TẦM QUAN TRỌNG CỦA CÔNG ĐỒNG VATICAN II

(giaolyductin.org 21/02/13, 10:58 am)

Lời giới thiệu. Trong hội nghị mang chủ đề: “ Keeping the World Awake to God: ‘The Challenge of Vatican II” (“Giữ cho thế giới luôn tỉnh thức trước tiếng Chúa: Thách đố của Vatican II”), tại Học Viện Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về Hôn Nhân và Gia Đình, thuộc Đại Học Công Giáo Hoa Kỳ ở Washington, D.C., từ ngày 12 đến 14 tháng giêng năm 2012, đức hồng y Francis George OMI, tổng giám mục Chicago, Hoa Kỳ, đã có bài phát biểu quan trọng, tựa đề “The significance of Vatican II” (“Tầm quan trọng của công đồng Vatican II”), được đăng lại trong tạp chí Communio, số Xuân-Hè 2012, International Catholic Review, tr. 14-32.

1. Mục đích của việc triệu tập công đồng 

Dựa vào văn kiện “Humanae salutis” của đức giáo hoàng Gioan XXIII, ban hành ngày 25 tháng 12 năm 1961, chúng ta có thể hiểu chính xác hơn lý do triệu tập công đồng Vatican II năm 1962 – lý do ấy có tính lịch sử nhiều hơn. Thật vậy, đức giáo hoàng Gioan XXIII đã khởi sự những suy nghĩ của mình bằng cách nhắc lại mệnh lệnh truyền giáo của Đức Giêsu (x. Mt 28,19). Ở đây, không những ra lệnh rao giảng Tin mừng cho muôn dân, Đấng Cứu Thế còn an ủi và khích lệ các môn đệ bằng cách tuyên bố : “Này đây, Thầy sẽ ở cùng anh em cho tới ngày tận thế. Hãy vững tin, vì Thầy đã thắng thế gian”. Thế nên, muốn hiểu mối quan hệ giữa Giáo Hội và thế giới dựa vào Công Đồng , chúng ta cần xem Đức Giáo Hoàng nhìn cả Giáo hội và thế giới như thế nào. 

Trước hết, đó là một thế giới đang trải qua khủng hoảng trầm trọng; và khủng hoảng này chính là chưa bao giờ có sự chia rẽ trầm trọng giữa các dân tộc trên thế giới bằng bây giờ. Chỉ trong mấy chục năm trước thôi, thế giới đã chứng kiến bao cuộc chiến và huynh đệ tương tàn: từ chủ nghĩa Đức Quốc Xã đến chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc, từ chủ nghĩa Cộng Sản đến chiến tranh giai cấp. Tất cả các chủ nghĩa ấy chẳng những quên Thiên Chúa mà còn quên cả nhân loại chỉ là một gia đình. Nếu tin tưởng vào đấng Cứu Thế và nếu lãnh sứ mạng đưa thế giới trình diện đấng Cứu Thế khi Ngài quay lại trong vinh quang, thì Giáo Hội phải làm gì khi thế giới đang quay ra đấm đá với chính mình? Giáo Hội nên tận dụng sự hiệp nhất nội bộ của mình làm chất men khôi phục lại sự hiệp nhất của nhân loại

Có lúc người ta bảo rằng công đồng Vatican II được triệu tập là vì Giáo Hội muốn bắt kịp với thế giới. Xét theo một nghĩa nào đó, điều này cũng không sai. Giáo hội phải hiểu biết thế giới là gì và mình phải thay đổi ra sao để có thể thuyết phục thế giới hầu đưa thế giới về với Thiên Chúa. Nhưng trên hết, đức Gioan XXIII vẫn xác tín rằng chính sự hiệp nhất trong nội bộ Giáo Hội và chính sức mạnh Giáo Hội lấy được từ Đức Kitô mới bảo đảm cho Giáo Hội có khả năng chia sẻ sự hiệp nhất cho thế giới đang chia rẽ này. Khi Giáo Hội tập trung trong Công Đồng để nhìn lại sự hiệp nhất của mình, Giáo hội càng thấy rõ hơn bổn phận của mình là làm sao cho sức sống bên trong của mình được hiệu quả hơn, làm sao cho các thành viên của mình được nên thánh. Lúc ấy Công Đồng chẳng khác nào chính Giáo Hội đang tự giới thiệu mình cho một thế giới hoang mang, chia rẽ và hư mất. Nếu thế giới ngày càng trở thành nơi cho tranh chấp liên tục xảy ra vì không còn ý thức về sự hiệp nhất sâu xa bên trong, thì Giáo hội có bổn phận vận dụng sự hiệp nhất của mình là khí cụ giúp hiệp nhất thế giới, thông qua đối thoại chứ không áp đặt. 

Chính vì thế, trong nghi lễ khai mạc Công Đồng ngày 11 tháng 10 năm 1962, đức Gioan XXIII đã nhắc lại mục tiêu của Công Đồng: “Kính thưa các huynh đệ, mục đích của công đồng Vatican II là trong khi đem hết năng lực tốt nhất của mình và trong khi ra sức đón lấy những tin vui cứu độ, sẽ chuẩn bị và củng cố thêm con đường dẫn nhân loại đến chỗ hiệp nhất, như một điều kiện để làm nên nền tảng cần thiết cho thành đô trần gian được trở nên giống thành đô thiên quốc, nơi chân lý ngự trị, bác ái là luật và phạm vi ảnh hưởng là vĩnh hằng”.

2. Giáo Hội trong thế giới 

Muốn hiểu rõ Giáo Hội theo Vatican II là Giáo Hội của sự hiệp nhất và hiệp thông, chúng ta nên ôn lại tình hình chung liên quan đến cái nhìn về Giáo Hội trước Vatican II. Nhà thần học lớn nhất chuyên về Giáo Hội sau công đồng Trentô và sau thời Cải Cách chính là thánh Robertô Bellarminô (1542-1621). Ngài xây dựng khoa giáo hội học của mình dựa trên các công trình nghiên cứu của các luật gia thời cuối Trung Cổ ; các vị này lại chỉ tập trung nghiên cứu các cơ cấu giáo luật phục vụ việc quản trị dựa theo các xã hội dân sự khác nhau, trong đó Giáo Hội đang sinh sống. Các công đồng đầu tiên chỉ quan tâm loại bỏ các sai lầm khi trình bày mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và khi minh định ngôi vị và hai bản tính của Đức Kitô. Đến thời cuối Trung Cổ, lối sống của nhiều kitô hữu, kể cả nhiều đấng bậc trong giáo triều, ngày càng khác xa với lối sống được giới thiệu trong Tin Mừng, và vì thế các công đồng tại Lateranô mới trình bày về Giáo Hội bằng ngôn ngữ luân lý. Ai cũng có thể dễ dàng cho rằng phong trào Cải Cách bắt nguồn từ đời sống xì-căng-đan của nhiều chủ chăn và tín hữu trong Giáo Hội, không phù hợp chút nào với những gì họ tuyên xưng và rao giảng. Kỳ thực, ly khai trong Giáo Hội đã có từ trước phong trào Cải Cách, và các nhà luật học thời Trung Cổ đã muốn giải thích vấn đề ấy bằng ngôn ngữ pháp lý. Vào những năm đầu thế kỷ 14, Giacôbê thành Viterbo đã viết khảo luận giáo luật đầu tiên về Giáo Hội. Thánh Robertô Bellarminô đã khai thác cơ cấu pháp lý ấy để coi Giáo Hội như một xã hội hữu hình, chống lại những nhà Cải cách vì họ cho rằng các cơ cấu của Giáo Hội chỉ là chuyện tình cờ: Giáo Hội được cai quản theo hình thức nào, điều đó không quan trọng vì Giáo Hội vốn vô hình, Giáo Hội là kết quả của ân sủng. Quả đúng ân sủng vô hình mới là cuộc sống của Giáo Hội, nhưng chính vì các nhà Cải Cách đã tương đối hóa điều ấy và hầu như gạt sang một bên hoặc trao các cơ cấu ấy hoàn toàn cho các nhà cầm quyền dân sự cứu xét, nên hồng y Bellarminô mới phản ứng lại bằng cách cho rằng Giáo Hội là một xã hội hoàn bị, không khác gì các quốc gia. Các thành phần trong Giáo Hội chẳng hoàn hảo về mặt luân lý hơn bất cứ công dân nào trong xã hội dân sự; nhưng cả hai bên đều hoàn bị theo nghĩa pháp lý vì cả hai đều đã có mọi thứ cần thiết để hoàn thành sứ mạng của mình. Giáo Hội đã có đủ mọi ơn cần thiết để chu toàn sứ mạng mà Đức Kitô đã giao phó, hệt như quốc gia có đủ mọi sự cần thiết để chu toàn sứ mạng của mình trong thế giới. 

Thánh Robertô Bellarminô giải thích một cách thần học hơn làm sao Giáo Hội có tất cả những điều cần thiết để thi hành sứ mạng. Ngài định nghĩa quyền hành của Giáo Hội, cũng như những giới hạn pháp lý của quyền hành ấy, và tìm cho nó một nền tảng trong Thánh Kinh và Thánh Truyền. Ngài cũng minh định các quyền lợi và nghĩa vụ của các thành phần khác nhau trong Giáo Hội. Giáo Hội được quan sát từ bên ngoài như từ một quan sát viên vậy. Có thể dựa vào vương quốc Pháp hay cộng hoà Venise để hiểu Giáo Hội. Những so sánh này sẽ cho thấy Giáo Hội vẫn được cho phép hoạt động là dựa vào một quyền tài thẩm hay một quyền bính hợp pháp. Điều này đã khiến cho Giáo Hội trong thời hiện đại lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan của hai quyền tài thẩm cạnh tranh với nhau: làm sao có thể phân tách lãnh vực của Giáo Hội với các yêu sách của các nước mới, được khai sinh theo Thỏa Ước Westphalia năm 1648 ? Cả Giáo hội lẫn quốc gia đều là những xã hội hoàn bị; cả hai đều đầy đủ, cả hai đều có quyền. Tuy nhiên, bên nào cũng đưa ra những yêu sách cả về tôn giáo lẫn thế trần. Làm sao phân chia lãnh vực chuyên môn cho mỗi bên và còn hơn nữa, Giáo Hội và thế gian phải làm sao có thể cộng tác với nhau trong bình an và tôn kính ? 

Đã có nhiều lý thuyết được đưa ra cho thấy nhà nước phải phục tùng Giáo Hội và Giáo Hội được hoàn toàn tự do hoạt động trong lãnh vực trần thế. Giáo hội cần có một khoa thần học về bản thân mình để xác nhận mình hoàn toàn tự do trong thế giới hầu có thể thi hành sứ mạng, một sứ mạng vượt cao trên thế giới. Giáo hội cũng cần giải thích làm sao xã hội dân sự phải được tự lập, dù không được độc tài độc đoán. Trước Vatican II, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã dựa trên tư tưởng của các nhà thần học Đức; những người này vào thế kỷ 19 đã vượt lên trên khuôn khổ pháp lý của một xã hội hoàn bị dựa trên pháp lý để tiến tới một quan điểm thần học dựa trên những ẩn dụ của Thánh Kinh, mà người ta đã dùng để mô tả Giáo Hội trong Tân Ước. Giáo Hội có liên quan với Đức Kitô và với Chúa Thánh Thần, không khác gì một mầu nhiệm đức tin. Thế nên năm 1943, đức Piô XII coi Giáo Hội như thân Thể Mầu Nhiệm của Đức Kitô hay nói cách khác, ngài định nghĩa Giáo Hội dựa trên nhũng nguồn sống của Giáo Hội hơn là dựa vào các tổ chức pháp lý của Giáo Hội. Piô XII phản đối quan niệm sai lầm cho rằng có hai giáo hội khác nhau, một bên trong và thiêng liêng bao gồm tất cả những người tin vào Đức Kitô, và một bên ngoài và trông thấy được mà người ta có thể phân tích không cần biết bản chất nó là gì. Ngài đã khắc phục được sự nhị nguyên này bằng cách đồng hóa Thân Thể mầu nhiệm của Đức Kitô với xã hội và cơ chế làm nên Giáo Hội Công Giáo Roma. Kiểu nói “existit in” (‘tồn tại trong’) trong hiến chế “Lumen gentium” muốn diễn tả điều ấy. Công đồng nhìn nhận nhiều ân huệ xuất phát từ Đức Kitô nhưng ở ngoài cộng đoàn Công Giáo. Có nhiều yếu tố thấy được của thực tại Giáo Hội lại nằm bên ngoài cơ chế thấy được của Giáo Hội Công Giáo; chính những thực tại ấy sẽ liên kết họ với Giáo Hội bằng những phương cách có thể mang ơn cứu độ đến cho họ. Người ta gọi đó là “vestigiae ecclesiae” (‘những dấu vết của Giáo Hội’). Nhờ những yếu tố này Giáo Hội có thể bao gồm tất cả mọi kitô hữu đến nỗi có thể đối thoại với những người ấy như anh chị em mình, nhận ra nơi họ một số điều cũng thấy nơi chúng ta, nhìn họ những anh chị em đồng đạo với mình, nhờ có chung một phép Rửa. 

Đây cũng là niềm tin thấy được trong một văn kiện liên quan đến việc truyền giáo của Công Đồng là “Ad gentes” (“Đến với muôn dân” hay Truyền Giáo: TG). Phải khám phá ra những “semina verbi” hay ‘những hạt giống của Ngôi Lời’ nơi các tôn giáo tự nhiên và các tôn giáo ngoài Kitô giáo, nhờ đó các nhà truyền giáo của chúng ta có thể đối thoại với dân chúng của các niềm tin khác hay không có đức tin gì hết vì nơi họ cũng có những hạt giống của Ngôi Lời. Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ và bởi đó vũ trụ đã tốt lành ngay cả trong bản tính đã từng bị sa ngã và thương tích, vũ trụ vẫn nói về Chúa cho những ai đang lắng nghe. Nhờ phát hiện ra khắp nơi những dấu vết của Giáo Hội và những hạt giống của Ngôi Lời, công đồng Vatican II đã có thể tuyên bố tất cả mọi người đã là thành phần của gia đình Thiên Chúa, dù không phải ai cũng nhận thức điều ấy. Thế nên, người Công Giáo phải là người khai mào cuộc đối thoại, và sỡ dĩ thế là vì Giáo Hội ở đâu cũng được tự do làm việc ấy. 

Vatican II đã thanh lọc chiều kích chính trị của mình (Giáo Hội nên hiện diện trong thế giới thế nào) bằng cách tránh đề cập tới quan hệ giữa Giáo Hội và quốc gia và thay vào đó nhấn mạnh hơn tới quan hệ giữa đức tin và văn hóa. Đoạn văn mang tính khiêu khích và độc đáo nhất của hiến chế “Gaudium et Spes” (“Vui mừng và hy vọng” hay Mục Vụ: MV) là chương 2 nói về văn hóa. Tuy khái niệm văn hóa ở đây chưa được định nghĩa minh bạch lắm, nhưng rõ ràng người ta đã chuyển trọng tâm vấn đề từ chỗ phải trải nghiệm thế nào sự căng thẳng giữa hai xã hội đều hoàn bị sang chỗ phải giải thích thế nào mối tương quan giữa hai hệ thống làm chuẩn, tức là đức tin và văn hóa. Chúng ta vốn thế nào thì vẫn thế đó do chính văn hóa của mình, thậm chí còn sâu sắc hơn nữa vì chúng ta đang là công dân của một quốc gia nhất định. Đức tin và văn hóa là chuẩn mực cho những ai có đức tin; cả hai đều là những chuẩn mực tự nó đã đầy đủ; cả hai đều cho chúng ta biết đâu là điều quan trọng, phải suy nghĩ gì và phải hành động thế nào. Nếu Giáo Hội phải trở thành men trong thế giới thì Giáo Hội phải dấn thân vào các nền văn hóa. Nếu dùng con đường pháp lý thuần túy để hiểu Giáo Hội là không thích hợp, nhất là khi muốn hiểu thực tại bên trong của Giáo Hội, thì cũng vậy, chỉ quan hệ bên ngoài với thế giới thông qua định chế quốc gia - dù rất quan trọng - sẽ là một việc làm phụ thuộc thôi. Quan hệ giữa Giáo hội và thế giới thế nào là tùy đã có sự đối thoại thế nào giữa đức tin và văn hóa. Thế nên, các nghị phụ cần phải quan tâm tới các điều kiện hỗ trợ việc đối thoại đích thực. Muốn có một cuộc đối thoại đích thực giữa đức tin phổ quát và một nền văn hóa nhất định nào đó, muốn đặt Giáo Hội vào đúng chỗ trong thế giới của thời đại mới, Công Đồng yêu cầu Giáo Hội phải được tự do thi hành sứ mạng của mình cách công khai và cá nhân phải được tự do lương tâm – một quyền tự nhiên. 

Văn kiện Công Đồng về tự do tôn giáo, mang tên “Dignitatis humanae” (‘Phẩm giá con người’ hay Tự do: TD), phần nào dựa vào công trình trước đó của cha John Courtney Murray S.J. Tuy nhiên, những bài báo mang tính khai phá của ngài trong tạp chí “Theological Studies” vào thập niên 1950 vẫn chỉ là những phân tích về cơ chế. Ở quốc gia nào nhà nước đòi quyền tài thẩm rộng rãi trên đời sống công dân mình thì cần phải xác định theo luật pháp quan hệ giữa Giáo Hội và quốc gia, bằng không Giáo Hội sẽ không thể nào được tự do. Nhưng nếu là quốc gia can thiệp một cách giới hạn (thí dụ tốt nhất cho việc này là sự hạn chế do Nhà Nước quy định qua Tu Chính Án thứ nhất đối với Hiến Pháp Hoa Kỳ) thì Nhà Nước sẽ tự giới hạn mình trong phạm vi của mình và để các phạm vi hoạt động khác của con người được tự do. Hoa Kỳ không có một bộ thuộc chính phủ lo tôn giáo hay lo văn hóa, như các quốc gia châu Âu thường có. Người ta cho rằng những bảo đảm của Hiến Pháp như thế sẽ cho Giáo Hội được tự do hơn để hành động. Tuy nhiên, văn kiện về sự tự do tôn giáo trong thế giới hôm nay đã không khởi đi từ những nhận xét liên quan đến các định chế, mà xuất phát từ quan điểm nhân học. Theo quan điểm này, tuyên ngôn về tự do tôn giáo sẽ quyết định thế nào là làm người có tự do, làm người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và bởi đó cần thi hành các nghĩa vụ tôn giáo và biểu lộ niềm tin tôn giáo của mình cách công khai trong xã hội. Nhà Nước phải tôn trọng và tạo điều kiện cho sự tự do này. Thế nên, chính phẩm giá con người là nền tảng đưa ra tuyên ngôn “Dignitatis humanae” và tuyên ngôn này cũng giải thích thêm phẩm giá ấy được trao ban cho mỗi người thế nào dựa trên quan hệ của họ với Chúa. 

Tuyên ngôn này cũng nói về sự tự do lương tâm, nhưng là tự do lương tâm đối với quốc gia, chứ không đối với Giáo Hội. Có tự do lương tâm là khi một người có quyền và có bổn phận hành động theo lương tâm của mình. Nhưng phải hiểu lương tâm ấy như một nguyên tắc thực tiễn trong giáo huấn luân lý Công Giáo. Tự do lương tâm không phải là có quyền giải thích mọi sự theo cá nhân mình hay có quyền phủ nhận những gì Chúa đã mặc khải nơi Đức Kitô mà vẫn xưng mình là tín đồ Công Giáo. Người ta thường hiểu tự do lương tâm như một thái độ của một ngôi vị có chủ quyền trong một xã hội đề cao chủ nghĩa cá nhân. Chẳng hạn tự do lương tâm có nghĩa là cá nhân có quyền, thậm chí do chính giáo huấn của Giáo hội dạy như thế, phủ nhận những gì Giáo Hội tuyên bố để cho rằng chúng không được mặc khải cách đích thực. Nếu vậy, cá nhân nào cũng là Giáo Hội của mình. Đúng hơn, phải hiểu tự do lương tâm trong khuôn khổ của một cộng đoàn đức tin, dù có thể khác với cách người ta hiểu tự do lương tâm trong khuôn khổ của một cộng đồng dân sự. Là một nguyên tắc vừa để tin vừa để hành động, sự tự do lương tâm phải được tôn trọng trọn vẹn trong cộng đồng dân sự. Còn trong cộng đoàn đức tin, phải tôn trọng tự do lương tâm như một nguyên tắc để hành động, nhưng chưa hẳn như một nguyên tắc phải tin. Tin là đáp lại những gì được Chúa mặc khải. Phải chấp thuận nội dung mặc khải ấy một cách toàn bộ, bằng không đó không còn phải là tin vào Thiên Chúa mặc khải nữa. Tôma Aquinô giải thích: nếu tin vào mọi điều trong kinh Tin Kính trừ một điều, thì kể như chưa tin điều nào hết vì lúc đó “tin” sẽ chỉ còn là “ưng thuận” đối với một hệ thống giá trị riêng của mỗi người. Trong phạm vi đức tin, trí khôn và ý chí của cá nhân không thể nào là tiêu chuẩn cho biết những gì Chúa mặc khải, như thế lời Chúa sẽ không đáng tin nếu chưa được kiểm chứng. 

Những gì Công Đồng dạy về quan hệ giữa văn hóa và thế giới, về sự tự do tôn giáo và tự do lương tâm là dựa vào những gì đã được giảng dạy trước kia. Chì có điều là Công Đồng đã chuyển trọng tâm của truyền thống ấy sang một hướng khác: tìm cách giải thích lại giáo huấn hay để nhấn mạnh một khía cạnh nào đó của giáo huấn, hơn là lặp lại y nguyên. Như thế là đã có sự phát triển thật, có sự cải tổ thật. Cải tổ có nghĩa là nguyên tắc vẫn cứ là nguyên tắc, nhưng bây giờ được khai triển cách khác vì hoàn cảnh đã thay đổi và đã có những trực giác mới xuất hiện giúp hình thành truyền thống sống động của Giáo Hội. 

3. Giáo hội tự cai quản mình 

Nếu đã có tiến bộ trong sự hiểu biết của Giáo Hội về tương quan của mình với việc quản trị thế giới thì Công Đồng cũng tìm cách khai triển ý thức của Giáo Hội về việc tự quản chính Giáo Hội. Thần học về sự hiệp thông đúng là quan điểm của công đồng Vatican II về Giáo Hội. Giáo Hội là một mạng lưới các mối tương quan dựa trên sự trao đổi các ân huệ của Giáo Hội, mà trước hết là ơn được ban cho sự sống của Thiên Chúa. Thế nên, Giáo Hội luôn luôn là một mầu nhiệm, vì Giáo Hội đưa chúng ta vào tham dự sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi một cách vô hình. Nhờ đó các ơn hữu hình của Đức Kitô được chia sẻ cho nhiều người, từ ơn loan báo Tin Mừng, ơn cử hành bảy bí tích tới ơn được ban cho có các cơ chế để nối tiếp sự quản trị của các tông đồ. Ân huệ nào cũng là một điều quý báu đi kèm với một người. Vì thế, nếu từ chối một ân huệ nào đó là cũng mặc nhiên từ khước một con người. Sự hiệp thông thấy được của Giáo Hội chính là một mạng lưới các quan hệ xây dựng trên việc chia sẻ các ân huệ của Đức Kitô. 

Làm sao hiểu việc cai quản Giáo Hội như một ân huệ Đức Kitô ban cho trong khuôn khổ thần học về một Giáo Hội hiệp thông? Sự hiệp thông giữa các giám mục được gọi là giám mục đoàn. Một thách thức quan trọng đặt ra cho thần học sau Công Đồng chính là làm sao xác định cho đúng các mối quan hệ giữa giám mục đoàn, quyền tối thượng của đức giáo hoàng và tông đồ đoàn. Những quan hệ này vẫn tiếp tục được tranh luận ngay trong các cuộc đối thoại đại kết. Tuy nhiên, Công Đồng cũng đẩy mạnh quan điểm của Giáo Hội về bí tích truyền chức, một sự triển khai không phải lúc nào cũng được hiểu đúng đắn dù Công Đồng đã trôi qua được 50 năm. 

Trước Công Đồng, quan điểm về căn tính của chức tư tế bị ảnh hưởng nhiều bởi nền linh đạo Xuân Bích, là nền linh đạo dựa trên mầu nhiệm Nhập Thể và các linh mục thường được ngưỡng vọng như một Đức Kitô khác. Dĩ nhiên, điều đó là đúng, nhưng điều đó cũng đúng cho mọi người đã chịu phép Rửa. Đang khi đó chiều kích đặc biệt của mầu nhiệm Đức Kitô được đề cao trong bí tích Truyền Chức không phải là quan hệ của Đức Kitô với Chúa Cha mà là vai trò lãnh đạo của Đức Kitô đối với Hội Thánh. Trong khoa thần học xây dựng trên các quan hệ, quan hệ mới mẻ giữa chúng ta với Chúa được ban cho chúng ta trong phép Rửa chính là quan hệ được làm con cái Chúa. Chúng ta được trở thành con cái Thiên Chúa trong Đức Kitô – người Con đời đời của Ngài. Còn trong bí tích Truyền Chức, quan hệ mới được ban cho người linh mục chính là quan hệ của Đức Kitô đối với Giáo Hội của Ngài. Ân huệ được ban cho linh mục do được truyền chức không phải là ơn thánh hóa đã được ban cho chúng ta qua bí tích Rửa Tội, mà là ơn bí tích cho phép người linh mục tham gia và thể hiện việc cai trị của Đức Kitô trên dân Ngài. Đây không phải là mối quan hệ cần thiết cho linh mục được cứu độ, nhưng cần cho việc cai quản Giáo Hội một cách đúng đắn theo truyền thống các tông đồ. Làm sao suy tư này được gọi là một sự cải cách ? Thần học của thánh Tôma Aquinô về bí tích Truyền Chức định nghĩa linh mục trước tiên là người cử hành phép Thánh Thể bằng cách truyền phép cho bánh và rượu để chúng trở thành Thịt Máu Đức Kitô. Trong tâm thức của dân chúng, làm linh mục hầu như là sống đạo đức với bí tích Thánh Thể. Bởi đó, đã có sự tranh luận thần học từ lâu phải chăng chức giám mục chỉ là chức linh mục cộng thêm quyền tài thẩm. Không, giám mục không được truyền chức mà được thánh hiến. Cũng như chính Giáo Hội, chức giám mục được định nghĩa thế nào tùy người ta hiểu chức ấy thế nào về mặt pháp lý. Công Đồng đã giải quyết vấn đề bản chất bí tích của chức giám mục bằng cách dạy rằng vì đã lãnh bí tích Truyền Chức, các giám mục đã có quyền của các tông đồ trực tiếp từ Đức Giêsu Kitô để cai trị Hội Thánh. Tác vụ của các ngài không tùy thuộc các ngài đã được ban quyền tài thẩm, kể cả từ đức giáo hoàng. Trước Công Đồng, mỗi khi đến Roma viếng thăm ad limina, các giám mục nhận được các năng quyền mỗi 5 năm một lần. Đó là những năng quyền do đức thánh cha ban cho để các giám mục có thể cai quản giáo phận cách hợp pháp. Chuyện đó từ nay không còn nữa. Vì đã được tháp nhập vào tông đồ đoàn cùng với đấng kế vị thánh Phêrô và dưới sự điều khiển của đấng kế vị thánh Phêrô, nên các giám mục trực tiếp thông phần vào quyền hành mà Đức Kitô đã từng trao cho các tông đồ để cai trị dân Chúa. 

Như thế, các nghị phụ Công Đồng đã đặt quyền làm nên Thánh Thể của các linh mục vào trong bối cảnh các ngài có quyền mục tử trên toàn thân thể Đức Kitô. Các giám mục và linh mục có thể tái hiện và trao ban cho dân Chúa thân mình bí tích của Đức Kitô, vì các ngài có quyền hành mục tử trên toàn dân như trên Nhiệm Thể Đức Kitô. Làm linh mục và làm giám mục là do bí tích được đặt ra để cai quản Giáo Hội cách tốt đẹp, đó chính là yếu tố quan trọng để phân định ơn gọi. Người ta phải đặt câu hỏi với các chủng sinh có triển vọng làm linh mục : “Anh có thể làm việc cai quản không ?” Nghĩa là anh có khả năng làm cha, làm chồng không ?Anh có cảm thấy thoải mái với trách nhiệm của một người đàn ông trưởng thành không ? Nếu không, dù anh có đạo đức thế nào, có thông minh đến đâu, thánh thiện bao nhiêu, anh cũng không được gọi để được truyền chức làm linh mục. 

Trong giáo huấn của công đồng Vatican II, Truyền Chức đúng là phương cách Đức Kitô dùng để cai trị cách cụ thể dân Ngài, thông qua những con người đang chia sẻ vai trò lãnh đạo của Ngài một cách bí tích. Còn các nhà Cải Cách cho rằng Đức Kitô làm đầu Hội Thánh, nhưng vì không có bí tích Truyền Chức sự lãnh đạo của Đức Kitô ấy vẫn tiếp tục vô hình, còn cái chúng ta trông thấy được chỉ là thừa tác vụ. Việc cai quản Giáo Hội trở thành một việc phụ tùy, thường được giao cho một ông từ hay cho nhà vua. Những ai được mời gọi phục vụ trong các giáo hội Thệ Phản đều mong muốn rao giảng Lời Chúa, còn trong viễn cảnh của Giáo Hội Công Giáo làm thừa tác viên giáo dân là đã có thể công bố Lời Chúa và thi hành nhiều công tác Giáo Hội khác. Chúng ta cũng có các thừa tác viên giáo dân. Ơn gọi này của họ đặt nền tảng trên chính bí tích Rửa Tội. Đó không phải là ơn gọi để cai quản. Cai quản trong một Giáo Hội tông truyền là một trong những ơn của Đức Kitô mà người Công Giáo nhận được cùng với các giáo hội tông truyền khác như các giáo hội Chính Thống Giáo và Đông Phương.

4. Giáo Hội trong việc thờ phượng Chúa 

Đức giáo hoàng Biển Đức XVI đã giúp chúng ta hiểu Công Đồng lên tiếng dạy dỗ chúng ta nhưng luôn với ý thức phải dành ưu tiên cho Thiên Chúa. Thiên Chúa được dành cho vị thế ưu tiên rõ ràng nhất là trong phụng vụ. Người ta không thờ phượng ai mà tự bản thể không trổi vượt hơn mình. Hiểu như thế chúng ta mới thấy tại sao văn kiện đầu tiên của Công Đồng là văn kiện liên quan đến phụng vụ - “Sacrosanctum concilium” (“Thánh Công Đồng” hay Phụng vụ: PV). Sứ mạng trước tiên của Giáo Hội trong thế gian là thờ phượng Chúa. Giáo Hội được quy định và tổ chức để hướng về Thiên Chúa là đấng tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa thế giới. Vì yêu các thụ tạo, Thiên Chúa gởi Con duy nhất của mình đến cứu thế giới và sửa chữa lại quan hệ thân hữu của chúng ta với Thiên Chúa. Giáo Hội có mặt trong thế giới như một mầu nhiệm của sự hiệp thông. Từ quan hệ đúng đắn với Chúa, Giáo Hội sẽ có năng lực của sự thật và tình yêu để xếp đặt lại trật tự thế giới. Khi thờ phượng Chúa, Giáo Hội cũng khám phá ra mình thực sự là ai. Xuyên qua những văn kiện công đồng khác nhau ấy, Giáo Hội bày tỏ ước nguyện của mình là làm sao đưa Thiên Chúa đến gần con người và con người đến gần Thiên Chúa. Giáo Hội sẽ nhìn mọi sự khác dựa vào quan hệ ấy và từ viễn cảnh ấy: từ Giáo hội, lịch sử, phụng vụ, sứ mạng, truyền thông, văn hóa, chính trị, giáo dân đến chức linh mục. Vì Đức Giêsu Kitô là nơi gặp gỡ của thần tính và nhân tính, nên Ngài chính là mô thức cho đời sống Giáo Hội và là tiêu điểm cho sứ mạng Giáo Hội, là người đưa gia đình nhân loại xích lại gần nhau và xích lại gần Thiên Chúa. 

Các văn kiện Công Đồng, bắt đầu là hiến chế PV, đều nói về việc thờ lạy Thiên Chúa vào buổi ban đầu của gia đình nhân loại, như Ađam đã có được sự thân nghĩa với Thiên Chúa trong vườn Êđen. Tình bạn thâm sâu này là khởi đầu cho một lịch sử cứu độ và cũng là điểm kết cho lịch sử ấy, là “culmen et fons” (‘cao điểm và cội nguồn’) của Giáo Hội trong dòng lịch sử. Như có nói trong đoạn thứ hai của hiến chế PV : “Nếu phụng vụ là phương thế ngày ngày kiến tạo những người đang sống trong đền thánh trở thành những tòa nhà cho Chúa cư ngụ trong Thánh Thần, thì phụng vụ cũng là phương thế củng cố mọi người cho có khả năng rao giảng Đức Kitô, giới thiệu thế giới cho đấng Cứu Thế”. Thờ phượng và truyền giáo là hai việc không thể tách rời nhau. Đó là hai hoạt động, nhưng cái này bao hàm cái kia nếu biết thực hiện hoạt động ấy một cách đúng đắn và trung thực. 

Hình ảnh ẩn dụ của đền thờ - nơi ưu tiên để làm việc thờ phượng – thường được dùng để nối kết thờ phượng với đời sống. Giáo Hội là đền thánh từng được các giáo phụ ca ngợi khi nhìn thấy Giáo Hội được tựng trưng qua các đền thánh làm bằng gỗ đá. Giáo Hội là một thân thể gồm mọi bộ phận và chi thể tùy thuộc vào Thiên Chúa như đã nói trong hiến chế GH số 13: “Mọi người đều được gọi làm thành một dân mới của Thiên Chúa vì dân dân này vẫn còn rải rác khắp thế giới. Có nhiều quốc gia nhưng chỉ có một dân Chúa vì dân ấy (Giáo Hội) thu hút các thành viên từ mọi quốc gia”. Giáo Hội sẽ làm gì khi lôi kéo mọi người vào đoàn hội, vào thông công với mình, vào đơn vị duy nhất của mình? Giáo Hội sẽ chỉ cho họ thấy phải thờ phượng Chúa thế nào. Ngay cả trong hiến chế MV, khi đọc các dấu chỉ của thời đại, Giáo Hội không bắt đầu làm việc với các trào lưu xã hội mà sẽ tìm cách phân định Chúa đang hoạt động thế nào trong thế giới. Những dấu hiệu ấy đã trở thành những lời mời gọi mọi người thờ phượng Chúa là đấng đang ra tay cứu độ dân mình, nỗ lực xây dựng đền thánh cho dân ấy và nơi dân ấy.

5. Giáo Hội trong nội bộ của mình

Giáo Hội là một sự hiệp thông, một lô các quan hệ được xây dựng trên việc cùng nhau chia sẻ các ơn của Đức Kitô ban cho để làm nên dân Chúa. Ơn riêng lớn nhất là ơn được sự sống của Thiên Chúa, được ban cho qua phép Rửa, đưa mọi người vào sự hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi, là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ơn này là ơn căn bản cho đời sống Giáo Hội. Khi kỷ niệm 20 năm công bố hiến chế tín lý “Lumen gentium” về Giáo Hội (“Ánh sáng muôn dân” hay Giáo Hội : GH), đức Gioan Phaolô II đã phát biểu: “Giáo Hội toàn cầu được giới thiệu như là sự hiệp thông giữa các giáo hội, và một cách gián tiếp là sự hiệp thông giữa các quốc gia, ngôn ngữ, văn hóa. Mỗi một đơn vị này đều mang tới cho Giáo Hội toàn thể “ơn” riêng của mình, y như mỗi thế hệ và thời đại, mỗi thành quả khoa học và xã hội, mỗi giai đoạn văn minh mà người ta đang từ từ tiến tới. Cách riêng, chính vì có tính phổ quát để tô điểm và phân biệt Giáo Hội, mà Giáo hội biết phải làm sao hài hòa các “ơn”ấy hầu được thống nhất cao hơn, hầu các ơn ấy góp phần khằng định dần vương quốc của Đức Kitô là vương quốc chỉ có một mà thôi”.

Vào một dịp khác, bằng các thuật ngữ triết học, đức Gioan Phaolô II còn mô tả sự hiệp thông Giáo Hội là một mạng lưới các quan hệ giao thoa nhau: ai cũng cho và ai cũng nhận, để từ đó chúng ta hiểu ra thế nào là anh em chị em trong Đức Kitô. Mối dây hiệp thông của Công Giáo chính là Giáo Hội có mặt khắp nơi, và đúng là công giáo theo nghĩa địa lý. Quan trọng hơn, nền tảng có phẩm chất để tính công giáo được mở rộng chính là đức ái được chia sẻ cho mọi người, chính là sự hiệp thông giữa nhiều người xuất phát từ sự hiến thân cho Đức Kitô và cho nhau. Đây mới chính là tính công giáo dồi dào, mang lại cho Giáo Hội tính cách riêng của mình. Việc tự nguyện chia sẻ cho nhau được diễn tả trong nội bộ Giáo Hội bằng cách cùng tuyên xưng một đức tin và bằng cách thi hành các việc làm bác ái. Còn đối với bên ngoài, nó được biểu lộ qua việc đối thoại với những ai không chia sẻ đức tin với chúng ta. Nhờ đối thoại, Giáo Hội giúp mọi người khám phá ra phẩm giá của mỗi một con người và giúp hợp nhất mọi người trong sự quan tâm yêu thương nhau.

Thế nên, các quan hệ làm nên sự hiệp thông của Hội Thánh Công Giáo rất đa dạng và rất phong phú. Những quan hệ nền tảng nhất là những quan hệ thuộc bình diện hữu thể, xuất phát từ Thiên Chúa và từ những con người đã được mời gọi tham dự vào đời sống thần linh. Một số quan hệ khác có tính pháp lý. Hoặc dựa trên cơ chế do Chúa thiết lập như quan hệ trong tông đồ đoàn, hoặc dựa trên luật Giáo Hội như các tòa thượng phụ cùng với các quan hệ của một số giáo hội trên một vùng lãnh thổ nào đó. Có những quan hệ Giáo Hội thấy được, có những quan hệ vô hình, có những quan hệ vừa thấy được vừa vô hình. Có những quan hệ chỉ liên kết những người đang sống trong sự hiệp thông Giáo Hội trông thấy được, có những quan hệ nối kết người tin với cả những người không phải là kitô hữu. Có những quan hệ mang tính phụ tùy thôi, không cần để làm nên Giáo Hội nhưng vẫn là một phần trong kinh nghiệm mà Giáo Hội đã trải qua. Có những quan hệ tự nó chỉ mang tính biểu tượng, có thể mở cộng đoàn Giáo Hội vượt ra ngoài không gian và thời gian bình thường. Có những quan hệ dựa trên sự chia sẻ chung củng cố thêm cho sự bình đẳng trong cộng đoàn Giáo Hội. Như thế, dù không cùng một mức độ hay cùng một phương cách, nhưng tất cả mọi tín hữu đều chia sẻ đời sống của Thiên Chúa, chia sẻ đức tin và bí tích Thánh Thể cũng như sự cai trị tông truyền.

Mặt khác, có những quan hệ dựa trên sứ mạng khác nhau hay đoàn sủng khác nhau có xu hướng làm tăng thêm sự khác biệt trong cộng đoàn Giáo Hội. Chẳng hạn, ơn gọi làm linh mục hay giám mục, sáng lập một dòng tu, thành lập những giáo hội địa phương, phát triển các phong trào hoạt động xã hội của Giáo Hội, tất cả có vẻ như đang làm giảm bớt sự hiệp thông bằng cách phân chia các nhóm tín hữu khác nhau, nếu người ta không biết hài hòa các khác biệt của các tập thể ấy với toàn thể. Còn một nguồn rất quan trọng, dù vô hình, tạo ra bất bình đẳng trong các quan hệ Giáo Hội, đó là tình yêu ở các mức độ khác nhau trong tâm hồn các tín hữu. Tuy nhiên, nếu là tình yêu thật thì tình yêu ấy không thể nào đe dọa phá vỡ sự hiệp thông.

6. Mùa xuân Giáo Hội

Công đồng Vatican II được triệu tập cách đây 50 năm với hy vọng đó sẽ là một mùa xuân mới cho đức tin. Nhưng chẳng phải là người ta đã hy vọng sai? Trước tiên, hãy nhìn những gì các đức giáo hoàng đã làm để thực hành Công Đồng. Đức Phaolô VI, đức Gioan Phaolô II, rồi đức Biển Đức XVI mỗi vị đã dùng cương vị giáo hoàng của mình để thực hành Công Đồng, nhưng theo những cách thế khác nhau tùy theo năng khiếu của mỗi vị. Đâu là những nét riêng mà mỗi vị đã mang lại cho triều đại của mình?

Đức Phaolô VI đúng là một viên chức giáo triều hoàn hảo. Ngài quá rõ đường đi nước bước của giáo triều Roma vì đã sống và làm việc ở đó khá lâu. Ngài đã tìm cách quốc tế hóa giáo triều và đưa ra những quy tắc mới để các bộ làm việc ăn khớp với nhau, tạo ra một cơ quan hành chánh uyển chuyển hơn để có thể đáp ứng nhu cầu của dân Chúa trong khi thi hành sứ mạng của Giáo Hội. Ngài đã thành lập Thượng Hội Đồng Giám Mục như một thực thể thường trực ở bên ngoài cơ chế giáo triều. Đó là cơ quan quy tụ các giám mục đại diện các hội đồng giám mục và là nơi thực hiện tính tập thể bên ngoài các công đồng chung. Cơ quan ấy sẽ giúp các giám mục củng cố vai trò chăn dắt và giảng dạy bằng cách tham gia vào một khung cảnh rộng lớn hơn nhiều so với giáo phận và hội đồng giám mục của mình. Đức Phaolô VI đã tìm cách giải thích thần học về sự hiệp thông hay nhãn quan giáo hội còn dang dở của Công Đồng trong tông thư đầu tiên của mình là “Ecclesiam suam” (‘Giáo Hội của Người’, 1964). Ngài là người đã giới thiệu thần học về Giáo Hội và góp phần xây dựng thần học ấy trước, trong và sau Công Đồng. Thế nên, ngài phải tìm cách tổ chức việc cai quản Giáo Hội thế nào cho thành khuôn mẫu diễn tả thần học ấy.

Đức Gioan Phaolô II nối kết thần học về sự hiệp thông với sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội, cả trên lý thuyết cũng như trong thực hành. Ngài thực hành Công Đồng bằng cách giảng cho thế giới biết Đức Kitô là ai. Ngài tìm cách củng cố sự hiệp nhất sống động của các tín hữu đang có mặt trong cộng đoàn Giáo Hội, bất kể giữa họ với nhau còn có những chia rẽ hay những đố kỵ của lịch sử. Ngài đã gia tăng những mối quan hệ giữa các tôn giáo như một cách để bảo vệ hòa bình giữa các dân tộc và quốc gia.

Còn đức Biển Đức XVI đã tìm cách khôi phục và củng cố vị thế trung tâm của việc thờ phượng Chúa trong thần khí và sự thật, bắt đầu từ trong tâm thức của chúng ta về Giáo Hội. Ngài đã thâu họp cả truyền thống Giáo Hội trong các bài giảng và tông thư chủ đạo của mình. Ngài tìm cách làm cho người ta hiểu Công Đồng theo chiều hướng của một cuộc cải cách, nghĩa là không thay đổi trong nguyên tắc nhưng không quên hoàn cảnh đang đổi thay. Ngài đã cho thấy nếu được hiểu đúng đắn thì Công Đồng không thể nào là nguồn chia rẽ trong Giáo Hội, mà Công Đồng đã biết vận dụng sự hợp nhất nội tại của mình để đưa thế giới tới sự hòa bình của Đức Kitô.

Năm mươi năm sau khi Công Đồng được khai mạc, có hai câu hỏi cần đặt ra: điều gì đã làm Giáo Hội bớt ý thức về mình và điều gì đã giúp Giáo Hội gia tăng ý thức về mình? Làm giảm bớt ý thức ấy trước tiên là giải thích Công Đồng theo chiều hướng chính trị như những nhà chủ trương ý thức hệ hoặc phóng khoáng hoặc bảo thủ. Phân chia tự do và bảo thủ là một sự phân chia bắt nguồn từ việc thành lập các quốc gia trần thế, trong đó dân chúng được đặt đối diện với giới cầm quyền, chứ không đối diện với sự thật. Tự do là người có xu hướng ưa chỉ trích quyền hành, còn bảo thủ là người có xu hướng bảo vệ quyền hành. Đời sống chính trị của chúng ta sẽ diễn ra trong thế thỏa hiệp giữa hai trận tuyến ấy. Đang khi đó Giáo Hội chỉ quan tâm tới điều đúng điều sai, là ngôn ngữ của Tin Mừng. Nếu cứ phân tích tổ chức Giáo Hội ở bình diện chính trị thế gian thì Công Đồng sẽ không còn giá trị gì nữa. Công Đồng không trực tiếp quan tâm tới việc thi hành quyền bính trong Giáo Hội, nhưng quan tâm tới phương cách làm sao cho các chân lý mặc khải của Chúa có thể đến được với thế giới hôm nay bằng cách thay đổi Giáo Hội đủ để biến Giáo Hội thành một người có khả năng đối thoại tuyệt vời với mọi người trên thế giới. Cứ tranh cãi tự do hay bảo thủ sẽ làm suy yếu tính công giáo của Giáo Hội và sẽ đưa vào cuộc sống nội bộ Giáo Hội chính những chia rẽ đang diễn ra trong thế giới, khiến Công Đồng chỉ loay hoay tìm cách làm sao khắc phục những chia rẽ ấy – khắc phục bằng cách đưa mình lên thật cao thật xa. Những chia rẽ trong nội bộ xuất phát từ những sự phân tích chính trị sai lầm cũng sẽ làm tê liệt công cuộc truyền giáo của Giáo Hội, vì chẳng có ai hành động như thể một người với hai bộ óc. Một khi bị tắc đường như thế, Giáo Hội đành phải ngừng lại thôi. Chính sự tê liệt – ít là trên nguyên tắc – trong khi thi hành sứ mạng như thế đã bắt Giáo Hội phải triệu tập công đồng. Một Giáo Hội mà chính trị hóa thành hai phe tự do và bảo thủ như thế sẽ làm hỏng công trình của Chúa Thánh Thần.

Thứ đến, làm suy yếu ý thức của Giáo hội về mình mà lẽ ra trong tư cách thành viên của Giáo hội Công Giáo phải là ý thức của chúng ta, chính là sự chống đối công khai và mạnh bạo đối với giáo huấn luân lý của Giáo Hội. Ngay sau ngày lễ kính Chúa Giáng Sinh, Giáo Hội cử hành lễ kính vị thánh tử đạo đầu tiên là thánh Têphanô, người đã bị ném đá tới chết vì dám quả quyết Đức Giêsu cao cả hơn Môsê. Sau đó là lễ kính các thánh anh hài, những trẻ bị giết cũng vì sự có mặt của chúng đã đe dọa tới trật tự chính trị của vua Hêrôđê. Rồi thánh Thomas Beckett cũng được Giáo hội kính nhớ như một người đã bị giết chỉ vì vua Henri II cho rằng ông ấy không cho phép nhà vua nắm quyền kiểm soát trên Giáo Hội ở Anh Quốc. Ngày 18 tháng 12 vừa qua, 22 tu sĩ thuộc dòng chúng tôi (dòng OMI hay dòng Hiến Sĩ Đức Maria Vô Nhiễm) đã được phong làm chân phước tại Madrid. Phần đông họ là các chủng sinh, cùng với một vài giáo sư và cha bề trên tổng quyền, bị bắt đưa ra khỏi tu viện, xếp hàng và bị bắn mà không hề được xét xử chỉ vì Giáo Hội lúc ấy là đối tượng của thù ghét. Tất cả những cái chết này đều xuất phát từ chỗ người ta chống lại đức tin. Còn bây giờ người ta chống đối Giáo Hội chỉ vì giáo huấn luân lý của Giáo Hội, mà thường thường là bênh vực sự sống con người., bất kể nó yếu đuối tới đâu, và chỉ vì Giáo hội giảng dạy tính dục của con người là ân huệ do Chúa ban. Trong nền văn hóa sau thời kỳ của Freud này, bản sắc và tự do của con người được trói chặt với tính dục tới nỗi không mấy ai thích nhìn thiên nhiên và định mệnh con người cách rộng rãi hơn như trong các văn kiện của Vatican II. Một khi tự do con người bị giảm xuống thành tự do tính dục thôi thì giáo huấn luân lý của Giáo Hội về vấn đề này hẳn sẽ bị khính rẻ và có khi bị thù ghét, bị thoái thác và có khi bị chống đối kịch liệt.

Thế nên, muốn đối thoại với thế giới, cần phải kiên trì kiếm tìm những phương cách diễn tả đức tin một cách hữu hiệu hơn trong những nền văn hóa đang định hình. Một khi nhiều phần trong thần học luân lý của chúng ta, nhất là giáo huấn của Giáo Hội về việc bảo vệ sự sống con người và về tính dục được coi là quà tặng của Thiên Chúa, đều được rút ra từ luật luân lý tự nhiên, chúng ta càng cần đào sâu hơn những lời bình luận của đức Biển Đức XVI về những vấn đề này trước giới lãnh đạo Công Hòa Liên Bang Đức trong chuyến công du gần đây của ngài về Đức. Chống lại chủ nghĩa duy thực chứng theo luật, đức giáo hoàng đã không trình bày luật luân lý tự nhiên bằng cách phân tích cứu cánh tự nhiên của các hoạt động con người, mà ngài đưa ra một lý thuyết luân lý phản ảnh quan điểm về môi sinh nhân loại. Nói cách khác, nếu tôi hiểu không sai, ngài cho biết chúng ta có thể diễn tả luật luân lý tự nhiên không chỉ bằng phạm trù cứu cánh mà còn bằng phạm trù quan hệ. Nhờ đó, chúng ta có thể đưa thần học luân lý vào một bối cảnh rộng lớn hơn là thần học về hiệp thông.

Thứ ba, một điều cản trở người ta quan tâm và chú ý tới ý thức của Giáo Hội về bản thân mình chính là chủ nghĩa vô thần hiếu chiến, không phải chủ nghĩa vô thần dựa trên chủ nghĩa cộng sản mà đúng hơn dựa trên chủ nghĩa thế tục cực đoan. Quên lãng Thiên Chúa là quên mất mình là ai, như Công Đồng cho biết. Giải thích Công Đồng theo hướng chính trị, chống đối Giáo Hội vì giáo huấn luân lý của Giáo Hội, và chủ nghĩa vô thần hiếu chiến, tất cả đều liên kết với nhau để ngăn cản chúng ta hiểu mình là một thành phẩn của cả một mạng lưới các quan hệ trong Giáo Hội, mà Công Đồng đã gọi là mạng lưới hiệp thông.

Như thế có hiện tượng nào đã khiến chúng ta tin rằng Công Đồng đã được đón nhận và khiến chúng ta dám hy vọng về một mùa xuân như Chúa đã hứa? Theo tôi, có một dấu chỉ để chúng ta có quyền hy vọng như thế là tinh thần quảng đại của các người Công Giáo, ngày càng rõ và ngày càng phổ biến. Tính thu dụng (“inclusivity”) là một thuật ngữ thế tục, nhưng có thể dùng để chỉ tính “công giáo” của Giáo Hội. Thật vậy, nếu chữ “thu dụng” có thể mang những nghĩa khá hàm hồ theo các giáo hội Phúc Âm, thì trong thực tế người ta thường hiểu đó là một cách để nói rằng từ nay người ta không thể sống với một ý thức quá hẹp hòi. Vào tuổi tôi khi lớn lên, người ta quen sống trong gia đình của mình, giáo xứ của mình, khu xóm của mình, mà thường không nhận thức cũng chẳng quan tâm tới những người ở bên kia nửa địa cầu hay thậm chí ở bên kia thành phố. Ngày nay không ai có thể sống như thế nữa. Ý thức toàn cầu đã nảy sinh khi mọi người được thông báo phi thuyền Apollo đã đáp xuống mặt trăng năm 1968: cả thế giới đã được truyền hình cho thấy hình ảnh hành tinh xinh đẹp của chúng ta đang chao qua lượn lại trong một đại dương bao la đen kịt. Hiện nay, nhất là nơi các người trẻ, ý thức được mở rộng ra và nhờ đó ai nấy đều tỏ ra rất có tinh thần quảng đại. Mà chỗ nào có sự quảng đại về tinh thần như thế, chỗ đó có Chúa hoạt động.

Sau cùng, mùa xuân được hứa hẹn đã đến nhờ phong trào canh tân phụng vụ vẫn tiếp diễn, một công việc mà đức Biển Đức XVI coi là tâm điểm giáo huấn và thừa tác vụ của mình trong Giáo Hội. Những nỗ lực không bền bỉ và không đồng đều trong việc cải tổ phụng vụ, thường chỉ dừng lại ở mặt ngoài của các nghi thức, nay đang được xét lại. Khi đọc lại hiến chế PV, chúng ta sẽ có cơ hội thúc đẩy đời sống Giáo Hội tiến lên để trở thành một sự hiệp thông với chính Chúa thông qua Người Con với quyền năng của Thánh Thần. Chính khi cùng nhau thờ phượng Chúa trong thần khí và sự thật và thật sự trở thành dân Chúa, là chúng ta đang thực hành công đồng Vatican II. Thờ phượng là một hành vi mang tính cánh chung, đưa chúng ta tới gần lời hứa của Ngài về Nước Trời, giúp chúng ta nhận thức được lời Chúa hứa ấy bây giờ đang là mùa xuân của Giáo Hội, nhưng sẽ không bao giờ trở thành mùa hè với ngàn hoa rực rỡ. Chúng ta đang thi hành sứ mạng trong thế dằng co giữa hy vọng hứa hẹn và hoàn thành mỹ mãn. Chúng ta có thể nhìn thấy kết quả của Công Đồng dễ dàng hơn, nếu biết vận dụng đức tin để nhận ra các dấu chỉ của thời đại và biết chuyển cái nhìn ấy thành những kế hoạch mục vụ, biến Giáo Hội thành nhúm men có khả năng hiệp nhất trong lòng thế giới hôm nay.

Phêrô Đặng Xuân Thành tóm dịch

NB. Những chỗ in đậm trong bài, không phải các tiêu đề, là của dịch giả.

 


Mục Lục Năm Đức Tin