NĂM ĐỨC TIN THEO THÁNH TÔMA (bài thứ 5):

Mầu nhiệm Nhập thể


Tiếp tục giải thích kinh Tin Kính, thánh Tôma bước sang đoạn thứ ba, bàn về mầu nhiệm Nhập thể. Chúng ta có thể chia thành ba mục: ý nghĩa của mầu nhiệm; những lạc thuyết; những hệ luận cho đời sống đạo.

            A. Ý nghĩa của mầu nhiệm Nhập thể. Dựa theo hai chức năng của “lời” ở nơi con người (lời trong tâm trí và lời phát biểu ra ngoài), vị Tiến sĩ Thiên thần nói đến Lời ở trong cung lòng Thiên Chúa, và Lời tỏ hiện trong một thân xác con người, để mạc khải Thiên Chúa cho nhân loại.

            B. Những sai lầm liên quan đến mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập thể (thời các giáo phụ), được sắp xếp theo thứ tự luận lý:

            1) Đức Kitô nhập thể để cứu chuộc loài người (trái với ý kiến của ông Origène, muốn mở rộng ơn cứu độ cho cả ma quỷ).

            2) Đức Kitô từ trời xuống (chứ không phải từ dưới đất lên: điều sai lầm của ông Photinus).

            3) Đức Kitô có một thân xác thật sự (chống lại thuyết của Manikê)

            4) Đức Kitô là con của đức trinh nữ Maria (Người thụ thai do quyền năng Thánh Linh, chứ không do giao hợp tự nhiên; chống lại nhóm Ebionit, gốc Do thái thế kỷ II).

            5) Đức Kitô là con thật của đức Maria (được sinh bởi Đức Maria, chứ không do một thiên thể; chống lại Valentinus, thuộc nhóm ngộ giáo thế kỷ II).

            6) Đức Kitô là người thật: có thân xác và linh hồn (chống lại Apollinaris, 310-390).

            7) Đức Kitô có hai bản tính (chống lại Eutyches, 378-454?).

            8) Đức Kitô có một ngôi vị trong hai bản tính (chống lại Nestorius, + khoảng 450).

            C. Những ích lợi nhờ việc suy gẫm Mầu nhiệm Nhập thể

Cũng như các đoạn trước đây, thánh Tôma cho thấy năm hệ luận của đạo lý đức tin đối với đời sống tâm linh: bên cạnh những hiệu quả đối với ba nhân đức tin cậy mến, chân lý về Thiên Chúa Nhập thể giúp chúng ta ý thức về phẩm giá cao quý của con người, và khơi lên lòng ao ước muốn ở gần Chúa Kitô.

 

                                                                ....................................................................................

 

III. (Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô) ...  BỞI PHÉP ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN MÀ NGƯỜI XUỐNG THAI SINH BỞI BÀ MARIA ĐỒNG TRINH

 

Người Kitô hữu không chỉ phải tin rằng Đức Kitô là Con Một của Thiên Chúa, như đã trình bày trên đây, mà còn phải tin rằng Ngài đã trở nên người phàm. Vì thế, thánh Gioan, sau khi đã nói nhiều điều cao siêu và cam go về Ngôi Lời, lại tiếp tục nói với chúng ta về việc Nhập thể rằng: “Và Ngôi Lời đã trở nên người phàm” (Ga 1,14).

A. NHỮNG SUY LUẬN GIÚP HIỂU MẦU NHIỆM NHẬP THỂ

Để làm sáng tỏ đôi chút về mầu nhiệm này, tôi sẽ minh họa bằng hai ví dụ sau:

1. Lời đã được công bố

Trước tiên, ắt hẳn không có gì giống với Lời của Thiên Chúa hơn là lời mà trí tuệ chúng ta nhận thức nhưng không nói ra ngoài miệng. Tuy nhiên không ai biết được lời bao lâu nó còn nằm ở trong trí tuệ ngoại trừ chính kẻ đã nhận thức lời ấy; nhưng từ khi ta nói ra lời ấy thì những người nghe có thể biết được lời. Vì thế Lời của Thiên Chúa, bao lâu còn ở trong cung lòng của Chúa Cha thì chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi; nhưng một khi Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm giống như lời mặc lấy tiếng nói, thì lần đầu tiên Ngôi Lời được biểu lộ và được nhận biết, theo như ông Baruch đã viết: “Thế rồi Ngài xuất hiện trên địa cầu và đã đàm đạo với loài người” (Br 3,38).

2. Lời đã được ghi chép

Một ví dụ thứ hai. Ta có thể nhận biết lời đã nói ra nhờ thính giác, nhưng chúng ta không nhìn thấy hoặc đụng chạm đến nó được; nhưng khi lời đã được viết ra giấy thì chúng ta vừa nhìn thấy mà còn đụng chạm đến nó được. Tương tự như vậy, có thể nói được rằng, Lời của Thiên Chúa đã trở nên vừa có thể thấy được, vừa có thể đụng đến được khi Ngài được viết cách nào đó trên xác phàm của chúng ta. Cũng như tờ giấy viết lời của vua thì được gọi là lời của vua, thì cũng vậy con người được kết hợp với Lời của Thiên Chúa thành một ngôi vị thì được gọi là Lời của Thiên Chúa, như sách ngôn sứ Isaia (8,1) có viết: “Hãy lấy một cuốn sách lớn, và lấy bút con người mà viết lên trên đó”. Chính vì thế, các thánh tông đồ nói về đức Kitô là Con Một Thiên Chúa rằng: Ngài đã chịu thai bởi Phép Đức Chúa Thánh Thần và sinh bởi Đức Maria đồng trinh[1].

B. NHỮNG SAI LẦM LIÊN QUAN ĐẾN MẦU NHIỆM NHẬP THỂ

Đã có nhiều sai lầm xảy ra về vấn đề này, khiến cho các Nghị phụ tại Công đồng Nixê đã thêm thêm nhiều điều xác định, nhờ vậy tất cả những sai lầm này bị loại bỏ.

1. Origène

Ong Origène cho rằng Đức Kitô được sinh ra và đến trong thế gian để cứu độ cả ma qủy nữa. Ông khẳng định rằng vào ngày tận thế tất cả mọi ma qủy sẽ được cứu độ. Nhưng điều này trái với Kinh Thánh, vì chúng ta đọc trong thánh Matthêu những Chúa phán vào lúc chung thẩm như sau: “Hỡi quân bị nguyền rủa, đi đi cho khuất mắt ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Qủy và các sứ thần của nó” (Mt 25,41). Do đó, để ngăn chặn quan điểm sai lạc này, các giáo phụ đã thêm vào tín biểu: Vì loài người chúng ta (chứ không phải vì ma qủy) và để cứu độ chúng ta mà đức Giêsu đã được sinh bởi trinh nữ Maria. Những lời này nêu bật tình yêu của Thiên Chúa dành cho loài người chúng ta.

2. Photinus

Photinus cũng thừa nhận Đức Kitô được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, nhưng ông thêm rằng: Người chỉ là một con người bình thường; vì đã sống một cuộc đời đạo hạnh và tuân hành Thánh ý Thiên Chúa nên Người xứng đáng trở thành Con của Thiên Chúa, giống như biết bao vị thánh khác. Ngược với quan điểm này, Tin Mừng theo thánh Gioan (6,38) có lời chép: “Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi”. Khỏi cần nói ai cũng biết rằng, Ngài sẽ không từ trời mà xuống nếu Ngài đã không ở đó; và giả như Ngài chỉ là một con người thì Ngài đã không ở trên trời. Vì thế, để ngăn chặn quan điểm sai lầm này của Photinus, các nghị phụ đã thêm vào tín biểu: Ngài đã từ trời xuống thế.

3. Phái Manichae

Phái Manichae cho rằng mặc dù Con Thiên Chúa luôn luôn hiện hữu và từ trời ngự xuống, nhưng Ngài không có thân xác thật sự, mà chỉ có hình dáng thân xác  mà thôi[2]. Nhưng điều này thật sai lầm, vì Thầy dạy chân lý mà lại trình bày điều giả dối thì quả là không thích hợp. Do đó, bởi vì Ngài tỏ ra bên ngoài là có thân xác người phàm cho nên Ngài thực sự có thân xác. Vì thế, Chúa nói với các tông đồ: “Cứ rờ và xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây mà” (Lc 24,39). Bởi vậy, để ngăn chặn quan điểm sai lầm trên, các Nghị phụ của Công đồng thêm vào: Và Ngài đã trở nên xác phàm.

4. Ebion

Ebion, một người gốc  Do thái[3], nói rằng, Đức Kitô được sinh ra từ Đức trinh nữ Maria, nhưng được thụ thai  do sự giao hợp và bởi tinh dịch của người đàn ông. Nhưng điều này thật sai lầm, bởi vì thiên sứ đã nói với thánh Giuse (Mt 1,21): “Vì người con đang được Maria là bạn của ông cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần”. Vì thế, để ngăn chặn quan điểm sai lầm này, các Nghị phụ đã thêm vào tín biểu rằng Đức Giêsu đã xuống thai: Bởi phép Chúa Thánh Thần.

5. Valentinus

Valentinus nhìn nhận rằng Đức Kitô được thụ thai bởi Phép Chúa Thánh Thần, nhưng ông chủ trương rằng Chúa Thánh Thần đã nặn ra một thiên thể và đặt vào trong cung lòng của Đức trinh nữ Maria; thiên thể này chính là thân xác của Đức Kitô. Theo cách đó, sự cộng tác của Đức trinh nữ Maria bị giảm đi, bởi vì chỉ còn là nơi chứa thân xác của Đức Kitô. Ong thêm rằng thân xác của Đức Kitô chỉ đi qua Đức trinh nữ Maria như đi qua một máng nước.

Nhưng điều này thật sai lầm, bởi vì trong Tin mừng theo thánh Luca (1,35), Sứ thần đã quả quyết với Đức Maria: “Đấng Thánh mà bà sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. Và thánh Phaolô viết cho tín hữu Galát: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con của mình tới, sinh làm con một người đàn bà”. Vì vậy các giáo phụ đã thêm vào tín biểu rằng: Đức Giêsu sinh bởi bà Maria đồng trinh.

6. Arius và Apollinaris

Arius và Apollinaris cho rằng Đức Kitô đích thị là Ngôi Lời của Thiên Chúa và được sinh ra bởi Đức trinh nữ Maria, nhưng Ngài không có linh hồn con người, bởi vì thiên tính thế chỗ cho linh hồn. Nhưng điều này ngược với Kinh Thánh, bởi vì Đức Kitô đã nói: “Bây giờ, linh hồn Thầy xao xuyến” (Ga 12,27), và: “Linh hồn Thầy buồn đến chết được” (Mt 26,38). Vì thế các Nghị phụ đã ngăn chặn quan điểm sai lạc này bằng cách thêm vào tín biểu: Và Đức Kitô đã làm người. Thật vậy, một con người thì gồm có linh hồn và thể xác. Vì vậy, Đức Kitô có tất cả mọi thứ mà con người có thể có, ngoại trừ tội lỗi.

7. Eutyches

Qua những lời Đức Kitô đã trở nên người phàm, các giáo phụ đã loại bỏ tất cả những sai lầm đã nói ở trên, cũng như tất cả những sai lầm có thể có, đặc biệt là sai lầm của ông Eutyches, người chủ trương rằng thiên tính và nhân tính của Đức Kitô hoà quyện với nhau để làm thành một bản tính duy nhất nơi Đức Kitô, bản tính này không thuần tuý là thiên tính mà cũng chẳng thuần túy là nhân tính. Điều này thật sai lầm, vì trong trường hợp đó, Ngài sẽ chẳng phải là một con người thật sự, và điều này sẽ đi ngược lại với lời: Và đã làm người.

8. Nestorius

Nhờ những lời ấy, sự sai lầm của Nestorius cũng bị loại bỏ. Ông cho rằng: Con Thiên Chúa chỉ kết hiệp với con người bởi vì cư ngụ ở đó. Nhưng điều này thật sai lầm, bởi vì như vậy là Ngài sẽ không phải là một con người, nhưng Ngài ở  trong một con người. Việc Đức Kitô thực sự là một con người đã được thánh Phaolô nói rõ trong thư gửi tín hữu Philípphê (2,7): “Đức Kitô trở nên giống người phàm, sống như người trần thế”. Chính Ngài đã nói với người Do thái: “Tại sao các ông lại tìm giết con người như tôi, là kẻ đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa” (Ga 8,40).

C. NHỮNG HỆ QUẢ CỦA NIỀM TIN VÀO SỰ NHẬP THỂ

Từ những điều đã trình bày ở trên, chúng ta có thể rút ra một vài hệ quả sau đây nhờ việc suy niệm mầu nhiệm Nhập thể:

1. Củng cố đức tin của chúng ta

Giả như một người nào đó mô tả cho chúng ta một đất nước xa xôi mà anh ta chưa bao giờ đặt chân đến, thì chúng ta sẽ không tin anh ta cho bằng một người đã từng sống ở đó. Cũng vậy, trước khi Đức Kitô đến trần gian, thì các tổ phụ, các tiên tri và thánh Gioan tẩy giả đã nói nhiều điều về Thiên Chúa, nhưng người ta đã không tin vào họ như đã tin vào Đức Kitô, là Đấng đã ở với Thiên Chúa, và hơn thế nữa, Đấng là một  với Thiên Chúa. Vì lý do này, đức tin của chúng ta trở nên rất mạnh mẽ, bởi vì nó được chính Đức Kitô truyền lại: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18). Do đó mà nhiều mầu nhiệm đức tin, trước đây bị giấu kín,  chỉ được mạc khải khi Đức Kitô đến thế gian.

2. Tăng thêm niềm hy vọng của chúng ta

Thật vậy, hẳn nhiên Con Thiên Chúa mang lấy thân xác của chúng ta và đến với chúng ta không vì một lý do tầm thường, nhưng vì nhắm đến lợi ích cực kỳ to lớn của chính chúng ta. Quả thế, Ngài đã thực hiện một cuộc trao đổi, bởi vì khi nhận lấy một thân xác cùng với  linh hồn, và chấp nhận sinh ra từ một Trinh nữ, thì đó là để ban tặng thiên tính của Ngài cho chúng ta. Như thế, Ngài trở thành con người để con người có thể trở thành Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã viết: “Nhờ chúng ta tin, Ngài mở lối cho chúng ta vào hưởng ân huệ mà chúng ta đang được hiện nay; và chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của con cái Thiên Chúa” (Rm 5,2).

3. Hun đốt lòng mến của chúng ta

Thật vậy, không có bằng chứng nào về tình yêu của Thiên Chúa rõ ràng hơn việc Thiên Chúa Tạo thành lại trở nên một thụ tạo, Chúa của chúng ta lại trở nên người anh của chúng ta, và Con Thiên Chúa lại trở nên con người. Như thánh Gioan (3,16) đã viết: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của mình”. Chính việc suy nghĩ về điều này sẽ giúp khơi dậy và nung cháy nơi chúng ta lòng yêu mến Thiên Chúa.

4. Gìn giữ linh hồn trong sạch

Thật vậy, do việc kết hiệp với Thiên Chúa, bản tính của chúng ta được nâng cao đến nỗi được hợp nhất với Ngôi vị Thiên Chúa. Vì thế sau biến cố Nhập thể, thiên sứ không để cho thánh Gioan thờ lạy (x. Kh 22, 8-9), trong khi trước đây thiên sứ lại cho phép ngay cả các tổ phụ vĩ đại được làm điều đó. Vì thế, con người phải luôn nhắc nhớ và suy niệm vinh dự ấy; nhờ vậy con người sẽ giữ gìn khổn để cho mình và bản tính của mình bị ô uế vì tội lỗi. Đó là điều thánh Phêrô đã dạy (2Pr 1,4): “Nhờ Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã thực hiện những lời hứa qúy báu và trọng đại, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa, sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian”.

5. Bùng lên ước muốn đạt được Đức Kitô

Nếu ai có một người anh đang làm vua ở một đất nước xa xôi, thì tất nhiên sẽ ước mong đến  thăm nhà vua, ở với người ấy và lưu lại với người ấy. Cũng vậy, bởi vì Đức Kitô là anh của chúng ta, chúng ta sẽ khao khát được  ở với Ngài và được kết hiệp với Ngài, như Ngài đã nói với các môn đệ: “Xác chết nằm đâu, diều hâu tụ đó” (Mt 24,28). Thánh Phaolô cũng ước ao “được ra đi để ở với Đức Kitô” (x. Pl 1,23). Chắc hẳn nếu suy gẫm cuộc Nhập thể của Đức Kitô, thì chúng ta sẽ gia tăng lòng ước ao ra đi để ở với Chúa.

 


[1] Như đã có lần lưu ý, vào thời Trung cổ, người ta cho rằng chính các thánh tông đồ đã soạn ra kinh Tin kính.

[2] Đúng ra, đây là một khuynh hướng ngộ giáo mang tên là “ảo nhân thuyết” (docetismus) đã xuất hiện từ thời các thánh tông đồ (x. 1Ga 1,1-3; 2,22; 4,2; 2 Ga 7-10)..

[3] Ebion là một từ ngữ gốc Do thái có nghĩa là: người nghèo. Đây là một phái Do thái trở lại Kitô giáo, nhưng vẫn giữ tục cắt bì, và không nhận đức Giêsu là Con Thiên Chúa.

 


Mục Lục Năm Đức Tin