TIẾNG KHÓC CUỘC ĐỜI

+++

 

I. CẤT TIẾNG KHÓC CHÀO ĐỜI

 

         1. Đứa bé sinh ra với tiếng khóc

 

         Khi đứa bé sinh ra, bao giờ cũng cất lên tiếng khóc đầu tiên, báo hiệu một con người đã được sinh ra ở đời, báo tin vui cho những người đang chờ đợi chung quanh. Vì thế, người ta quen gọi tiếng khóc đầu tiên bằng câu thành ngữ :”Cất tiếng khóc chào đời”, nghĩa là chào đời bằng tiếng khóc chứ không bằng tiếng cười.

 

         Sau này, người mẹ có lần nói với đứa con thân yêu: “Câu nói ấy (cất tiếng khóc chào đời) nghe nhẹ nhàng và đáng yêu làm sao, thế nhưng khi đó con khóc làm mẹ nôn nao cả ruột.  Vừa ra khỏi lòng mẹ con bắt đầu khóc, khóc trong suốt quá trình người ta làm vệ sinh cho con, rồi trả con cho mẹ con vẫn khóc”.

 

         Trước câu “Cất tiếng khóc chào đời” có người đã nêu ý kiến : “Ai cũng biết rằng đứa bé vừa mới sinh ra như một hòn than còn đỏ hỏn, một cái gì đó nhỏ nhoi, mơn mởn và chan chứa một niềm hạnh phúc ngọt ngào.  Một sứ mệnh bắt đầu cho sự sống yếu ớt ấy. Và đứa bé cất tiếng khóc “oa, oa”.

 

         Thế nhưng có ai chú ý tới ý nghĩa của tiếng khóc ấy không ?  Đó là sự báo hiệu một điềm rằng “Cuộc đời là một bể khổ”, và con người là một sinh linh sinh ra để chịu khổ, không ai thoát khỏi cái qui luật đó cả.  Đứa bé cất tiếng khóc chào đời là cái khổ đầu tiên. Và cái khổ đầu tiên ấy báo hiệu những cái khổ cho cuộc sống sau này”.

 

         2. Phải chăng cuộc đời là buồn khổ ?

 

         Các thi sĩ trong nền văn học Việt nam của chúng ta hồi thế kỷ 19 thường có tinh thần yếm thế vì chịu ảnh hưởng triết lý của Phật giáo, coi đời là bể khổ, là bến mê như thi sĩ Ôn Như Hầu diễn tả :

 

                                   Nghĩ thân phù thế mà đau

                                   Bọt trong bề khổ, bèo đầu bến mê

 

         Thi sĩ Nguyễn Gia Thiều trong Cung oán ngâm khúc có câu :

 

                                   Thảo nào khi mới chôn nhau

                                   Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra

 

         Hoặc thi sĩ Cao Bá Quát cũng đặt dấu hỏi có tinh cách triết lý  một chút :

 

                                   Vừa sinh ra thì đà khóc chóe

                                   Trần có vui sao chẳng cười khì ?

 

         Việt nam chúng ta cũng có câu tục ngữ nói về chuyện sinh tử với câu :”Sinh dữ tử lành”, có nghĩa là nằm mơ thấy người chết thì đó là điềm tốt; còn nằm mơ thấy người chửa đẻ là điềm xấu. Dĩ nhiên niềm tin này có tính cách mê tín.

 

 

 

Truyện : Niềm tin của người xứ Thrace

 

         Thánh Ambrôsiô kể rằng dân chúng xứ Thrace khóc và thốt lên những tiếng kêu thảm thiết khi có một người sinh ra, và trái lại, họ vui mừng hát những bài ca hân hoan khi có người qua đời. Họ tin – và họ có lý – rằng tất cả những ai  đi vào trong thế giới này, một thế giới tràn đầy khổ đau, đều đáng thương hại ; và khi họ thoát khỏi nơi lưu đầy buồn khổ này, người ta phải vui lên mừng cho họ. Melior est dies mortis die nativitatis : ngày chết là ngày đáng ưa thích hơn ngày sinh ra.

 

II. TIẾNG KHÓC THEO BỐN NHỊP

 

         1. Cuộc đời và bốn cửa ải

 

         Nếu đọc thánh vịnh 88, chúng ta phải xác tín rằng không ai có thể tránh được cái chết được ví như cái lưới chụp xuống trên mọi người :

 

                           Xin nhớ rằng : đời con là một kiếp phù du

                           Loài người Chúa dựng nên thật mỏng manh quá đỗi !

                           Sống làm người, ai không phải chết,

                           Ai cứu nổi mình thoát quyền lực âm ty.

                                            (Tv 88, 48-49)

 

         Trong đời mỗi một con người ai mà chẳng phải trải qua giai đoạn “Sinh – Lão – Bệnh – Tử, đấy là “bốn cửa ải” con người phải đi qua.

 

         “Sinh” – là cái lẽ chạm ngõ đầu tiên của một con người được đặt mình vào sự sống của vũ trụ.

         “Lão” – là cái lẽ tất yếu của một quá trình biến chuyển phù hợp với qui luật của Tạo hóa.

         “Bệnh” – cũng là một yếu tố đan cài, thường trực (rình rập) trong mỗi con người từ lúc sinh ra cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Vẫn có thiểu số người từ lúc sinh ra cho đến lúc lìa dương thế, họ chưa một lần nếm phải bệnh tật và cơn đau, chưa một lần phải uống thứ thuốc nào gọi là “thốc bệnh”.  Song dù có là như vậy thì ai dám chắc rằng con người đó hoàn toàn không mang bệnh, nếu không là căn bệnh của thể xác thì hẳn cũng sẽ là căn bệnh của tâm lý, tinh thần. Như vậy, “Bệnh” cũng là một cửa ải mà mỗi người đều phải trải qua.

         Rồi với “Tử” thì sao ?  Tử là một “cửa ải cuối cùng” trong vòng đời của mỗi người, để rồi đưa họ về một thế giới khác, “cái thế giới không là thế giới”, cái thế giới mà người ta gọi là nơi có “sự sống vĩnh viễn”.  Tuy nhiên, vòng “tử” ứng với mỗi con người lại với một nghiệp không ai giống ai…

        

         2. Cuộc đời và bốn nhịp điệu

 

         Đúng là đời người có thời có nhịp.  Nhiều trường hợp tương tự có những trùng hợp lạ lùng, với những đường nét theo nhịp theo hướng nào đó trong một trật tự lớn hơn.  Như nhịp cây kia, nảy sinh vào mùa xuân, phát triển vào mùa hạ, rụng lá vào mùa thu, và năm ngủ suốt mùa đông. Kìa, điệu nhạc “Bốn mùa” của nhạc sĩ tài danh Vivaldi đang diễn tả bốn nhịp dòng đời.  Có những lúc hoa nở hân hoan thì cũng có lúc lá rụng trụi cành tàn tạ bâng khuâng.

 

         Đời người là một điệu vũ gồm 4 nhịp qua 4 tiếng khóc, như 4 lời tạ từ mà thăng tiến. Bà Paula, một vũ sư người Anh,  đã biểu diễn điệu vũ bốn nhịp trong một lớp học về tâm lý thực hành.

 

         Trước khi diễn, bà kể về những nhịp của đời bà : những lúc lên cao vời vợi, những lúc bị vứt xuống bùn đen, những lúc vật vã ghì lại, nhất là vào dịp cuối xuân xanh,  và những lúc tóc bạc lá rụng răng rụng… Bà ta diễn hay quá, diễn được những gì đang ray rứt trong tim mỗi người. Và nhiều người tham dự đã bật khóc.

 

         Tiéng khóc đầu tiên khi ra khỏi lòng mẹ, tạ từ nơi đầy ắp yêu thương mà sinh vào trần thế như người ta đã từng nói :”Cất tiếng khóc chào đời”.

 

         Tiếng khóc thứ hai khi đến tuổi phải rời mái ấm gia đình mà bước vào đời lập thân. Bao nhiêu lo lắng , bao phiền muộn , vui buồn lẫn lộn :

 

                                    Gái lớn ai không phải lấy chồng,

                                    Can gì mà khóc, nín đi không !

                                    Nín đi ! mặc áo ra chào họ,

                                    Rõ quí con tôi các chị trông.

                                             (Nguyễn Bính)

 

         Tiếng khóc thứ ba được các nhà tâm lý thời mới gọi là tiếng khóc trung niên (mid-life), khi đã vượt qua đỉnh đồi “over the hill”. Mái tóc đen nhánh thuở nào nay đã xuất hiện vài sợi bạc, rồi bắt đầu pha chút muối tiêu, và khóe mắt thấy điểm vài nét chân chim. Cũng chính là lúc giật mình thấy tuổi xuân xanh đang chớm qua đi trên đầu.

 

         Tiếng khóc thứ tư là tiếng khóc lá vàng rơi, giống như cặp vợ chồng già trong câu truyện “Trên Ao Vàng”, lúc mà con người thấy rõ sắp tạ từ những gì trông thấy  để đi vào một thế giới khác chưa rõ nét.  Đây là tiếng còi xe lửa tốc hành vượt bờ sinh tử mà đi về quê hương “Vĩnh Cửu”, đúng như niềm tin “Sinh ký, Tử qui” của người mình : sống gửi chết về.  Vì thế mà người Việt gọi giờ chết là sinh thì, là lúc bắt đầu sống.

 

         Mỗi một cuộc ra đi đều mang theo một tiếng khóc. Có khi ngắn gọn, đứt quãng, có khi dài lê thê.  Có khi phát ra thành tiếng giẫy giụa, có khi dội vào trong tim trăn trở.

 

         Người nhìn ra và hòa được vào nhịp thì an nhiên tự tại. Người cố ghì lại thì la hét vật vã, và nhiều khi trở thành những hiện tượng lố bịch, tạo ra những nhịp rối loạn bất ổn (Theo internet).

 

III. TIẾNG KHÓC VÀ TIẾNG CƯỜI

 

         1. Cuộc đời với tiếng khóc

 

         Không ai trên trần thế này dám nói rằng mình được hoàn toàn hạnh phúc, không phải chịu một đau khổ nào.  Trong khi đó, Phật giáo cho đời là bể khổ, là bến mê. Người Công giáo không coi đời là bể khổ, nhưng cũng coi trần gian là thung lũng nước mắt (valle lacrimarum) như trong khi Lạy Nữ Vương mà chúng ta đọc hằng ngày.  Như vậy trên trần gian này có rất nhiều đau khổ không thể xác thì tinh thần đang vây hãm con người, không ai có thể trốn thoát được.

 

         Trong Cựu ước, chúng ta đọc thấy một nhân vật điển hình bị chi phối bởi đau khổ : đó là ông Gióp.  Một người tốt lành, hiền đức, giầu có, nhưng rồi ông ta gặp phải nhiều nỗi gian truân và thử thach khi trận cuồng phong kéo đến, cướp đi đàn gia súc, tài sản, người hầu và con cái của ông. Bấy giờ ông Gióp trỗi dậy, xé áo mình ra, cạo đầu, sấp mình xuống đất thờ lạy và nói :”Thân trần truồng sinh ra từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng.  Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi : Xin chúc tụng danh Đức Chúa (Gióp 1, 20-21). Hình ảnh của ông Gióp cho ta thấy được một niềm tin vững vàng vào tình yêu Thiên Chúa khi gặp thử thách.

 

         Có hai loại đau khổ là vật chất và tinh thần. “Đau khổ vật chất” là những cảm giác mà kích thích có thể là nội tại hay ngoại tại, vật chất hay tinh thần; và có tính cách phản ngược hay am hợp với chủ thể.  Còn “đau khổ tinh thần” là những cảm thức (sentiment) do các biểu tượng tinh thần, nội tại, chủ quan, như ý tưởng, phán đoán, suy luận, quan niệm, hoặc phản ngược hoặc am hợp với các biểu tượng sở hữu, căn bản của chủ thể trong ý thức cũng như trong vô thức.

 

         Thường người ta dùng từ ngữ “đau đớn”để chỉ đau khổ vật chất và từ ngữ “đau khổ” để chỉ sự đau đớn tinh thần.  Đau đớn và đau khổ  luôn có tương quan với nhau, đau đớn có thể đưa tới đau khổ và ngược lại, đau khổ có thể đưa tới đau đớn.

 

         Con người ta ở đời dù lớn dù nhỏ, thế nào cũng phải chịu đau đớn hay đau khổ một lần rồi.  Đứa trẻ vừa mới sinh ra cũng phải đau đơn, mặc dù chưa biết đau là gì. Ngoài ra, đời con người còn phải chịu một cái định luật khắc khe là sinh, lão, bệnh , tử.  Thành ra, nếu hỏi một người : anh đã được hoàn toàn hạnh phúc chưa, nghĩa là chưa bao giờ phải chíu đau khổ hay đau đớn ? Chắc chắn người đó phải trả lời rằng : mình chưa bao giờ được hạnh phúc hoàn toàn vì còn phải trải qua đau khổ hoặc đau đớn không nhiều thì ít.

 

Truyện : Chưa có hạnh phúc hoàn toàn

         Theo truyện biến ngôn, người ta kể rằng : có một ông vua truyền đúc một cái chuông bằng bạc treo ở gác chuông lau đài nhà vua. Khi nào nghe thấy tiếng chuông vang lên thì biết rằng ngày đó nhà vua được giải thoát khỏi mọi lo lắng, và cảm thấy được hoàn toàn hạnh phúc.  Nhưng cái gì đã xẩy ra ?  Những tháng, những năm cứ tiếp tục trôi qua và người ta không bao giờ nghe thấy tiếng chuông báo hiệu cho biết vua được hoàn toàn hạnh phúc.  Chờ cho đến ngày sau hết của đời vua, người ta mới nghe thấy tiếng chuông ấy vang lên một lần (A. Filchner, audite filii, 1961, tr 176).

 

         2. Cuộc đời với  tiếng cười

 

         Nếu ông K.Mars nói :”Tôn giáo là thuốc phiện cùa nhân dân”, và triết gia vô thần Nietzsche tuyên bố :”Thiên Chúa đã chết rồi”, thì người ta cũng chẳng tin có đời sau, chết là hết và sự chết trở nên phi lý, vô nghĩa ! Do đó, người ta tha hồ sống buông thả, hưởng thụ cho hết mức vì không làm thế thì cũng hoài :

 

                                   Cuộc hành lạc bao nhiêu lãi đấy,

                                   Nếu không chơi thiệt ấy ai bù ?

                                           (Nguyễn Công Trứ)

 

         Những người không có tín ngưỡng coi đời chỉ là hư ảo, chóng qua, người ta chỉ sống cho qua ngày để hưởng thụ, càng nhiều càng tốt để rồi đợi chờ thần chết đến đem đi tất cả.  Họ coi chết là kết thúc cuộc đời, chết là tiêu diệt tất cả , là đi vào ngõ cụt, là đi vào hư vô và tuyệt vọng. Họ coi chết là một thất bại và hoàn toàn vô nghĩa.

 

         Còn nhà triết học Heiddeger thì cho rằng :”Nếu chết là hết thì đời người luôn luôn sống trong lo sợ. Bởi vì biết rằng mình sẽ chết, vậy sẽ trở về cõi hư không, thì tức là đã mang hư vô trong mình rồi. Sống làm gì nữa để mai ngày, rơi vào cõi hư vô” ?

 

         Chúng ta có điểm tựa cho cuộc sống để làm cho cuộc sống có ý nghĩa. Thánh Phaolô khích lệ các tín hữu Côrintô hãy tin vào đời sau :”Nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá hủy đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời không do tay người thế làm ra” (1Cr 5,1).

 

         Ngài còn cho biết thêm :”Ở trong thân xác này là lưu lạc xa Chúa”, và ngài muốn rời bỏ thân xác này để ở bên Chúa (x.1Cr 5,6.8). Và ngài còn quả quyết :”Không phải tất cả chúng ta sẽ chết, nhưng tất cả chúng ta cũng sẽ được biến đổi” (1Cr 15,51).

 

         Chúng ta có một hình ảnh rất đẹp và rất ý nghĩa để hiểu rằng chết không phải là hết, mà chết chỉ là một sự chuyển đổi : từ đời tạm này sang đời vĩnh viễn, từ quê hương lưu đầy sang quê hương hạnh phúc.

 

Truyện : Chết là chuyển đổi

         Đại tá David Marcus bị chết trong trận chiến ở Israel tháng 6 năm 1948. Trong bóp của ông, người ta thấy một tấm thẻ ghi lại những lời thi vị hóa cái chết như sau : “Tôi đang đứng trên bờ biển. Bên cạnh tôi một con tầu đang trương buồm trắng  phất phơ trong gió sớm hướng về đại dương. Con tầu trông thật đẹp và mạnh mẽ. Tôi đứng nhìn theo nó cho đến khi  nó chỉ còn là một dải mây trắng nơi trời và nước hòa lẫn với nhau.

         Lúc đó có người đứng cạnh tôi thốt lên :

         - Kìa ! Con tầu biến mất rồi.

         - Biến đi đâu ?

         - Biến khỏi tầm mắt tôi, thế thôi ! Nó vẫn là cột buồm, là vỏ tầu rộng lớn như lúc nó rời cạnh tôi và cũng vẫn đủ khả năng mang hàng hóa tươi sống đến nơi đã định. Kích thước con tầu chỉ giảm đi trong ánh nhìn của tôi chứ không phải nơi chính nó.

         Và ngay lúc đó tiếng người cạnh tôi vang lên :

         - Kìa ! Nó biến mất rồi !

         Thì lại có nhiều tiếng khác ở chân trời đàng kia vang lên đầy hoan hỉ :

         - Kìa ! Nó đến rồi !

         Và đó chính là lúc chết.

 

         Tục ngữ Việt nam có câu :”Ba tháng trồng cây, một ngày trông quả”.

         Đây là kinh nghiệm của người trồng lúa : trồng trọt bón tưới cây (cây lúa) trong 3 tháng trời, đến khi có bông hạt thì chỉ một ngày là gặt xong. Cũng thế, ngày chết là ngày thu hoạch kết quả của cả một cuộc đời tại thế theo nguyên tắc :”Hữu công tắc thưởng, hữu tội tắc trừng : có công thì được thưởng, có tội thì phải phạt.

 

         Thánh vịnh 125 (126) đem lại cho chúng ta một niềm hy vọng vững bền, một cái nhìn lạc quan, khiến chúng ta cố gắng sống tốt hơn trng cuộc đời này để đời sau sẽ được lĩnh phần thưởng Chúa ban cho :”Người đi trong nước mắt đem hạt giống gieo trên ruộng đồng, người về miệng vui ca tay ôm bó lúa ngào ngạt hương” (Tv 125,6).

.              

         Bạn phải sống thế nào để biến ngày chết mang bầu khí tang tóc trở thành một ngày lễ hội tưng bừng, được rước vào triều đình thiên quốc trong tiếng ca hoan hỉ.

 

          Lời khuyên nhủ của ông Henri Bordeaux dưới đây đáng cho ta suy nghĩ để sống tốt lành thánh thiện hơn : “Con ơi ! Khi con cất tiếng khóc oe oe, thì những người chung quanh mỉm cười sung sướng.  Hãy sống sao cho, một ngày nào đó, con có thể mỉm cười nhắm mắt xuôi tay khi những người chung quanh con rơi lệ”.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt         


Gợi Ý Giảng Lễ An Táng