MÙNG BA TẾT TÂN MÃO

MÙNG BA  RA  MẮT

+++

 

I. CÔNG VIỆC BA NGÀY TẾT.

 

          Người Việt nam chúng ta rất qúi trọng ba ngày Tết.  Ba ngày này được coi như là linh thiêng. Mỗi ngày được phân chia cho một công việc.  Công việc ba ngày Tết là :

 

                                       Mùng một tết cha,

                                       Mùng hai tết mẹ,

                                       Mùng ba tết thầy.

 

          Tại sao lại chia ra như vậy ?   Vì muốn  cho ba ngày tết có đầy đủ ý nghĩa :

 

          Nhà cha là nhà bên nội, ngày mùng một linh thiêng nhất nên ai cũng về từ đường bên nội cúng gia tiên, viếng thăm, mừng tuổi và chúc tụng họ hàng.

 

          Cũng vậy, ngày mùng hai, lại kéo cả nhà về bên ngoại, cố thực hiện cho bằng được ý nghĩa đoàn tụ truyền thống trong mấy ngày Tết nhất.

 

          Ai cũng hiểu, cha mẹ là đấng sinh thành, dưỡng dục, còn việc dạy dỗ cho nên người hữu dụng chính là thầy dạy học của mình ; do đó, ngày mùng Ba thì học trò đồng môn rủ nhau đi viếng thầy (dạy chữ hoặc dạy nghề).  Họ mang theo lễ vật để tỏ chút lòng thành. Thầy trò làm thơ, nói chuyện văn chương hoặc trao đổi chuyện làm ăn, nghề nghiệp trong bầu khí vui tươi, bổ ích.

 

          Do mọi việc xã giao,  chúc tụng được tập trung cho kịp trong ba ngày Tết, nếu để “ra ngoài ngày” (tức từ mùng bốn trở đi) sẽ giảm mất ý nghĩa, nhất là về mặt tình cảm, tôn kính, qúi trọng, cho nên người ta cũng sắp xếp có người trực ở nhà vừa để không trống vắng lạnh lẽo, vừa cũng để tiếp khách.  Do đó có qui ước truyền thống “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”, nên bạn bè muốn đến vui chơi trong ba ngày Tết đều nhất thiết phải hẹn trước.

                             (Nguyễn hữu Thiệp, Dân ta ăn Tết, 1995, tr 135-136)

 

II. MÙNG BA RA MẮT.

 

          Do “Mùng Ba tết Thầy” nên ngày này cũng là ngày ra mắt Tổ sư , Tiên sư nghề nghiệp mình.

 

          Sáng sớm ngày ấy, ai làm nghề gì thì đem đồ nghề ra khởi động nghề ấy.  Khởi động lấy lệ, mang tính hình thức.  Đại khái, nhà nông thì mang lưỡi hái ra quơ cắt một ôm cỏ đem về cho trâu ăn (nhưng chưa làm động thổ).  Người buôn bán thì mở cửa hàng bán tượng trưng vài món lấy ngày. Thợ thầy cũng đem kéo, búa ra cắt đập ít cái để “gọi là”.  Nói chung, mọi công việc đều có tính cách tượng trưng, gọi là ra mắt Tổ nghề, mong Tổ sư và Tiên sư hộ độ suốt năm làm ăn phấn phát.  Tất nhiên, trong những ngày này, bàn thờ các ông Thần tài, Thổ địa và Tổ nghề đều rất tươm tất, hương đăng không tắt , hoa trái lúc nào cũng đầy ắp.

 

          Sau lễ ra mắt, người ta lại tiếp tục ăn Tết.  Nhà giầu ăn tết đến hết ngày mùng 7 hoặc hơn. Người lao động nghèo tranh thủ khai trương sớm (Sđd , tr 137-138).

 

 

III. THÁNH HÓA CÔNG VIỆC LÀM ĂN.

 

          Hội thánh Công giáo Việt nam luôn đồng hành cùng dân tộc cố gắng làm phát huy những gì tốt đẹp phù hợp với bản sắc văn hoá dân tộc. Nếu “Mùng Ba ra mắt”, các người thợ trình diện với Tổ sư ngành nghề của mình về công việc làm ăn trong năm, Hội thánh Việt nam cũng muốn dành ngày mùng ba Tết để thánh hoá công việc làm ăn. Chúng ta hãy trình lên Chúa công việc làm ăn trong năm, để xin Chúa chúc lành và ban ơn phù giúp để mọi công việc của chúng ta phù hợp với thánh ý Chúa.

 

          Đọc chương đầu của sách Sáng thế, ta thấy Đức Chúa Trời đã dựng nên loài người “giống hình ảnh Ngài(St 1,26). Các nhà chú giải Thánh kinh cho rằng loài người giống Thiên Chúa nhờ sự thông minh và tự do, giống Thiên Chúa ở điểm loài người có uy quyền bá chủ trên vạn vật:”Ta hãy dựng nên loài người giống hình ảnh Ta để họ làm chủ cá biển, chim trời, muôn thú vật trên đất và mọi côn trùng sống động trên địa cầu” (St 1,26).

 

          Như vậy, theo nghĩa chung, lao động tinh thần hay vật chất đều mang ý nghĩa trọng đại :”cộng tác vào việc sáng tạo” của Thiên Chúa.  Giữa ý niệm lao động và giáo thuyết về sáng tạo có một tương liên mật thiết.

 

  E. Krebs đã không ngần ngại tuyên bố :

Khái niệm căn bản về giá trị tuyệt đối của tất cả hoạt động nhân sinh đã được phú ban cho loài người nhờ lòng tin vào Thiên Chúa sáng tạo, Ngài là Đấng tự do và khôn ngoan, sau khi dựng nên loài người đã nghỉ ngơi ngày thứ bảy để giao phó cho họ tiếp tục thực hiện chương trình sáng tạo của Ngài có từ đời đời”(Die wertprobleme, tr 43 ; theo J. Haessle, Le Travail, Paris, 1933, tr 350).

 

          Mọi sự trên thế gian này là của Chúa, nhưng Ngài muốn cho con người quản trị, đổi mới và làm cho phong phú thêm. Chúng ta có thể nói Thiên Chúa là nguyên nhân đệ nhất, còn chúng ta là nguyên nhân đệ nhị của vũ trụ. Ngay sự quan phòng hằng ngày của Thiên Chúa trên vạn vật cũng là một cuộc sáng tạo không ngừng.  Chúng ta là nguyên nhân đệ nhị và chỉ có thể góp phần vào với nguyên nhân đệ nhất.  Chính vì thế Haessle viết :

 

          Nguời thợ là hình ảnh đặc biệt của Thiên Chúa... sản xuất và sản xuất trong niềm vui là con người đã đem năng lực của mình ra hành dộng để thực hiện một đời sống trọn vẹn hơn và làm cho mình nên giống Thiên Chúa dầu họ có ý thức hay không.  Đời sống “làm việc” tức là hành động và phản ảnh sức hoạt động tuyệt đối... Thiên Chúa là nguyên nhân đệ nhất tuyệt đối... người thợ là nguyên nhân kết thành xét như chính họ làm cho những sự vật trở thành chính nó và hoàn hảo hơn. Con người đã truyền sức lực, tư tưởng, nhân vị mình cho chúng.  Nguyên nhân tương đối là phản ảnh trung thực của nguyên nhân tuyệt đối”.

                   (J. Haessle, Le Travail, Paris, 1933, tr 63-64)

 

          Công đồng Vatican 2 cũng xác quyết sự làm việc là góp phần sáng tạo và hoàn thành ý định của Thiên Chúa trong lịch sử :

 

Thực vậy, trong khi mưu sinh cho mình và cho gia đình, tất cả những người nam cũng như nữ hoạt động để phục vụ xã hội một cách hữu hiệu đều có lý để tin rằng nhờ lao công của mình họ tiếp nối công trình của Tạo hóa, phụng sự anh em, đóng góp công lao của mình vào việc hoàn thành ý định của Thiên Chúa trong lịch sử”         (Gaudium et Spes, bản dịch của GHHV Piô X, Đà lạt).

 

          Nếu lao động là được cộng tác vào chương trình sáng tạo của Thiên Chúa, thì đây là vinh dự lớn lao của con người, vì “nhân linh ư vạn vật”.  Theo ý nghĩa đó, ta có thể kết luận mà không sợ sai lầm :”LAO ĐỘNG  LÀ VINH QUANG”.

 

          KẾT LUẬN

 

          Trong ngày mùng Ba Tết hôm nay, chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta được biết thánh hoá công việc làm ăn của chúng ta, đặc biệt trong thánh lễ này.

 

          Trước hết, như bài Tin mừng thánh lễ hôm nay, ta hãy cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta những nén bạc cơ bản làm vốn : sự sống, sức khỏe, trí khôn, thiên hướng, những kinh nghiệm của cộng đồng, tri thức của người đi trước, những nhu cầu phát triển của thời đại...

 

          Sau đó, xin Chúa ban ơn nâng  đỡ tinh thần và nghị lực để chu toàn mọi trách nhiệm liên quan đến công việc.

 

          Đồng thời cũng xin luôn ý thức công việc làm ăn của bản thân và của mọi người là thước đo về công bằng và phát triển của xã hội. Ai cũng có quyền được làm việc và quyền  được chuẩn bị chu đáo để có việc làm phù hợp với nguyện vọng và khả năng.

 

          Như vậy, khi nguyện ước công ăn việc làm của mình được Thiên Chúa thánh hoá, người Kitô hữu đang khao khát diễn tả, qua thực tiễn lao động của bản thân, hình ảnh một Thiên Chúa hoạt-động-không-ngừng và đã trao cho loài người quyền được làm giầu đẹp thêm cho cuộc sống.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt