SỐNG LÒNG THƯƠNG XÓT

QUA VIỆC LẮNG NGHE VÀ THỰC HÀNH LỜI CHÚA

                                                                                        

Năm Thánh Lòng Thương Xót mời gọi chúng ta tái chiêm ngắm Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha qua con người Đức Giêsu Kitô: Lòng Thương Xót vượt lên trên mọi mức độ tội lỗi, ban tặng niềm bình an và hy vọng; không ai có thể đặt ra giới hạn cho tình yêu tha thứ vô điều kiện của Thiên Chúa. Trong Ngài, Lòng Thương Xót đã trở nên sống động, rõ ràng và tìm thấy đích điểm của nó. Hơn ai hết, “Chúa Giêsu Nazareth chính là Đấng mạc khải về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, nhờ vào những lời và  công việc của Ngài, nhờ vào toàn bộ cuộc sống hiện sinh của Ngài[1].

Trong chiều hướng đó, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi những ai muốn sống Lòng Thương Xót rằng: “Để có khả năng thương xót, vì thế, trước tiên chúng ta phải đặt để chính mình trong việc lắng nghe Lời Chúa. Điều này có nghĩa là tái khám phá những giá trị của sự im lặng ngõ hầu suy gẫm Lời Chúa đến với chúng ta. Bằng cách này, chúng ta sẽ có thể chiêm ngưỡng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa và chấp nhận điều đó như lối sống của chúng ta[2]. Bốn cụm từ chìa khóa mà ngài nêu lên là: lắng nghe Lời Chúa, suy niệm Lời Chúa, chiêm ngưỡng Lòng Thương Xót và làm cho Lòng Thương Xót trở nên lối sống riêng. Nói cách khác, Đức Thánh Cha đưa ra cách thức “Lectio Divina” cho những ai muốn đi vào khung trời của Lòng Thương Xót Chúa.

Chúng ta cùng nhau đào sâu những ý chính trên để hiểu và sống Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa cách tích cực và hiệu quả.

1.  Lắng nghe Lời Chúa

Với cái nhìn đức tin, chúng ta nhìn nhận quyền tối thượng của Lời Chúa trên bản thân: Lời Chúa có thể chất vấn, khơi gợi và soi dẫn chúng ta đạt đến chân lý vẹn toàn[3]. Bởi đó, để Lời Chúa trở thành bài học và răn dạy chúng ta (x. 1Cr 10,11), mỗi người cần có thái độ sẵn sàng như tiên tri Samuel: “Lạy Chúa, xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe” (1Sm 3,9). Đó cũng là mối phúc mà Chúa Giêsu đã nêu ra: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,28).

Như vậy, thái độ lắng nghe Lời Chúa không chỉ dừng lại ở sự hời hợt bên ngoài hay nhằm tìm hiểu ý nghĩa bản văn, mà trước tiên là tìm ra sứ điệp của Lời Chúa muốn gì nơi tôi trong chính cuộc sống và thời khắc này. Nói cách khác, lắng nghe Lời Chúa là lắng nghe “Một Ai Đó” đang nói, đang đụng chạm đến thực tại cuộc sống của tôi. Nó có khả năng làm bùng cháy tâm hồn như hai môn đệ trên đường Emmau (x. Lc 23,13-35). Quả thực, Lời Chúa có một hấp lực mạnh mẽ thúc đẩy chúng ta lắng nghe Lời Người (x. Mc 1,45), làm chúng ta kinh ngạc (x. Mc 6,21) bởi vì lời nói của Người có uy quyền (x. Mc 1,27). Cũng như các tông đồ xưa, Lời Chúa vẫn luôn mời gọi chúng ta “ở với Người và được đi rao giảng” (Mc 3,14) hầu quy tụ mọi dân vào trong Hội Thánh (x. Mc 16,15-20)[4].

Tuy nhiên, vẫn còn đó những rào cản khiến chúng ta khó lắng nghe Lời Chúa như: tội lỗi, tính tự mãn, thái độ khép kín, an phận và nhất là không tin vào sự hiện diện của Chúa nơi Lời của Ngài[5]. Như vậy, “cội rễ của tội lỗi chính là từ chối lắng nghe Lời Thiên Chúa và đón nhận nơi Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, ơn tha thứ đưa đến ơn cứu độ [6]. Bởi vì, theo Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “Lời Chúa là nguồn mạch đầu tiên của linh đạo Kitô giáo. Lời Chúa nuôi dưỡng mối tương quan cá nhân với Thiên Chúa hằng sống, với ý định cứu chuộc và thánh hóa của Ngài[7].

Là những Kitô hữu, chúng ta được mời gọi để Lời Chúa chinh phục con tim mình, làm tan chảy sự băng giá của hững hờ và luôn tin tưởng vào tình yêu bao dung của Chúa. Ý hướng này được Đức Thánh Cha Phanxicô nói lên trong bài giảng lễ tại nhà nguyện thánh Mattha ngày 14/11/2014: “Hãy bắt buộc trái tim, tâm hồn tin tưởng vào lòng quảng đại của Chúa, tin tưởng rằng quà tặng của Chúa không mất tiền… Đây là quà tặng cao quý nhất, tình yêu Thiên Chúa là quà tặng cao quí nhất”. Quả thực, Lời Chúa có khả năng tái tạo chúng ta nên một con người mới để thật sự sống công chính và thánh thiện. Nhờ đó, cuộc đời chứng nhân của chúng ta nên như ngọn đèn dẫn lối đưa đường, được dệt nên bởi những ân phúc và cảm nhận được Lòng Thương Xót Chúa vẫn luôn đồng hành.

2.  Suy niệm Lời Chúa

Suy niệm Lời Chúa giúp nhận ra điều Thiên Chúa muốn nói với chúng ta. Ở đây, chúng ta không còn dừng lại nơi bản văn để tìm hiểu, nhưng cần một sự lắng đọng tâm hồn và mở rộng tai lòng để lắng nghe Lời Chúa, như Vịnh Gia đã nói: “Tôi sẽ lắng nghe điều Thiên Chúa nói, lạy Chúa” (Tv 85,9); đó  cũng là điều Thiên Chúa yêu cầu ngôn sứ Ezekiel: “Tất cả những lời Ta truyền cho ngươi, hãy nghe cho tỏ và hãy ghi tạc vào lòng” (Ed 3,10). Bằng việc suy niệm Lời Chúa, chúng ta sẽ có một sự nhạy bén đối với sứ điệp của Lòng Thương Xót Chúa trong các biến cố cuộc sống: “Sứ điệp đó tập trung vào những gì cơ bản nhất, những gì đẹp nhất, lớn nhất, hấp dẫn nhất và đồng thời cũng cần thiết nhất”[8].

Như vậy, nhờ việc suy niệm và nhận ra sứ điệp của Lòng Thương Xót Chúa trong cuộc đời, chúng ta sẽ tránh được những hình thái bất cập và giả tạo. Cách khác, nhờ việc lắng nghe, suy niệm và cầu nguyện bằng Lời Chúa, Lời Chúa sẽ chạm vào cuộc sống, tẩy rửa những uế tạp nơi tâm hồn và kiến tạo chúng ta thành con người mới. Cùng ý tưởng này, nhưng nhìn dưới khía cạnh tiêu cực, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Nếu chúng ta không dừng lại để lắng nghe Lời Chúa nói với tấm lòng cởi mở chân thành, nếu chúng ta không để cho Lời Chúa chạm vào cuộc sống của mình, nếu chúng ta không dành thời gian để cầu nguyện bằng Lời Chúa, thì chúng ta là những tiên tri giả, những kẻ lừa đảo, hoặc giả mạo trống rỗng[9].

Suy niệm Lời Chúa là tìm kiếm khuôn mặt của Đức Kitô sau mỗi lời Kinh Thánh, đồng thời làm nổi bật thái độ và tình cảm mà Lời Chúa muốn chuyển đạt cho mình. Như thế, suy niệm Lời Chúa là tìm kiếm hương vị ngọt ngào của Lời Ngài, nhận ra giá trị và chân lý vĩnh cửu được ghi dấu nơi bản văn. Được vậy, chúng ta cần dành một thời gian nhất định cho việc này để nghiền ngẫm, “nhai đi nhai lại” Lời Chúa và tìm cách đem Lời Chúa thấm nhập tâm hồn mình bằng việc nỗ lực trở về với đời sống nội tâm hầu nhận ra điều Thiên Chúa muốn[10].

Ở đây, chúng ta cùng chiêm ngắm Đức Maria là mẫu gương tuyệt vời trong việc suy niệm Lời Chúa: “Đức Maria thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Nhờ suy niệm Lời Chúa, Mẹ đã nhận ra thánh ý của Ngài trong mọi biến cố, ngay cả trong những điều khó chấp nhận; Mẹ đã đặt để cuộc đời mình theo chương trình yêu thương của Chúa qua tiếng thưa “xin vâng” (Lc 1,38). Đức Thánh Cha Phanxicô đã quảng diễn: “Đức Maria biết làm thế nào để nhận ra bước chân của thần khí Thiên Chúa trong những biến cố lớn và ngay cả trong những biến cố dường như không thể chấp nhận được. Đó là chiêm niệm mầu nhiệm Thiên Chúa trong trần gian, trong lịch sử và trong đời sống hằng ngày của mỗi người[11].

Trong chiều hướng đó, chúng ta cũng có thể đào sâu chiều kích cá nhân của Lời Chúa bằng sách suy niệm Kinh Thánh hằng ngày. Bởi vì, khi suy niệm Lời Chúa, tâm hồn chúng ta sẽ được mở rộng để dung nạp và thấu hiểu thánh ý Ngài. Qua đó, chúng ta khám phá ra ý nghĩa sung mãn và đầy đủ của Lời Chúa dưới tác động của Chúa Thánh Thần (x. Ga 16,13). Theo Jean Cassien, chúng ta chỉ có thể hiểu được Lời Chúa khi Lời Chúa được ‘ứng nghiệm’ trong cuộc sống của chính mình (x. Lc 4,21): Vì được bản văn Lời Chúa dạy dỗ và biến đổi, chúng ta có thể cảm nhận và sờ đụng bản văn Lời Chúa như một cái gì cụ thể. Bây giờ bản văn được coi như một cái gì đó đang thắp lên ngọn lửa trong nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn. Nhờ vậy, chúng ta được thâm nhập vào bên trong ý nghĩa đích thực của Lời  Chúa[12].

3.  Chiêm ngắm Lòng Thương Xót Chúa

Chiêm ngắm Lòng Thương Xót Chúa không phải là một kỹ thuật hay một cái gì phụ trội được thêm vào từ bên ngoài, nhưng là một ân huệ của Chúa Thánh Thần nhằm giúp con người cảm nếm sự ngọt ngào của tình yêu Thiên Chúa. Việc chiêm ngắm Lòng Thương Xót Chúa là thời gian thụ động của sự kết hợp với Thiên Chúa do sáng kiến và sự mời gọi từ chính Ngài. Do đó, chiêm ngắm Lòng Thương Xót Chúa là hoa trái mà chúng ta cảm nghiệm được sau một thời gian dài cầu nguyện với Lời Chúa. Hoa trái này chính là sự hiện diện của Thiên Chúa[13]. Trong Ngài, chúng ta sẽ bắt gặp được ánh mắt yêu thương, kiến tạo đức tin vững mạnh, lòng mến chân thành cùng với niềm vui và bình an. Đức Thánh Cha Phanxicô cho chúng ta hiểu rõ hơn về ý tưởng này: “Chiêm ngắm mầu nhiệm Lòng Thương Xót Chúa luôn luôn là điều có giá trị. Mầu nhiệm này chính là cội nguồn của niềm vui, của sự thanh thản và bình an. Mầu nhiệm này cũng chính là điều kiện ơn cứu độ đối với chúng ta. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi tự mạc khải trong cụm từ Lòng Thương Xót. Lòng Thương Xót chính là hành vi cuối cùng mà với nó, Thiên Chúa gặp gỡ chúng ta[14].

Để việc chiêm ngắm Lòng Thương Xót Chúa đạt được hiệu quả, chúng ta cần phải có sự thinh lặng tuyệt đối: thinh lặng cả bên ngoài lẫn bên trong tâm hồn; một không gian ồn ào, một tâm hồn dao động bởi những yếu tố phàm tục thì không thể chìm sâu trong sự chiêm ngắm Lòng Thương Xót Chúa. Trong thinh lặng, Thiên Chúa dẫn chúng ta tới chiêm ngắm mầu nhiệm của Ngài: mầu nhiệm của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Nói theo cách của Giorgio Zevini: “Chiêm ngắm là nhìn ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa- Cha, mầu nhiệm Chúa Giêsu- Bạn, mầu nhiệm Chúa Thánh Thần- Tình Yêu trong thinh lặng và với con mắt cảm phục[15].

Hiệu quả của việc chiêm ngắm Lòng Thương Xót Chúa giúp chúng ta đạt được điều chính yếu và quan trọng. Với tâm hồn trong sáng và nhạy bén, chúng ta sẽ khám phá ra cuộc sống riêng tư của mình trong mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa. Đây cũng là điều Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh trong thánh lễ đồng tế với các linh mục Ba Lan tại phần mộ Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngày 31.10.2013: “Người ta không thể là Kitô hữu nếu không có tình yêu của Chúa Kitô, nếu không thể hiện tình yêu này trong cuộc sống, nếu không nhận ra và nuôi dưỡng tình yêu này. Một Kitô hữu phải là một người cảm thấy được sự chăm sóc của Chúa, với vẻ đẹp của một tình yêu thương đến cùng của Thiên Chúa. Kitô hữu phải cảm nhận được rằng cuộc sống của mình đã được cứu rỗi bằng máu của Chúa Kitô. Và điều này xây dựng tình yêu: tình yêu đáp trả tình yêu”.

Vì: “Lòng Thương Xót của Thiên Chúa không phải là một ý tưởng trừu tượng, nhưng là một thực tại cụ thể qua đó Ngài mạc khải tình yêu của Ngài như của một người cha hay một người mẹ, rung động đến tận những sâu thẳm của tình yêu dành cho con cái mình”[16]. Do đó, chiêm ngắm Lòng Thương Xót Chúa không đưa chúng ta xa rời thực tế cuộc sống; nó là chất liệu giúp chúng ta xây dựng cuộc sống ngày một an hòa, hạnh phúc trong tình yêu thương và quan phòng của Thiên Chúa.

4.  Thực hành Lòng Thương Xót Chúa

Thánh Giacôbê khuyên các tín hữu: “Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình… Ai thiết tha và trung thành tuân giữ luật trọn hảo, chứ không nghe qua rồi bỏ, thì sẽ tìm được hạnh phúc trong mọi việc mình làm” (Gc 1,22.25). Như vậy, những gì chúng ta có từ việc lắng nghe, suy niệm Lời và chiêm ngắm Lòng Thương Xót phải là phương cách giúp chúng ta thực hành Lời Chúa. Do đó, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa Lời Chúa và cuộc sống, hầu thánh hóa bản thân và giúp người khác nhận ra Lòng Thương Xót Chúa bằng chính cuộc sống đượm chất Tin Mừng. Bởi chưng, “Lòng Thương Xót Chúa không phải là một ý tưởng trừu tượng, nhưng là một thực tại cụ thể, nhờ đó, Ngài mạc khải tình yêu của Ngài như là tình yêu của một người cha và của một người mẹ mà con cái của họ nằm sâu trong trái tim của họ. Đó thực sự là một tình yêu mãnh liệt. Tình yêu ấy đến từ một nơi sâu kín nhất và thẳm sâu nhất, nhưng tất nhiên là được thúc đẩy bởi sự trìu mến và bởi cảm thông, bởi khoan nhân và bởi sự tha thứ[17].

Dĩ nhiên, việc thực hành Lòng Thương Xót phải được khởi đi từ đời sống cộng đoàn. Bởi vì, một cộng đoàn thiếu vắng sự bình an, yêu thương và hiệp nhất, thì những gì chúng ta dành cho người khác có nguy cơ tạo nên bức bình phong che đậy tâm hồn trống rỗng và tìm kiếm sự bù trừ. Là môn đệ Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi họa lại Lòng Thương Xót Chúa trong chính đời sống của mình, để mỗi người là “chất keo” gắn kết sự hiệp nhất, là dấu chỉ của sự bình an và tha thứ. Điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên các tín hữu: “Thiên Chúa muốn điều tốt lành cho chúng ta, và Ngài muốn nhìn thấy chúng ta hạnh phúc, tràn đầy niềm vui và thanh thản. Tình yêu nhân hậu của Kitô hữu phải nằm trên cùng một bước sống như thế. Người Cha yêu thương thế nào thì người con cũng phải yêu thương như thế ấy. Nếu như Thiên Chúa là Đấng xót thương thì chúng ta cũng được kêu gọi để xót thương nhau[18].

Đời sống cộng đoàn không thể xây dựng trên cảm tính hay những cái tạm bợ của thế gian, mà được đặt nền trên tình yêu của Thiên Chúa: “Tình yêu thương này được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Thánh Thể, được tinh luyện bằng Bí tích Hòa Giải, được nâng đỡ bằng lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất, là ân huệ Chúa Thánh Thần ban cho những ai biết lắng nghe và vâng theo Tin Mừng[19].

Kết

Cũng như Giáo Hội, tâm hồn mỗi người “phải là nơi của Lòng Thương Xót được ban cách nhưng không, ở đó mọi người cảm thấy mình được đón tiếp, yêu thương, tha thứ và khuyến khích để sống một đời sống tốt đẹp của Tin Mừng[20]. Điều này đòi hỏi mỗi người can đảm gột rửa những bợn nhơ tội lỗi, xóa tan những uế tạp của tính ích kỷ để được biến đổi thành một con người mới: con người của Lòng Thương Xót Chúa. Nói cách khác, để có được Lòng Thương Xót Chúa, mỗi người cần phải có hai chiều kích: tách biệt và lòng đầy khát khao; tách biệt khỏi những quyến rũ xác thịt, thế gian phàm tục; tách biệt khỏi tội lỗi; đồng thời có lòng khát khao Thiên Chúa qua việc chuyên chăm lắng nghe, suy niệm, chiêm ngắm và thực hành Lòng Thương Xót. Nhờ đó, chúng ta thoát khỏi sự ru ngủ của tính đam mê thấp hèn, không ngừng canh tân để nuôi dưỡng Lòng Thương Xót Chúa và luôn quy hướng trọn cuộc sống về Ngài.

 

 Montfort Nguyễn Xuân Pháp O.Cist

 



[1] Đức Thánh Cha Phanxicô, Misericordiae Vultus, ban hành ngày 11-04- 2015, Số 1.

[2] Misericordiae Vultus; số 13.

[3] x. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI - Tông huấn Verbum Domini; số 87.

[4] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông Huấn Evangelli Gaudium, ban hành ngày 24-11- 2013, số 135.

[5] x. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini, ban hành ngày 30/09/2010; số 56

[6] Verbum Domini, số 28.

[7] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Conserata, ban hành ngày 25/03/1996 , số 94.

[8] Tông huấn Evangelli Gaudium, số 35.

[9] Tông huấn Evangelli Gaudium, số 251.

[10] X. Giorgio Zevini, Lecio Divina, tr 101.

[11] Tông huấn Evangelli Gaudium, số 280

[12] X. Giorgio Zevini, Lecio Divina, tr 104.

[13] X. Giorgio Zevini, Lecio Divina, tr 110.

[14] Misericordiae Vultus, số 2.

[15] Giorgio Zevini, Lectio Divina, tr 111.

[16] Misericordiae Vultus; số 6.

[17] Misericordiae Vultus, số 6.

[18] Misericordiae Vultus; số 9.

[19] Tông Huấn Vita Coserata, số 42.

[20] Tông huấn Evangelli Gaudium, số 114.


Năm Thánh Lòng Thương Xót