Lòng thương xót Chúa (15): Thương cho kẻ đói ăn, thương cho kẻ khát uống

(dongten.net) 01/11/2015

 Những hình thức thương và giúp đỡ thể xác người khác thì muôn hình vạn trạng. Chúa Giê-su tóm tắt tất cả trong một câu khuôn vàng thước ngọc nằm trong Bài Giảng Trên Núi: “Mọi điều các con muốn người ta làm cho mình, thì các con cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12). Như vậy, nếu tôi đói và muốn người ta cho tôi ăn, thì tôi hãy cho kẻ khác đang đói được ăn.

Nhớ lại thời gian còn là tập sinh, cha Giáo gởi tôi đến làm thực tập trong một trung tâm bác ái Công Giáo nằm trong nhà ga xe lửa của thành phố Munich, Đức Quốc. Một trong những công việc bác ái, là mỗi ngày chúng tôi nhận nhiều tấm bánh mì của các lò bánh mì xung quanh tặng. Sau đó, chúng ta tôi quét chút bơ, rắc chút muối trên từng miếng bánh và phân phát cho những người nghèo, cùng những khách bộ hành thiếu thốn ở trong nhà Ga. Công việc chẳng có gì đặc biệt và mệt nhọc, nhưng mỗi lần thấy những anh chị em nghèo khó đón nhận bánh mì với một ly nước trà nóng trong mùa đông lạnh lẽo, lòng tôi vui mừng lắm. Niềm vui đó mang chiều sâu, khi đọc lời của Chúa Giê-su: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn, Ta khát, các ngươi đã cho uống” (Mt 25,35). Chúa hiện thân trong chính người đói khát kia, và Chúa đang mong chờ những tấm bánh, những ly nước được trao ban. Ý thức được điều này, mà rất nhiều người đã hy sinh và dấn thân, để nâng đỡ biết bao người nghèo khổ không có của ăn. Khi học chuyên môn ở Paris, mỗi tuần một lần được đi làm việc tông đồ trong nhà dòng của các thầy Dòng Bác Ái theo tinh thần của Mẹ Tê-rê-sa Can-cút-ta. Được cùng với các thầy và các anh chị em giáo dân hy sinh thời gian, lo nấu những bữa ăn trưa cho những người nghèo khổ, và sau đó dọn bữa ăn và phục vụ cho khoảng 40 người vô gia cư từ khắp mọi nơi của Paris kéo về để cùng ăn, lòng xúc động biết bao. Sự xúc động về sự hy sinh và về tình bác ái thương xót của các thầy và nhiều anh chị em giáo dân. Sự xúc động về lòng thương xót của Thiên Chúa được tỏ hiện thật sống động dành cho những người bị bỏ rơi, những người vì nhiều lý do khác nhau đã rơi vào trong hoàn cảnh vô gia cư và mất tất cả: gia đình, nghề nghiệp, của cải, an toàn, tương lai… Nhưng dù họ mất tất cả, lòng thương xót của Thiên Chúa họ không bao giờ bị mất cả. Một nhà thần học đã nói: “Mọi sự sẽ qua đi, nhưng tình yêu Thiên Chúa mãi mãi tồn tại”.

Các thầy và anh chị em phục vụ những người vô gia cư này làm tôi nhớ lại bài Phúc Âm kể việc Chúa làm phép lạ hoá bánh ra nhiều. Chúa đã lên tiếng với các môn đệ, khi các ông nói với Chúa hãy cho đám đông về các làng mạc để kiếm cái ăn, vì trời đã chiều: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn” (Mt 14,16). Lời mạnh mẽ của Chúa giúp cho chúng ta ý thức để sống tinh thần bác ái và thương xót những người nghèo khổ thiếu của ăn. Thật là một Xì-căng-đan, nếu các Ki-tô hữu lắc đầu từ chối giúp đỡ những người đói khổ. Dụ ngôn ông nhà giàu và anh La-da-rô nghèo khó trong Phúc Âm của Lu-ca là một lời cảnh báo đối với chúng ta. (x.Lc 16,19-31). Không có câu chuyện nào thê thảm hơn người phú hộ giàu có chỉ mong muốn được giải thoát khỏi sự khổ đau đời đời, sau khi đã sống một cuộc đời giàu sang với của cải vật chất, nhưng lại chẳng biết xót thương người đói khổ, chẳng màng tới một La-da-rô nghèo đói đang nằm ở trước cổng nhà ông ta: “La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta” (Lc 16,20-21). Đó là thái độ vô cảm của người phú hộ. Thái độ vô cảm và sự giàu sang đã làm cho đôi mắt của ông ta đui mù khi còn sống, để rồi dù thật hối hận ở đời sau, nhưng đã muộn rồi. Phải chăng ông ta đã tự chọn cho mình số phận như thế?

Bài học của người phú hộ keo kiệt và vô cảm là một bài học đắt giá đối với chúng ta, những người có niềm tin vào Chúa và sống trong lòng Giáo Hội. Mỗi năm ít nhất hai lần, Giáo Hội mời gọi chúng ta biết ý thức ăn chay, hãm mình và hy sinh phần nào bữa ăn và của cải, để hướng về những người đói khổ và chia sẻ với họ.[1] Đức Thánh Cha luôn luôn kêu gọi chúng ta trong các sứ điệp của Mùa Chay, cần biết ra khỏi mình và cái tôi ích kỷ của mình, để đến với người đói khổ và chia sẻ lương thực cho họ.

Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giê-su dạy chúng ta cầu xin với Chúa Cha: “Xin cho chúng con lương thực hằng ngày”. Điều đặc biệt trong lời cầu nguyện này nằm ở chỗ: lời kinh của số nhiều (chúng con), chứ không phải lời kinh của số ít (con). Điều này có ý nghĩa gì?[2] Theo Hamman, điều đó muốn dạy ta phải cầu nguyện chung với những người thiếu thốn lương thực hằng ngày, cũng như phải cầu nguyện cho những người ấy. Đừng quên rằng phân nửa thế giới ở trong tình trạng kém dinh dưỡng. Lời cầu xin này vừa là lời cầu cứu Thiên Chúa, vừa là tiếng gọi những ai đang nắm giữ độc quyền của cải trần gian, vì Thiên Chúa ban cho của cải ấy là ban cho hết mọi người. Đó là lời nhắc nhở những người có của, những nước giàu rằng, họ chỉ là người quản lý của Thiên Chúa, họ phải chịu trách nhiệm phân phối của cải sao cho công bình… Khi cầu xin lương thực như thế, người Ki-tô hữu càng đi sâu vào tấn bi kịch của thế giới, càng đi sâu vào giữa lòng nhân loại hôm nay. Không phải để đổ lỗi cho người Ki-tô hữu, mà để động viên họ luôn ý thức nhận ra khuôn mặt của Đức Ki-tô, Người là Đấng có đủ mọi sự giàu sang mà lại chấp nhận trở nên nghèo nàn, Ngài đang hiện diện nơi anh chị em đói khổ.[3] Chính tinh thần yêu thương, đoàn kết và chia sẻ với những người nghèo khổ là nền tảng để chúng ta có thể sống lời cầu nguyện này trong Kinh Lạy Cha một cách cụ thể hơn. Bằng cách chia sẻ lương thực vật chất thiết yếu cho người thiếu thốn. Trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo có viết : “Nhưng sự tồn tại của những người đang đói cơm bánh cho thấy một chiều sâu khác của lời cầu xin này. Thảm kịch đói khát trên thế giới mời gọi các Ki-tô hữu đang cầu nguyện trong chân lý, phải có trách nhiệm hữu hiệu đối với các anh em, trong cách hành động cá nhân của họ cũng như trong sự liên đới của họ với gia đình nhân loại. Lời cầu xin này trong Kinh Lạy Cha không được tách biệt với các dụ ngôn anh Lazarô nghèo khó (x.Lc 16,19-31) và cuộc phán xét chung (x.Mt 25,31-46)”.[4]

Một hình ảnh khác thật hay nơi các em thiếu nhi học Giáo Lý rước lễ lần đầu ở một Giáo Xứ bên Đức mà tôi có thời gian được giúp. Khi học bài Giáo Lý về Bí Tích Thánh Thể, ngoài những ý nghĩa thiêng liêng, các em còn được hướng dẫn về ý nghĩa xã hội mang tính cách bác ái của Bí Tích Thánh Thể, và các em đã khám phá ra rằng: Mỗi em chính là tấm bánh cần được bẻ ra và chia sẻ cho người khác, đặc biệt cho những người đói khổ.

Tâm tình của các em bé thiếu nhi làm tôi nhớ lại câu chuyện của một người mẹ Công Giáo ở quê hương, mà một người quen đã kể. Câu chuyện kể về người mẹ này trong thời gian đói nghèo của quê hương vào năm 1945. Lúc đó người mẹ đã nhìn thấy bao con người nghèo khổ và đói rách từ miền quê lên Hà Nội, họ lang bạt khắp nơi, chỉ sao tìm được hạt gạo, chén cơm để lót cái dạ rỗng tuếch của mình. Đặt mình trong vị trí của họ và qua đó một cách thẳm sâu người mẹ đã hiểu được họ cần gì. Vì thế, một nồi bắp đã được bắt lên bếp. Bắp chín, mẹ cặm cụi ngồi gói từng cái bắp và lên đường ra đi. Lên đường, đó là một hành động cao cả một người mẹ. Những cái bắp trên rổ xe đạp của mẹ càng lúc càng vơi đi, khi mỗi lần mẹ dừng lại bên hè phố mà một người nghèo đói đang ngồi trông mong.

“Trông mong”. Đó chính là một động từ đi liền với hoàn cảnh của những anh chị em thiếu may mắn. Mẹ đã hiểu được cái ý nghĩa sâu xa của động từ này qua đôi mắt của bao người đau khổ trên quê hương và mẹ đã đáp lời. Cũng như dụ ngôn người Samaritanô tốt lành trong Phúc Âm được Chúa Giê-su kể sau lời kêu gọi: “Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn ngươi và người thân cận như chính mình ngươi”. Mẹ đã hiểu được người thân cận, người bên cạnh của mình là ai và làm thế nào để chia sẻ tình yêu cho họ. Vì thế, tình yêu với Chúa và với anh chị em thúc đẩy mẹ tiếp tục lên đường. Nồi to lại được bắt lên bếp. Giờ đây không phải là những cái bắp mà là những nắm gạo. Trong đôi tay của Mẹ  những nắm gạo được vo tới vo lui, và cuối cùng một nồi cháo nóng “xuất hiện” trong nhà mẹ, và đang chờ mọi người đói khổ. Bao người tuôn đến. Để tránh mọi người xô đẩy và để cho có trật tự, mẹ đã để nồi cháo trong hàng rào và từng người có thể đến để nhận một chén cháo lót dạ. Của cho và cách cho đã đi đôi với nhau. Đó là tiếng nói của trái tim. Trái tim đã khơi dậy không chỉ một nghĩa cử bác ái là móc ra một vài đồng bạc cho người khác, nhưng trái tim còn nói mình phải làm sao để đồng tiền cho đi vẫn giữ được tình thân và làm thăng tiến con người.

Điều này mẹ đã diễn tả rất cụ thể qua hành động rất cao quý: Trong số những người nghèo đến lấy cháo mỗi ngày, mẹ để ý thấy một em trai khoảng 10 tuổi ngày nào cũng đến xin cháo, nhưng không ăn ngay, em cẩn thận bưng bát cháo về hướng đầu đường. Mẹ cho chị bếp đi theo thì thấy một cảnh tượng rất thương tâm: em bé đó đưa chén cháo về cho người mẹ mới sinh đứa con nhỏ còn yếu không đi được. Em ngồi đó nhìn mẹ húp từng miếng cháo, mẹ em hỏi ăn chưa thì em nói ăn rồi. Chị bếp về nói lại cho người mẹ. Mẹ nghe vậy và gọi em bé đến. Bây giờ em bé phải ăn chén cháo khác. Bao tử em cần phải được no đầy như chính tâm hồn của em tràn đầy tình yêu thương. Sau đó, người mẹ còn lấy cho em một cái bánh bích-quy. Thật tuyệt vời. Đã bao giờ bé thơ nghèo khổ kia được hưởng một tình người dịu ngọt được cụ thể hóa trong cái bánh  bích-quy ngọt ngào. Cảm tạ Thượng Đế nhân từ biết bao, cám ơn tâm hồn của mẹ dịu ngọt dường nào! “Nhưng mỗi ngày chỉ lo cho em như vậy chưa đủ. Làm sao để giúp em lo được cho chính mình? Làm sao để giúp cho tâm hồn non trẻ nhưng đầy trách nhiệm kia thăng tiến và lo được cho người mẹ mới sinh còn đang yếu?”

Đó chính là nỗi suy tư của mẹ. Cái bánh bích-quy đi liền với cái hộp của nó. Nhưng bây giờ bánh bích-quy cần phải biến dạng. “Người bạn” của hộp bánh giờ đây là những hạt đậu phộng rang. Mẹ đã rang đậu phộng và đã cho em bé đi bán mỗi ngày. Một sáng kiến của trái tim. Thật tuyệt vời! Sau mỗi ngày em bé đi bán trở về, mẹ đã cùng em tính toán sổ sách. Mẹ lấy lại vốn và cho em tiền lời. Em bé đã đưa tiền lời đó về và mua gạo nấu cháo cho mẹ của em và cho em bé mới sinh. Và cứ vậy, ngày ngày em lại đến với người “mẹ nhân từ“ để nhận “tiền vốn – đậu phộng rang” và lại lên đường.

Tiền – tiền vốn – tiền lời. Đó là một khía cạnh rất thương mại. Nhưng dưới con mắt và bàn tay của mẹ chúng đã trở thành một điểm sáng: Tiền đã biến thành tình yêu, tiền vốn đã biến thành dấn thân và tiền lời đã trở thành hoa quả của lòng thương xót. Mong sao lòng xót thương tiếp tục nở hoa qua biết bao nhiều tấm lòng nhân ái, để nhờ đó biết bao người đói khát được no đầy, những người rách rưới được có cái mặc và những ai đau yếu được chăm sóc.

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ

[1] X. KEENAN J.F., SJ., The Works of Mercy, the heart of catholicism, t.27-28.

[2] X. NGUYỄN Ngọc Thế SJ, Lời Kinh Cha Mẹ dạy, t.100-104.

[3] X. HAMMAN A. G., Abrégé de la prière chrétienne, Desclée, Paris 1987, t.60.

[4] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, Bản tiếng Việt của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội 2009, số 2831, t.784.

 


Năm Thánh Lòng Thương Xót