HÀNH HƯƠNG HY VỌNG

*********

 

I. DU LỊCH VÀ HÀNH HƯƠNG.

 

          1. Du lịch :

                             Ngày nay phương tiện giao thông rất thuận lợi cả đường bộ, đường thủy lẫn đường hàng không.  Việc giao lưu trở nên dễ dàng nên người ta hay tổ chức những cuộc du lịch đến nhiều nước, nhiều miền để tham quan, học hỏi hay giải trí.  Môi trường bị ô nhiễm nhiều  nên người ta cũng thích tổ chức những cuộc du lịch sinh thái, có người thích mạo hiểm muốn tổ chức những cuộc du lịch lữ hành đầy gian khổ.  Có những cuộc hành trình đòi nhiều hy sinh, vất vả nhưng người ta vẫn vui thích vì đạt được mục đích.

 

          2. Hành hương.

                                         Song song với những cuộc du lịch người ta lại tổ chức những cuộc hành hương đến những di tích lịch sử để tham quan, nghiên cứu, học hỏi và cầu nguyện, ví dụ : hành hương về đất tổ Hùng ương tại tỉnh Phú thọ để tham quan, hay hành hương tới Giêruslem, Lộ đức, Fatima hay La vang để cầu nguyện.

          Nói tới hành hương là phải nói tơi đích nghĩa là đi đến đâu, để làm gì. Nơi đến là động lực giúp chúng ta làm một cuộc lữ hành có khi đầy gian khổ.

 

          Ngoài ra, chúng ta đang làm một cuộc hành hương tối hậu về quê trời. Không ai được thờ ơ với cuộc hành hương này vì hiện nay chúng ta là khách lữ hành đang trên đường tiến về quê hương của chúng ta.  Cuộc hành hương này phải được gọi là cuộc HÀNH HƯƠNG HY VỌNG, vì chưa biết ngày nào cuộc hành hương chấm dứt, nhưng chúng ta nắm chắc rằng chúng ta sẽ về tới đích.

 

II. HÀNH HƯƠNG HY VỌNG.

 

          1. Lý do của cuộc hành hương hy vọng.

 

          Triết gia Emmanuel Kant của Đức nói :”Sống trên đời, người ta phải có ba sự hiểu biết :

                                      . Biết cái gì ?

                                      . Muốn cái gì ?

                                      . Phải làm gì ?

          Đứng về phương diện thiêng liêng, chúng ta có thể qui ba sự hiểu biết ấy về ba nhân đức đối thần : tin, cậy, mến.   Ta chỉ nói tới đức cậy : HY VỌNG.  Con người sống trong hy vọng nhiều hơn là thực tế. Thực tế không thỏa mãn được những ước vọng của ta, còn hy vọng vạch ra cho ta một tương lai tốt đẹp, hấp dẫn, ví dụ một học sinh đang phải chăm chỉ học hành, vất vả nhưng hy vọng rằng ít lâu nữa mình sẽ có một mảnh bằng cử nhân, tiến sĩ, sẽ làm ông nọ bà kia... Ai cũng có quyền hy vọng như thế và phải hy vọng.

 

          Con người trên trần gian này luôn sống trong hy vọng vì chưa bao giờ tới đích là hạnh phúc tuyệt đối, chính hy vọng làm cho con người phấn khởi tiến lên như vua Charlemagne V đã từng nói:”Hơn nữa ! Hơn mãi ! Hơn nữa ! Hơn mãi mãi”.  Hy vọng là điểm tựa để ta tiến lên.

          Francois Mauriac nói :”Hy vọng là chiếc neo của cuộc sống. Kẻ khờ dại nào không có nó mà lại dám lên tầu vượt biển trần gian, nơi đầy dẫy bão táp và cuồng phong”.

 

          Vậy điểm tựa của niềm hy vọng chúng ta là gì ?  Đó là Lời Chúa . Những gì Chúa đã nói thì không bao giờ sai và phải được thực hiện :

 

          a) Chúa Giêsu phán :”Lòng anh em đừng xao xuyến ! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha của Thầy có nhiều chỗ ở ; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến, và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi” (Ga 14, 1-4).

 

          b) Thánh Phalô Tông đồ cũng nói để khuyến khích chúng ta :”Chúng ta biết rằng : nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá hủy đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửa ở trên trời, không do tay người thế làm ra. Chúng tôi luôn mạnh dạn, và chúng tôi biết rằng : ở lại trong thân xác này là lưu lạc xa Chúa, vì chúng ta tiến bước nhờ lòng tin chứ không phải được thấy Chúa... Vậy, chúng tôi luôn mạnh dạn, và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa” (2 Cr 5,1.6-8).

 

          2. Thực hành cuộc hành hương hy vọng.

 

          a) Sắp sẵn hành trang :

                                                Người Estonia có câu ngạn ngữ :”Cái chết ở trước mặt người già và sau lưng người trẻ”. Đúng vậy, tuổi già thì hay nghĩ tới sự chết vì thần chết đã tới gần kề.  Nhưng ai bảo người già luôn phải chết trước người trẻ vì không biết bao người trẻ đã phải nằm xuống trước người già trong khi chưa kịp chuẩn bị, nên người ta mới than

:

                                      Lá vàng còn ở trên cây,

                                Lá xanh rụng xuống có hay hỡi trời.

                                                (Ca dao)

 

          Giờ ra đi của mỗi người chúng ta đã được ấn định, không ai lường được vì giờ chết đến như kẻ trộm, chỉ có Chúa mới biết, nên hãy nghe lời Chúa dạy :”Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào” (Mt 25, 13).

 

          Muốn làm một cuộc hành trình thì phải sắm sẵn hành trang. Kẻ lên đường mà không có hành trang là kẻ khùng vì họ sẽ ngã qụy dọc đường, không thể tới đích được. Đức Gioan 23 lâm bệnh lần cuối, không biết vì lý do gì mà các bác sĩ muốn giấu nhẹm sự nguy kịch của cơn bệnh, họ bảo ngài chỉ bị chứng loét bao tử.  Nhưng Đức gioan 23 biết rõ bệnh tình của mình hơn ai hết, vì thế Ngài nói :”Tôi đã dọn sẵn hành trang”.

 

          b) Đón nhận gian nan thử thách.

                                                          Thánh Phalô tông đồ đã nhắc nhở cho chúng ta tưtưởng ấy trong thư gửi cho tín hữu Roma :”Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mạc khải cho chúng ta. Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Người. Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy ; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8,18-21).

          Không cuộc hành trình nào mà không có gian nan thử thách như mưa nắng, bão táp, nguy hiểm. Ra đi là phải chấp nhận những gian khô đó, nhưng có một điều an ủi là : sau quãng đường gian khổ ấy, ta sẽ tới đích.  Những kinh nghiệm hằng ngày đã giúp ta nhìn thấy rõ điều đó. Ví dụ : có nhiều người bị say xe mà muốn đi Sàigòn để dự lễ, để ăn cưới hay gặp lại người thân bao năm xa cách.  Họ biết rằng ngồi trên xe mà bị say xe là một cực hình đối với họ nhưng họ cứ lên xe xuống Sài gòn mặc dầu biết trước rằng cuộc hành trình này đầy gian khổ. Sở dĩ họ chấp nhận gian khổ vì hy vọng là sẽ được dự lễ hay đi ăn cưới.

 

          3. Kết thúc cuộc hành hương hy vọng.

 

          Trong cuộc lữ hành trần gian. ta phải chấp nhận cuộc sống đầy gian nan khốn khó vì “hạt giống có mục nát ra thì mới sinh hoa kết quả”. Chúng ta luôn nuôi hy vọng, mà hy vọng của chúng ta là sẽ về trời, nơi sẽ có “trời mới đất mới”. Nói như vậy thì xem ra viển vông nhưng thực tế vì Chúa đã phán như vậy. Chính hy vọng ấy sẽ làm cho ta hăng hái tiến bước trong cuộc lữ hành trần gian vì “Không có ai ngồi mát ăn bát vàng”.

 

          Hy vọng như thế không có nghĩa là cứ ngồi đó mà chờ đợi. “Trời mới đất mới” đó phải được xây dụng ngay ở trần gian này.  Bởi vì hạnh phúc mai hậu lệ thuộc vào công việc xây dựng của ta ở trần gian này.

 

                             Truyện : Giấc mơ của một bà giầu có.

          Một bà giầu có mơ một giấc mơ mà mọi người chúng ta có thể đã mơ như thế. Bà mơ bà ở trên Thiên đàng. Bà đi quanh một vòng và thấy một biệt thự rộng lớn đang được xây cất.

          Bà hỏi người dẫn đường cho bà :

          - Nhà này xây cho ai thế ?

          Thiên thần dẫn đường trả lời :

          -  Cho người làm vườn nhà bà đó.

          Người đàn bà giầu có đó rất đỗi ngạc nhiên, vì ở trần gian, người làm vườn nhà bà ở trong một túp lều nhỏ xíu, nhỏ đến nỗi không đủ chỗ cho cả gia đình ông ta nữa.

          Thiên thần nói, ở trần gian này, ông làm vườn này có thể ở một căn nhà khá hơn, nếu ông không quảng đại như thế.

          Thiên thần và bà giầu có tiếp tục đi thêm một chút nữa, thấy một túp lều lụp xụp đang dược cất lên.  Bà giầu có hỏi :

          - Nhà lụp xụp này cất cho ai vậy ?

           Thiên thần trả lời :

          - Cho bà đo.

          Bà giầu có trả lời :

          - Nhưng tôi ở một biệt thự rộng lớn kia mà, làm sao tôi có thể quen được với cảnh chui rúc trong một túp lều nhỏ bé thế này ?

          Thiên thần đáp :

          - Thưa, chúng tôi làm hết sức có thể, nhưng chúng tôi chỉ có thể dùng những vật liệu ở dưới đất gửi lên đây cho chúng tôi để xây cất mà thôi.

          Bà giầu có học được một bài học qua giấc mơ ấy và bắt đầu làm những việc thiện, tích trữ kho báu cho chính mình trên Thiên đàng.

                   (W.J. Diamond, Đồng cỏ non, 1968, tr 80-82)

 

          Nhân ngày ra đi của ông X, chúng ta hãy suy nghĩ về đời sống của ta, chúng ta đang trên đường lữ thứ trần gian để về quê trời, chúng ta đã có hành trang gì chưa, chúng ta đã chuẩn bị cho cuộc sống mai hậu chưa ?   Hãy tiếp tục suy niệm lời thư thánh Phaolô tông đồ gửi cho tín hữu Phii-lip-phê :”Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3, 20-21).

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Mục Lục