QUÊ HƯƠNG

+++

 

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA.

 

          Chúng ta đọc : Pl 3,20-21; 2Cr 5,1; 6,10.

 

          Cổ nhân đã có kinh nghiệm về cuộc đời khi đưa ra một khẳng định :”Nhân sinh tự cổ thùy vô tử” : người ta xưa nay ai mà không chết ! Cái chết được coi như một công lệ mà không ai được miễn trừ. Đây là một định luật phổ biến và khắt khe, xưa nay chưa ai có thể thay đổi được bởi vì:”Ngươi là bụi tro và sẽ trở về cùng tro bụi”(St 3,19).

 

          Nhưng đứng trước cái chết, mỗi người có một suy nghĩ và một thái độ riêng. Có người coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, lại có người coi cái chết nặng như núi Thái sơn. Có người coi chết là một sự chuyển đổi, từ đời này sang đời sau. Có người coi chết là đi vào ngõ cụt, đi vào hư vô trống rỗng, cho nên họ cho rằng chết là vô nghĩa và ngay cả cuộc đời cũng  là phi lý.

 

          Trước thắc mắc cuộc đời và sự chết, thánh Phaolô đã nhắc cho tín hữu Philipphê tư tưởng này:”Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta’(Pl 3,20).  Trong bức thư khác gửi cho tín hữu Corintô, thánh nhân cũng xác định là chúng ta có một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời :”Chúng ta biết rằng : nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá hủy đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, không do tay người thế làm ra”(2Cr 5,1). Vì vậy, thánh Phaolô xác tín rằng sống ở trong thân xác này là lưu lạc xa Chúa và Ngài muốn nỗ lực từ bỏ thân xác này để được ở bên Chúa. Trong khi chờ đợi ngày rời khỏi thân xác này về với Chúa, chúng ta phải cố gắng làm đẹp lòng Chúa.

 

II. QUÊ HƯƠNG TRẦN THẾ.

 

          Con người ai cũng có một nơi sinh ra, một địa chỉ ở đời. Trên tờ khai sinh, tờ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân, đều có ghi rõ những điều này. Mỗi người chúng ta đều có một quốc tịch, một địa chỉ thường trú, còn tất cả các nơi khác chỉ là tạm trú.

 

          Khi chúng ta đã nhận nơi nào làm quê hương, chúng ta tự cảm thấy mình yêu mến nơi đó, tuy đấy còn là một quê hương nghèo nàn hay chậm tiến. Những mầu sắc quê hương  in đậm vào tâm trí con người, khiến mọi cảnh vật tầm thường đều trở nên dễ thương mến như nhạc sĩ Phạm Duy ghi nhận :”Quê hương tôi có con sông đào xinh xắn”; hoặc như nhạc sĩ Giáp văn Thập nói lên nét đẹp thân thương trong bài ca Quê hương như “Quê hương là chùm khế ngọt, là con đò nhỏ”. Đặc biệt những người xa quê hương càng nhớ về những nét đẹp trìu mến đó.

 

III. QUÊ HƯƠNG THIÊN QUỐC.

 

          Thế nhưng, đối với Kitô hữu, chúng ta khẳng định rằng quê hương trần thế này là nơi tạm trú, chúng ta còn có quê hương thường trú vĩnh cửu :”Quê hương chúng ta ở trên trời”.

 

          Đức Giêsu cũng có một địa chỉ, sau khi xuống trần gian này thi hành sứ mạng cứu chuộc, Ngài lại trở về địa chỉ cũ. Trước giờ biệt ly, Đức Giêsu nói :”Thầy từ Chúa Cha mà đến thế gian, Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha”(Ga 16,28). Và Ngài cũng muốn rằng khi trở về địa chỉ cũ, các môn đệ của Ngài cũng được ở nơi đó, khi Ngài xin cùng Chúa Cha :”Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con”(Ga 17,24).

 

          Địa chỉ nguyên thủy của Kitô hữu là ở trên trời, nơi thường trú vĩnh viễn. Vì thế, trong kinh Tiền tụng I lễ An táng, Hội thánh cầu :”Lạy Chúa, đối với các tín hữu Chúa, sự sống thay đổi chớ không mất đi, và khi nơi nương náu ở trần gian này bị hủy diệt tiêu tan, thì lại được một chỗ cư ngụ vĩnh viễn trên trời”.

 

          Khi nói về cuộc sống dương gian, chúng ta thấy người xưa gọi là “đời tạm này” và “chúng ta là thân lữ khác”. Đời là một cuộc hành trình tiến về vĩnh củu.

 

          Công đồng Vatican II đã nói lên mối tương quan giữa cái hiện tại chóng qua và hạnh phúc mai sau vĩnh cửu :”Đời này và đời sau mật thiết liên đới trong thân phận con người”(GS, số 76).

 

          Và Công đồng còn dạy thêm :”Công đồng khuyến khích các tín hữu – công dân của Nước Trời và của trần thế – phải đem hết tâm lực trung thành chu tòan nhiệm vụ trần gian mình, theo tinh thần Tin mừng.  Phải kể là sai lầm, tất cả những ai cho rằng quê hương vĩnh cửu không phải ở trần gian, họ đang đi về Nước Trời, nên họ dửng dưng trước những nhiệm vụ con người. Những ai tưởng rằng xả thân vào các việc trần thế, không dính dáng gì với đời sống tôn giáo… những người ấy lầm to” (GS, số 43).

 

IV. TRỞ VỀ QUÊ HƯƠNG.

 

          Trở về với tư tưởng của bài Thánh thư, chúng ta cần phải suy nghĩ về lối sống của chúng ta hiện nay : ta tự hỏi mình sống như chỉ có ở đời này hay như người biết rằng có ngày mình sẽ được về nơi vĩnh cửu.

 

          Với thánh Phaolô, những người sống “thù nghịch với thập giá”ù, lấy cái bụng làm Chúa, thì chỉ luôn nghĩ đến những điều dưới đất, chạy theo danh vọng tiền tài, sắc dục, chè chén say sưa.

 

          Nhưng cũng có người như thánh Phaolô “coi mọi sự hết thảy là thua lỗ”, hoặc như sách Giảng viên : Phù vân nối tiếp phù vân, chi chi chăng nữa cũng là phù vân. Coi mọi sự là phù vân, không có nghĩa là “tránh xa mọi sự trần thế, tránh hết việc đời, mà chỉ vì so sánh “cái lợi tuyệt đối là được biết Đức Kitô”, “được thuộc về Đức Kitô”, được đồng hình đồng dạng với Đức Kitô chết và phục sinh”, đồng dạng với thân xác vinh quang của Người (Pl 3,7tt)… thì giá trị của các vàng bạc, châu báu, chức quyền thật là chẳng có gì nặng ký.

 

          Tuy thế, cũng có người quên mất địa chỉ, họ không còn biết đi về đâu và họ thất vọng chán nản thốt lên : chết là đi vào hư vô. Từ đó họ sống bất chấp như con thuyền không lái, như chiếc xe tuột dốc, họ thả mình cho mọi tình tư dục, muốn đẩy mình đi đến đâu thì đến vì biết rằng một mai mình sẽ chết và chết là một thất bại, là đi vào ngõ cụt. Vì vậy cứ việc hưởng thụ đi như người dân quê thường nói  một cách nôm na :

                                      Sống trên đời ăn miếng dồi chó,

                                      Chết xuống âm phủ biết có hay không.

          Có ngừoi đã chán chường cuộc đời vì đã qua một kiếp đi hoang. Họ muốn kết thúc cuộc đời đã chín mùi sầu khổ, nhưng họ cũng chưa tìm lại được địa chỉ của họ. Họ còn hoang mang trước cuộc ra đ của họ :

                                      Hỡi Thượng Đế, tôi cúi đầu trả lại

                                      Linh hồn tôi đã một kiếp đi hoang.

                                      Sầu đã chín, xin Ngài hãy hái

                                      Nhận tôi đi, dầu địa ngục thiên đàng.

                                                    ( Huy Cận)

 

          Chắc chắn mọi người chúng ta còn nhớ được địa chỉ của mình, lòng vẫn còn hướng về đó và mong ước một ngày kia được trở về đó, nhưng chúng ta chỉ có thể về quê hương vĩnh cửu qua việc hòan tất những nhiệm vụ hằng ngày nơi trần thế, đặc biệt là sống “mến Chúa hết lòng, hết sức, hết trí khôn” và “yêu tha nhân như chính mình”, sống bác ái với người nghèo khó, liên đới với đồng bào xây dựng đất nước, xây dựng một xã hội tốt đẹp.

 

          Hãy sắm cho mình một hành trang đầy đủ trong cuộc hành trình về quê trời. Ngòai việc làm trọn nhiệm vụ của một Kitô hữu, hãy tập sống siêu thóat với của cải vật chất, tốt nhất là sống bác ái, làm việc từ thiện vì những cái cho đi thì không bao giờ mất, nó vẫn còn lại với mình,

còn những cái giữ bo bo cho mình thì ngày kia sẽ mất hết.

 

                                      Truyện : Thạch Sùng tiếc của.

          Thạch Sùng, người nhà Tấn, là một tay tỷ phú chỉ biết sống xa hoa. Không may bị Tôn Tú vu oan và bị lên án trảm quyết.

          Trước khi mất đầu, Thạch Sùng than van nuối tiếc :

- Tôi chết rồi, tài sản của tôi sẽ về tay ai ?

Quan Giám sát trả lời :

- Người nhiều của thì dễ mang họa. Sao anh không nghĩ đến chân lý ấy mà phân tán của cải trước đi, trong các cuộc từ thiện ?

 

          Đưa tiễn một người thân vào thế  giới vĩnh cửu, với cái nhìn đức tin, chúng ta cảm tạ Chúa đã giúp người thân của chúng ta vượt qua khó khăn ở đời, để rồi hôm nay “vào chốn nghỉ ngơi”.

Nhưng chúng ta cũng thêm phấn khởi, bởi lẽ, người thân của chúng ta hôm nay bỏ “chốn khách đầy” để vào an nghỉ với Chúa, là Đấng người quá cố tin tưởng gắn bó. Chúng ta cũng có ngày được như vậy.

 

          Hôm nay người quá cố thân yêu của chúng ta  đã được mắt thấy tai nghe, đã được chiêm ngắm Chúa trên thiên đàng, cũng muốn nhắc nhở chúng ta tư tưởng này :

 

                                      Thế gian không phải ø quê nhà,

                                      Thiên đàng rực rỡ mới là quê hương.

 

                                                                   Lm Giuse Đinh lập Liễm

                                                                   Giáo xứ Kim phát

                                                                   Đà lạt

 

 


Mục Lục