Công đồng Vatican II 50 năm

Vào ngày 11-10-2012, chúng ta mừng kỷ niệm 50 năm ngày triệu tập Công đồng Vatican II khai mạc phiên họp đầu tiên. Trong bối cảnh 50 năm sau, một số đông người Công giáo, và cả nhiều người khác, khi suy nghĩ về vai trò và sứ mệnh của Công đồng, đã nêu lên nhiều câu hỏi quan trọng. Những gì còn tiếp nối khí thế mạnh mẽ và những nỗ lực mà Công đồng đã khai sinh? Tại sao vẫn còn có những vị lãnh đạo Giáo Hội tiếp tục chối bỏ giáo huấn và những cải tổ mà Công đồng khởi xướng? Việc tự do suy tư và học hỏi, cùng với lời mời gọi mọi người tham gia tích cực vào các lĩnh vực của đời sống Giáo Hội, những điều mà Công đồng tiên liệu, vẫn còn ở nơi đâu? Có phải Công đồng đã chết? Chúng ta cần giải thích giáo huấn công đồng như thế nào? Công đồng có thực sự dẫn đến một cách thế mới để thể hiện Giáo Hội, hay chỉ là để trang điểm một cách nào đó, mà về bản chất là không thay đổi gì cả.

Đối với nhiều người, kể cả những người Công giáo, thì Công đồng Vatican II với 4 phiên họp diễn ra từ năm 1962 đến năm 1965, đã đi vào lịch sử quá khứ. Hoặc họ không tìm hiểu những gì đã dẫn đến biến cố khai sinh Công đồng, hoặc họ chưa thấu đạt những giáo huấn mới mẻ và những cải tổ mà Công đồng đề xướng. Họ chưa từng đọc 16 văn kiện khởi phát từ những năm quyết định đầy phấn chấn và phấn khích của hơn 2.500 nghị phụ trên toàn thế giới, chưa kể nhiều chuyên gia thần học cũng như các nhà quan sát Chính Thống giáo và Tin Lành và những truyền thống đức tin Kitô khác. Trong chiều hướng của những gì đang được tranh luận về ý nghĩa, và về tính hiệu quả của Công đồng Vatican II, chúng ta những người Công giáo cùng tìm hiểu bối cảnh lịch sử của Công đồng Vatican II và cách thế Công đồng tiếp tục ảnh hưởng trên chúng ta và toàn thế giới cho đến tận hôm nay.

Đức Gioan XXIII, vị Giáo hoàng của sự chuyển tiếp (papa di passagio)

Câu chuyện bắt đầu với biến cố Chúa Thánh Thần hướng dẫn Giáo Hội bầu chọn vị Hồng y 77 tuổi thành Venice, tên là Angelo Giuseppe Roncalli, làm Giáo hoàng để kế tục Đức Piô XII, vị đã làm Giáo hoàng được gần 20 năm. Đức Piô XII đã được chọn vào năm 1939 và qua đời ngày 9-10-1958. Rất nhiều biến động diễn ra vào những năm ngài trị vì: Chiến tranh Thế giới lần thứ hai; tội ác Thảm sát Tập thể của Đức Quốc Xã đã để lại bao đau thương và mất mát cho nhiều người; tiến trình tái thiết châu Âu và Nhật Bản… Sau cái chết của Đức Piô XII, các hồng y đồng lòng chọn một ứng viên để làm giáo hoàng chuyển tiếp (papa di passagio), một vị trông coi tạm thời ngôi nhà Giáo hội toàn cầu với triều đại ngắn hạn. Như thế, vào ngày 28-10-1958, các ngài đã chọn một cụ già đạo đức, mà các ngài nghĩ là vô hại, thậm chí còn đơn sơ, để làm thủ lãnh Giáo Hội.

Được chọn làm Giáo hoàng, Đức Angelo lấy danh hiệu là Gioan XXIII và cho biết một số lý do cho sự chọn lựa này. Nhưng những ai đã tìm hiểu lịch sử Giáo hội đều coi việc ngài lấy danh hiệu Gioan như là lập dị, nếu không muốn nói là khơi gợi một sự xúc phạm. Đã không có một vị giáo hoàng mang tên Gioan trong suốt hơn 500 năm trước đó. Vị Giáo hoàng mang tên Gioan sau cùng được coi là một giáo hoàng giả, và bị Công đồng Constance truất phế năm 1415 và buộc ông phải thực hiện cuộc cải cách Giáo hội. Chắc chắn, Đức Angelo, một sử gia về Giáo hội thừa biết rằng vị Giáo hoàng sau cùng mang tên Gioan là một giáo sĩ tai tiếng, bị đặt vấn đề về tính hợp pháp.

Tuy nhiên, khi chọn danh hiệu Gioan XXIII, Đức Angelo muốn khôi phục tính chính đáng cho tên gọi đó. Những người khác cũng nghĩ rằng ngài chọn danh hiệu đó bởi vì ngài biết Gioan trước kia đã hô hào cải tổ và đổi mới Giáo Hội. Có phải Đức Angelo cũng có một gợi ý xa xôi là ngài cũng sắp triệu tập một công đồng?

Điều chúng ta biết được, đó là vào ngày 25 tháng Giêng, năm 1959, sau gần 3 tháng được chọn làm Giáo hoàng, khi kết thúc Thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phaolô ngoại thành, với một nhóm nhỏ các hồng y tham dự, Đức Gioan XXIII đã tuyên bố ý định triệu tập một Công đồng đại kết. Trong cuốn Nhật ký Một Tâm Hồn, Đức Gioan ghi lại, là ngài mong ước một Công đồng như một điều gì đó hoàn toàn bất ngờ, và được Chúa Thánh Thần linh hứng. Việc loan báo được chào đón trong sự thinh lặng đầy kinh ngạc. Trong khi đó, ngài thoáng nhận thấy sự thất vọng trong phản ứng của các hồng y, nhưng điều này không ngăn cản Đức Gioan theo đuổi ơn linh hứng mà ngài đã đón nhận, và ngài âm thầm phát động cho một công đồng trở thành thực tại.

Tại sao lại là một Công đồng đại kết?

Mục đích của Đức Gioan XXIII khi triệu tập một Công đồng Đại kết tập trung vào lối nhìn của ngài về câu hỏi: Giáo Hội là gì? Cái nhìn của ngài thể hiện một đường lối mục vụ tiếp cận quần chúng, và ngài cho rằng Giáo hội Chúa Kitô phải thể hiện và biểu tỏ cách thế ấy cho toàn thể nhân loại. Trong khi có nhiều người chỉ nhìn thấy thất bại và thất vọng thì ngài lại thấy đường hướng đó là thích hợp và đầy hứa hẹn. Trong khi những người khác sẵn sàng quy kết, còn ngài thì sẵn sàng tha thứ, hoà giải và hợp nhất. Trong khi những người khác vẫn còn coi Thiên Chúa như là Đấng loại trừ và kết án, thì ngài nhìn Thiên Chúa là Đấng cảm thương và giàu lòng tha thứ.

Khi được hỏi về việc cần phải có một Công đồng không, Đức Gioan XXIII trả lời rằng ngài muốn có một luồng gió mới thổi vào Giáo Hội, đưa vào đó một sức sống mới, sự lan toả mới. Ngài nhấn mạnh: “Chúng ta không có mặt ở đây để canh giữ một viện bảo tàng nhưng là để chăm nom một khu vườn tươi tốt tràn đầy sức sống.” Ngài nhấn mạnh: “Giáo Hội không phải là một viện bảo tàng khảo cổ học, nhưng là dòng nước mát làm dịu cơn khát của thế hệ hôm nay, cũng như Giáo Hội đã từng làm như vậy cho những thế hệ đã qua.” Đức Gioan mường tượng Công đồng được Chúa Thánh Thần linh hứng sẽ tạo cơ hội cho một “Lễ Hiện Xuống mới”, để Chúa Thánh Thần tái sinh thế giới này. Cuối cùng, Đức Gioan XXIII nhìn thấy Công đồng như một cơ hội để cập nhật (aggiornamento), để canh tân Giáo hội, đó là một sự đổi mới mà mỗi thế hệ Kitô hữu cần phải thực hiện để trình bày sứ điệp và sứ vụ của Đức Giêsu trong nền văn hoá của thời đại riêng của mình.

Đức Gioan XXIII muốn loại bỏ mọi biên giới, mọi rào cản để tìm về hợp nhất với các người Kitô anh em khác. Ngài muốn mọi Kitô hữu hiểu rằng họ có mối liên hệ thâm sâu với người Do Thái, là những bậc tiền bối của họ trong đức tin. Ngài nhận thấy cần phải có một sức sống mới trong Giáo Hội. Ngài muốn một Giáo Hội phải luôn thích ứng với “các dấu chỉ của thời đại”, một Giáo Hội mở ra cho một Lễ Hiện Xuống mới, nơi đó Thánh Thần Chúa sẽ làm phát sinh nhiều ơn ích cho toàn thế giới.

Ước muốn của Đức Gioan XXIII xuất phát từ kinh nghiệm sống thực của ngài với một Giáo Hội khép kín, một Giáo Hội không sẵn sàng phá bỏ các mối ngăn cách cố hữu. Kinh nghiệm của ngài giúp khai triển một cảm thức mới về Giáo Hội, đặt ưu tiên về mục vụ chứ không thể hiện tính cách phòng thủ, duy luật hoặc dựa vào quyền bính. Ngài chú tâm hơn đến việc xây dựng các mối tương quan, hoà giải các mối hiềm khích và tạo lập những nhịp cầu thông cảm hiểu biết hơn là phê phán, khai trừ hoặc kết án.

Điều này trái ngược gay gắt với thái độ phòng thủ khép kín đã bắt rễ sâu trong Giáo hội, xuất phát từ cuộc Cải Cách Tin Lành của thế kỉ XVI, khi đó Giáo Hội ra sức bảo vệ mình khỏi những cuộc tấn công của những nhà cải cách Tin Lành. Thực ra phản ứng này là điều tự nhiên và có thể thông cảm được thì nó lại đặt Giáo Hội vào một tiến trình, mà rốt cuộc làm phương hại đến sự đối thoại và cộng tác đích thực.

Bởi vì những nhà cải cách Tin Lành công kích Giáo Hội cơ chế như là không chính thực theo Đức Kitô và theo Sách Thánh, thì ngược lại Giáo Hội nhấn mạnh đến nền tảng hợp pháp này nơi chính Đức Kitô và trong Sách Thánh. Điều này dẫn Giáo Hội đến việc nhấn mạnh đến những khía cạnh cơ chế, và xác quết rằng đó là một xã hội hoàn hảo. Giáo Hội tuyên bố mình là Nước Thiên Chúa trong trần gian và như vậy không cần phải biện minh về cơ cấu và sứ vụ của mình.

Những nhà cải cách chất vấn về tính hợp pháp của Giáo Hội, nhất là về vai trò giáo hoàng, về những đặc quyền, cũng như tư cách cho mình là người được uỷ nhiệm. Còn Giáo Hội thì bảo vệ tính hợp pháp của đức giáo hoàng, những thừa tác vụ Giáo Hội, cũng như quyền bính và uy thế đặc biệt của những người được uỷ nhiệm. Sự thể đó lại nhấn mạnh thái quá về ý nghĩa của Bí tích Truyền Chức mà coi nhẹ Bí tích Thánh Tẩy, và như vậy, những người được truyền chức trong vai trò lãnh đạo Giáo Hội lại được đề cao quá đáng. Điều này đặt giáo dân vào thế thụ động, vào một vai trò không được là thừa tác, và không có quyền góp ý về việc phải thể hiện Giáo Hội như thế nào. Một sự nhấn mạnh như thế cũng đi theo chiều hướng là ủng hộ quyền bính và đặc quyền giáo hoàng để Giáo hoàng đồng hoá với Giáo Hội, và ngược lại, Giáo Hội đồng hoá với Giáo hoàng. Và như vậy, các giám mục chỉ được coi như sứ giả của Giáo hoàng, đón nhận năng quyền từ Giáo hoàng chứ không phải từ Chúa Kitô.

Giáo hội cơ chế của thế kỷ XVI xác quyết đó là chính cơ cấu Giáo Hội mà Chúa Kitô đã thiết lập. Mọi khía cạnh tổ chức đều do Đức Giêsu truyền lệnh khi Ngài còn ở trần gian, nhất là những chỉ thị trong Bữa Tiệc Ly. Những người không tán thành là những người phản bội lại tất cả những gì Chúa Giêsu đã thực sự thiết lập. Giáo Hội được hiểu như là Giáo Hội duy nhất chính thực, một Giáo Hội trung thành với ý muốn của Đức Kitô. Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ (extra salutem nulla salus). Những ai tin cách khác là những người dị giáo và ly khai.

Trung thành với Chúa Kitô cũng có nghĩa là Giáo Hội phải thể hiện như đã từng thể hiện. Thay đổi bị coi là cấm bởi vì trái với ý định của Đức Giêsu. Một thái độ như thế dẫn đến quan niệm cho rằng, lịch sử, văn hoá, và các hệ tư tưởng bất cứ vì lẽ gì không thể tác động vào giáo huấn và cơ cấu Giáo Hội. Trái lại, chính Giáo Hội phải tác động vào nhân loại, văn hoá, lịch sử và các dòng tư tưởng. Quan điểm này chiếm ngự cách Giáo Hội hiểu về mình trên bốn thế kỷ, và được tái khẳng định trong thời gian bởi huấn quyền và quyền bính Giáo Hội.

Bối cảnh thế kỷ XX tác động đến Công đồng

Ba chiều kích phát triển riêng của thế kỷ XX đã ảnh hưởng đến mong muốn của Đức Gioan XXIII triệu tập một công đồng nhằm hợp nhất Kitô giáo và canh tân Giáo hội Công giáo, đó là: phong trào đại kết, việc nghiên cứu Kinh Thánh và canh tân Phụng vụ. Cả ba phong trào này đã thực hiện những bước tiến đáng kể trong suốt hành trình sứ vụ của Đức Gioan XXIII.

Một bước tiến đại kết thực sự có ý nghĩa xảy ra năm 1908 khi Các cha Dòng Chuộc Tội ở Graymoor, New York, đầu tiên đề ra một thời gian cầu nguyện cho sự hợp nhất các Giáo hội của Chúa Kitô, mà ngày nay trở thành Tuần Cầu nguyện cho sự Hợp nhất các Kitô hữu, từ ngày 18-25 tháng Giêng. Sau đó, vào năm 1910, nhiều nhóm Tin Lành ủng hộ phong trào đại kết này đã gặp nhau trong một tổ chức gọi là Hiệp hội Truyền giáo Thế giới, rồi vào năm 1948, đã chính thức trở thành Hội đồng các Giáo hội Thế giới. Trước khi trở thành Giáo hoàng, Đức Angelo Roncalli đã chú tâm đến các phong trào đại kết này, nhất là trong các chuyến du hành của ngài với tư cách là đoàn đại biểu của Vatican.

Cảm thức ấy đã thúc đẩy ngài tuyên bố triệu tập một Công đồng chung vào ngày 25-1-1959, ngày kết thúc Tuần Cầu nguyện cho Hợp nhất Kitô hữu. Thao thức thường xuyên của ngài là Giáo Hội cần nhận ra mầm mống sự hợp nhất đang tồn tại trong mọi Kitô hữu, và ngài tiếp tục khẳng định rằng chúng ta phải “phát huy những gì là hợp nhất hơn là duy trì sự chia rẽ… Chúng ta hãy tiến lại với nhau và chấm dứt những sự phân ly giữa chúng ta.” Điều này đã thôi thúc Đức Gioan XXIII mời các Kitô hữu Chính Thống giáo, các Kitô hữu Tin Lành, những quan sát viên Do Thái giáo, và nhiều nhà quan sát khác tham dự Công đồng Vatican II.

Phương pháp phê bình lịch sử để nghiên cứu Kinh Thánh trước đây bị Vatican I (1870) hoàn toàn cấm, thì cuối cùng đã được Đức Piô XII chấp nhận năm 1943 trong Thông điệp Divino Afflante Spiritu. Các học giả Kinh Thánh Công giáo bắt đầu kết hợp truyền thống và học thuyết của Giáo Hội đặt nền tảng trên Kinh Thánh nhiều hơn, và như thế hướng về chiều kích đại kết hơn. Công đồng cuối cùng chấp nhận và mở rộng phương pháp này, coi nó như thuộc về giáo huấn chính thức của Giáo Hội.

Bắt đầu vào những năm 1800, những phong trào cải tổ phụng vụ đã đưa ra những phát kiến mới và nhiều hình thức thử nghiệm phụng vụ mới ở những nước như Đức, Bỉ và một số tu viện tại châu Âu; nhiều quốc gia khác, kể cả ở Hoa Kỳ người ta lại thực hiện lĩnh vực này một cách kín đáo hơn. Những khám phá mới và những nghiên cứu mới về phụng vụ cổ kính cùng những phương thức cử hành đã giúp người ta hiểu biết đích xác hơn truyền thống phụng vụ của Giáo Hội. Việc thử nghiệm sử dụng ngôn ngữ địa phương trong cử hành Thánh lễ, việc rước lễ dưới 2 hình, bài giảng dựa trên Kinh Thánh, và một số những cách thức sử dụng âm nhạc đã mở đường cho việc canh tân và thích nghi Phụng vụ của Công đồng Vatican II.

Đức Piô XII đã đi những bước đầu tiên hướng đến việc canh tân Phụng vụ bằng cách duyệt lại toàn bộ Phụng vụ Tuần Thánh vào năm 1955, để nó phù hợp với nghi thức và biểu tượng phong phú mà những ngày thánh thiện nhất trong năm đòi hỏi và cần phải có. Ngài cũng khuyến khích giáo dân tham gia tích cực và rộng rãi hơn vào việc cử hành Thánh lễ, bao gồm cả việc cho hát nhiều hơn và được chịu lễ thường xuyên hơn. Đến thời Đức Gioan XXIII, ngài cũng nhìn nhận nhu cầu phụng vụ lớn lao này và quyết định rằng những cải tổ cần thiết phải được nghiên cứu một cách hệ thống. Nhìn nhận đời sống phụng vụ của Giáo Hội như là nền tảng, Đức Gioan XXIII xác quyết rằng chủ đề đầu tiên mà Công đồng bàn tới, đó là Phụng vụ.

Nhiều phong trào mở rộng và phát triển trong mọi lĩnh vực của đời sống Giáo Hội đã thúc đẩy người ta định giá lại Giáo Hội trong việc đáp ứng những đòi hỏi, những điều mà thời đại quan tâm. Nhiều học giả và các nhà thần học phụ giúp các nghị phụ tại Công đồng Vatican II, trong những khảo cứu và đề xuất của họ, cũng đã nhận thấy đường hướng tích cực này trong Giáo Hội tương lai. Vì vậy, việc canh tân, cập nhật, aggiornamento, luôn khuấy động con tim của Đức Gioan XXIII và trở thành đường hướng chủ đạo của bước tiến Công đồng.

***

Không như các Công đồng trong lịch sử, thường bảo toàn đời sống Giáo Hội một cách chặt chẽ, trong một khung cảnh nghiêm ngặt, Công đồng Vatican II đã thổi vào Giáo Hội một luồng sinh khí mới, lan toả ra trong đời sống đức tin cũng như trong những thực hành mục vụ. Nhưng điều đó không có nghĩa là thay đổi chỉ để mà thay đổi. Tất cả những thay đổi đó đã được nhìn nhận như là thuộc về chính bản chất và sứ vụ của Giáo Hội, được Chúa Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn. Giáo Hội lữ hành bước đi trong thời gian và lịch sử nên luôn cần có những thích ứng cần thiết. Công đồng Vatican II xác quyết rằng gia sản phong phú của Giáo Hội chính là phân định thế nào nhằm đáp ứng những đòi hỏi thực tế của thời đại hiện nay.

(Viết theo BIAGIO MAZZA trong bài A New Way of Being Church”)

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

(emty.org Cập nhật: 10/10/2012 - 11:37:36)

 


Mục Lục Năm Đức Tin