TỈNH THÚC VÀ SĂN SÀNG

*****

 

I. LỜI CHÚA.   Chúng ta đọc Lc 12,35-40 và Tx 3,10-12.

 

          Trong bài Tin mừng vừa nghe, Chúa Giêsu nhắc cho các môn đệ một tư tưởng là phải sẵn sàng chờ đợi Chúa đến trong ngày sau hết.  Ngài dùng một hình ảnh quen thuộc và dễ hiểu về một người đầy tớ đợi ông chủ đi ăn cưới về vào bất cứ lúc nào và phải mở cửa cho ông ngay.

 

          Người Do thái có thói quen đi ăn cưới vào ban đêm, bắt đầu từ khi mặt trời lặn.  Có khi tiệc cưới kéo dài tới gần sáng. Người đầy tớ có trách nhiệm phải cầm đèn chờ ở cửa, khi chủ về thì mở cửa cho ông. Phúc cho đầy tớ nào còn thức chờ chủ về, ông sẽ khen thưởng, ngược lại, khi ông chủ về mà thấy đầy tớ còn bê trễ thì sẽ bị phạt.

 

          Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ hiểu rằng ông chủ đây chính là Ngài, còn đầy tớ là các môn đệ. Ngài sẽ đến gọi các ông về với Ngài vào bất cứ lúc nào. Công việc của các ông là phải luôn sẵn sàng chờ đợi Chúa đến.

 

II. TỈNH THỨC ĐỢI CHỜ.

 

          Trong bài Tin mừng Chúa Giêsu nói đến sự tỉnh thức, nhưng tỉnh thức không có nghĩa là ngồi đó khoanh tay mà đợi chờ. Để nói lên sự tỉnh thức đích thực, Chúa Giêsu  dùng hình ảnh của một người đầy tớ đêm ngày trung thành với công việc được chủ giao phó. Sự tỉnh thức mà Chúa Giêsu kêu mời là sự tỉnh thức đích thực (tích cực) đòi hỏi lao tác và phấn đấu.

 

          Thánh Phaolô cũng nhắc nhở cho tín hữu Thessalonica về thái độ tỉnh thúc tich cực ấy. Trong những năm đầu của Kitô giáo một số tín hữu tưởng rằng Chúa Giêsu sẽ trở lại một sớm một chiều, nên họ ăn không ngồi rồi và dây mình vào chuyện của người khác. Thánh Phaolô khuyên nhủ họ hãy tỉnh thức  bằng cách hăng say lao động và thực thi bác ái (2Tx 3,10-12).

 

                                       Truyện minh họa.

          Một người thuộc bộ lạc miền núi cả đời chưa từng thấy ánh sáng văn minh. Một hôm ông ta được đưa xuống thăm một đô thị. Ngày đầu tiên, ông dã giật mình thức giấc vì tiếng trống vang cùng khắp đô thị. Sau khi được người chung quanh cho biết đó là tiếng trống báo động về một cuộc hỏa hoạn vừa xẩy ra tại một khu phố. Người dân miền núi nhìn về ngọn lửa đang bốc cháy tại một góc trời, rồi ông trở lại giường ngủ tiếp.

          Trở về làng, ông báo cáo với các chức sắc trong làng như sau : người dân thành thị có một hệ thống chữa cháy rất kỳ diệu : khi có hoả hoạn, người ta chỉ cần đánh trống là ngọn lửa được dập tắt tức khắc. Nghe thế, các chức sắn đều sai người đi mua đủ mọi loại trống phát cho dân làng, . Không bao lâu sau đó, hoả hoạn xẩy đến trong làng, tất cả dân làng  đều đem trống ra khua inh ỏi vì tin chắc rằng  tiếng trống sẽ xua đuổi được thần lửa.  Thế nhưng, ngọn lửa cứ vô tình thiêu rụi từ căn nhà này đến căn nhà khác trước cái nhìn ngỡ ngàng và thất vọng của mọi người.

          Tình cờ ghé thăm bộ lạc và được nghe kể lại diễn tiến cơn hoả hoạn, một người dân thành thị mới giải thích cho dân làng như sau : “Các người thật ngây ngô, người ta đánh trống để đánh thức dân chúng và kêu gọi họ tích cực tham gia chữa cháy, chứ không ngồi đó mà chờ ngọn lửa tắt đâu”.

 

III. CHÚA ĐẾN BẤT NGỜ.

 

          Chúa Giêsu đã khẳng định :Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con người sẽ đến”(Lc 12, 39-40).

 

          Đời sống người Kitô là một cuộc hành trình về nhà Cha. Cuộc hành trình dài hay ngắn do Chúa định, không ai biết.  Trong kinh Lạy Nữ Vương có câu :chúng tôi con cháu Evà ở chốn khách đầy kêu đến cùng Bà.  Trần gian này được coi như chốn lưu đầy, là thung lũng nước mắt, giống như nhà Phật chủ trương : đời là bể khổ.

 

          Chúng ta có thái độ lạc quan hơn, chúng ta coi cuộc đời này chỉ là một cuộc hành trình về quê trời, mà cuộc hành trình nào lại không có những khó khăn trên đường ?  Tuy gặp khó khăn, gian nan, thử thách trên đường, chúng ta vẫn vui tươi phấn khởi vì chúng ta đang tiến gần  tới đích là nhà Cha.

 

          Chúng ta đừng ngây ngô như người miền núi trên : tiếng trống không làm  cho ngọn lửa   tắt ngủm , mà chỉ báo cho người ta biết  để dập tắt lửa. Cũng thế, phép rửa tội không phải là lá bùa có thể làm cho chúng ta trở nên thánh thiện hay đương nhiên đưa chúng ta vào thiên đàng, nhưng đã phải nỗ lực cộng tác với Chúa để sống đức tin cho mạnh, sống đức ái nồng nàn. Chính nỗ lực riêng tư của ta cộng tác với Chúa mới dẫn ta vào Nước Trời, bởi vì như Chúa nói : muốn vào Nước Trời phải qua cửa hẹp (Mt, 7,13).

 

          Như vậy, cuộc đời trần thế của chúng ta chỉ là thời gian lao tác : làm việc cho Chúa để làm vinh danh Ngài và làm việc cho tha nhân để đem hạnh phúc đến cho mọi nguời như lời Chúa dạy :”Không phải bất cứ ai thưa với Thầy “ Lạy Chúa, lạy Chúa . được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào thôi”(Mt 7,21)

 

                                                                             Lm Giuse Đinh lập Liễm

                                                                             Giáo xứ Kim phát

                                                                             Đà lạt


Mục Lục