PHẬN AI NGƯỜI ẤY LO

********

 

I. NIỀM KHÁT VỌNG HẠNH PHÚC.

 

          1. Ai cũng muốn hạnh phúc.

 

          Từ xưa đến nay, con  người luôn đi tìm hạnh phúc. Pascal tiên sinh nói :Ngay người tự tử cũng đi tìm hạnh phúc”.  Nhưng đã có ai hài lòng về hạnh phúc của mình chưa ? Có thể có,  nhưng đấy chỉ là hạnh phúc tương đối. Họ vẫn còn khắc khoải muốn tìm hạnh phúc cao hơn, làm thỏa mãn niềm khát vọng của họ.  Đó là hạnh phúc tuyệt đối.

 

          Vậy, ta phải trả lời cho câu hỏi đầu tiên trong cuốn sách Giáo lý (Tân định) :Người ta sống ở đời này để làm gì “? Thưa, người ta sống ở đời  để nhận biết thờ phượng kính mến Chúa trên hết mọi sự và yêu thương anh em như mình và xây dựng một xã hội tốt đẹp để sau sẽ được hưởng hạnh phúc đời đời.  Sách Giáo lý trả lời cho chúng ta là phải yêu Chúa và tha nhân để “sau này được hạnh phúc đời đời”.  Vậy, hạnh phúc tuyệt đối chỉ có thể tìm thấy ở đời sau. Hay nói cách khác, hạnh phúc tuyệt đối chỉ có thể tìm thấy trên thiên đàng.

 

          2. Lời Chúa bảo đảm.

 

          Lời Chúa tồn tại đến muôn đời, không thể thay đổi được.  Những gì Chúa hứa thì Người sẽ thực hiện vì “Lòng trung tín của Chúa tồn tại đến muôn đời”. Chúa đã hứa ban hạnh phúc cho ta thì Chúa sẽ ban và hạnh phúc ấy chỉ có trên thiên đàng khi chúng ta được hưởng kiến nhan thánh Chúa.

 

          Chúa Giêsu đã phán :”Ý của Đấng đã sai Ta là tất cả những kẻ Người đã ban cho Ta, Ta sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại ngày sau hết. Thật vậy, ý của Cha Ta là tất cả những ai thấy Người Con và tin vào Người Con ấy thì sẽ được sống muôn đời, và Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết”(Ga 6,39-40).

 

          Chúa hứa với ta nếu ta tin vào Ngài thì Ngài  muốn ở đâu thì ta cũng ở đó. Chúa đã về trời, ta cũng sẽ được về đó và được hưởng cuộc sống muôn đời.

 

II. PHẢI LÀM THẾ NÀO ?

 

          1. Phải cộng tác với Chúa

 

          Chúa phán :Không phải cứ kêu Lạy Chúa, Lạy Chúa mà được vào Nước Trời mà chỉ những ai làm theo ý Cha Ta ở trên trời mới được vào” (Mt 7,21).

 

          Đời là một cuộc lữ hành về trời. Cuộc lữ hành dài hay ngắn là do Chúa quyết định. Đã là cuộc lữ hành thì có nhiều gian khổ : mưa nắng, nóng lạnh, chông gai, nguy hiểm, trộm cướp, khủng bố... Chỉ có những ai vững tâm đi hết cuộc hành trình này thì mới vào Quê trời được.

 

          Trong cuộc lữ hành, Chúa luôn đi bên ta, giúp đỡ, bênh vực, yên ủi, khích lệ ta ; nhưng Ngài không bồng bế ta mãi trên tay hay để ta ngủ say trong chiếc xe đầy tiện nghi. Ngài bắt ta phải cố gắng.  Nếu ta ngồi lỳ trên đường, ta sẽ không tới đích vì không khi nào Chúa nắm tóc ta mà kéo lên trời.  Chúng ta phải cộng tác với Chúa, nghĩa là phải chịu khó.

 

                                      Truyện : phận ai nấy lo.

          Có một ông phú hộ rất khô đạo, thường hay nói với người vợ sáng Chúa nhật khi bà với các con sửa soạn đi lễ :

          - Em hãy đến nhà thờ dự lễ và cầu nguyện cho anh với nhé !

          Mỗi lần gặp gỡ bạn bè nói chuyện về đạo, ông thường khoe với họ là ông không cần đến nhà thờ, cũng không cần phải đọc kinh, dự lễ, vì đã có vợ ông dự lễ, đọc kinh và cầu nguyện cho cả hai rồi.

          Ngày tháng trôi qua, một hôm ông nằm mơ thấy ông và vợ đứng xếp hàng trước cửa thiên đàng đợi đến lượt mình bước vào. Cửa trời mở ra và mọi người tuần tự vui vẻ tiến vào. Khi đến lượt ông thì thiên thần giữ cửa làm hiệu cho ông dừng lại.  Thiên thần quay sang mỉm cười nói với vợ ông :

          - Chị hãy vào thiên đàng thay cho cả chồng chị nữa.

          Thế là chỉ có vợ ông tiến vào, còn ông thì phải vơ đứng ngoài. Vừa tủi thân vừa tức giận đã làm cho ông thức giấc. Ông không dám thuật lại giấc mơ cho vợ, nhưng điều làm cho bà vợ ngạc nhiên hơn cả là sáng Chúa nhật hôm đó, thay vì nói với bà như thường lệ, người phú hộ đến gần vợ và nói bên tai bà :

          - Từ hôm nay, anh sẽ cùng em đến nhà thờ dự lễ và cầu nguyện cho chính anh nữa.

                             (Thiên Phúc, Tình yêu mạnh hơn sự chết, tr 92)

 

          Không ai lên thiên đàng được nếu chính mình không cố gắng cộng tác với Chúa. Thánh Augustinô nói :Khi tạo dựng nên ta, Thiên Chúa không cần hỏi ý kiến của ta, nhưng Người không thể cứu rỗi ta nếu ta không cộng tác với Người”.

 

          Chúa ban cho chúng ta cuộc sống dài ngắn tùy Ngài, nhưng có một điều ai cũng như ai, đó là chúng ta phải làm trọn trách nhiệm Chúa đã trao phó cho.  Không ai có thể thay thế cho mình được. Việc lành việc dữ đều có thưởng phạt.  Không ai được ỷ lại vào việc lành phúc đức của người khác để trốn tránh trách nhiệm của mình.

 

          Mỗi giây phút hiện tại sẽ lần lượt qua đi mà không bao giờ trở lại.  Mỗi người chúng ta đang đứng trước tương lai của mình, đang đối diện với vận mệnh mà Thiên Chúa đã trao tặng.  Chúng ta phảisáng suốt lựa chọn sự sống hay sự chết, hạnh phúc bất diệt hay thú vui tạm bợ.

 

          Tất cả tùy thuộc vào sự lựa chọn của ta. Không ai có thể sống thay cho ta hoặc chết thay cho ta.  Mỗi người chỉ sống có một lần và chết một lần. Ta phải chủ động chứ không thể cử ai thay thế ta được.

 

          2. Phải có công phúc.

 

          Mỗi người sẽ phải trả lẽ với Chúa về cuộc sống của mình. Không có gì có thể qua mắt Chúa được . Mọi công việc được xét xử theo nguyên tắc :Hữu công tắc thưởng, hữu tội tắc trừng” : có công thì được thưởng, có tội thì phải phạt.

          Không những đối với những người Kitô hữu, mà ngay cả đến người đời, tuy không có đức tin như chúng ta, cũng có một quan niệm chung là :Thiện ác đáo đầu chung hữu báo” : việc tốt việc xấu sau cùng đều có quả báo, nghĩa là việc tốt việc xấu đều có thưởng phạt.

 

          Tuy Chúa công thẳng nhưng lại rất khoan dung, Ngài không xử với ta như ta đáng tội. Ta hãy dùng Thánh vịnh 103 mà cầu nguyện với Chúa:

 

Chúa đầy trắc ẩn và từ bi,

khoan dung và giầu ơn nghĩa,

Người không hạch tội luôn luôn,

Người không oán hờn mãi mãi,

Người không xử với ta xứng tội của ta,

Người không trả cho ta xứng lỗi ta làm

Ví như trời cao hơn đất thế nào,thì Người cũng cao vời trên những ai kính sợ Người.

Đông, đoài cách nhau bao nhiêu,

thì Người cũng cất lỗi phạm của ta ra xa ta chừng ấy.

Như cha xót thương con mình thế nào,

thì Chúa cũng xót thương những ai kính sợ Người như vậy.

Người biết hình hài ta sao,

Người nhớ lắm : ta là bụi đất.

          (Tv 103,8-14)

 

                                                          Lm Giuse Đinh lập Liễm

                                                          Giáo xứ Kim phát

                                                          Đà lạt

         


Mục Lục