Năm “Đời sống Thánh hiến”: Độc thân của người tu sĩ Kitô giáo

Những người đi tu sống độc thân: Tại sao và để làm gì?

Người tu sĩ ngày nay có hạnh phúc khi sống đời độc thân tận hiến không?

Thời xưa người ta ít biết hay chưa biết đến bậc sống độc thân xét như là một điều kiện sống thường xuyên mà một người nam hay một người nữ thề nguyện sống cả đời.

Độc thân của Chúa Giêsu

Nguồn gốc nhân loại của Chúa Giêsu là người mẹ trinh khiết: Đức Maria, mẹ Người, khi thụ thai không biết đến người nam nào (cf. Mt 1,18-25; Lc 1,26-38). Đức Giêsu sinh ra không bởi sự kết hợp của một người nam và một người nữ, nhưng bởi quyền năng Chúa Thánh Thần xuống trên người trinh nữ Maria (cf. Mt 1,18; Lc 1,35). Việc Đức Giêsu sinh hạ đã là một hiện thực cánh chung, Nước Thiên Chúa đã đột nhập vào trần thế của con người. Ngay lúc Đức Giêsu được thụ thai trong lòng mẹ, lịch sử đã biến đổi tận căn, được đổi mới hoàn toàn bởi biến cố cứu thế, biến cố sẽ đạt tới viên mãn khi Người phục sinh, là ấn dấu cuối cùng.

Về bản thân của Đức Giêsu, Người đã và vẫn là độc thân. Các sách phúc âm quả thật thường nói đến gia đình gốc của Người (cha, mẹ, anh em và chị em), mà không bao giờ nói gì về một người vợ hay người con nào của Người. Đức Giêsu chọn không có riêng một gia đình huyết nhục, Người giữ một khoảng cách thật xa với gia đình (cf. Mc 3,20-21), nhưng chọn một gia đình mới, không còn đặt trên nền tảng quan hệ huyết nhục, cũng không dựa trên những quan hệ nào khác, bao gồm những ai thực thi thánh ý Chúa (cf. Mc 3,31-35). Gia đình của Đức Giêsu chống lại Người vì động thái của Người được cho không chỉ là cá biệt nhưng là lập dị, điên rồ. Là một kẻ vô gia đình, vô gia cư, lang thang, mất trí.

Việc rao giảng, mà trọng tâm là loan báo Nước Thiên Chúa và người ta phải cấp bách sám hối, là hậu cảnh giúp ta dễ hiểu việc Người chọn đời sống độc thân. Nói tắt một lời, những gì Đức Giêsu rao giảng và sống có vẻ như không thể tái hiện được trong lối sống gia đình. Người tuyên bố, “trong ngày sống lại, người ta chẳng lấy vợ lấy chồng” (Mt 22,30). Lối sống đó của chính bản thân Người cũng được yêu cầu dành cho những ai đi theo bên Người thường xuyên: ai đi theo Người phải “từ bỏ mọi sự” (cf. Lc 18,28), nghĩa là từ bỏ vợ con vì Người và vì Tin Mừng (cf. Lc 18,29).

Gioan Tẩy Giả xem ra cũng ở độc thân để thi hành sứ vụ của ngài và sống trong hoang địa. Hơn nữa, các tác giả như Flavius Joseph, Philone thành Alexandria và Plinius Cả, làm chứng dù chứng từ của họ không đồng nhất, cũng cùng chung xác định nhiều người trong số các người phái Essenes và phái Therapeutes là các tu sĩ sống độc thân. Không những thế, cũng lưu ý rằng trong xã hội rabbi do thái, vốn rất tôn kính giới răn của Thiên Chúa truyền cho con người hãy sinh sôi nảy nở (cf. St 1,26; 9,1.7) và cho rằng không chấp nhận được kiểu sống độc thân, cũng vẫn cho thấy có những trường hợp ngoại lệ và phát triển những cách tư duy, và quan niệm về sự tiết dục và tình trạng sống tiết dục thường xuyên như có một giá trị đạo đức và tiên tri nào đó. Trong xã hội Do Thái giáo thời Đức Giêsu, chọn sống độc thân là điều hiếm có và ngược dòng, nhưng là một chọn lựa thực tế khả thi. Đối với Đức Giêsu chọn lựa này phù hợp với thế đứng tách riêng và ý thức tiên tri của Người, hiến dâng hoàn toàn cho Nước Trời, cho việc rao giảng sự cấp bách của thời cánh chung. Bởi thế, đời độc thân của Chúa Giêsu trước hết có tính tiên tri và cánh chung, nhưng cũng thuộc đức nghèo khó của Người.

Chúa Giêsu nói về sự độc thân

“Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,26).

“Thầy bảo thật anh em: chẳng hề có ai bỏ nhà, bỏ vợ, anh em, cha mẹ hay con cái vì Nước Thiên Chúa, mà lại không được gấp bội ở đời này và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Lc 18,29-30).

Cần giải thích sự “từ bỏ” hay “ghét” ở đây có nghĩa là “yêu ít hơn” so với yêu mến Chúa Giêsu, Nước Trời, Tin Mừng. Gia đình là một phúc lành, nhưng thực tại mới và cánh chung mà Chúa Giêsu mang đến đòi hỏi người môn đệ phải đặt mình phục vụ cho Nước Trời, theo Chúa Giêsu đến mức từ bỏ mọi sự. Gia đình là một phúc lành, những mối dây liên kết huyết tộc cần được kính trọng; công ăn việc làm là thánh thiện và cần phải chú tâm làm việc với tinh thần trách nhiệm; đất đai và nhà cửa là phúc lành của Chúa; nhưng bây giờ tất cả những thứ này không còn là tối thượng nữa, mọi sự đều phải được quy hướng về Chúa Giêsu, Nước Trời, Tin Mừng. Không gì có thể cản bước cũng như đặt điều kiện trước tiếng gọi của Chúa Giêsu. Cũng lưu ý có một sự liên hệ chặt chẽ giữa việc từ bỏ khả năng kết hôn và từ bỏ nhà cửa, đất đai, gia đình gốc, các mối quan hệ ruột thịt, công việc nghề nghiệp.

Chỗ khác, Chúa Giêsu nói: “Có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu (Mt 19,12).

Độc thân có thể liên hệ tới Nước Trời, có giá trị như một dấu chỉ, như một ám dụ về Nước Trời, được đảm nhận vì tình yêu Đức Kitô (cf. Mc 8,35; Mt 16,25; Lc 9,24) và Tin Mừng của Người (cf. Mc 10,29; Mt 4,23; 9,35; 24,14). Khi ấy độc thân trở nên là một thực tại tiên tri và cánh chung, chứ không có tính chức năng thực dụng; là một ơn ban cho một môn đệ được kêu gọi mở lòng ra đón nhận sự thật của riêng mình. Đó không là một nghĩa vụ, không là một biện pháp cũng không phải là mệnh lệnh dành riêng cho những “con người hoàn hảo”, nhưng là một đặc sủng cần được đón nhận đối với ai nhận ra mình được kêu gọi đi theo Chúa và mở lòng đón lấy.

Độc thân là một lối sống đòi hỏi chắc chắn phải có một gắn bó rất mật thiết với Chúa, bằng cầu nguyện; nhưng cũng đòi hỏi sống các mối quan hệ trong cộng đoàn và nối kết với sứ vụ mà người môn đệ được mời gọi thi hành. Kết hợpmầu nhiệm với Chúa, liên đới hiệp thông với anh em, và cùng thi hành sứ vụ đến với mọi người.

Độc thân là một hồng ân nên phải cảm tạ Chúa

Để sống đời độc thân thật tốt, điều đầu tiên là nhận biết và mỗi ngày một ý thức sâu sắc hơn rằng đây là một ơn ban, một đặc sủng được Chúa ban cho ai có thể đón nhận nó. Đây là một khả năng sống không phải được ban cho hết mọi người mà chỉ cho một số người nào đó thôi. Đời độc thân tận hiến phải được sống trong tự do và vì tình yêu. Bởi thế hết sức cần có một sự phân định ơn gọi trước cuộc hành trình sống ơn gọi. Chỉ khi ta ý thức rằng mình đã nhận được ơn huệ thì ta mới có thể tìm ngược lên đến ý định của Đấng ban ơn, đọc ra được tiếng gọi, và từ đó mà cảm thấy nảy sinh trách nhiệm vì được Thiên Chúa chọn gọi để thực thi một sứ vụ.

Đúng là người ta không tự mình chọn đời độc thân tận hiến, đúng hơn người ta đón nhận nó như một yếu tố chỉ có được ý nghĩa và giá trị trong khi đi theo Chúa. Người ta chọn đời sống độc thân tận hiến vì người ta bị hấp dẫn bởi Chúa Kitô và Nước của Người đến độ muốn tập trung toàn bộ cuộc sống của mình vào Chúa Giêsu, muốn sống như Người đã sống, một cuộc sống hoàn toàn gắn bó với Người, trong khi mong đợi Người lại đến trong vinh quang. Họ có thể sống độc thân như thế bằng cách tập chú lòng khao khát, mong đợi, niềm hi vọng, lòng mến vào con người Đức Giêsu Kitô. Đúng hơn, ta phải nói rằng chọn lựa độc thân là kết quả của những điều đó. Như thế, chọn lựa đó không được thúc đẩy bởi một ước muốn thanh khiết theo nghi thức hay ước muốn được còn trinh nguyên thể lý, như thể các quan hệ tình dục đều nghịch cùng đời sống thiêng liêng, như thể khoái lạc là điều cấm kị, và ngược lại là cần phải khinh miệt xác thịt, thân xác hay thế gian.

Cần phải xác nhận rằng độc thân khiết tịnh không phải là một tình trạng tĩnh mà ta tồn tại trong đó nhưng là một sự đang thành hình trong thời gian. Điều đó có nghĩa là sự tập trung lòng khao khát Chúa của một anh em, chị em tuổi đôi mươi khởi đầu đời tu chẳng hạn, có thể rất nồng nàn và cũng rất lí tưởng, rất chân thực nhưng cũng thường không đủ sức đương đầu với thực tế vốn rất gian nan của hành trình đó. Thế nên, một khi đã chọn sống độc thân vì yêu mến Chúa và ước muốn đi theo Người trọn vẹn, những người độc thân tận hiến cần phải đổi mới và ước muốn lặp lại hằng ngày chọn lựa của mình, trong từng giai đoạn mới của cuộc sống khi mà cách thức yêu mến thay đổi, khi những khao khát tình cảm bền vững áp đảo, khi nỗi cô đơn chất nặng thêm cuộc sống của ta.

Quả thật, dù trong trường hợp nào, nếu độc thân tận hiến được hiểu như là một ân ban và là sự đáp lại tình yêu Chúa, thì đó sẽ là lý do để tri ân Chúa. Bằng không, đời độc thân sẽ chỉ như là một lề luật áp đặt phải tuân giữ, sống thiếu lòng cảm mến tri ân, rốt cuộc chỉ còn là một gánh nặng không chịu nổi.     

Luy Nguyễn Anh Tuấn

 


Năm Đời Sống Thánh Hiến