Lòng thương xót trong Kinh thánh

 

Trích trọng sắc “Misericordiae vultus” Công bố Năm thánh “Lòng Chúa thương xót”.

 

6. “Chính cách thế của Thiên Chúa là dùng lòng thương xót và nhất là ở đó Người bày tỏ sự toàn năng của mình”. Những lời của thánh Tô-ma Aquinô cho thấy là lòng thương xót của Thiên Chúa không hề là dấu chỉ sự yếu đuối của Người, mà là phẩm chất toàn năng của Thiên Chúa. Chính vì thế mà phụng vụ, trong một những lời nguyện nhập lễ cổ xưa nhất để cầu nguyện, nói: “Lạy Thiên Chúa, Đấng luôn tỏ ra sự toàn năng của Chúa, nhất là với lòng thương xót và tha thứ”. Muôn đời trong lịch sử nhân loại Thiên Chúa sẽ giống như Đấng hiện diện, gần gũi, lo liệu , thánh thiên và hay thương xót.

“Nhẫn nại và hay thương xót” là hai tên ta thường thấy trong Cựu ước để diễn tả bản tính của Thiên Chúa. Bản thể hay thương xót của Người phản ánh cụ thể qua nhiều hành động trong lịch sử cứu độ, nơi lòng nhân từ của Người vượt trên sự trừng phạt và sự hủy diệt. Đặc biệt các Thánh vịnh làm nổi bật sự cao cả này trong cách hành sử của Thiên Chúa: “Chúa tha thứ cho ngươi mọi lỗi lầm, chữa lành tất cả những vết thương của ngươi, cứu ngươi khỏi hố sâu, lấy lòng nhân từ và thương xót bao bọc ngươi” (103, 3-4). Bằng một cách còn rõ rệt hơn, một thánh vịnh khác chứng thực những dấu chỉ cụ thể về long thương xót: “Chúa giải phóng các tù nhân, Chúa mở mắt cho người mù lòa, Chúa nâng dậy người ngã xuống, Chúa yêu chuộng người công chính, Chúa phù trợ khách ngoại kiều, Người nâng đỡ kẻ mồ côi và goá bụa, nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân” (146, 7-9). Và cuối cùng, đây là những diễn tả khác của tác giả Thánh vịnh: “[Chúa] chữa lành những cõi lòng tan nát và băng bó những vết thương của họ… Chúa nâng dậy người nghèo khó, nhưng hạ bọn gian ác xuống tận đất đen” (147, 3-6). Nói tắt, lòng thương xót của Thiên Chúa không phải là một ý tưởng trừu tượng, mà là một thực tại cụ thể ở đó Người tỏ lộ tình yêu của Người như tình yêu của một người cha và một người mẹ cảm kích tận thâm sâu cõi lòng vì đứa con của mình. Thật sự phải nói rằng đây là một tình yêu “tận cõi lòng”. Nó đến từ tận thâm sâu như một tình cảm sâu xa, tự nhiên, được làm thành bởi sự âu yếm và cảm thương, nuông chiều và tha thứ.

7. “Lòng thương xót của Người muôn thuở”: đó là điệp khúc được lặp lại sau mỗi câu của Thánh vịnh 136 đang khi kể lại lịch sử mạc khải của Thiên Chúa. Vì lòng thương xót, tất cả mọi biến cố trong Cựu ước đầy ắp một giá trị cứu độ sâu xa. Việc liên tục lặp lại:”Lòng thương xót của Người muôn thuở”, như Thánh vịnh làm, xem ra muốn bẻ gẫy cái vòng không gian và thời gian, để đưa tất cả vào mầu nhiệm của tình yêu muôn thuở. Giống như muốn nói rằng không chỉ trong lịch sử, mà cho đến muôn đời con người sẽ luôn luôn sống dưới cái nhìn thương xót của Chúa Cha. Không phải tình cờ mà dân Israel đã muốn đưa Thánh vịnh này, “Hallel vĩ đại” như được gọi như vậy, vào các lễ phụng vụ quan trọng nhất.

Trước cuộc Khổ nạn Chúa Giêsu đã cầu xin với Thánh vịnh thương xót này. Tác giả Mát-thêu chứng thực điều đó, khi nói rằng “sau khi đã hát ca vịnh” (26, 30), Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi ra về phía núi cây dầu. Đang khi lập phép Thánh thể, như việc tưởng niệm mãi mãi về Người và về cuộc Phục sinh của Người, một cách tượng trưng Người đặt hành động Mạc khải cao cả này dưới ánh sáng lòng thương xót. Trong cùng một chân trời của lòng thương xót, Chúa Giêsu đã sống cuộc Khổ nạn và cái chết của mình, Người ý thức về mầu nhiệm cao cả của tình yêu sẽ được hoàn tất trên thập giá. Việc àiết rằng chính Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Thánh vịnh này, làm cho nó nên quan trọng hơn nữa đối với những Kitô hữu chúng ta và bó buộc chúng ta nhận lấy câu điệp khúc trong lời ca ngợi hàng ngày của chúng ta: “Lòng thương xót của Người muôn thuở”.

8. Nhìn thẳng lên Chúa Giêsu và lên gương mặt thương xót của Người, chúng ta có thể nhận ra tình yêu của Chúa Ba ngôi cực thánh. Sứ mạng mà Chúa Giêsu đã được Chúa Cha trao phó là sứ mạng mạc khải trọn vẹn mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa. “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4, 8.16), tác giả Gioan khẳng định lần đầu tiên và lần duy nhất trong toàn thể Kinh thánh như vậy. Tình yêu này đã nên hữu hình và gần gũi trong toàn thể cuộc sống của Chúa Giêsu. Con người của Người không phải là gì khác hơn là tình yêu, một tình yêu cho đi nhưng không. Những mối quan hệ của Người với những ai gần gũi Người cho thấy một điều duy nhất và không thể lặp lại. Những dấu chỉ (phép lạ) Người thực hiện, nhất là đối với những người tội lỗi, nghèo khổ, những người bị gạt ngoài lề, những bệnh nhân và những người đau khổ, đều nói về lòng thương xót. Mọi sự nơi Người nói lên lòng thương xót. Không gì nơi Người thiếu sự cảm thương.

 9, Vì tình thương trắc ẩn này Người chữa lành những bệnh nhân đến với Người (Cf Mt 14, 14),  và với ít bánh và cá, Người cho đám đông ăn no nê (cf Mt 15, 37). Điều đánh động Chúa Giêsu trong mọi cảnh huống không phải là gì khác hơn là lòng thương xót, với tấm lòng như vậy người đọc trong tâm hồn những người tiếp xúc và đáp lại nhu cầu đích thực nhất của họ. Khi Người gặp bà góa thành Naim đang đưa đứa con duy nhất đi chôn, Người cảm thấy sự cảm thương lớn lao đối với nỗi đau đớn bao lao của người mẹ trong nước mắt, và trao lại cho bà đứa con bằng cách làm cho nó từ cõi chết sống lại (cf Lc 7, 5). Sau khi đã giải thoát người bị qủi ám ở Gerasa, Người trao cho anh sứ mạng: “Hãy thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương xót anh như thế nào” (Mc 5, 19). Và cả ơn gọi của Mat-thêu cũng được lồng vào chân trời của lòng thương xót. Khi đi ngang bàn thu thuế mắt Chúa Giêsu nhìn thẳng vào mắt của ông Mat-thêu. Đó là cái nhìn đầy lòng thương xót, tấm lòng tha thứ tội lỗi của ông ta và, khi thắng vượt những chống cự của các môn đệ khác, Người đã chọn ông, kẻ tội lỗi và thu thuế, để trở nên một trong số Mười hai. Thánh Bê-đa đáng kính, khi chú giải cảnh này trong Tin mừng, đã viết là Chúa Giêsu nhìn ông Mat-thêu với tình thương xót và đã chọn ông: miserando atque eligendo (thương xót ông và chọn ông). Câu này đã luôn gây ấn tượng nơi tôi, đến độ làm cho nó trở nên câu khẩu hiệu của tôi.

9. Trong các dụ ngôn nói về lòng thương xót, Chúa Giêsu mạc khải cho ta bản tính của Thiên Chúa giống như bản tính một người Cha, không bao giờ đầu hàng cho đến khi tha thứ tội lỗi và thắng vượt thái độ khước từ, bằng lòng cảm thương và lòng thương xót. Chúng ta biết những dụ ngôn này, đặc biệt ba dụ ngôn: dụ ngôn con chiên lạc và đồng tiền thất lạc, và dụ ngôn người cha và hai người con (cf Lc 15, 1-32). Trong những dụ ngôn này, Thiên Chúa luôn được trình bày như đầy niềm vui, nhất là khi Người tha thứ. Trong những dụ ngôn đó chúng ta thấy cái nhân của Tin mừng và của đức tin chúng ta, bởi vi lòng thương xót được diễn tả như sức mạnh thắng vượt mọi sự, đổ đầy cõi lòng bằng tình yêu và yên ủi bằng sự tha thứ.

Hơn nữa từ một dụ ngôn khác, chúng ta lấy ra được một giáo huấn cho cách sống Kitô của ta. Khi được câu hỏi của ông Phê-rô gợi lên là cần phải tha thứ bao nhiêu lần, Chúa Giêsu trả lời: “Thầy không bảo anh là cho đến bảy lần, mà cho đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18, 22), và Người kể dụ ngôn “người đầy tớ tàn nhẫn”. Được chủ gọi đến để trả một món nợ lớn, người đó qùy gối van xin và người chủ tha nợ. Nhưng ngay sau đó gặp một đầy tớ khác như mình, người nợ anh ta mấy xu, người này qùy gối xin thương xót, nhưng người đầy tớ đó từ chối và bắt giam người này. Lúc đó, khi được biết sự việc, ông chủ nổi giận và gọi người đầy tớ đó, bảo anh: “Ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” (Mt 18, 33). Và Chúa Giêsu kết luận: “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu anh em không hết lòng tha thứ cho anh  em mình”. (Mt 18, 35).

Dụ ngôn này chứa đựng một giáo huấn sâu xa cho mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu khẳng định rằng lòng thương xót không chỉ là cách hành sử của Chúa Cha, mà nó trở thành tiêu chuẩn để hiểu ai là những người con đích thực của Chúa. Tóm lại, chúng ta được mời gọi sống lòng thương xót, bởi vì trước tiên Chúa đã đối xử với ta với lòng thương xót. Việc tha thứ những xúc phạm trở thành diễn tả tỏ tường nhất của tình thương xót và đối với Kitô hữu chúng ta đó là một mệnh lệnh ta không thể bỏ qua. Xem ra nhiều lần thật khó tha thứ biết bao! Vậy mà sự tha thứ là khí cụ đặt vào bàn ta dòn mỏng của chúng ta để đạt đến sự thanh bình của cõi lòng. Vậy chúng ta hãy đón nhận lời khuyên của vị tông đồ: “Chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4, 26). Và nhất là chúng ta hãy lắng nghe lời Chúa Giêsu đã đặt lòng thương xót như lý tưởng sống và như tiêu chuẩn cho tính khả tín đối với đức tin của ta: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5, 7), đây  là phúc thật từ đó ta lấy hứng cho sự dấn thân đặc biệt trong Năm Thánh này.

Như ta thấy, lòng thương xót trong Kinh thánh là lời then chốt chỉ cho ta cách hành sử của Thiên Chúa đối với chúng ta.. Người không giới hạn vào việc khẳng định tình thương của Người, mà làm cho nó hiển hiện và sờ mó được. Hơn nữa, tình thương không bao giờ có thể là một lời trừu tượng. Vì chính bản tính của nó là sự sống cụ thể: đó là những ý hướng, những tháI độ, những cử chỉ ta thấy trong cách đối xử hàng ngày. Lòng thương xót của Thiên Chúa là trách nhiệm của Người đối với chúng ta, nghĩa là Người ước muốn điều thiện cho chúng ta và muốn nhìn thấy ta hạnh phúc, đầy niềm vui và an bình. Chính trên cùng một làn sóng mà tình yêu thương xót của các Kitô hữu cũng phải hướng về. Như người Cha yêu thương thế nào thì con cái cũng thương yêu như vậy. Như Người xót thương thế nào, chúng ta cũng được mời gọi nên xót thương với nhau như vậy.

 

 


Năm Thánh Lòng Thương Xót