SỐNG GỬI THÁC VỀ

+++

I. ĐI VỀ ĐÂU ?

 

          Chúng ta đọc : Ga 14,1-7

 

                             Đời đáng sống hay không đáng sống,

                             Sống mấy ngày mà chết sầu thương

                             Đời nghĩa lý hay không nghĩa lý

                             Sao nói rằng : “Sinh ký, tử qui”.

 

          1. Mọi người đều phải chết.

 

          Chết là một thực tại hiển nhiên. Đã là người, ai cũng phải chết. Đó là điều quá rõ ràng, không cần phải minh chứng. Xưa nay ai đã thoát chết :”Nhân sinh tự cổ thùy vô tử” (Văn thiên Trường) ? Cái chết vẫn hằng theo dõi, ám ảnh tâm trí mọi người, dù người ta muốn quên hay chối bỏ nó.  Nhưng càng xa tránh, càng chối bỏ thì nó lại càng theo sát chặt chẽ.

 

          Phải chăng đời người chỉ gói trọn trong hai chữ “Sống và Chết” ?  Thật vậy, con người sinh ra ở đời này không phải để sống luôn mãi, nhưng sau một thời gian vắn dài, con người phải chết. Vì đã có sinh thì lại có tử, không trước thì sau, không sớm thì muộn, thần chết sẽ đến với ta một cách bất ngờ, đó là định luật của con người. Lối đi một chiều không có ngày trở lại.

 

          2. Nhưng chết rồi đi về đâu ?

 

          Ngay từ xưa, ông Hoài Nam Tử đã đặt câu hỏi về vấn đề sống chết để cho nó một ý nghĩa :”SINH KÝ, TỬ QUI” : sống gửi, thác về. Nhưng chết rồi thì đi về đâu thì chưa có câu trả lời.

 

          Đối với những người vô thần, chết là hết. Chết là đi vào hư vô trống rỗng, là đi vào ngõ cụt, là phi lý, là vô nghĩa. Họ không hiểu được ý nghĩa của cuộc sống : tại sao mình sống và tại sao mình chết.

 

          Luồng triết học nổi tiếng của thế kỷ 20, mệnh danh là chủ nghĩa hiện sinh, tập trung sự suy tư vào thân phận bi thương của kiếp người. Nó luôn nhấn mạnh tới tính hữu hạn và “dang dở” của đời người, mà cái chết là bằng chứng rõ nhất và cuối cùng.

 

          Chính vì cái chết chấm dứt cuộc đời một cách tàn bạo và ngược lại với tất cả những gì tốt đẹp mà con người khao khát và cố gắng thực hiện trên đời, mà triết gia Albert Camus đã đưa ra thuyết cuộc đời là phi lý, là vô nghĩa vì chẳng dẫn tới đâu và đầy mâu thuẫn, không có lối thoát. Những thao thức của họ chưa tìm được câu trả lời cho thỏa đáng.

 

          Đạo Phật quan niệm rằng “Sau khi chết, nếu khi còn sống ở đời này, người ta ăn ngay ở lành, sống từ bi hỉ xả với mọi người, thì hồn thiêng của họ sẽ được đi về cõi cực lạc”. Có thể gọi là Thiên Đàng như đạo Công giáo chúng ta.

 

          Vì thế, chúng ta thường thấy sau khi người thân chết, người ta hay tung hoặc đốt giấy bạc, vì họ nghĩ rằng, giấy bạc đó có thể trở thành phương tiện  sống cho người chết trong cuộc sống mới.  Còn những ai sống trong tội lỗi, phụ bạc xa hoa, thì họ sẽ đầu thai thành một con vật hoặc một người khác, để tiếp tục đền tội mình.  Tội nặng thì được đầu thai trong bậc sống thấp hơn, chẳng hạn như con giun con dế; còn tội nhẹ thì được liệt kê vào bậc cao hơn. Ác quả ác báo. Mọi sự đều được thưởng  phạt tùy theo cách sống của mỗi người , theo nguyên tắc :”Hữu công tắc thưởng, hữu tội tắc trừng” : có công thì được thưởng, có tội thì phải đền.

 

          3. Chết là đi về Nhà Cha.

 

          Trước cuộc khổ nạn của Chúa, các môn đệ lo âu sợ hãi, Chúa Giêsu đã trấn an các ông :”Các con đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa, hãy tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở. Thầy đi để dọn chỗ cho các con… Thầy sẽ đem các con về với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó với Thầy” (Ga 14,1-3).

 

          Thánh Phaolô cũng quả quyết với tín hữu Corintô :”Nếu căn nhà (thể xác) dưới đất bị hủy đi, chúng ta có căn nhà ở trên trời do Thiên Chúa làm ra… vĩnh cửu ở trên trời” (x. 2Cr 5,1-5).

 

          Chính Chúa Giêsu đã bước qua ngưỡng cửa của sự chết, Ngài đã sống lại, chiến thắng tử thần và trao ban sự sống mới cho nhân loại.  Mỗi người con cái Chúa cũng bước qua ngưỡng cửa của sự chết mới có thể đi vào sự sống  vĩnh hằng trong nhà Cha.  Đức Giêsu khi nói về cái chết của mình, Ngài dùng kiểu nói :”Thầy bỏ thế gian mà về cùng Cha” (Ga 16,28).  Cái chết như vậy là ngưỡng cửa bước qua để hội ngộ, Người ra đi để rồi gặp gỡ Đấng sinh thành ra mình.  Đó là một cuộc trở về Nhà Cha thật sự.  Sự chết là khởi đầu một sự sống mới, sự sống vĩnh hằng trong Nhà Cha.

 

          Phụng vụ diễn tả : đối với các tín hữu Chúa, sự sống thay đổi chứ không mất đi, khi thân xác tan rã trở về bụi đất, thì con người lại có một nơi ở do Chúa dựng lên, đó là ngôi nhà vĩnh cửu trên trời, không do người phàm làm ra” (x. 2Cr 5,1).

 

          Như vậy, ngày chết là ngày chúng ta từ bỏ ngôi nhà dưới đất để trở về nhà Cha trên trời, như lòng hằng mong ước mà thi sĩ Tagore đã diễn tả trong lời kinh tha thiết :

                             Như đàn hạc hoài hương

                             Bay thẳng về tổ ấm

                             Nguyện đời con phiêu diêu

                             Qua vùng trời thăm thẳm

                             Lên tận chốn thiên đường

                                  (x. Gitanjali, 103)

 

II. ĐI VỀ NHÀ CHA TRÊN TRỜI

 

          Chúng ta được nghe rất nhiều lần rằng chết là một cuộc giải thoát, là một sự chuyển đổi, là ngày sinh nhật trên trời, là cái cửa đưa vào cõi phúc trường sinh bất tử.  Những quan niệm ấy rất đúng, rất am hợp với giáo lý Công giáo.

 

          Hôm nay chúng ta muốn diễn tả cái chết bằng những hình ảnh rất quen thuộc, rất cụ thể đối với đời sống con người chúng ta. Hay nói rõ hơn : chết là thay đổi từ nhà này sang nhà khác.

 

          Người tín hữu chúng ta có 4 ngôi nhà mà từ khi sinh ra cho đến chết, không ai có thể ở ngoài những ngôi nhà ấy, dù muốn dù không.

 

          1. Ngôi nhà thứ nhất là “Căn nhà nơi cha mẹ ta sinh ra”. Đây là nơi chôn nhau cắt rốn của con người, nơi ta được sinh ra, được cha mẹ nuôi dưỡng, giáo dục để chúng ta lớn lên thành một con người trưởng thành để giúp ích cho xã hội và Giáo hội.  Nơi đây mọi người đoàn kết cùng nhau xây dựng một gia đình êm ấm trong yêu thương và hòa bình.

 

          2. Ngôi nhà thứ hai là “Nhà thờ giáo xứ”, nơi đây cha mẹ đem chúng ta đến lĩnh bí tích rửa tội để trở thành một thành viên trong Hội thánh và làm con Chúa.  Nơi đây ta đến gặp gỡ Chúa với anh chị em, được lãnh các bí tích Thêm sức, giải tội, bí tích hôn nhân.  Và khi ta đã nhắm mắt lìa đời thân xác ta lại được đưa đến nhà thờ lần cuối để giã biệt mọi người.

 

          3. Ngôi nhà thứ ba là “Nhà mồ”, là chiếc quan tài chứa đựng thân xác ta và bị chôn vùi dưới lòng đất.  Mồ mả cũng là cái nhà cuối cùng  chứa đựng thân xác ta.  Nếu đọc  Thánh vịnh 48, ta phải xác định cái huyệt mồ là nhà cuối cùng của ta :”ba tấc đất mới thực là nhà”.

 

          Như vậy, chết là đi từ nhà sinh, qua nhà thờ đến nhà mồ.  Nhưng cả ba nhà này chỉ có tính cách tạm bợ, nhất thời. Tất cả chỉ được coi như cái quán trọ ven đường.  Đã là quán trọ thì người ta chỉ dùng qua đêm, hay một thời gian ngắn chứ không được coi như nơi thường trú.

 

          4. Ngôi nhà thứ tư là “Ngôi nhà vĩnh cửu”. Đây là nơi thường trú vĩnh viễn, nơi mà mọi người tín hữu phải nhắm tới. Chúng ta có thể gọi ngôi nhà nhà là  Nhà Cha trên trời”.

 

          Trong thư gửi cho tín hữu Corintô, thánh Phaolô đã đoan chắc với họ rằng :”Nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất bị phá hủy đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu trên trời, không do người thế làm ra” (2Cr 5,1).

 

          Ngôi nhà đó là nhà Cha chúng ta trên quê hương vĩnh cửu, nơi không còn khóc lóc than van, không còn đau khổ, không còn chiến tranh. Ở đó, chỉ có tình yêu, niềm vui, chỉ có bình an thuận hòa, chỉ có hạnh phúc miên trường, không bao giờ vơi, không bao giờ tàn lụi.

 

          John Bunyan, tác giả cuốn “Thiên lộ lịch trình”, đã nói lúc ông gần qua đời :”Các bạn đừng than khóc cho tôi, nhưng hãy khóc than cho chính các bạn. Tôi sẽ về nhà Cha đời đời nơi có Đức Chúa Trời là Cha Đức Giêsu Kitô : Ngài sẽ tiếp rước tôi dù tôi là một tội nhân bởi công lao cứu chuộc của Con Ngài. Tôi tin rằng chẳng bao lâu nữa sẽ gặp nhau trên nước sáng láng của Chúa để hát bài ca mới và sung sướng trong cõi đời đời”.

 

III. MUỐN ĐƯỢC VỀ NHÀ CHA TRÊN TRỜI

 

          Cả bốn ngôi nhà đó Chúa đã mở ra cho chúng ta, nhưng không phải ai cũng đến được ngôi nhà thứ tư là “Nhà Cha”. Muốn đến ngôi nhà thứ tư phải có điều kiện, phải được chuẩn bị sẵn sàng vì người ta nói :”Sống khôn, chết thiêng” sống sao thác vậy”.

 

          1. Có những người không sẵn sàng

 

          Chết là một thực tại hiển nhiên, chung quanh ta có nhiều người chết, nhưng không mấy người để ý tới, người ta coi chết bằng một con mắt bàng quan, lạnh lùng.

          Đời là một chuyến đi, mà chuyến đi cuộc đời có điểm đến là cái chết; nhưng không ai coi đó là cùng đích, mục tiêu cả.  Tự nhiên không ai muốn mau mau tới nơi, mà trái lại còn tìm cách lẩn tránh ngày giờ kết thúc.

 

          Đó là nhận xét của triết gia Blaise Pascal của Pháp thế kỷ 17.  Ông nói :”Người ta tìm kiếm mọi thú vui giải trí, người ta thậm chí lao mình vào công việc với tất cả đam mê, nhưng tựu trung đó chỉ là  những cách “đánh trống lảng” để mình khỏi nghĩ đến cái chết mà thôi.  Nhưng sớm muộn thần chết vẫn lù lù trước mặt mọi người.  Nó chấm dứt mọi cuộc vui chơi, mọi đem mê, mọi vinh quang danh vọng ở đời. Nó san bằng mọi ngăn cách giữa người với người : giầu nghèo sang hèn, vua chúa hay lê thứ, trai gái, mọi người đều bình đẳng trước thần chết”.

 

          Không nghĩ đến chết đối với nhiều người trong thời đại ta, âu cũng là một lối thoát, tuy giả tạo, khỏi bận tâm đến sự “rầy rà” đè nặng trên cuộc đời. Vì vậy,  mới thấy xuất hiện  lòng ham sống, yêu đời đến độ cuồng nhiệt của mọi giới, nhất là giới trẻ, trong thời bình cũng như thời chiến.

 

          Bởi thế, bao người muốn chôn vùi đời mình trong “canh bạc thâu đêm, trận cười suốt sáng”.  Người ta lý luận rằng, cuộc đời gang tấc, xuân thì mau qua, nếu không tìm cách hưởng thụ “cái già sồng sộc nó thì theo sau”, thì thật uổng quá. Bởi vậy :

 

                                      Cuộc hành lạc bao nhiêu lãi đấy

                                      Nếu không chơi thiệt ấy ai bù.

                                              (Nguyễn Công Trứ)

 

                                      Truyện : Thú vui mạnh hơn sự chết

 

          Ngày xưa có một dân tộc ít người có tập tục là mỗi 7 năm sẽ đề cử một người lên làm vua. Trong 7 năm làm vua, người ấy có toàn quyền muốn làm gì cũng được.  Nhưng người ấy phải cam kết chấp nhận là sau 7 năm sẽ bị giết chết để nhường chỗ cho một người khác.

          Dân tộc  ấy cứ tiếp tục sống như vậy.  Điều đáng ngạc nhiên là , nhiều người muốn đổi mạng mình để lấy quyền hành và tự do theo ý muốn trong thời gian ngắn ngủi (Giọt nước mắt cuối cùng, tr 71).

 

          2. Có những người biết sẵn sàng

 

          Suy niệm lời Chúa :”Ngươi là tro bụi và ngươi sẽ trở về cùng bụi tro”(St 3,19), ta thấy cuộc đời chỉ là một giai đoạn sống ở trần gian, được ví như bóng câu qua cửa sổ, cuộc đời sẽ qua đi và con người sẽ phải về đời sau, nên phải chuẩn bị cho cuộc ra đi cuối cùng ấy.

 

          Đại triết gia Platon đã kể lại cuộc đối thoại của Socrate với các đồ đệ về vấn đề linh hồn bất tử, ngay trong tù, trước giờ ông phải uống thuốc độc kết liễu đời mình, theo bản án của quan tòa. Socrate nói cái chết đó sẽ là một cuộc mạo hiểm đẹp. Nó chẳng có gì phải sợ. Linh hôn là bạn của những thực tại thường hằng, siêu việt. Chết là trở về với thế giới vĩnh cửu, chân thật, nơi nó đã phát xuất. 

 

Ngay khi còn sống, triết gia cũng không gắn bó với thế giới vô thường, khả giác, chỉ sử dụng nó cho mức tối cần mà thôi.  Còn lúc làm triết lý, tức là khi đi tìm cái chân, thiện, mỹ đích thực, ông càng dứt với nó, càng tiến gần đến cùng đích hơn. Đối với triết gia, “sống là tập cho biết chết”.

 

          Tác giả Anon viết :”Tôi tin rằng chúng ta được sinh ra để chết, chết để có thể sống trọn vẹn hơn. Tôi tin rằng tôi sinh ra để chết, chết mỗi ngày một phần ích kỷ, một phần tự phụ, một phần tội lỗi” .  Một lối suy tư tuyệt vời ! Quả thật, chúng ta đang sống  nghĩa là chúng ta đang chết, khi chúng ta chết, là lúc chúng ta bắt đầu sống. Một nghịch-lý-thuận. Đó là triết lý “hiện sinh” mà chỉ người có niềm tin Kitô giáo mới khả dĩ hiểu.

 

          Cũng với một cái nhìn lạc quan, thi sĩ Chateaubriand nói :”Chính trong cái chết mà người Kitô hữu chiến thắng” .  Cái chết dưới cái nhìn đức tin, không thể là một khủng khiếp như người ta quá quen tưởng tượng.  Người tín hữu cần nhìn thấy khía cạnh tốt đẹp của sự chết : kết thúc cuộc lưu đầy, thoát khỏi tội lỗi, được Chúa Kitô tiếp đón.

 

          Nhìn như thế, cái chết xuất hiện như một ngày đẹp nhất của cuộc đời, ngày sinh nhật vào sự sống vĩnh cửu.  Thánh Têrêsa thành Avila hiểu sâu sắc điều đó, đến nỗi đôi lúc  ngài tỏ ra buồn phiền vì chưa được chết. Ngài kêu lên :”Ôi, cái chết, làm sao phải ngần ngại vì trong ngươi đã thấy sự sống ? Tôi chết đi được vì chưa được chết”.

                                       Truyện : Rồi cũng phải chết

 

          Ngày xưa, mỗi lần vua Ấn độ ra gặp thần dân, ông ngồi trên ngai đặt trên lưng voi, có tiền hô hậu ủng.

 

          Viên quan đi trước xướng lên :”Đây là đấng thiên tử vĩ đại, là hoàng đế nước Ấn độ, hùng cường và đáng kính phục, sống trong cung điện, lợp bằng trăm nghìn viên hồng ngọc, và có hai vạn vòng hoa bằng kim cương.

 

          Lời tung hô vừa dứt, thì viên võ quan đứng sau nhà vua lại hô tiếp :”Đấng thiên tử hết sức hùng cường và hết sức vĩ đại ấy, rồi cũng phải chết… Rồi cũng phải chết . (Đỗ Đình Tiệm, Lương thực hôm nay, tr 181).

         

          Hãy dọn mình để đi về đời  sau vì sống chết là hai đầu mối của đời người : ta vào đầu này, ta ra cửa kia, không thể nào khác được.

 

          Triết gia Heidegger gọi hiện hữu của con người là “hiện hữu qui tử”. Còn  thi sĩ Tagore lại ví von, coi việc sống chết như hai bầu sữa mẹ : bú xong bên này thì bú sang bên kia :

 

                    Khi mẹ giằng con khỏi bầu vú bên này, con òa khóc.

                    “Nhưng liền đó lại thấy nguồn an ủi ở bầu vú bên kia”.

 

          Cha Duval viết :”Trời của bạn sẽ được hình thành ngay dưới đất bằng cánh tay của bạn”.  Đối với các tín hữu, với những người đang sống đức tin, trời không là cái gì hoàn toàn mới mẻ, nhưng là sự khai nở, tỏ hiện và thành toàn cái đã có sẵn trong họ.

 

          Guy de Larigaudi cũng nói :”Chúng ta xây dựng đời đời trong mọi hành vi của mình : đó là khả năng kỳ diệu của con người. Chúng ta xây dựng Nước Trời từng mỗi phút giây”.

 

          Đức Giêsu cũng đã dùng những dụ ngôn “Tiệc cưới và chiếc áo cưới” (Mt 22), dụ ngôn mười người trinh nữ (Mt 25) để nói về ngày Cánh chung. Ngài mời gọi chúng ta  luôn sẵn sàng tỉnh thức, khoác áo tân hôn và cầm đèn sáng, chờ đợi Ngài đến vào lúc hoàng hôn của cuộc đời.

 

          Sự chết và đời sau không hề nhuốm mầu đen tối hay đau thương, tang tóc, nhưng rực rỡ như hội hoa đăng, hân hoan vui mừng như tiệc cưới của hoàng tử.

                                     

          Lm Giuse Đinh lập Liễm

          Giáo xứ Kim Phát

          Đà Lạt


Mục Lục