vào năm 1994, và ngài đã kết thúc nó bằng Tông huấn « Đời sống  thánh hiến » (Vita consacrata) ngày 25/3/1996. Do đó, hai mươi năm sau Thượng hội đồng, Đức Thánh Cha đang chuẩn bị những công hội mới cho đời sống thánh hiến.

Tý Linh theo bản tin ngày 29/11/2013 của ZENIT

 


Năm Đời Sống Thánh Hiến