SÂN KHẤU CUỘC ĐỜI

+++

 

I. SUY NIỆM PHÚC ÂM

 

          Chúng ta đọc : Ga 12,23-33

 

          Theo lời Kinh Thánh :”Ngươi là bụi tro và sẽ phải trở về cùng bụi tro”(St 3,19) thì mọi người sẽ phải chết. Đã là con cháu Adong Evà thì không ai có thể tránh được vì đó là một công lệ.

 

          Mọi người giầu nghèo, sang hèn, giỏi dốt ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ nghề gì, thì cũng có ngày phải rời bỏ cõi đời này để trở về với thế giới bên kia.

 

          Người đời cũng chủ trương : con người thường phải đi qua bốn giai đoạn “sinh, lão. Bệnh, tử”. Tử là giai đoạn kết thúc cuộc đời ở trần gian, vì đã có sinh thì phải có tử, và kết thúc này là một định mệnh khắt khe, không ai tránh được.

 

          Vậy chết có ý nghĩa gì không ? Phải chăng chết là một kết thúc trong thất bại ? Không, chết không phải là đi vào ngõ cụt, đi vào hư vô trống rỗng mà chết là một chuyển đổi như ngày xưa Hoài Nam Tử nói : “Sinh ký, tử qui”.

 

          Trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu nói :”Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24).  Chính lúc hạt giống mục nát ra là lúc báo hiệu một mùa thu hoạch vì hạt giống mục nát ra, đâm chồi nảy lộc thành cây và sinh hoa kết quả (x. Mt 12,24).

 

          Vì thế, Chúa Giêsu mới nói cho chúng ta biết giờ chết của Ngài khi Ngài nói :”Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (Mt 12,23).  Giờ chết của Ngài là giờ được tôn vinh vì nhờ cái chết đó Ngài cứu chuộc được tội lỗi của loài người.

 

          Do đó, giờ chết của chúng ta cũng là giờ được tôn vinh vì chúng ta đã làm trọn nhiệm vụ Chúa đã trao cho ở trần gian này.

 

II. SÂN KHẤU TRẦN GIAN

 

          Chúng ta có thể ví trần gian này như một đại sân khấu đang diễn ra một đại trường kịch. Trong đại trường kịch này có rất nhiều vai, mỗi người đóng một vai.  Có người đóng vai quan trọng, có những người đáng vai phụ chẳng mấy ai để ý tới.

 

          Thông thường người ta để ý đến những người đóng vai chính. Vì vậy người đóng vai chính phải cực kỳ xuất sắc nếu không sẽ bị chê, còn vai phụ thì ít bị chê.

 

          Nhưng khi đứng về phương diện nghệ thuật, người ta chú ý đến cách trình diễn của từng vai xem có đóng đúng vai mình không, đóng có hay không. Có khi người ta không khen người đóng vai chính mà lại khen người đóng vai phụ vì người này đóng rất đúng với vai của mình, ví dụ người đáng yêu phải làm cho người ta mến và người đáng ghét phải làm cho ngườ ta ghét.

 

 

Truyện :  Đóng kịch Thương Khó

 

          Khi xưa, lúc Đức Cha Nguyễn Bá Tòng có cho diễn tuồng Thương khó ở chủng viện Sài gòn. Hay hay dở, cứ nhìn vào trong rạp không còn một chỗ trống thì biết. Trong số các vai tuồng, ông Jacques Đức ở Mỹ tho làm Chúa Giêsu, ông biện Chức ở Tân định làm thánh Phêrô,  còn tay Giuđa về  tay… ông Cúc ở Tha La.

 

          Vai Giuđa hay quá xá, đến nỗi có một bà lão ở tỉnh xa miền Hậu giang lên Sài gòn xem tuồng, thấy bộ tịch Giuđa nào là tham lam, phản bội, xảo quyệt… bà ghét quá, không nói, bà đứng dậy lủi thủi lên phía sân khấu (vì bà ngồi hạng bét) sẵn trong tay cầm cái “ngoáy trầu” bà quăng cho Giuđa một cái ngay bảng mặt. Rồi bà rủa thầm :”Tao cho mày phun máu đầu ra cho biết tay ! Đồ… thằng nộp Chúa, đứa bán Thầy…”.

 

          May ông Cúc lanh mắt lé khỏi… và Đức Cha Tòng phải xuống “can thiệp” và “an ủi” bà lão. Nhắc cho bà nhớ lại đây chẳng qua là diễn tuồng chớ không phải là Giuđa … thật.  Hú hồn !

 

          Trong Hội thánh, mỗi người cũng phải đóng một vai trò, tùy theo khả năng của mình và được Thiên Chúa trao ban cho. Trong thư gửi cho tín hữu Corintô thánh Phaolô nói :”Trong Hội thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông đồ, thứ hai là các tiên tri, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ” (1Cr 12,28).

 

          Toàn thể anh chị em chỉ là giáo dân, ít ai lãnh nhận một chức vụ gì trong Hội thánh, nhưng phải đóng đúng vai trò giáo dân, là những nhân chứng của Chúa Kitô vì là Kitô hữu. Dó đó phải đóng đúng vai trò là muối đất và ánh sáng trần gian  như Chúa Giêsu đã dạy :”Các con là muối đất, là ánh sáng trần gian… Ánh sáng của các con phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp các con làm, mà tôn vinh Cha của các con, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,13-16).

 

          Một cách cụ thể, anh chị em phải đóng đúng vai trò trong gia đình : là cha, là mẹ, là con cái. Mỗi người phải đóng đúng vai trò của mình, đừng lẫn lộn, như chương trình giáo dục của Đức Khổng Tử :”Quân, thần. phụ, tử” : vua phải ra vua, quan phải ra quan, cha phải ra cha, con phải ra con. Nếu đóng sai vai trò của mình thì gia đình sẽ tan hoang, và thế giới sẽ hỗn loạn.

 

          Theo thời gian, vai trò có thể thay đổi, nhưng trách nhiệm phải đóng đúng vai trò của mình thì không thay đổi, phải đóng đúng với vai trò của mình bao lâu mình còn đóng, còn thời gian không quan trọng.

 

          Một y sĩ nổi danh nói rằng :”Một người có thể sống mạnh đến 81 tuổi”. Dĩ nhiên với điều kiện là người ấy phải là người bình thường.

 

          Y sĩ này nói thêm :”Mặc dầu người ta có thể tìm ra được thuốc chữa cho những căn bệnh giết người như ung thư hay cứng động mạch, thì thiên nhiên sẽ buông một cú đánh cuối cùng, cái mà người ta gọi là “chết”.

 

          Bàn về câu nói trên, một tờ báo đã viết :”Điều đáng kể không phải là sống bao lâu, nhưng ta đã sử dụng thời gian như thế nào”?  Đúng như thế, vì một số những phần đóng góp quan trọng nhất của công ích nhân loại đã từng và hiện đang được thực hiện do những bộ óc trên 81 tuổi (Giọt nước mắt cuối cùng, tr 114).

 

          Người ta đọc tấm bia dựng trên mộ một thanh niên câu :”Anh thọ 20 tuổi”. Có người buột miệng nói :”Ít quá – Ít quá thật không ? Không ! Nếu anh ta đã sống 20 năm, đã đóng đúng vai trò của mình 20 năm theo thánh ý  của Chúa, không để phút nào phí đi, thì trong mấy năm ấy, anh làm được nhiều việc vĩ đại, một thời gian bao lâu là dài ?

 

III. SÂN KHẤU KHÉP LẠI

 

          Một ngày nào đó sân khấu cuộc đời của từng người sẽ khép lại : giờ chết đến.

 

          Đây là chân lý đức tin, là án lệnh phổ cập, không ai có thể tránh né . “Đã qui định là mỗi người phải chết một lần” (Dt 9,27). Sớm hay muộn, cách này hay cách khác, đột ngột hay dần dần, tại rủi ro hay ngẫu nhiên hay tại cơn bệnh trầm trọng hơn kém, sự chết sẽ đến, đến với mỗi phàm nhân, trong đó có chúng ta.

 

          Một tập tục dã man rất thịnh hành trong đạo binh Rôma lúc tao loạn mà ai ai cũng biết, là bắt thăm “mười người giết một”. Tập tục này chưa được hoàn toàn hủy bỏ trong thời cận lai.

 

          Đứng trước định luật phổ cập của cái chết, chúng ta có thể nói rằng : sự kiện “mười người giết một” vẫn được thi hành liên tục và được chấp hành thường xuyên, vì theo quan niệm của chúng ta, sự chết luôn luôn giữ việc tính sổ và tiêu diệt trong mọi giây phút, cứ mười giết một, và rồi nó tóm lấy người  mà lần trước đã được kiêng nể (P. Bianchi, Tĩnh tâm Linh mục, tr 103).

 

          Chúng ta phải luôn chuẩn bị cho cuộc rút lui khỏi sân khấu trần gian, sớm hay muộn sẽ đến. Có lẽ chúng ta nên đọc tâm sự của Mike Tyson, nhà võ sĩ quyền Anh thượng thặng, phải bị tù vì tội cưỡng dâm.  Trong tù anh viết  những dòng sau đây trong nhật ký : “Nhắm mắt xuôi tay, con người ta chỉ để lại trên bia mộ một nét gạch nối nằm giữa những con số mà gói gọn cả cuộc đời ta, thể hiện cho người đời thấy ta đã sống như thế nào và hệ quả của lối sống ấy là hạnh phúc hay bất hạnh (Thế giới mới, số 101, 1996, tr 44).

 

          KẾT LUẬN

 

          Qua những suy nghĩ trên, chúng ta có thể rút ra được hai bài học thực hành sau đây :

 

          1. Sống như sẵn sàng chết

 

          Tục ngữ có câu :”Sống khôn, chết thiêng”.  Câu tục ngữ ấy dạy chúng ta  rằng ai sống lành cũng sẽ chết lành, ai sống dữ cũng sẽ chết dữ.  Phải chuẩn bị sẵn sàng  vì Chúa Giêsu không phán :”Hãy dọn mình chết” nhưng lại phán :”Các con hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt 24,44), nghĩa là hãy luôn chuẩn bị cho cuộc kinh qua này, chúng ta phải sống như thể đã chết (Cl 3,3).

 

          2. Sống như ngày cuối cùng của cuộc đời

 

          Thánh Grêgôriô Cả đã nói :”Sở dĩ Chúa muốn giữ kín giờ sau hết của chúng ta, là để chúng ta không dự đoán được, thì ngày nào cũng phải sống như ngày cuối đời”(Hom. 13 in Evang).

 

          Vì nghĩ rằng hôm nay có thể là ngày cuối đời, nên chúng ta cũng phải thoát ly cuộc đời, thoát ly thế gian, thoát ly những sự vật và nhân vật trần thế, nhất là thoát ly và xa lánh tất cả những chi là tội.

 

          Chính Chúa Giêsu cũng phòng ngừa chúng ta cho khỏi điều mà những người thời ông Noe đã làm, ấy là họ cứ ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Noe vào tầu, và hồng thủy đến mà tiêu diệt họ hết thảy.

 

          Cũng vào thời ông Lót thiên hạ cũng ăn uống, mua bán, trồng tỉa, xây nhà, nhưng ngày ông Lót ra khỏi Sôđôma, thì tự trời mưa lửa và diêm sinh xuống mà tiêu diệt họ hết thảy (x. Lc 17,26-29),

 

          Vì thế, điều hay nhất là mỗi buổi chiều chúng ta hãy nhìn lại xem đã đóng đúng vai trò của mình chưa, có đóng cho hoàn hảo không, và hãy phó dâng linh hồn mình cho Chúa, và đừng bỏ qua ngày nào mà không dọn mình chết, để đêm đến có thể vượt từ sự an nghỉ phần xác đến an nghỉ ngàn thu.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt

         

 

 

           


Mục Lục