DẪN NHẬP SÁCH “NhỮng ĐiỂm NhẤn cỦa Công ĐỒng Vatican II”
(J. Ratzinger)
- (giaolyductin.org)

Thomas P. Rausch, SJ

T. Marie Chilton Professor of Catholic Theology

Loyola Marymount University, Los Angeles, California

Khi Công đồng Vatican II khai mạc tháng 10 năm 1962, trong số những chuyên viên được các giám mục đưa theo tháp tùng đến Rôma có một vị giáo sư trẻ ở Bonn (nước Đức), là Joseph Ratzinger. Mặc dù mới chỉ ba mươi lăm tuổi, Ratzinger đã là một ngôi sao đang lên. Các giảng khóa của ngài về thần học căn bản công giáo đã nổi tiếng, đặt nền trên các giáo phụ hơn là theo hướng tân kinh viện vốn đang có ưu thế lúc bấy giờ. Các giảng khóa của ngài cũng bao gồm cả những bài nói về các tác phẩm của Thệ phản, vốn là điều không bình thường đối với một nhà thần học Công giáo lúc đó. Đang khi ở Bonn, Hubert Luthe, một bạn học cũ và về sau làm giám mục Essen, đã giới thiệu ngài với đức hồng y Joseph Frings, tổng giám mục Köln. Có ấn tượng tốt về vị giáo sư trẻ tuổi, đức hồng y đưa ngài theo về Rôma để dự Công đồng với tư cách như là cố vấn thần học, tại đây ngài sẽ giúp đức hồng y phác họa những văn kiện ý nghĩa nhất.

Joseph Ratzinger sinh năm 1927 tại Marktl am Inn gần biên giới nước Áo, là út trong ba anh em thuộc một gia đình công giáo truyền thống vùng Bayern. Cha ngài là một cảnh sát miền quê, có quan điểm chống Quốc xã. Việc học hành làm linh mục của Ratzinger khi nhỏ tại tiểu chủng viện ở Traunstein năm 1939 phải bị gián đoạn bởi chiến tranh. Lớp học chủng viện của ngài bị hiến cho khẩu đội pháo phòng không năm 1943, và một năm sau ngài bị xung vào một tiểu đoàn lao động xung phong. Ngài đã không hề tham gia chiến đấu. Sau khi Hitler tự sát ngài rời khỏi quân đội trở về nhà, và cố trốn tránh bọn SS đang lùng bắt những người họ nghi là đào ngũ, trong những ngày sau cùng của chiến tranh. Bị lính Mỹ bắt tại nhà, ngài bị đem đi giam tại trại tù nhân chiến tranh ở ngoại thành Ulm trong vài tuần lễ, trở lại việc học vào mùa thu, trước hết tại Freising, rồi đến năm 1947 tại Herzogliches Georgianum, một học viện thần học liên kết với Đại học München. Ngài được phong chức linh mục tại Freising cùng với người anh là Georg ngày 29 tháng 6 năm 1951, và hoàn tất tiến sĩ tại München một năm sau đó.

Năm 1959 ngài được cử giữ ghế giáo sư thần học căn bản tại Bonn. Từ Bonn, Ratzinger tiếp tục đạt được các vị trí hàn lâm tại Münster (1963), Tübingen (1966), và Regensburg (1969). Năm 1976 ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục München – Freising. Đức Giáo hoàng Phaolô VI bổ nhiệm ngài vào hồng y đoàn tháng Sáu năm 1977, và năm 1981 đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II chọn ngài làm Bộ trưởng Giáo Lý Đức Tin. Sau khi đức Gioan Phaolô từ trần, đức Ratzinger được bầu chọn làm Giám mục Rôma ngày 19 tháng Tư năm 2005, lấy danh hiệu đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI.

Tường trình về Công Đồng

Quyển “Những điểm nhấn thần học của Vatican II” của đức Ratzinger nguyên thủy vốn đã được xuất bản bằng tiếng Đức thành bốn tập sách nhỏ riêng biệt, từng tập xuất hiện sau mỗi khóa trong bốn khóa họp của Công Đồng (1962 – 1965). Quyển sách ghi nhận một số sự kiện diễn ra tại Công Đồng, cùng bầu khí sôi động của nó. Những vấn đề như: làm sao để làm việc hiệu quả với số nghị phụ 2900 vị - gồm các giám mục, các giám mục phụ tá, các viện phụ, và các bề trên các dòng tu – mặc dầu con số tham dự thực sự giảm chỉ còn 2000 vị; con số các lược đồ lên đến mức như ngập cổ (khoảng bảy mươi), mà các nghị phụ đã gặp ngay lúc bắt đầu Công Đồng; chỉ có một số ít các giám mục có kinh nghiệm tham dự nghị viện hay thượng hội đồng; sự mệt mỏi sau khóa họp đầu tiên gay go; sự bấp bênh của tương lai của Công Đồng sau khi đức Giáo hoàng Gioan XXIII qua đời; sống lại bầu khí lạc quan từ buổi đầu của khóa họp thứ tư sau khi vị Tổng Thư Ký đọc motu proprio của đức Giáo hoàng thiết lập cơ chế Thượng hội đồng các giám mục; và sự tán thưởng rất sôi động của nghị trường chào mừng đức Giáo hoàng Phaolô VI ôm hôn bình an vị đại diện của Thượng Phụ Athenagoras tại buổi kết thúc Công Đồng.

Cả bản tường thuật các thảo luận và tranh cãi của từng khóa cũng như chú giải thần học, quyển sách cho thấy Ratzinger ở về phía cánh cấp tiến của Công Đồng. Ngài nhìn thấy vấn đề qui tâm về giáo hoàng là hiển nhiên đối với mọi người, và đó là một cản ngại cho sự hiệp nhất Kitô giáo. Nhu cầu cải tổ giáo triều Rôma thấy thường xuyên được nhắc đến, ngài lưu ý, bên cạnh đức giáo hoàng, giáo triều xem ra như là “quyền bính thiết lập thực sự duy nhất và chủ động trong Giáo hội” và căng thẳng giữa các giám mục và giáo triều không phải là chuyện mới gần đây, nhưng đã có từ cuối thời Trung cổ. Công Đồng đã bắt đầu làm hoàn cảnh thay đổi; các giám mục đang khởi sự khám phá ra mình với tư cách là giám mục đoàn, có quyền lực riêng và trách nhiệm tập thể, và hội đồng giám mục của các ngài gần như là một thứ cơ quan thượng hội đồng đứng giữa các cá nhân giám mục và giáo hoàng. Ratzinger hoan nghênh việc thành lập Thượng Hội Đồng Giám mục, xem đây như là một sự canh tân cơ cấu Giáo hội đầy hứa hẹn. Đồng thời, từ đầu quyển sách ngài đã bác bỏ quan điểm phổ biến cho rằng Công Đồng được ghi dấu như là một bước ngoặt của Giáo hội chuyển từ chủ nghĩa bảo thủ sang cấp tiến. Quan điểm của ngài, với vài ngoại lệ, vẫn hết sức kiên định qua nhiều năm tháng.

Ratzinger nhìn nhận, vào lúc khác, rằng quan điểm của ngài về biến chuyển phụng vụ đã có thay đổi. Thời gian tại Công Đồng ngài đặt nhiều hi vọng vào sự cải tổ phụng vụ. Ngài than vãn sau khóa họp đầu tiên rằng 2500 giám mục và tín hữu hiện diện tại buổi khai mạc phụng vụ tham dự thụ động chỉ như những khán giả, ngài kêu gọi giáo dân tham gia tích cực hơn, và tán thành sự phân quyền trong những quyết định về phụng vụ bằng cách cho phép các hội đồng giám mục ấn định, trong chừng mực nào đó, luật phụng vụ riêng của họ. Dẫn lời thánh Phaolô nói về tầm quan trọng của ngôn ngữ giúp hiểu biết, ngài biện luận chống lại lập trường duy chỉ dùng tiếng La tinh như thành trì bất khả xâm phạm, và nói rằng như một ngôn ngữ phụng vụ nó đã trở thành tử ngữ và cần phải được thay thế. Các Giáo hội Đông phương là một ví dụ cho ta thấy tiếng La tinh không thể là độc tôn. Nhiều lần ngài có nói rằng người ta đang đưa phụng vụ vào “viện khảo cổ”, vì kể từ Công đồng Trentô phụng vụ đã trở thành “một hệ thống cứng cỏi, bất di dịch và được bọc bằng một lớp vỏ chắc chắn”, và đưa ra một nhận xét sắc sảo rằng không có vị thánh nào Cải tổ Giáo hội Công giáo có xuất xứ linh đạo của mình từ phụng vụ cả. Trong quyển Milestones (những cột mốc), một kí sự cá nhân xuất bản lần đầu tiên năm 1997, ngài nhận rằng là đã thấy những nguyên tắc của canh tân phụng vụ là một khởi điểm tuyệt vời của Công Đồng, nhưng nói tiếp rằng “tôi không thể nhìn thấy trước được những mặt tiêu cực của sự đổi mới phụng vụ sau đó sẽ xuất hiện trở lại mãnh liệt hơn trước gấp đôi, như đến mức đã xô đẩy phụng vụ đến chỗ tự diệt vong”[1].

Trong tư cách là chuyên viên Ratzinger đã làm việc trên các văn bản Hiến chế tín lý về Mạc khải (Dei Verbum), Hiến chế tín lý về Giáo hội (Lumen gentium), Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay (Gaudium et spes)[2], và Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo hội (Ad gentes). Những đề tài ngài đề cập chi tiết trong quyển sách gồm có thảo luận về lược đồ phụng vụ, thảo luận ban đầu về Mạc khải, những vấn đề về Thánh mẫu học và đại kết, sắc lệnh về trách vụ của các giám mục trong Giáo hội, tự do tôn giáo, Giáo hội và người Do thái, và các lược đồ về truyền giáo và về thừa tác vụ và đời sống linh mục. Ngài đặc biệt quan tâm đến Hiến chế tín lý về Giáo hội và Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới Ngày nay.

Tranh luận về Giáo Hội

Tại khóa họp thứ hai của Công Đồng tham luận của đức Ratzinger khảo sát khá chi tiết những vấn đề về thủ tục mà các nghị phụ Công đồng gặp phải. Những vấn đề này bắt đầu thay đổi với cuộc bầu cử giáo hoàng: đức hồng y Montini được chọn làm giáo hoàng Phaolô VI. Kêu gọi một cuộc cải tổ giáo triều, đức Giáo hoàng sau đó đã làm một số bước tiến quan trọng. Ngài xem xét lại Qui chế của Công đồng để hoạt động được hiệu quả hơn; tạo lập một cơ chế điều hành mới gồm bốn người điều hòa công việc, nhìn chung là những vị hồng y hướng cấp tiến; củng cố những ủy ban của Công Đồng bằng cách mở rộng quyền tham gia của họ, với các thành viên mới được chọn một phần do các nghị phụ công đồng bầu chọn và một phần do đức giáo hoàng chỉ định; cho phép lần đầu tiên các thành viên của Công Đồng đề xuất các đề mục thảo luận, hơn là dành riêng đặc ân này cho giáo hoàng; và để cho người giáo dân được tham dự như dự thính viên, trong đó có cả một số phụ nữ. Họ có thể được các ủy ban tham khảo ý kiến hoặc thậm chí có thể đóng góp tham luận tại hội nghị khoáng đại.

Bản phác thảo đầu tiên của Hiến chế về Giáo hội đã bị bác bỏ. Ratzinger mô tả bản văn mới, được phác thảo bởi một nhóm thần học gia kết hợp với đức hồng y Suenens, như là một “bước nhảy vọt”. Nó bổ túc ý tưởng Giáo hội như là Thân Mình Chúa Kitô thêm cho ý tưởng Dân Thiên Chúa và mô tả Giáo hội như được xác định bởi những yếu tố Thánh Thần học cũng như Kitô học, vừa có tính đặc sủng vừa có tính bí tích trong cấu trúc của mình. Những khía cạnh có ý nghĩa khác như ý tưởng Giáo hội như là “Giáo hội của người nghèo” được các giám mục từ các nước châu Mỹ La tinh bênh vực. Ratzinger nhận xét với thiện cảm rằng Giáo hội “một thời gian dài giống như Nhà thờ của các ông hoàng barốc”. Một điểm nhấn cũng rất quan trọng là về Giáo hội như là bí tích.

Đề tài được bàn cãi sôi nổi nhất là về tính hiệp đoàn giám mục (episcopal collegiality), chiếm nhiều thời gian hơn bất kì chủ đề nào khác. Sự chống đối không chỉ từ nhiều đại biểu của giáo triều, nhưng còn bởi đa số các quan sát viên đại kết, ít là cho tới khi bắt đầu kì họp thứ ba, vì đề tài này cũng liên hệ đến vấn đề Giáo hội và các giáo hội. Mặc dầu ngài không đề cập tới điều này, Ratzinger đóng một vai trò chủ chốt trong việc hình thành nên số 22 của hiến chế Lumen gentium về bản chất của hiệp đoàn; ngài rút ra một ý kiến quan trọng biện luận rằng một người trở nên thành viên của Giám mục đoàn “nhờ được thánh hiến và hiệp thông với Thủ lãnh”[3]. Ngài nhắc đến điều này như một “tuyên bố nhỏ kín đáo”. Thế nhưng ngoài việc nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự hiệp thông với Giám mục Rôma, ngài viết người ta quan tâm nhiều đến mối quan hệ giữa Giám mục đoàn và tối thượng quyền đến nỗi làm lu mờ đi nguyên tắc của chính hiệp đoàn, đặc biệt là nền tảng của nó trong cấu trúc của Giáo hội sơ khai.

Từ cái nhìn đại kết, ngài nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự tái khám phá Giáo hội địa phương vốn được bàn thảo đến nhiều trong khóa họp thứ hai, và cho thấy rằng Giáo hội duy nhất hiện hữu trong nhiều giáo hội, với “mỗi cộng đoàn địa phương qui tụ cùng với Giám mục quanh bàn ăn của Chúa”, sống hiệp thông với nhau và với Giám mục Rôma. Ngài chối từ quan điểm của giáo sư Edmund Schlink cho rằng mọi giáo hội riêng biệt đều là biểu hiện của Giáo hội hợp pháp như nhau; thay vì thế ngài nói chúng ta hi vọng sẽ có ngày “khi ‘các Giáo hội’ còn đang ở ngoài ‘Giáo hội’ trở về hiệp nhất với mình”, hay như ngài nói ngày nay, khi “các Giáo hội và các cộng đoàn hội thánh khác” trở về hiệp thông đầy đủ với Giáo hội duy nhất. Ở đây thấy rõ ràng ý kiến của Ratzinger là về Giáo hội học Thánh thể, dựa trên ý niệm koinonia hay hiệp thông, ý kiến này sẽ chứng tỏ sự phong nhiêu của nó trong các thập kỉ sau Công Đồng.

Giáo Hội trong thế giới ngày nay

Ratzinger một thời gian dài phê phán Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới Ngày nay Gaudium et spes (Vui mừng và Hi vọng). Trong quyển Giáo huấn các nguyên tắc thần học (Theologische Prinzipienlehre) năm 1982, ngài đặt vấn đề về ý niệm tiền-thần-học “thế giới” của Hiến chế, về sự nhấn mạnh đến đường lối đối thoại để cùng nhau tìm kiếm giải đáp, về thái độ “lạc quan kì lạ”, và có vẻ như thiếu một “thái độ cẩn trọng phê bình đối với các lực lượng đã để lại dấu ấn của chúng trên thế giới ngày nay”[4]. Ngài đã đưa ra những phê bình tương tự ngay sau Công Đồng có ghi trong quyển sách này. Bản văn Gaudium et spes, nguyên thủy được gọi là Lược đồ 13, đã được phác thảo bằng tiếng Pháp. “Kiến trúc sư chính” của nó là một người Đức dòng Chúa Cứu Thế, Bernard Häring. Mặc dầu bản văn được phác trong ý hướng tiếp cận bằng đường lối Kinh thánh hơn là kiểu Kinh viện và triết học, nhưng Ratzinger vẫn thấy nó “không chính xác về Kinh thánh mà cũng không thực sự theo hướng tư tưởng hiện đại”. Ngài khen ngợi nỗ lực của công trình này nhằm nói với những con người nam cũng như nữ ngày nay mà không dùng tới ngôn ngữ chuyên biệt hay đặc ngữ thần học, nhưng ngài nghĩ rằng nó vẫn còn bỏ sót điều chính yếu của công trình của Đức Kitô hay sứ điệp của Hội thánh, mà thay vào đó lại chọn đối thoại, như thể đức tin là “một loại triết học bí hiểm”. Đối với Ratzinger điều đó có nghĩa là hành động như thể đức tin không có gì để mà nói chạm tới tâm điểm của cuộc sống con người. Chịu ảnh hưởng của Teihard de Chardin, bản Hiến chế này dường như đồng nhất niềm hi vọng Kitô giáo với sự tiến bộ nhờ phát triển kĩ thuật, cho thấy “một sự lạc quan về tiến bộ khá là ngây thơ”. Nhưng nó lại bỏ qua sứ điệp Kitô giáo về cuộc chiến thắng của Đức Kitô nhờ thập giá. “Như thế, Kitô giáo không thể có nghĩa là sự biến đổi những gì thuộc kĩ thuật thành thiêng thánh. Nhưng đúng hơn, nó là một lãnh vực mà kĩ thuật không thể cứu chuộc”.

Từ đó như là hậu cảnh của cuộc tranh luận về bản văn, Ratzinger đi tới chỗ xem xét một số vấn đề phức tạp trong số những vấn đề Hiến chế đã đề cập. Cách tiếp cận của Hiến chế vẫn còn như thăm dò, đề xuất “những hướng đi toàn thể” mà không đưa ra những câu trả lời dứt khoát. Trước hết, ngài xem xét thái độ sống của Kitô hữu trong một thế giới kĩ thuật ngày càng phát triển mà bản văn nói đến. Hướng tới hoàn cảnh lịch sử mới, trong đó kĩ thuật đã trao cho con người nhiều quyền lực mới trên thế giới, và từ đó dẫn tới chỗ  nhân loại ngày càng hợp nhất (số 33), Hiến chế nhấn mạnh sứ điệp Kitô giáo phải đưa người ta đến chỗ hợp tác dựng xây thế giới và phục vụ tha nhân (số 34). Nhận thức khả năng giới hạn của Giáo hội trong các vấn đề trần thế, Hiến chế triển khai “một học thuyết minh nhiên nhìn nhận sự độc lập của các thực tại trần thế”. Nhưng sự tiến bộ vẫn còn hàm hồ; kĩ thuật không thể giải mã ý nghĩa của hiện hữu, vốn là nơi chính lãnh vực Kitô giáo bước vào cuộc.

Thứ đến, Ratzinger nhìn lại giáo huấn của Hiến chế về hôn nhân và gia đình (ss. 47-52) với một quan tâm đặc biệt, nhất là trong ánh sáng của những tranh luận về thần học luân lí vẫn tiếp diễn ngày nay. Để cung cấp hậu cảnh cho lối giải quyết của Hiến chế, ngài biện giải rằng với một Tân ước còn chưa phát triển nhiều giáo huấn luân lí, Kitô giáo sơ khai còn dựa nhiều trên tư tưởng cổ đại kinh điển và nhất là trên chủ nghĩa Khắc kỉ, đối với những chuẩn mực đạo đức của nó. Kết quả là một quan điểm công giáo truyền thống về hôn nhân còn mang nặng mục đích “sinh sản”. Cách tiếp cận hôn nhân của chủ nghĩa duy tự nhiên của Khắc kỉ biến nó phụ thuộc vào toàn thể giống loài, tức là phụ thuộc vào sinh sản. Chủ thuyết ấy nhìn luật luân lí quan trọng hơn cả là “hành động đi theo bản chất”, hệ quả của nó là nối kết hôn nhân trở lại chủ yếu với bình diện sinh học. Ratzinger nói “ý nghĩa tuyệt vời” của sự kiện này là : cả quan niệm “mục đích đệ nhất là sinh sản” lẫn quan niệm lối sống hôn nhân “phù hợp với tự nhiên” không có chỗ đứng trong Hiến chế mục vụ. Trong khi khẳng định lại ý nghĩa xã hội của hôn nhân, ngài nói về sự “khác biệt quyết định” giữa những tuyên bố luân lí căn cứ trên chủng tộc, di truyền giống nòi, và sống theo tự nhiên, và quan điểm kia tập chú vào trung tâm Lời Chúa, vào trách nhiệm đối với con cái và người bạn đời, và với cộng đồng nhân loại.

Ví dụ thứ ba là giáo huấn của Hiến chế về chiến tranh và hòa bình (ss. 87-92). Vấn đề được đặt ra là việc chọn lập trường luân lí mà học thuyết về “chiến tranh chính nghĩa” truyền thống chưa giải quyết. Không đưa ra những chỉ thị rõ ràng về việc sử dụng các vũ khí hiện đại, Hiến chế lặp lại những kết án gần đây về sự hủy diệt vô tội vạ các thành phố hay miền và biện giải rằng “cần phải cố gắng tiếp cận sâu sát hết sức để xác định mục tiêu luân lí đáng mong ước”. Vì thế mục đích phải là một nền hòa bình biết biến gươm giáo thành cuốc thành cày, làm mọi sự để đạt mục đích này.

Ratzinger kết luận, dẫu những vấn đề này còn chưa rõ ràng, nhưng Hiến chế có giá trị vì đã nỗ lực làm điều khả thể tốt nhất, chứ không phải điều không tưởng. Nó không tìm cách thiết lập những chuẩn mực vĩnh cửu cho các vấn đề phức tạp. Nhận biết những gì có thể được coi là ‘hợp pháp’ xét như chỉ là một nhượng bộ, chứ không thực sự chính đáng, Hiến chế chỉ ra con đường, vượt trên những quan điểm thuần túy thế gian, dẫn đến chỗ nhìn nhận tình trạng của chúng ta còn bất chính và cần đến Thiên Chúa, và như thế dẫn đến chính  trung tâm điểm của Kitô giáo.

Hai lược đồ đã được chọn ở một trong những tháng cuối cùng của Công Đồng.

Lược đồ về truyền giáo cố gắng đề ra một hướng dẫn mới mẻ cho các hoạt động truyền giáo trong hoàn cảnh ngày nay trong đó có một suy nghĩ phổ biến là Thiên Chúa có thể cứu độ những người ngay cả ở ngoài Giáo hội. Nhìn nhận tầm quan trọng của cái ngày nay gọi là các thần học hoàn cảnh, Ratzinger lưu ý rằng Kitô giáo thực sự chưa cắm rễ sâu vào Á châu, là nơi mà sự hoán cải, trong khi thiếu vắng một Kitô giáo Á châu đích thực, cho đến nay vốn có nghĩa trên thực tế là sự cải đạo theo văn hóa Âu châu.

Lược đồ về thừa tác vụ và đời sống linh mục thay đổi điểm nhấn thay vì hướng về ý tưởng chức linh mục như là hy tế, lại nghiêng chiều về ý tưởng chức linh mục như là phục vụ cho đức tin. Với lưu ý việc Đức Giáo Hoàng đã nghiêm cấm việc tranh luận về sự độc thân linh mục, đức Ratzinger nhận xét rằng trước viễn ảnh thiếu linh mục Giáo hội trong khi không thể tránh né xem lại âm thầm vấn đề này, cũng không gạt bỏ trách nhiệm rao giảng Tin mừng trong bối cảnh thời đại ngày nay.

Ngày 28 tháng Mười, sau một khoảng thời gian tám ngày ngừng họp, Công Đồng thông qua Sắc lệnh về Nhiệm vụ Mục tử của các Giám mục, Sắc lệnh về Canh tân Thích nghi Đời sống Tu trì, Sắc lệnh về Đào tạo Linh mục, Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo, và Tuyên ngôn về Quan hệ của Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Bốn văn bản sau cùng được chuẩn y ngày 7 tháng Mười Hai là: Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới Ngày nay, Sắc lệnh về Thừa tác vụ và đời sống Linh mục, Sắc lệnh về Hoạt động Truyền giáo của Giáo hội, và Tuyên Ngôn về Tự do Tôn giáo.

Kết luận

Tất cả sự sắc sảo của Ratzinger thể hiện rõ ràng trong tường trình hậu Công Đồng này. Khi nhận định rằng ngày nay “như chưa từng bao giờ rõ hơn thế, Giáo hội đã trở thành một Giáo hội toàn cầu”, không còn phụ thuộc vào vị thế thủ lãnh của Âu châu, ngài đã đi trước cả lưu ý của Rahner mười ba năm sau đó nói rằng Công Đồng đã giúp biến đổi một Kitô giáo của Phương Tây thành một Giáo hội hoàn vũ[5]. Thượng hội đồng Giám mục đã là một bước tiến hướng tới một Giáo hội hoàn vũ như thế với một Giám mục đoàn thế giới thực thi quyền bính thực sự. Nhưng nó đã không được triển khai thực hiện như thế. Đức Giáo hoàng Phaolô VI loan báo thiết lập Thượng hội đồng trong bài diễn văn ngày 14 tháng Chín năm 1965. Như tự sắc (motu proprio) ngày hôm sau đã minh định, Thượng hội đồng “trực tiếp thuộc quyền Giám mục Rôma”. Nhận thấy sự khác biệt giữa Thượng hội đồng như Công Đồng đã quan niệm và thực tế thể hiện sau cùng của nó, đức Ratzinger lặp lại lời phê bình, là: một cơ chế tập đoàn đã bị biến thành công cụ của vị tối thượng quyền. Mặc dầu ngài đã cố xoay nhẹ vấn đề này theo hướng tích cực với gợi ý rằng Thượng hội đồng mà dưới quyền giáo hoàng thì tránh được sự thuộc quyền giáo triều, chính tình cảnh sau mới thực sự tạo vấn đề. Những năm về sau ngài biện luận rằng làm cho Thượng hội đồng trở thành một cơ quan điều hành trung ương sẽ dẫn tới chủ nghĩa tập quyền còn nặng nề hơn dựa vào giáo triều.

Trong Lời nói đầu của bản dịch Anh ngữ, ngài nói rằng quyển sách của ngài không mang một quan điểm khách quan của sử gia, nhưng đúng hơn nó là “tường thuật một cuộc hành trình cá nhân đi qua quang cảnh của mỗi khóa họp Công Đồng, với một viễn ảnh cởi mở hướng đến các phát triển tương lai”. Phê bình sau cùng đáng cho ta lưu ý. Qua quyển sách này, ngài nhấn mạnh rằng chúng ta có thể nói về Công Đồng như là một khởi đầu mới; rằng các bản văn của Công Đồng không nhằm thay thế công việc của các nhà thần học, nhưng đúng hơn muốn khơi dậy nơi họ niềm hứng khởi lao động và mở ra các viễn ảnh mới; rằng đây chỉ là một khởi đầu còn chưa hoàn hảo và rời rạc hơn là một công trình đã hoàn tất; rằng tầm quan trọng thực sự của nó chỉ thể hiện khi được chuyển dịch vào đời sống hàng ngày của Giáo hội. Ngay cả khi, gần bốn mươi năm sau khi đức Giáo hoàng so sánh tương phản giữa “một thông diễn (hermeneutic) theo lối gián đoạn và tuyệt giao” với một “thông diễn theo lối cải tổ”, ngài nhấn mạnh tới tinh thần đích thực của Công Đồng không nằm ở chỗ đối lập giữa Giáo hội tiền và hậu Công Đồng, hoặc giải thích sai lầm các thỏa thuận của Công Đồng nhằm tìm kiếm sự thống nhất, và gợi ý “những gì cũ kĩ” giờ đây đã cùn lụt. Tinh thần đích thực của Công Đồng nằm ở chỗ muốn “thúc đẩy cái mới mẻ gợi lên trong các văn kiện”[6].

Chuyển ngữ

Lm Luy Nguyễn Anh Tuấn

Gp Tp.HCM


[1]Joseph Ratzinger,Milestones: Memoirs 1927 – 1977, Ignatius Press, San Francisco , 1998, 57.

[2] X. Jared Wicks,  “Six Texts by Prof. Joseph Ratzinger as peritus before and during Vatican Council II,” Gregorianum 89/2 (2008): 233 – 311.

[3] Giuseppe Alberigo (biên soạn) History of Vatican II, Vol. III, bản tiếng Anh do A. Komochak (Maryknoll, NY: Orbis Press, 2000), 113; bản văn trong LG nói “nhờ sự thánh hiến bí tích và nhờ sự hiệp thông phẩm trật với Thủ lãnh và các phần tử của Giám mục đoàn” (bản dịch Flannery).

[4]  x. Joseph Ratzinger, Principles of Catholic Theology, Ignatius Press, San Francisco 1987, 379-380. Karl Rahner là người đã làm việc trên Gaudium et spes, đã thấy cái cung giọng của Hiến chế này “quá vui vẻ thơ ngây khi đánh giá con người và hoàn cảnh của con người”, đồng thời nhấn mạnh những nỗ lực của con người thường cuối cùng gặp bế tắc, kể cả những cố gắng của Giáo hội. K. Rahner, Theological Investigations, Vol. 22, Crossroad, New York 1991, 158.

[5] Karl Rahner, “Towards a Fundamental Theological Interpretation of Vatican Coucil II”, Theological Studies 40 (1979), 718.

[6] ĐGH. Bênêđictô XVI,  “Diễn văn của đức Thánh Cha Bênêđictô XVI chúc mừng Lễ Giáng sinh Giáo triều Rôma”, 22/ 12/ 2005, www.vatican.va.

 


Mục Lục Năm Đức Tin