Năm Thánh lòng thương xót.

Lm Đaminh Nguyễn Ngọc Long - 12/6/2015

 

Trong nếp sống đức tin của Giáo Hội Công Giáo, bốn tuần lễ mùa Vọng năm phụng vụ mới là thời gian người tín hữu Chúa Kitô sửa soạn tâm hồn mừng lễ Chúa Giêsu giáng sinh làm người ngày 25.12.

Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đấng là ánh sáng ơn cứu chuộc thánh của Thiên Chúa từ trời cao đến đi vào đêm tối tội lỗi trần gian. Ánh sáng Ngài mang vào trần gian có sức chiếu soi xóa tan bóng tối tội lỗi bao phủ tâm hồn con người do hậu qủa tội nguyên tổ Adong Evà cùng tội cá nhân mỗi người gây ra.

Ánh sáng Chúa Giêsu là ơn tha thứ làm hòa của Thiên Chúa cho con người, của Trời cao với trần thế.

Vào những ngày đầu năm phụng vụ mới của Giáo Hội, chính xác vào ngày 08.12. 2015, ngày lễ mừng kính Đức mẹ Maria không vướng mắc tội tổ tông, Đức Thánh Cha Phanxico khai mạc Năm Thánh lòng thương xót 2016 trong toàn thể Giáo Hội Công Giáo. Năm Thánh kéo dài từ ngày 08.12. 2015 tới ngày 20.11.2016.

Năm Thánh là gì?

Năm Thánh là tập tục nếp sống của Đạo Do Thái, để kỷ niệm năm hồng ân, thông thường cứ mỗi 50 năm có năm kỷ niệm như vậy. 

Trong Giáo Hội Công Giáo thời Đức Giáo Hoàng Bonifatius VIII. năm 1300 đã làm sống lại truyền thống Năm hồng ân kỷ niệm, và ấn định cứ 100 năm tổ chức Năm Thánh. 

Từ năm 1475 Giáo Hội ấn định lại, cứ 25 năm lại có năm Thánh hồng ân kỷ niệm này. Và ngoài ra cũng có những Năm Thánh ngoại lệ không đúng vào chu kỳ kỷ niệm 25 năm hay 50 năm được tổ chức trong Giáo Hội nữa. Năm Thánh ngoại lệ được tổ chức vào những dịp có kỷ niệm đặc biệt khác thường trong đời sống Giáo Hội, như năm 1983 dịp kỷ niệm 1900 năm ơn cứu chuộc, sự chết và sống lại của Chúa Giêsu Kitô. 

Cho tới hôm nay, có tất cả 26 lần những Năm Thánh kỷ niệm trong Giáo Hội đã được tổ chức theo tập tục đúng chu kỳ và ngoại lệ. 

Kỷ niệm 50 năm bế mạc Công đồng Vatican I I., 08.12.1965 – 08.12.2015, Đức Giáo Hoàng Phanxico đã kêu gọi mở Năm Thánh 2016 Lòng thương xót Chúa.

Chủ đề đạo đức thần học năm Thánh 2016

Chủ đề năm Thánh dựa trên câu Kinh Thánh trong thư của Thánh Phaolo gửi Giáo đoàn Epheso: “Thiên Chúa giầu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta” (Ep 2,4).

Lòng thương xót Chúa cũng là trọng tâm khẩu hiệu đời Giám Mục của Đức Giáo Hoàng Phanxico “Miserando atque eligendo - Thương xót và lựa chọn” (Mt 9,9-13) 

Không ai khác hơn là chính Chúa Giêsu qua lời nói, hành động và toàn bộ con người của Ngài đã thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa.

Từ ngữ Lòng thương xót theo nguyên ngữ Do Thái “rachum“, có căn rễ từ chữ “cung lòng mẹ”, nơi cung lòng mẹ thân thể sự sống con người cũng như thú vật tìm được nơi cư ngụ trước hết trong giai đoạn phát triển từ khi còn là một bào thai. Kinh Thánh nói đến khung hình hài các cơ quan phủ tạng sự sống là nơi chốn của cảm giác cũng như sự suy nghĩ của trí khôn, mà trung tâm là trái tim.

Kinh Thánh không phân chia suy nghĩ và cảm giác ra riêng nhau, nhưng cho đó là một. Theo Kinh Thánh lòng thương xót ở vị trí điểm chính giữa của thân thể, tạo nên trung tâm trật tự cho tất cả. Chính vì thế, Thiên Chúa để cho chúng ta nhìn vào tận trái tim của người. Bản tính, tình yêu của Thiên Chúa biểu hiện qua lòng thương xót.

Lòng thương xót là là tấm gương soi chiếu của Thiên Chúa, nhìn vào đó khám phá ra trung tâm điểm sự sống, sự thánh thiện, sự công chính cùng lòng nhân ái.

Chính Chúa Giêsu Kitô đã sống tin mừng lòng thương xót của Thiên Chúa, mà Ngài mang đến loan báo nơi trần gian cho con người. 

Nơi những người gặp vướng mắc vào hoàn cảnh khốn khó cùng cực trong đời sống, con người tìm gặp được chính Chúa Giêsu, Đấng là Con Thiên Chúa.

Lòng thương xót là hình ảnh của Thiên Chúa .

“Lòng Thương Xót: là luật cơ bản ngự trị trong con tim của mỗi con người đang nhìn chân thành vào đôi mắt của anh chị em mình trên đường đời. Lòng Thương Xót: là cầu nối liên kết giữa Thiên Chúa và con người, trong khi mở lòng chúng ta ra cho một niềm hy vọng được yêu thương mãi mãi bất chấp tội lỗi ngập tràn của chúng ta” (Misericordiae Vultus Nr. 2.)

Cánh cửa Năm Thánh

Đức Thánh Cha Phanxico theo tập tục nếp sống đức tin của Giáo Hội Công Giáo, nghi thức mở cửa Thánh có từ thời Đức Giáo Hoàng Alexander VI. 1499, sẽ lần lượt mở cánh cửa Năm Thánh ở đền thờ Thánh Phero, đền thờ Laterano, đền thờ Đức Bà cả và đền thờ Thánh Phaolo ở Roma từ ngày 08.12.2015. 

Cửa Năm Thánh ở bốn đền thờ lớn bên Roma là hình ảnh biểu tượng cho Cửa ban ân đức của Chúa. Vì thế trong Năm Thánh đi hành hương bước qua cửa thánh nơi bốn đền thờ này, lãnh nhận được ơn toàn xá, như Giáo Hội ấn định. 

Ngoài ra ở các Giáo phận Công Giáo trên thế giới do Đức Giám Mục quy định cũng có những thánh đường có Cửa Năm Thánh, để người tín hữu đến hàng hương bước qua Cửa Năm Thánh lãnh nhận ơn toàn xá trong Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa. 

Bước qua ngưỡng Cửa Thánh muốn nói lên ý nghĩa đạo đức, như chính Chúa Giêsu đã nói: “Thầy là cửa. Ai qua Thầy mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ” (Ga 10,9)

Lòng thương xót và cánh cửa rộng mở

Lòng thương xót là đặc tính Thiên Chúa (Xh 34,6). Dụ ngôn người cha nhân lành với người con hoang đàng trở về (Lc 15,11-32) nói lên đặc tính của Thiên Chúa. Người cha luôn mở rộng cánh cửa đón con mình trở về. Cánh cửa rộng sẵn sàng cho người con về vào nhà trở lại cùng chung sống trong mọi hoàn cảnh dù gặp khó khăn khốn cùng, gặp hoàn cảnh đổ vỡ thất bại.

“Giáo Hội được gọi là nhà Cha, luôn luôn mở rộng cửa. Một trong những dấu chỉ của việc mở rộng này chính là ngôi giáo đường của chúng ta nên luôn luôn mở rộng cửa, để mà nếu ai đó, được Chúa Thánh Thần tác động, đến đó tìm kiếm Thiên Chúa, người ấy sẽ không gặp thấy cửa đóng then cài. Có những cánh cửa khác cũng không nên đóng kín. Mỗi người có thể tham dự theo cách nào đó vào đời sống Giáo Hội; mỗi người có thể là phần tử của cộng đồng, các cửa của các Bí Tích cũng không được đóng kín vì bất cứ lý do nào. Bí Tích Rửa Tội tự nó thật sự đặc biệt là “cánh cửa”. Bí Tích Thánh Thể, dù là sự viên mãn của đời sống bí tích, không phải là một giải thưởng cho những người hoàn thiện, mà là thần dược và thần lương cho những người yếu nhược…” (Evangelii Gaudium Nr. 47).

Năm Thánh lòng thươmg xót Chúa 2016.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 


Năm Thánh Lòng Thương Xót