NĂM ĐỨC TIN VỚI THÁNH TÔMA

Bài 7: Đức Kitô xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại.

(daminhvn.net)

Mục này được chia làm hai tiết, bởi vì liên quan đến hai đề tài: tiết thứ nhất bàn về việc Đức Kitô “xuống ngục tổ tông”; tiết thứ hai bàn về việc Đức Kitô “sống lại từ cõi chết”. Lần này chúng tôi chỉ trình bày đề tài “Xuống ngục tổ tông”, trong nguyên bản Latinh là “descendit ad inferos”.

Theo nguyên ngữ, “inferi” chỉ có nghĩa là “cái ở dưới” dùng để dịch hạn từ sheol tiếng Do thái. Từ này đã thay đổi ý nghĩa trải qua lịch sử. Đôi khi nó ám chỉ cái huyệt hay là mộ (xem Tv 88); nhưng đôi khi nó ám chỉ nơi hội ngộ của tổ tiên (St 37,35; 49,33; G 30,23). Điều đáng lưu ý là vào lúc đầu, sheol là nơi dành cho tất cả mọi người chết (Tv 30,23; 88,11). Dần dần, do ảnh hưởng của các ngôn sứ về sự thưởng phạt bên kia thế giới, sheol được phân chia thành cấp bậc: những người gian ác thì ở dưới đáy (Ed 32,22; Is 14,15), và ta có thể giả thiết là người lành thì ở tầng trên (x. Tv 49,15). Dù sao, thì sheol là nơi tạm giam những người chết cho đến ngày tận thế, khi người lành sẽ sống lại, còn người ác thì bị thảy vào hỏa ngục.

 Như vậy, danh từ sheol thay đổi ý nghĩa trải qua dòng thời gian: từ một nơi dành cho tất cả mọi người chết đến nơi dành riêng cho kẻ ác. Khi dịch sheol ra tiếng Latinh là inferi thì ý nghĩa của nó cũng thay đổi như vậy: lúc đầu nó ám chỉ nơi dành cho hết mọi người chết (tạm gọi là “âm ti, âm phủ”); về sau nó là nơi dành cho kẻ ác (tiếng Pháp enfer được dịch là “hỏa ngục”). Hơn nữa, do sự tiến triển thần học, người ta còn phân chia làm bốn “ngục”: 1/ ngục tổ tông (nơi giam giữ những người công chính trước khi Chúa cứu chuộc; ngục này đã bị phá khi Chúa sống lại); 2/ ngục “lâm bô” (tiếng Latinh: limbus parvulorum, dành cho các thiếu nhi chết khi chưa được rửa tội; nhưng ngày nay các nhà thần học nói là không có ngục này); 3/ luyện ngục (nơi dành để thanh luyện những người chưa được thanh sạch; dựa theo công đồng Firenze năm 1439, Sách Giáo lý Công giáo số 1430 nhắc nói đến “tình trạng” thanh luyện, hơn là một “nơi”); 4/ hỏa ngục dành cho những kẻ chết trong tình trạng mất ân nghĩa với Chúa.

Trong kinh Tin kính các thánh Tông đồ, câu nói đức Kitô “xuống âm phủ” có lẽ chỉ muốn nói rằng Đức Giêsu đã chấp nhận cái chết giống như bao nhiêu con người khác, nhưng rồi ngài đã thắng tử thần (xc. Kh 1,18). Tuy nhiên, dựa theo 1Pr 3,18-20, câu nói được giải thích như là Ngài đến loan báo ơn cứu độ cho những kẻ bị giam giữ trong “ngục tổ tông”, nghĩa là những người lành thánh nhưng chưa được hưởng phúc thiên đàng bởi vì họ mắc tội tổ tông và chờ đợi Đức Kitô giải thoát (xem Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 632-635). Thánh Tôma cũng giải thích theo ý nghĩa đó.

Trong tiết này, trước hết tác giả đưa ra bốn lý do vì sao Chúa Giêsu “xuống ngục tổ tông” (nhưng chúng tôi dịch là “âm phủ, âm ti); tiếp đó, tác giả rút ra những hệ luận cho đời sống đức tin của chúng ta (hiểu về cả luyện ngục cũng như hỏa ngục).

Tiết 1: Đức Kitô xuống ngục tổ tông

Như chúng tôi đã trình bày, cái chết của Đức Kitô, cũng tương tự như cái chết của những người khác, hệ tại việc tách rời linh hồn ra khỏi thân xác. Tuy nhiên thiên tính của Ngài liên kết chặt chẽ với nhân tính của Đức Kitô đến nỗi mặc dù linh hồn và thân xác đã chia lìa nhau, nhưng thiên tính vẫn luôn luôn kết hợp cách hoàn bị nhất với cả linh hồn và thân xác của Ngài; vì thế, Con Thiên Chúa đã ở trong mồ cùng với thân xác, và Ngài xuống ngục tổ tông cùng với linh hồn.

A. CÁC LÝ DO KHIẾN ĐỨC KITÔ XUỐNG NGỤC TỔ TÔNG

Có bốn lý do lý giải tại sao Đức Kitô cùng với linh hồn của Ngài đã xuống ngục tổ tông:

1. Lý do thứ nhất, để Ngài lãnh nhận tất cả hình phạt của tội lỗi, ngõ hầu có thể xóa bỏ chúng. Thế nhưng hình phạt tội lỗi con người không chỉ hệ ở cái chết về thể xác, nhưng còn hệ ở hình phạt trong linh hồn. Thực vậy linh hồn cũng đã phạm tội, vì thế cho nên nó cũng bị hình phạt là không được chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Vì thế, trước khi Đức Kitô đến, tất cả mọi người, kể cả các thánh tổ phụ, đều xuống âm phủ sau khi chết. Do đó, để mang lấy tất cả hình phạt dành cho các tội nhân, Đức Kitô đã muốn không chỉ chịu chết mà còn để linh hồn mình xuống âm phủ. Vì thế, Ngài nói trong Thánh vịnh (87,5-6): “Hồn con ngập tràn đau khổ, mạng sống con âm phủ gần kề, thân kể như đã vào phần mộ, ví tựa người kiệt sức còn chi.” Thật vậy, những người khác ở đó như là những nô lệ, còn Đức Giêsu ở đó như là kẻ được tự do.

2. Lý do thứ hai, để Ngài có thể mang lại sự cứu giúp tốt nhất cho tất cả các bạn hữu của mình. Thật vậy Đức Kitô không chỉ có bạn hữu ở trên trần gian này, mà còn có bạn hữu cả trong âm phủ nữa. Bởi vì ai sống trong đức ái là bạn hữu của Đức Kitô và nơi âm phủ có nhiều người đã chết trong tình yêu và niềm tin vào Đức Giêsu sẽ đến, tựa như các ông Abraham, Isaac, Giacob, Môsê, Đavid, và nhiều người công chính và hoàn thiện khác. Và bởi vì Đức Giêsu đã viếng thăm các bạn hữu của mình trên trần thế này và cứu giúp họ nhờ cái chết của Ngài, thì Ngài cũng muốn thăm viếng các bạn hữu của mình đang ở trong âm phủ và cứu giúp họ bằng cách đến với họ: “Ta sẽ xuyên qua tất cả mọi đáy sâu lòng đất, sẽ thăm viếng mọi kẻ đang ngủ yên, và sẽ chiếu sáng tất cả những ai hy vọng vào Chúa” (Hc 24,45).

3. Lý do thứ ba, để Ngài có thể hoàn toàn chiến thắng ma quỷ. Thật vậy, sự chiến thắng đối phương chỉ hoàn tất khi không những chế ngự được họ trên trận chiến, mà còn tấn công họ ngay trong pháo đài của họ và trục xuất họ ra khỏi vương quốc và nơi ở của họ nữa. Đức Kitô đã toàn thắng ma quỷ và đã chế ngự nó trên cây Thập Giá, vì vậy mà Ngài nói (Ga 12,31): “Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này (tức là ma quỷ) sắp bị tống ra ngoài”, và để cuộc chiến thắng được trọn vẹn, Ngài muốn lật đổ khỏi vương quốc của nó và tống giam nó vào nơi dành riêng cho nó, tức là địa ngục. Vì thế Ngài đã xuống đó và đã tước đoạt mọi thứ tài sản của nó, trói buộc nó và tước đoạt mọi chiến lợi phẩm của nó, như thánh Phaolô viết trong thư gửi tín hữu Colosê (2,15): “Người đã truất phế các quyền lực thần thiêng, đã công khai bêu xấu chúng, đã điệu chúng đi trong đám rước khải hoàn của Ngài”. Mặt khác, vì Đức Kitô đã được trao quyền năng và sở hữu trên trời và dưới đất, nên Ngài muốn lãnh quyền sở hữu dưới âm phủ, theo lời Phaolô (Pl 2,10), “Khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ” và chính Ngài đã nói: “Nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ” (Mc 16,17).

4. Lý do thứ bốn, để giải thoát các thánh đang bị giam cầm trong âm phủ. Bởi vì cũng như Đức Kitô đã muốn chịu chết để giải thoát những kẻ sống khỏi phải chết, thì Đức Kitô cũng muốn xuống âm phủ để giải thoát những ai đang bị giam cầm ở đó. Như vậy, ta có thể áp dụng cho Ngài những lời của ngôn sứ Dacaria (9,11): “Lạy Chúa, nhờ giao ước được thiết lập trong máu, Chúa đã kéo những kẻ bị giam cầm ra khỏi hố cạn.”. Ngài đã hoàn tất lời của ngôn sứ Hôsê (13,14):”Hỡi Thần Chết, ta sẽ là cái chết của ngươi; Hỡi Âm Ty, ta sẽ là nọc độc của ngươi.” Quả vậy, mặc dù Đức Giêsu đã tiêu diệt hoàn toàn sự chết, nhưng Người đã không hoàn toàn phá bỏ địa ngục, mà ra như chỉ tiêm nọc độc cho nó. Điều này có thể hiểu như là Ngài đã không giải thoát tất cả mọi người bị giam giữ, mà chỉ giải thoát những ai không mắc tội trọng và tội nguyên tổ. Xét theo cá nhân, con người được khỏi tội hoặc là nhờ sự cắt bì, hoặc đối với trường hợp trước khi có phép cắt bì, thì nhờ đức tin của cha mẹ họ (nếu chết trước khi biết sử dụng trí khôn) hay nhờ những hy lễ và lòng tin vào Đức Giêsu là Đấng sẽ đến (nếu là người trưởng thành). Tuy nhiên, xét theo bản tính loài người, họ phải ở dưới âm phủ do tội nguyên tổ Ađam mà duy chỉ Đức Kitô mới giải thoát được. Vì thế Đức Kitô để lại những người xuống âm phủ vì tội trọng và những trẻ em không được cắt bì. Đó là lý do mà Ngài nói với âm ty: “Ta sẽ là nọc độc của ngươi”.

Như vậy Đức Giêsu đã xuống ngục tổ tông vì bốn lý do mà chúng ta vừa trình bày, và từ đó chúng ta có thể rút ra bốn bài học.

B. NHỮNG BÀI HỌC TỪ VIỆC ĐỨC KITÔ XUỐNG NGỤC TỔ TÔNG

 

1. Thứ nhất, hy vọng vững chắc vào Thiên Chúa

Bởi vì dù nỗi đau đớn của con người to lớn mấy đi nữa, họ cũng phải luôn luôn trông cậy vào sự trợ giúp của Thiên Chúa và tin tưởng vào Ngài. Thật vậy, không có điều gì đau khổ cho bằng phải ở trong âm ti. Vậy nếu Đức Giêsu đã giải thoát những người ở trong đó, thì bất cứ ai là bạn hữu của Thiên Chúa cũng phải tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ cứu họ thoát khỏi mọi sự nguy hiểm. Sách Khôn ngoan đã viết (Kn 10,13-14): “Đức Khôn Ngoan không hề bỏ mặc người công chính bị bán làm tôi; Đức Khôn ngoan đã cùng ông xuống giếng, chẳng bỏ rơi khi ông phải mang xiềng.” Và bởi vì Thiên Chúa đến giúp đỡ các tôi tớ Ngài cách đặc biệt, cho nên bất cứ ai phục vụ Ngài phải sống trong niềm an toàn. Sách Huấn ca (34,16) nói: “Ai kính sợ Đức Chúa sẽ không hề nao núng; họ sẽ không sợ hãi vì Thiên Chúa là niềm hy vọng của họ.”

2. Chúng ta phải thấu hiểu lòng kính sợ Chúa và xóa bỏ tính tự phụ

Thật vậy, tuy Đức Giêsu đã chịu đau khổ vì các tội nhân và đã xuống âm phủ, nhưng Ngài đã không giải thoát tất cả mọi người, mà chỉ cứu vớt những ai không mắc tôi trọng (như chúng ta đã nói ở trên). Người đã để lại ở đó những kẻ đã chết khi còn mắc tội trọng. Vì thế ai đã xuống âm phủ trong tình trạng mắc tội trọng thì không thể hy vọng được tha thứ, nhưng họ sẽ ở lại đó bao lâu các thánh ở trên Thiên Đàng, tức là vĩnh viễn. Chúa Giêsu đã tuyên bố (Mt 25,46) : “Những kẻ bị chúc dữ sẽ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời”.

3. Tỉnh thức canh phòng

Đức Giêsu đã xuống âm ti để mang ơn cứu độ cho chúng ta, cho nên chúng ta nên xuống đó thường xuyên bằng tinh thần để suy nghĩa về các hình khổ ở đó, giống như vua thánh Hezechias khi than thở (Is 38,10): “Tôi có nói: nửa cuộc đời dang dở mà đã phải ra đi, bao tháng năm còn lại, giam tại cửa âm ty.” Thật vậy, những ai khi còn sống mà thường nghĩ đến âm phủ, thì lúc chết sẽ không dễ dàng rơi xuống đó, bởi vì việc suy tưởng những hình khổ vĩnh viễn sẽ gìn giữ họ khỏi phạm tội. Chúng ta nhận thấy rằng những người trên thế gian tránh xa những hành vi xấu xa vì sợ những hình phạt tạm thời; vì thế họ lại càng phải tránh lánh điều xấu vì sợ hình phạt hoả ngục, xét vì nó còn khủng khiếp hơn hình phạt tạm thời cả về thời gian, sự khắc nghiệt cũng như sự đa dạng. Sách Huấn ca (7,40) đã nói : “Hãy nghĩ đến đời con chung cuộc thế nào, thì mãi mãi con sẽ không phạm tội.”

4. Tấm gương về tình yêu

Đức Kitô đã xuống âm ti để giải thoát các người thân của mình. Vì thế, chúng ta cũng phải xuống đó bằng tinh thần để cứu những người thân của chúng ta. Bởi vì các linh hồn trong luyện ngục không thể tự cứu giúp chính mình được, cho nên chúng ta có bổn phận phải cứu giúp họ. Nếu ai không quan tâm đến một người thân đang bị giam trong ngục thì hẳn sẽ là một người rất tàn nhẫn; thì ai bỏ rơi không cứu giúp một người bạn hữu của mình trong luyện ngục lại càng tàn nhẫn tới mức nào, xét vì không thể nào so sánh giữa những hình phạt của thế giới này với sự đau khổ trong chỗ thanh luyện. Thánh Giob đã than thở (19,21): “Xin thương tôi, xin thương xót tôi, hỡi các anh là những người bè bạn, vì chính tay Thiên Chúa đã đánh tôi !”. Chúng ta đọc trong quyển Hai sách Maccabê như sau: “Dâng hy lễ đền tội cho người đã chết hầu giúp họ được thoát khỏi tội lỗi, đó là một ý nghĩ đạo đức và thánh thiện”.

Theo thánh Âu-tinh, chúng ta có thể cứu giúp các linh hồn đang chịu thanh luyện bằng ba hình thức hữu ích, đó là: các thánh lễ, những lời cầu nguyện, và việc từ thiện bác ái. Thánh Grêgoriô thêm vào hình thức thứ tư là việc ăn chay. Điều này chẳng có gì ngạc nhiên, bởi vì ngay cả trong thế giới này một người bạn cũng có thể trả nợ thay cho bạn bè của mình.

 


Mục Lục Năm Đức Tin