Tại Sao Các Nữ Tu Đội Lúp?

(daminhvn.net) 20/05/2015

Tại sao các nữ tu đội lúp? Các ni cô Phật giáo cũng bịt đầu như vậy. Cái lúp có ý nghĩa gì không?

16975725689_3875882a0f_o Tôi không biết rõ lịch sử của đời tu bên Phật giáo, cho nên không dám so sánh ý nghĩa giữa các nữ tu với các ni-cô. Tuy nhiên, dù không phải là một chuyên viên về y phục chúng ta thấy rằng ở Việt Nam không phải chỉ có các nữ tu hay là các ni cô mới đội khăn che đầu. Có rất nhiều miền tại Việt Nam, các phụ nữ luôn đội khăn trên đầu, nổi tiếng là lối chít khăn mỏ quạ. Tôi xin để cho các nhà khảo cứu nhân văn nghiên cứu nguồn gốc lai lịch của tục lệ đó. Riêng tôi, hồi nhỏ sống ở Đàlạt, tôi thấy rất nhiều phụ nữ đội khăn trùm đầu. Lý do rất dễ hiểu: bởi vì Đàlạt là xứ lạnh cho nên các ông tìm cách che đầu bằng các thứ mũ len, còn các bà thì lấy khăn mà trùm. Nếu các bà đã có tóc dài mà còn phải đội khăn, thì các bà tóc ngắn hay không có tóc lại càng có lý để mà đội khăn hơn nữa. Đến đây, ta thấy có một sự khác biệt lớn giữa các ni cô và các nữ tu: đó là ở dưới cái khăn, một bên đã cạo tóc, còn một bên thì để tóc, ngắn dài tùy trường hợp.

Như vậy, các nữ tu đội lúp để che bộ tóc thôi hay sao?

Tôi không có ý nói như vậy! Đó mới chỉ là giáo đầu mà thôi, nhằm cho thấy rằng việc đội khăn lên đầu là một phong tục gặp thấy ở nhiều nơi trên thế giới. Vấn đề được đặt ra là tìm hiểu ý nghĩa, nguồn gốc và công dụng của nó. Như đã nói trên, tôi sẽ không bàn tới nguồn gốc các khăn đội đầu của các phụ nữ Việt Nam, tôi cũng sẽ không đi vào ý nghĩa của các khăn đội đầu của các ni cô, nhưng chỉ muốn trình bày nguồn gốc và ý nghĩa của các lúp của các nữ tu. Thoạt tiên, khi mở Tân ước chúng ta thấy một đoạn văn trong thư thứ nhất Côrintô, chương 11, thánh Phaolô muốn rằng khi cầu nguyện các phụ nữ phải đội khăn che đầu, nhưng mà người nam thì không che đầu. Thánh tông đồ cũng lại thêm rằng các phụ nữ mà không đội khăn thì như là trọc đầu vậy, và đó là một điều xấu hổ, bởi vì phụ nữ phải để tóc dài. Ngược lại, người nam thì không nên để tóc dài và cũng không đội khăn lên đầu. Thánh Phaolô đã đưa ra những lý do thần học để giải thích cho tục lệ này, như ta đọc thấy ở câu 7: “người nam không được che đầu, bởi vì là hình ảnh và vinh quang của Thiên Chúa; còn người nữ là vinh quang của người nam”. Các nhà chú giải Kinh thánh đã tranh luận rất nhiều về ý nghĩa của đoạn văn này. Không rõ là thánh Phaolô muốn biện minh cho một tục lệ địa phương về việc các phụ nữ đội khăn lên đầu; hay là ngài chỉ muốn bài trừ một thói tục hỗn độn ở Côrintô, nơi mang tiếng là phong tục suy đồi, không còn phân biệt phái tính nữa: các cậu thì để tóc dài, còn các cô thì cắt tóc ngắn. Theo một vài nhà chú giải gần đây, thánh Phaolô chủ trương rằng người nam cần tỏ ra nam tính qua việc cắt tóc ngắn, để đầu trần; còn người nữ thì hãy biểu lộ nữ tính, qua việc để tóc dài và trùm khăn đầu.

Phải chăng đây là nguồn gốc của việc các nữ tu đội lúp?

17160266502_4e17a9609e_o Có lẽ kết luận như vậy thì hơi vội vàng. Thánh Phaolô không có ý định bắt buộc hết mọi phụ nữ phải để tóc dài và trùm khăn. Ngài chỉ giới hạn vào kỷ luật trong các buổi hội cầu nguyện tại Côrintô mà thôi. Ở câu 16 của chương 11, thánh Phaolô chấp nhận rằng không phải là đâu đâu cũng có thói tục như vậy. Dù sao theo các nhà sử học, cần phải tìm nguồn gốc cái lúp của các nữ tu ở chỗ khác, tức là ở nghi lễ hôn nhân tại Rôma. Tại đây các cô dâu khi làm lễ cưới thì đội chiếc khăn lên đầu, Đến khi phụng vụ muốn tìm ra một biểu hiệu cho nghi thức cung hiến các trinh nữ, thì người ta quy chiếu vào nghi thức hôn nhân. Tại sao vậy? Lý do là vì các giáo phụ (tựa như thánh Ambrôxiô) đã ví các trinh nữ như là Hiền thê, bạn trăm năm với đức Kitô. Bởi đó, lễ cung hiến trinh nữ cũng được ví như là lễ kết hôn với đức Kitô, gắn bó với Ngài như là bạn trăm năm.

Nhưng mà ngày nay, khi cưới nhau, thì các cô dâu chú rể trao nhẫn cho nhau như biểu hiệu của lòng chung thủy chứ đâu có đội khăn trùm mặt gì nữa đâu?

Tại Âu châu, nhiều nơi vẫn còn giữ tục lệ là cô dâu đội khăn voile trong nghi thức hôn nhân. Nếu tôi không lầm thì tại một vài thành thị Việt Nam, người ta cũng du nhập tục lệ đó. Cô dâu mặc y phục trắng, với tấm khăn voile không những trùm đầu mà trùm cả thân người và kéo dài thành cái đuôi nữa. Nhưng chỉ có trong lễ cưới thôi, chứ sau đó thì cô ta chẳng bao giờ trùm voile nữa. Còn các nữ tu thì khác, họ đội cái lúp suốt đời. Dù sao thì đó mới chỉ là vắn tắt để cho chị có một cái khái niệm về nguồn gốc và ý nghĩa của tục lệ các nữ tu đội lúp. Chúng ta cần phải đi sâu vào vấn đề hơn tí nữa.

16975654879_3c713f4a6b_o Tôi không rõ là chữ “lúp” bởi đâu mà có. Không hiểu nó có họ hàng gì với tiếng “lấp” hay không? Xin để dành việc tầm nguyên cho các nhà ngữ học. Trong tiếng Pháp, người ta gọi nó là “voile”. Và ở Việt Nam, chúng ta thấy rằng cái voile không chỉ hiểu về cái lúp của các nữ tu mà còn hiểu cho cả thứ hàng vải thưa. Tại sao lại có chuyện đó? Chúng ta phải trở về với nguồn gốc lịch sử của nó. Voile trong tiếng Pháp dịch từ velum của tiếng La-tinh. Danh từ “velum” gốc bởi động từ “velare” có nghĩa là che đậy. Có lẽ là chị sẽ liên tưởng ngay tới tấm khăn che đầu, nhưng không phải như vậy. Các cô vẫn được tiếng là thuộc phái đẹp. Người ta đã chẳng ví các thiếu nữ như là bông hoa biết nói đó là gì? Ấy nhưng mà bông hoa đẹp thì phải cho vào chậu kiểng thì mới giữ được lâu, chứ phơi ngoài trời thì chỉ được mấy tiếng đồng hồ là héo tàn! Xin lỗi, có lẽ tôi đang tán bậy. Nhưng mà ta thấy phong tục của nhiều nơi đã muốn rằng khi các cô đi ra đường thì không những phải che đầu cho khỏi nắng mà còn phải che mặt nữa, kẻo bị người khác hái mất cái đẹp của mình. Nói cách khác, vào thời xưa cái voile không phải chỉ trùm đầu mà còn trùm cả khuôn mặt nữa. Và thiếu nữ chỉ vén màn che mặt cho người nào đáng được chiêm ngắm sắc đẹp của mình.

Trong phong tục hôn nhân tại Rôma thời cổ, việc che và vén màn là cao điểm của lễ nghi. Cô dâu che mặt của mình, dĩ nhiên là không phải là trùm chăn bít kín đầu, nhưng là với vải thưa (mà ta gọi là vải voile), và chỉ có người chồng mới được vén khăn lên. Từ đó, người Rôma gọi việc hôn nhân là nubere, có nghĩa là che mặt. Tục lệ này cũng được du nhập vào nghi thức hôn nhân Kitô giáo, từ thế kỷ IV.

Tuy nhiên, một cuộc tranh luận đã nảy ra giữa các nhà nghiên cứu lịch sử phụng vụ, bắt nguồn từ chỗ nghi thức chúc lành cái voile của các trinh nữ và nghi thức chúc lành cái voile của các cô dâu đều xuất hiện vào thế kỷ IV. Thế thì ai mượn của ai? Phải chăng các trinh nữ muốn bắt chước các cô dâu, hay là các cô dâu cũng muốn cho cái voile của mình được chúc lành theo gương các trinh nữ? Cho đến nay, cuộc tranh luận vẫn chưa có ngã ngũ. Tuy nhiên, có điều cần lưu ý là tại một số Dòng nữ cận đại, vào ngày mặc áo dòng, các thỉnh sinh bận y phục sang trọng như các cô dâu, rồi sau đó, họ đã cởi bộ đồ cưới đó, để khóac vào chiếc áo dòng hèn mọn. Đó là một nghi thức nhằm nêu bật rằng giữa hôn nhân trần thế và hôn nhân thần bí, có những điểm tương đồng nhưng cũng không thiếu những điểm khác biệt. Vào thời cổ, điểm khác biệt đó được diễn tả một cách đơn giản hơn. Trong khi mà các thiếu nữ ngoài đời đội voile với hàng đắt tiền quý giá, thì các trinh nữ đội voile hàng rẻ tiền, và với màu đen, màu của tang chế, thường dành cho các bà góa.

Nhưng mà cũng có nhiều nữ tu đội lúp trắng đấy chứ?

16541658383_643031b68f_o Vào các thế kỷ đầu tiên, chưa có các nữ tu khấn dòng, mà chỉ có các trinh nữ tận hiến. Họ là những phu nữ tận hiến cho Thiên Chúa qua một lễ nghi do Đức Giám mục chủ sự, với nghi thức chính là lời nguyện thánh hiến, và chúc phúc cái voile. Kế đó, các trinh nữ trở về sống tại gia đình giống như các thiếu nữ khác. Đến khi xuất hiện các Dòng tu (với các đan viện hay tu viện), thì các nữ tu cũng mang cái lúp như là biểu hiệu của sự tận hiến. Và các nữ tu chỉ mang lúp từ khi dấn thân vĩnh viễn. Dần dần, các tập sinh cũng được đội lúp, nhưng mà để phân biệt với các người đã khấn trọn đời, thì các tập sinh đội lúp màu trắng. Đó là hai cái màu căn bản của các lúp: màu đen dành cho những ai đã khấn, và màu trắng dành cho các tập sinh. Dần dần, con số các Dòng tu tăng gia, và mỗi Dòng cố gắng trình bày căn cước của mình qua màu áo cũng như là qua màu lúp. Từ đó mà ta thấy hiện tượng trăm hoa đua nở.

Tóm lại, thời xưa, dấu hiệu của đời tận hiến là cái lúp chứ không phải là chiếc nhẫn hay sao?

Đúng như vậy. Nhưng mà cần phải thêm rằng nghi thức hôn nhân và nghi thức cung hiến không phải chỉ bao gồm việc trùm mặt hay vén voile. mà còn có nhiều chi tiết khác nữa, chẳng hạn như việc đội triều thiên lên đầu.

16954418537_65c4a792df_o Trong các nghi thức cung hiến trinh nữ, bên cạnh việc chúc lành tấm voile, từ thế kỷ XIII, người ta du nhập thêm tục lệ trao nhẫn, như là biểu hiệu của sự chung thủy. Ngày nay, chúng ta thấy nhiều nữ tu chỉ có đeo nhẫn, chứ không còn mặc tu phục, lại càng không có chuyện đội lúp. Tôi không dám phê phán thói tục đó, bởi vì phần nào trong xã hội ngày nay, cái lúp không còn ý nghĩa đối với phụ nữ như là thời xưa nữa. Tại Âu châu, có lẽ chỉ còn các nữ y tá trong các bệnh viện là còn duy trì cái lúp như là biểu hiệu của nghề nghiệp của mình. Tại Âu châu ngày nay, biểu hiệu của hôn nhân là chiếc nhẫn. Chỉ cần xem tay có đeo nhẫn hay không, đủ biết là người đó đã kết hôn hay chưa. Các nữ tu đã khấn dòng đeo nhẫn như dấu hiệu của việc kết hôn thiêng liêng với Chúa Kitô.

Vậy vấn đề đặt ra là: tại sao các nam tu sĩ, tuy đã khấn dòng lại không đeo nhẫn? Xin thưa rằng có lẽ tại vì đã có người khác lấy mất rồi. Đó là các giám mục. Trong nghi lễ tấn phong các giám mục lãnh nhận chiếc nhẫn, biểu hiệu cho lòng tận tụy với Hội thánh, hiền thê của đức Kitô. Tuy nhiên, ý nghĩa của từ ngữ “Hội thánh” ngày nay không còn như xưa nữa. Thời nay, người ta hiểu Hội thánh theo nghĩa là Hội thánh toàn cầu. Thời xưa, người ta hiểu Hội thánh như là một giáo đoàn địa phương. Giám mục được đặt lên để phụ trách giáo đoàn đó, và phải gắng mà chung thủy cho đến chết. Bởi thế, thời xưa không có chuyện thuyên chuyển từ giáo phận này sang giáo phận khác; bởi vì làm như vậy là ngoại tình, thiếu chung thủy. Nhưng mà tôi xin gác chuyện của các Giám mục vào dịp khác. Chỉ cần ghi nhận rằng các đôi hôn nhân hay các giám mục thì mang nhẫn vàng, chạm trổ ngọc quý, còn các nữ tu chỉ mang nhẫn bằng kẽm, bằng thiếc gì đó. Nó là biểu hiệu của cuộc hôn nhân với Chúa Kitô khó nghèo, chết trần trụi trên thập giá.

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

 


Năm Đời Sống Thánh Hiến