LỄ GIÁNG SINH

GIÁNG SINH, LỄ CỦA TÌNH THƯƠNG

+++

A. DẪN NHẬP

 

          Chúng ta có thể gọi Giáng sinh là lễ của Tình thương. Sở dĩ chúng ta có thể nói được như vậy là vì chúng ta không thể hiểu được tại sao Thiên Chúa là Chúa Cả muôn loài  lại hạ mình xuống mặc lấy thân xác yếu hèn của con người, bởi vì Nhập thể là một trong ba mầu nhiệm lớn nhất trong Đạo.  Chúng ta có thể đưa ra nhiều lý do nhưng không có lý do nào thuyết phục hơn là Thiên Chúa yêu thương con người. Thánh Gioan Tông đồ đã nói lên lý do ấy :”Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”(Ga 3,16).

 

          Như vậy, vì yêu thương Thiên Chúa đã ban Đức Giêsu cho nhân loại như một quà tặng. Tặng quà là một nghĩa cử cao đẹp của người tặng cho người được trao tặng, nó nói lên tình yêu của người trao tặng đối với người được trao tặng. Đức Giêsu là quà tặng vô cùng quí giá nói lên tình Chúa thương yêu nhân loại đến mức nào ! Chúng ta hãy tỏ lòng tri ân đối với Thiên Chúa trong dịp Giáng sinh này, vì Ngài đã không tiếc gì đối với thế gian đến nỗi đã hy sinh Con Một của Ngài để cứu chuộc nhận loại.

 

          Đáp lại tình yêu bao la của Thiên Chúa, chúng ta cũng phải trở nên quà tặng cho tha nhân vì “đã lành nhận nhưng không thì cũng phải cho đi nhưng không”(Mt 10,8).  Cuộc sống sẽ luôn thi vị nếu còn mãi những nghĩa cử tặng quà.  Không ai nghèo nàn đến nỗi không có gì để trao ban, trái lại, ai cũng có gì để trao tặng trong đời sống vật chất cũng như tinh thần. Lễ Giáng sinh là dịp để chúng ta thể hiện tinh thần hy sinh và dâng hiến :”Mình vì mọi người”.

 

II. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

 

          + Bài đọc 1 : Is 9,1-6.

 

          Dân Do thái đã bị quân Assyri đến xâm chiếm và đặt ách thống trị bạo tàn trên họ. Với tư thế là một dân tộc bị trị, dân chúng chỉ còn biết rên siết dưới gông cùm của ngọai bang :”Dân tộc bước đi trong u tối”.

 

          Nhưng giữa đau khổ, hãi hùng và thất vọng của dân chúng, Isaia tiên báo một thời tươi sáng sẽ tới. Hãy tin tưởng  vì Chúa sẽ đến đập tan gông cùm của kẻ thù, sẽ giải thóat cho dân : Bởi vì một Hài nhi đã sinh ra cho chúng tôi và một người con sẽ được ban tặng cho chúng tôi”.

 

          Lời tiên báo đầy phấn khởi ấy đã được ứng nghiệm khi Israel được thóat khỏi ách thống trị của Assyria. Nhưng ơn cứu độ mà Isaia loan báo đó không phải chỉ hạn hẹp trong dân tộc Israel mà nó còn có một chiều kích rộng rãi hơn, nghĩa là ơn cứu thóat ấy chỉ được thực hiện một cách trọn vẹn với Đấng Messia.

 

 

          + Bài đọc 2 : Tt 2,11-14.

 

          Thánh Phaolô nói cho Titô và cho chúng ta biết : Đức Giêsu là ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ và ban cho ta trong ngày giáng sinh, và ân sủng ấy vẫn còn khi Đức Giêsu lại xuất hiện trong vinh quang ngày Ngài trở lại trần gian. Chúng ta hãy sống xứng đáng  với ân sủng bằng cách :”Từ bỏ gian tà và những dục vọng trần tục, để sống tiết độ, công minh và đạo đức”.

 

          + Bài Tin mừng : Lc 2,1-14.

 

          Sau bao ngàn năm trông đợi, giây phút quan trọng đã đến. Thánh Luca đã giới thiệu cho chúng ta : Đấng Cứu Thế đã đến  trong thân phận một bé thơ nơi hang đá Be lem. Bà Maria đã đến ngày mãn nguyệt khai hoa nên đã sinh ra con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ. Tuy Chúa Cứu Thế sinh ra trong cảnh cô đơn lạnh lẽo ấy, không ai biết tới nhưng trên không trung các thiên thần vẫn ca hát :

                                      Vinh danh Chúa Cả trên trời

                                  Bình an dưới thế cho người thiện tâm.

 

          Các thiên thần cho biết đây là Tin mừng cho cả nhân lọai, nhưng Tin mừng này trước tiên được loan báo cho những người chăn chiên nghèo khổ. Chính những người nghèo khổ này đã được hân hạnh  thay cho loài người đến triều bái Chúa Hài Nhi.

 

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

                                                Giáng sinh, Lễ của Tình thương

          Lễ Giáng sinh với cái tên phổ biến là Noel, ngày nay đã trở thành một ngày lễ của nhân loại, vì hầu như mọi người : tín hữu hay không, bằng cách này hay cách khác, đều có thể mừng lễ Noel, nhưng có một điều quan trọng rất cần được chú ý, đó là không phải bất cứ ai mừng lễ Noel đều đạt được mục đích chân chính của nó là gặp được Chúa Kitô, “Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho các ngươi”(Lc 2,11).

 

          Nhìn lại lịch sử đã hơn 2000 năm từ ngày Chúa giáng sinh có biết bao người  đã từng mừng lễ Noel, nhưng họ đã không một lần gặp được Chúa Hài Đồng, dường như họ coi lễ Noel là dịp để được nghỉ ngơi, vui chơi, mua sắm… còn mầu nhiệm Giáng sinh  không liên quan gì đến họ cả. Hôm nay chúng ta hãy dừng lại để chiêm ngắm Chúa Hài Đồng và tìm ra ý nghĩa của ngày lễ : Giáng sinh là lễ của Tình thương, Chúa giáng trần không có lý do nào khác ngoài việc Chúa thương yêu nhân loại.

 

I. NGÔI HAI GIÁNG TRẦN VÌ YÊU THƯƠNG

 

          1. Tội nguyên tổ và lời hứa

 

          Nhìn ngược dòng lịch sử của con người, Thiên Chúa đã dựng nên những con người đầu tiên là Adong và Evà. Thiên Chúa đã ban cho ông bà được làm con Thiên Chúa, sống trong vườn địa đàng, được hưởng một hạnh phúc tràn đầy cả hồn lẫn xác. Tuy con người được Chúa thương như thế, nhưng cũng phải chịu thử thách để biết lòng trung thành.

 

           Thiên Chúa cho ông bà được thoải mái hưởng dùng tất cả những gì Ngài đã dựng nên, chỉ trừ quả cây biết lành biết dữ, nếu ăn vào sẽ phải chết.  Nhưng ông bà đã nghe theo lười khuyên nhủ đường mật của con rắn là ma quỉ đã cố tình ăn quả cấm đó.  Ôâng bà đã bị phạt : mất quyền làm con Chúa, mất mọi đặc ân và sau cùng phải chết.

 

          Sau khi ông bà nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa đã  tuyên án ông bà phải chết trong tội, nhưng đồng thời Thiên Chúa hứa sẽ ban Đấng Cứu Thế đến để cứu họ, khi lên án Satan :”Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15).

 

          Trước Thiên Chúa Giáng sinh 700 năm, tiên tri Isaia đã loan báo Tin mừng :”Nghe đây hỡi nhà Đavít : các người làm phiền thiên hạ chưa đủ sao, mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa ? Vì vậy,  chính Chúa thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu lạ, này đây, người trinh nữ sẽ mang thai, sinh hạ con trai và đặt tên là Emmanuel”(Is 7,13-14).

 

          Lời hứa của Thiên Chúa được lặp đi lặp lại và sau mỗi lần lặp lại lời hứa, hình ảnh Đấng Cứu Thế lại rõ nét hơn.

 

          Trong lời hứa với vua Đavít, khi vua muốn xây đền thờ cho Chúa, Chúa cho biết Đấng Cứu Thế thuộc dòng họ Đavít :”Khi ngày đời ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi lên kế vị ngươi, một người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. Đối với nó, Ta sẽ là Cha, đối với Ta nó sẽ là con”(2Sm 7,12-14).

 

          Và trong lời hứa với vua Akhaz, Chúa đã cho biết Đấng Cứu Thế, con vua Đavít được gọi là Emmanuel, nghĩa là :”Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Thật vậy,  vào năm 735 trước công nguyên, khi thấy đất nước Giuđa bị lân bang đe dọa, vua Akhaz đã  cầu viện đế quốc Assyri chứ không tin vào sự hỗ trợ của Thiên Chúa. Trong hoàn cảnh này, Thiên Chúa vẫn tỏ ra là Đấng trung tín, luôn giữ lời hứa, khi cho vua Akhaz một dấu chỉ :”Này đây người trinh nữ sẽ mang thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

 

          2. Thiên Chúa thực hiện lời hứa.

 

          Sau 4000 năm dân Do thái sống trong đau khổ, trong khóc lóc than van, kêu xin Đấng Cứu Thế đến giải thoát dân Ngài :”Trời cao hãy đổ sương xuống và ngàn mây  hãy mưa đấng cứu đời”. Dân chúng vẫn sống trong hy vọng và chờ đợi Thiên Chúa thực hiện lời hứa.

 

          Dấu chỉ Thiên Chúa ban cho vua Akhaz vào thế kỷ thứ 8 trước công nguyên được thực hiện khi thời gian tới hồi viên mãn. Hy vọng mấy ngàn năm của người Do thái đã trở thành hiện thực qua sắc lệnh của hoàng đế Cêsarê Augustô : theo sắc lệnh  ấy, toàn dân phải về quê mình khai hộ khẩu. Ôâng Giuse và bà Maria đang mang thai  vội vàng về Be lem thi hành sắc lệnh.  Vì về muộn lại không có tiền, nên hai ông bà phải qua đêm ngoài thành trong một hang chứa súc vật, và tại nơi đây “Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ”(Lc 2,7).

 

          Như vậy, Hài nhi bé bỏng do Đức trinh nữ Maria sinh hạ, được cuốn tã, đặt nằêm trong máng cỏ, được gọi là Emmanuel (Mt 1,23), là Con Thiên Chúa (Gl 1,4) mà hôm nay chúng ta tôn thờ, chính là Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng đã có từ đời đời, luôn ở với Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa, nhờ Người mà muôn vật được tạo thành và ở giữa chúng ta, để làm cho ta nên con Thiên Chúa.

 

          Như thế, Đức Giêsu không phải là tiên tri nhân danh Thiên Chúa mà đến với chúng ta, nhưng chính là Thiên Chúa đích thân  nói và cứu độ chúng ta. Nhìn vào cuộc đời Đức Giêsu, chúng  nhận thấy Thiên Chúa ở rất gần con người để gặp gỡ, thiết lập quan hệ ngay tại nơi con người đang sinh sống. Thiên Chúa tạo quan hệ để con người có thể trao đổi với Người. Thiên Chúa tự liên đới với con người, tự ràng buộc vào số phận con người, nhờ đó Thiên Chúa cứu được con người.

 

          3. Lý do việc Thiên Chúa giang trần : Tình thương.

 

          Chúng ta thắc mắc đặt câu hỏi : Tại sao Thiên Chúa lại giáng trần trong hoàn cảnh bi đát như vậy ? Chắc chúng ta cũng kiếm ra được một số lý do, nhưng lý do có sức thuết phục nhất là vì Chúa yêu thương nhân loại.

 

          Công đồng Vatican II, trong Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng”  đã cho chúng ta biết :”Thiên Chúa nhập thể và nhập thế là vì Ngài muốn sống cuộc sống nhân loại, để hành động với bàn tay nhân loại, để suy tư với một trí óc nhân loại, để yêu thương với một trái tim nhân loại”(Gaudium et Spes, số 22). Như vậy, Chúa nhập thể và nhập thế chỉ vì Chúa yêu thương con người

 

          Nói đến tình yêu là nói đến gặp gỡ và chia sẻ. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã xuống thế để gặp gỡ con người hầu cho đất trời gặp nhau, để Thiên Chúa làm người và con người trở nên Thiên Chúa !  Ngài đến để cùng chia sẻ  kiếp sống với con người để Ngài cùng vui cùng buồn, cùng sướng cùng khổ với chúng ta để đem lại cho cuộc sống chúng ta một ý nghĩa.

 

          Chúng ta hãy nghe thánh Augustinô nói về mầu nhiệm tình yêu này :”Vì các bạn mà Thiên Chúa đã làm người. Các bạn sẽ phải chết muôn đời, nếu Ngài đã không sinh ra trong thời gian. Các bạn sẽ chẳng bao giờ được giải thoát khỏi xác thịt tội lỗi, nếu Ngài không chấp nhận mang xác thịt tội lỗi của các bạn. Các bạn sẽ chẳng tìm được sự sống, nếu Ngài đã chẳng chết như các bạn. Các bạn sẽ phải tiêu vong, nếu như Ngài không đến”.

 

          Nói tóm lại, Thiên Chúa yêu thương con người nên đã làm người. Đấng làm người ấy mang tên là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài đã đến để gặp gỡ, để chung sống, để đồng hành, để chia sẻ cuộc đời với chúng ta. Ngài là Thiên Chúa, nhưng đã trở thành anh em với nhân loại, không những để cùng suy tư, hành động với con người, nhưng còn để hướng dẫn những suy tư và hành động của con người tới sự hoàn thiện của Thiên Chúa.

 

II. ĐỨC GIÊSU, QUÀ TẶNG CHO NHÂN LOẠI

 

          Lễ Giáng sinh là ngày mừng biến cố Con Thiên Chúa nhập thể làm người. Nhưng Giáng sinh cũng là ngày lễ của quà tặng.  Đây là dịp cuối năm người ta thường tặng cho nhau những cánh thiệp, những món quà. Kèm theo những món quà người ta còn gửi đến cho nhau những thông điệp chúc mừng. Quà tặng chuyên chở tấm lòng yêu thương của người tặng.  Có những món quà đơn sơ nhỏ bé. Có những món quà mà người ta phải tốn một số tiền lớn để mua nó.  Một quà tặng được chuyển đi là dấu hiệu người ta còn nhớ đến nhau. Bạn bè tặng quà cho nhau, những người yêu tặng quà cho nhau, cha mẹ tặng quà cho con cái, món quà sẽ vô nghĩa  nếu không có người tặng.

 

          Trong lễ Giáng sinh hôm nay, chúng ta nói đến một món quà tặng khác giá trị hơn.  Quà tặng của Thiên Chúa trao ban cho con người. Thật vậy, Đức Giêsu là quà tặng của Thiên Chúa gửi đến cho nhân loại :”Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”(Ga 3,16).  Ngài đem đến cho chúng ta một thông điệp vàng  từ Thiên Chúa, là Thiên Chúa mãi trung thành yêu thương con người, cho dù con người có từ khước Ngài.

 

          Đức Giêsu là quà tặng của Thiên Chúa đến cho mọi người  để Ngài trở nên Emmanuel, để Ngài luôn hiện diện mà chia sẻ thân phận con người với chúng ta.  Từ ngữ Present tiếng Anh có nghĩa là “quà tặng”, lại có nghĩa là “sự hiện diện”. Mỗi người bằng sự có mặt của mình ở nơi cần đến, đã là món quà giản dị dành tặng cho nhau.

 

          Nhân vật trung tâm của lễ Giáng sinh hôm nay là một trẻ thơ vừa mớùi sinh. Một trẻ thơ như bao trẻ thơ khác trên trần thế. Một trẻ thơ bình thường sinh trong một gia đình êm ấm hạnh phúc, có cha mẹ, bà con gia tộc và quê hương đất nước.  Phần lớn trong số họ chỉ là nghững người nghèo nhất trong xã hội. Thế mà họ được đón nhận một Tin mừng lớn lao của toàn thể nhân loại.  Họ vinh dự đón nhận quà tặng của Thiên Chúa :”Hôm nay Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho anh em, trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô là Đức Chúa”(Lc 2,11).

 

          Nhân loại hãy nhìn vào Tình yêu trong mầu nhiệm Nhập thể để học lấy cho mình bài học quí giá : Thiên Chúa đã phó mình cho trần gian. Vì nơi Thiên Chúa, yêu là tự hiến, là hủy mình. Có hiểu hết sự tự hiến và hủy mình vì yêu thương trong mầu nhiệm Nhập thể, chúng ta mới có thể hiểu được làm sao một vì Thiên Chúa cao sang là thế, uy quyền là thế, mạnh mẽ và lớn lao khôn cùng, lại có thể hóa nên một con người bé nhỏ, yếu ớt, mong manh như vậy.  Có hiểu được một tình yêu tự hiến đến mức hủy mình, ta mới hiểu được làm sao  Thiên Chúa lại trở nên trần trụi và nghèo nàn đến thế.  Và Hài nhi Giêsu này sẽ tiếp tục hy sinh trên thập giá để cứu rỗi nhân loại.

 

Truyện : Xin vì đứa trẻ vô tội nay.

 

          Lịch sử truyền giáo viễn đông có kể rằng : Khi đề đốc Magellan dẫn một đạo thuyền đi về viễn đông thì gặp nạn. Một trận cuồng phong đánh chìm  tất cả đạo thuyền, chỉ còn lại con thuyền của đềâ đốc đang bồng bềnh chống chọi với ba đào sóng gió. Trên thuyền mọi người thủy thủ và hành khách đã họp lại tất cả trên cầu tầu để chờ chết.

 

          Đứng giữa đoàn người thất vọng, đề đốc Magellan  như có một ơn soi sáng, ông nhìn thấy bên cạnh có một bà mẹ ẵm một đứa con  thơ ấp ủ trên lòng.  Đề đốc xin bà mẹ cho mình đứa con. Rồi ông cầm đứa bé trong tay giơ lên, mắt ngước về trời và nói :”Lạy Chúa, con và đoàn người đây đều là kẻ tội lỗi đang chết chìm trong vực thẳm này. Nhưng xin Chúa vì đứa trẻ vô tội này mà tha thứ cho chúng con”.  Lịch sử kể lại rằng, khi cầu nguyện xong câu đó thì gió yên và biển lặng.

 

III. CHÚNG TA LÀ QUÀ TẶNG CHO THA NHÂN

 

          Mầu nhiệm nhập thể chỉ có thể hiểu được qua Tình yêu. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã làm người. Ngài thấu hiểu nỗi khao khát một Đấng Cúu thế của dân tộc Israel. Bao nhiêu năm trời mong đợi, hôm nay Đấng Cứu thế đã giáng sinh.  Đức Giêsu là quà tặng vô giá của tình yêu Thiên Chúa gửi đến cho con người.  Quà tặng mang tên Giêsu trải qua hơn 2000 năm đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đức Giêsu đang đến với con người hằng ngày từng giây từng phút của đời sống vượt qua không gian và thời gian.

 

          Đón nhận quà tặng vô giá là chính Chúa Giêsu, chúng ta mới hiểu được ý nghĩa đích thực của quà tặng. Theo gương Chúa Giêsu chúng ta cũng phải là quà tặng cho anh em mình.

 

          Trong dịp lễ Giáng sinh chúng ta thường mua những món quà đắt tiền để tặng nhau, tuy nhiên giá trị của quà tặng lại tùy thuộc vào tấm lòng của người tặng quà.  Người ta thường nói :”Vật khinh nhưng hình trọng” hoặc “Của một đồng công một nén”(Tục ngữ).  Chân phước Têrêsa Calcutta nói :”Khi ta trao tặng một món quà, mà nếu là một mất mát hy sinh lớn đối với ta, thì đó mới thật là món quà”.

 

          Trong kho tàng văn chương Việt nam, người ta đã nói lên ý tưởng trao ban trong Ca dao :

 

                                      Yêu nhau cởi áo cho nhau

                                      Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay.

 

          Tình yêu không phải là một cuộc trao đổi có tính toán sòng phẳng, sao cho đôi bên cùng có lợi, mà là một sự chia sẻ vô vị lợi; hay nói đúng hơn, là một sự trao tặng, dâng hiến.

 

          Ôâng Lézard nói :”Yêu… Bạn có biết từ ấy có nghĩa gì không ? Có bao nhiêu cách yêu, nhưng duy chỉ có một là tốt. Đó là trao ban, và trao mãi, mà không lấy lại gì, không chờ đợi gì, không xin xỏ gì.  Đó là cách phải yêu”.

          Ôâng Roger Godel cũng nói :”Tình yêu đích thực sở dĩ nhận được là nhờ nơi dấu hiệu không bao giờ sai lầm này : nó dâng tặng mà không hề mong nhận được cái gì cả”.

          Cuộc sống sẽ luôn thi vị nếu còn mãi những nghĩa cử tặng quà. Cũng như cuộc sống không thể vắng bóng tinh thần trao ban. Đó có thể là chúng ta biết dành thời giờ để thăm hỏi, gặp gỡ bà con thân thuộc, người cùng khu xóm và bạn bè.  Khi chúng ta biết rộng lòng giúp đỡ vật chất cho những người nghèo, những nạn nhân của thiên tai lũ lụt. Khi chúng ta biết tặng cho những người mình yêu như cha mẹ, anh em, bạn bè, người yêu những món quà bất ngờ thắm thiết tình người.

 

Truyện : Món quà giáng sinh

 

          Một đôi vợ chồng trẻ, Gim và Đêla, tuy nghèo tiền của nhưng giầu tình thương đối với nhau.

          Giáng sinh sắp tới, Đêla tự hỏi phải tặng Gim món quà gì đây. Nàng muốn tặng chàng  sợi dây cho chiếc đồng hồ của chàng, nhưng nàng không có đủ tiền để mua. Vì thế nàng nảy sinh một sáng kiến. Nàng có một bộ tóc dài rất đẹp, nàng rất quí nó và rất hãnh diện về nó. Nàng quyết định cắt ngắn bộ tóc và đem bán để mua cho Gim sợi dây đồng hồ.

          Hôm áp lễ Giáng sinh, từ phố về nàng cầm trong tay một chiếc hộp rất đẹp  đựng sợi dây đồng hồ mạ vàng mà nàng vừa sắm được bằng mái tóc của mình.  Bỗng nhiên Đêla cảm thấy lo lắng. Nàng biết Gim rất quí bộ tóc dài của nàng. Nàng tự hỏi không biết Gim có buồn vì nàng cắt  và bán nó đi không ?

          Về tới nhà, Đêla mở cửa và thấy Gim đang đợi nàng. Tay chàng cầm một cái hộp thật đẹp  đựng món quà chàng mới mua cho nàng.  Khi nhìn thấy mái tóc ngắn của vợ, Gim như muốn khóc, nhưng chàng không nói gì cả. Cố trấn tĩnh, chàng trao tặng nàng chiếc hộp xinh xắn. Mở hộp ra, Đêla rất đỗi bàng hoàng. Trong hộp là một bộ lược chải tóc bằng xà cừ rất đẹp. Còn chàng, khi mở món quà vừa nhận được từ tay vợ, Gim cũng ngỡ ngàng không kém.

          Chính lúc đó, Đêla mới nhận ra rằng Gim đã bán chiếc đồng hồ vàng, món đồ quí nhất của anh,  để mua lược chải tóc cho nàng.  Phút chốc cả hai đều hiểu rằng họ đã tặng nhau những gì quí giá nhất, họ đã hy sinh tất cả cho nhau (Wahrreit, Món quà Giáng sinh, tr 9-10).

 

          Chúng ta có thể nói : Giáng sinh là lễ của tình thương. Thánh Anphonsô cũng nói :”Lễ Giáng sinh là lễ của Tình thương”. Và thánh nhân cả tuần  ngồi ăn cơm dưới đất. Còn thánh Phanxicô Khó khăn thì trong một lễ Giáng sinh đã quì trước hang đá cầu nguyện. Ngài cảm thấy tâm hồn tràn ngập tình yêu mến. Không chịu được, ngài chạy ra các đường phố Assisi và kêu lên :”Anh chị em hãy yêu mến Chúa Hài Đồng, hãy yêu mến Chúa Hài Đồng”.

 

Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng ! Đêm nay Chúa sinh ra làm người là một tin mừng trọng đại cho toàn nhân loại. Đứng trước  Mầu nhiệm Nhập thể chúng con chỉ biết cảm tạ ngợi khen và chúc tụng Chúa.  Vì tình Chúa yêu thương nhân loại là vô bờ bến thì làm sao chúng con có thể  diễn tả bằng lời. Xin Chúa dạy chúng con biết trao ban cuộc sống cho tha nhân theo gương Chúa, để suốt cuộc đời chúng con biết sống mình vì mọi người và vì ích chung, ngõ hầu xứng đáng  là những người được Chúa cứu chuộc.. Amen.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Về trang Mục Lục