ĐI VỀ ĐÂU

***

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA.

 

          Chúng ta đọc : Ga 14,1-6.

 

          Sau ba năm đi rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu thấy nhiệm vụ của mình sắp chấm dứt và chuẩn bị tinh thần để đi vào cuộc tử nạn đang đón chờ, Ngài yêu thương các môn đệ hết tình, yêu cho đến cùng. Ngài thấy trước cuộc ra đi của mình sẽ làm cho các môn đệ phải bàng hoàng sợ sệt nên Ngài đã khích lệ cac ông bằng những lời sau đây:”Lòng các con đừng xao xuyến ...Hãy tin vào Thầy... Thầy đi để dọn chỗ cho các con và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ cho các con rồi, Thầy sẽ trở lại đón các con, để Thầy ở đâu các con sẽ ở đó. Thầy đi đâu các con đã biết đường rồi”.

 

          Ông Tôma bộc trực hỏi Chúa ngay:”Thưa Thầy, chưa ai biết nơi Thầy đi, làm sao chúng con tìm ra lộ trình”? Dường như ông có ý nói : chúng con chỉ biết đi từ Galilê đến Giudê, còn đi đâu nữa thì chúng con không biết... Các ông hiểu về quốc lộ !

 

          Chúa Giêsu cho biết đó là con đường thiêng liêng, con đường thông hiệp với Ngài, theo bước chân Ngài thì sẽ biết đường đi nên đã trả lời:”Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà kh6ng qua Thầy”(Ga 14,6). Ngài là đường, là Đấng Trung gian giữa Thiên Chúa và loài nguời,”Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người : đó là một con người, Đức Giêsu Kitô, Đấng tự hiến làm giá cứu chuộc cho mọi ngươiø”(1Tm 2,5-6) nghĩa là “đường” Ngài đã vạch ra, là con đường Tin mừng của Chúa.  Con đường này Chúa đã giao cho Giáo hội quản lý nên cứ theo sự chỉ dẫn của Giáo hội thì sẽ đi đúng đường.

 

          Nói cụ thể hơn, hãy sống theo luật Chúa và luật của Giáo hội vì Chúa đã nói:”Không phải cứ nói Lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời, những chỉ những kẻ làm theo ý Cha Ta ở trên trời, kẻ ấy mới được vào”, mà sống theo ý Chúa là phải giữ giới răn của Ngài.

 

          Đó là một cuộc hành trình về quê trời nhưng người ta có công nhận như vậy không ? Nói khác đi, người ta có những cái nhìn khác nhau về cuộc đời, nên thái độ sống của mỗi người cũng khác nhau tùy theo cái nhìn của họ.

 

II. CÁI NHÌN VỀ CUỘC ĐỜI.

 

          1. Câu hỏi về cuộc đời.

 

          Có những người có cái nhìn lạc quan về cuộc đời, họ công nhận cuộc đời có ý nghĩa của nó. Nhưng có những người nhìn đời bằng con mắt bi quan, họ theo cái nhìn của triết học hiện sinh vô thần của J.P Sartre. Họ đặt ra những câu hỏi cụ thể : tại sao tôi sinh ra trong đau khổ, sống trong đau khổ và chết trong đau khổ ? Họ không tìm ra được giải đáp cho những thắc mắc của họ nên họ theo chủ trương và kết luận của J.P Satre : Đời là phi lý.

 

          Qua chủ trương bi quan này, người ta lao vào cuộc sống hưởng thu vật chấtï, hưởng thụ cho nhiều  để rồi ngày mai sẽ kết thúc cuộc đời trong trống rỗng , vì chết là hết mà !

 

Thi sĩ Tản Đà trước đây chưa biết gì về triết học hiện sinh nhưng thấy người ta có những thái độ khác nhau về cuộc sống nên đã đặt ra câu hỏi :

 

                             Đời đáng sống hay không đáng sống,

                             Cất chén quỳnh xin hỏi bạn tri âm ?

 

2. Câu trả lời tiêu cực.

 

          Có những người sống mà không biết tại sao mình sống, sống để làm gì rồi sau này sẽ ra sao ? Họ chỉ biết sống cho qua ngày để rồi ngày mai chết là trôi vào dĩ vãng, cho nên họ  mới kết luận :

                                      Sống bữa nào hay bữa ấy

                                      Hơi đâu ngồi nghĩ chuyện đâu đâu.

 

          Nếu họ hiểu được ý nghĩa cao qúi của đời sống như Hội thánh dạy thì họ được yên ủi biết bao vì đối tượng của cuộc sống là hạnh phúc, một thứ hạnh phúc tròn đầy và bất diệt :”Ta sống ở đời này để nhận biết, thờ phượng kính mến Đức Chúa Trời là Cha chúng ta và thương yêu mọi người như anh em, cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp, cho ngày sau được hạnh phúc đời đời”(Sách Giao lý Công giáo Tân định, số 1).

 

          Người ta đọc được tấm bia dựng trên mộ một thanh niên câu:”Anh thọ 20 tuổi”.

          Có người buột miệng nói:”Ít quá”. Ít thật không ? Không ! Nếu anh ta đã sống 20 năm, đã dùng 20 năm theo thánh ý Chúa, không để phút nào phí đi, thì trong mấy năm ấy, anh làm được nhiều việc vĩ đại, một thời gian bao la lâu dài (Tihamer Toth, Chí khí người..., tr 163).

 

Những người sống mà không biết sao mmình sống và sống để làm gì thì có cái nhìn về cuộc đời rất bi quan và sống rất tiêu cực, mất tất cả :

 

                                      Cuộc đời buồn như giấc ngủ

                                      Sau giấc ngủ có cơn giông.

                                      Vì hôm nay chưa là đủ

                                      Và ngày mai còn có không ?

                                                (Vũ Hồ)

          3. Câu trả lời tích cực.

 

          Những người có đức tin nhìn cuộc đời dưới khía cạnh lạc quan và tích cực. Họ coi cuộc đời chỉ là một cuộc hành trình về quê trời, chúng ta chỉ là khách lữ hành nơi trần thế. Trong cuộc hành trình, họ phải nỗ  lực vừa chịu đựng vừa vượt qua khó khăn để đi tới đích.  Họ nhớ lời Chúa đã dặn dò :”Thầy đi để dọn chỗ cho các con... Thầy sẽ trở lại đón các con...” Họ cũng tin tưởng và lạc quan với lời thánh Phaolô nói với tín hữu Philipphê:”Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng chờ đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta”(Pl 3,20). Đồng thời, thánh Phaolô cũng cho tín hữu Corintô biết thêm về ngôi nhà vĩnh cửu của chúng ta  ở trên trời:”Chúng ta biết rằng : nếu ngôi nhà chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này bị phá hủy đi, thì chúng ta có nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, ngôi nhà vĩnh cữu ở trên trời, không do tay người thế làm ra” (2 Cr 5,1)

 

          Những người có lòng tin như thế coi đời sống là một cuộc thử thách, đau khổ sẽ qua đi và chính đau khổ sẽ là phương tiện tiến tới vinh quang.

 

                                      Cho đến lúc hồn ta trong hơi thở

                                      Vẫn yên vui về cõi chết xa xôi.

                                      Và u buồn là những đoá hoa tươi,

                                      Và đau khổ là chiến công rực rỡ.

                                                (Chế Lan Viên)

 

          Đối với họ, giờ chết là giờ về với Chúa, về nơi Chúa đã dọn sẵn cho mình (x. Ga 14,1-6), ngày đó không phải là ngày sầu thương tang tóc mà là một ngày vui mừng. Chính vì thế, các bổn đạo đầu tiên gọi ngày chết là Dies natalis, ngày Sinh nhật trong Nước Trời.

 

          Với ý nghĩa đó, ông Walfany Goethe đã gọi “con người chết là một vì sao lặn để mọc huy hoàng hơn ở một bán cầu khác”. Giờ chết là ngày khải hoàn sau bao năm phải chiến đấu khổ cực ở trần gian.

 

                                       Truyện : cây hoa “bách niên”.

          Cây bách niên (agravé) cứ một trăm năm một lần nở hoa, nhưng hoa đẹp lạ lùng. Trong một thế kỷ  cây ấy đã sửa soạn cho ngày tươi đẹp ấy, nó dồn sức lực, nó trang điểm, nó làm cho đẹp, bằng công việc kín đáo, không ai trông thấy. Cả một thế kỷ ! Và khi đã hết thời nó nở những cánh hoa trắng muốt để làm đẹp lòng người đến xem cái phi thường của nó.

                             (T. Toth, Chí khí người thanh niên, tr 182)

 

III. CÁI NHÌN ĐÚNG ĐẮN VỀ CUỘC ĐỜI.

 

          Chúa thương yêu chúng ta, Ngài dựng nên chúng ta để được hạnh phúc chứ không phải đẩy chúng ta vào chốn hư vô. Mà hạnh phúc ở đâu ? Chắc chắn không ở trần gian này vì con người phải trải qua 4 giai đoạn của cuộc sống : sinh, lão, bệnh , tử.  Sinh ra, lớn lên, bệnh tật rồi chết đều mang trong mình mầm mống của đau khổ , mà còn đau khổ thì chưa có hạnh phúc. Chỉ ở thiên đàng mới hết đau khổ, nơi chúng ta được chiêm ngưỡng thánh nhan Chúa nhãn tiền. Chính Chúa là hạnh phúc của chúng ta.

 

          Trần gian không phải là quê hương thật của ta, nó chỉ là nợi tạm trú hay nơi dừng chân. Cuộc hành trình còn phải kéo dài, mà cuộc hành trình nào cũng gặp nhiều trắc trở, gian nan, nhục nhằn, đau khổ. Vì thế, sống ở trần gian này con người còn phải trải qua đau khổ, phải vượt thắng con người ươn hèn của chúng ta, mới mong đạt tới quê hương : Per crucem ad lucem.

 

          Thánh Phaolô còn khuyên chúng ta phải nỗ lực hợn:”Anh em hãy kiên tâm bền chí, và càng ngày càng tích cực tham gia vào công việc của Chúa, vì biết rằng : trong Chúa, sự khó nhọc của anh em sẽ không trở nên vô ích” Vì thế :

 

                                      Người đời hữu tử hữu sinh

                             Sống lo xứng phận, chết dành tiếng thơm.

 

                                      Truyện : cái chết này mới đẹp.

          Đôi vợ chồng đã sống với nhau 60 năm. Lúc đau nặng gần chết, ông kêu vợ lại:

- Tôi sắp chết, tôi chết đi, bà sẽ làm gì cho tôi ?

- Khi ông chết, tôi sẽ nằm vật vã bên xác ông, khóc lóc thảm thiết làm cho ai nấy phải cảm động .

          - Tôi biết bà thương tôi lắm, nhưng bà khóc lóc khi đó cũng không giúp ích gì cho tôi được. Khi đó tôi không nghe được gì nữa đâu.

          - Vậy tôi sẽ đóng một quan tài thật đẹp, mua hoa để đầy quan tài.

          - Tôi cảm ơn bà  nhưng khi đã chết, hoa đối với tôi cũng vô ích vì tôi còn được ngửi mùi hoa thơm của nó đâu nữa.

          - Vậy tôi sẽ mua sáp để tràn quanh quan tài ông.

          - Cũng vô ích vì khi đó tôi không còn mắt để xem thấy nữa.

          - Vậy khi chôn xác ông xuống đất, tôi sẽ ở lại nơi mồ, khóc lóc thảm thiết, cố làm sao cho các giọt nước mắt thấm xuống đất và thấm vào thân xác ông.

          - Cũng vô ích vì khi đó tôi không còn biết gì nữa.

          - Ôi ! Bà vợ kêu lên, cái chết xấu xa và dễ sợ đến chừng nào !

          - Nhưng cái chết thật đẹp đẽ nếu người sắp chết thấy rằng trong đời sống, mình đã làm được nhiều việc lành phúc đức.

          Nói xong, ông tắt thở bình an.

 

                                                                   Lm Giuse Đinh lập Liễm

                                                                   Giáo xứ Kim phát

                                                                   Đà lạt


Mục Lục