KHÔNG KỊP TRỞ TAY

+++

 

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA.

 

          Chúng ta đọc : Lc 12,35-38.

 

          Khi ấy Chúa Giêsu phán :“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về và gõ cửa, là mở ngay.  Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em : chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. Nếu canh hai hoặc canh ba chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ”.

 Đó là Lời Chúa.

 

          Ngày xưa, người ta ít nghe thấy từ “đột tử” do đột quỵ mà ra.  Ngày nay cảnh đột tử xẩy ra nhan nhản trước mắt nên người ta hay nói đến bệnh “đột quỵ” vì nó đưa đến đột tử hoặc chết một cách đột ngột không kịp trở tay.

 

          Bài Tin Mừng hôm nay rất thích hợp để chúng ta để phòng, để  biết dọn linh hồn sẵn sàng nếu cảnh đột tử xẩy đến.

 

          Dụ ngôn hôm nay minh hoạ sự tỉnh thức Chúa dành cho người Do Thái trong một hoàn cảnh hơi khác với chúng ta ngày nay, nhưng ý nghĩa rất thích hợp cho chúng ta hôm nay.

 

          Bài Tin Mừng ví chúng ta như một người đầy tớ đang đợi ông chủ đi ăn cưới về không biết sẽ về lúc nào. Tiệc cưới ở Do thái được tổ chức vào ban tối, kéo dài không biết đến bao giờ mới kết thúc, có khi kết thúc ban tối, có khi mãi tới nửa đêm hay muộn hơn nũa.

 

          Người đầy tớ ấy “thắt lưng cho gọn” (tư thế sẵn sàng làm việc), và “thắp đèn cho sẵn” (để khi chủ về thấy lối mà vào, tư thế sẵn sàng phục vụ). Nếu biết rõ lúc nào chủ về thì dễ hơn nhiều, vì chỉ cần chờ gần tới lúc đó mới thắt lưng và thắp đèn.  Nhưng vì không biết chừng nào chủ về nên phải sẵn sàng luôn. Vừa nghe thấy một tín hiệu nhỏ cho biết chủ sắp về tới là mau mắn làm việc và phục vụ ngay.  Như thế tỉnh thức đi kèm với sẵn sàng và nhanh nhạy.

 

          Tỉnh thức để làm gì ? Dụ ngôn nói :”Để đợi chủ về” có ba ý nghĩa :

          1. Đợi chờ ngày Chúa Giêsu lại đến.

          2. Ngày chết của mỗi người.

          3. Những lúc Chúa đến ban ơn cho ta.

 

          Trong cả ba trường hợp ấy, chỉ có ai tỉnh thức sẵn sàng và nhanh nhạy mới gặp được Chúa và được Chúa ban ân thưởng.

 

          Thánh Phêrô giải thích thế nào là tỉnh thức :”Đừng chiều theo những đam mê… sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng thánh đã kêu gọi anh em” (1Pr 1,13-16).

 

          Lời Chúa được ngỏ với con người xuyên qua cuộc sống mỗi ngày, nên cũng luôn mang tính bất ngờ. Chính trong những cái thường nhật, nhỏ bé, độc điệu mỗi ngày, con người được mời gọi để nhận ra lời ngỏ của Chúa. Chính trong những cái bất ngờ của cuộc sống mà con người được mời gọi để nhận ra tiếng Ngài.

 

          Thái độ cơ bản của người Kitô hữu, đó là tỉnh thức. Người Kitô hữu tỉnh thức vì biết rằng mỗi khoảnh khắc đều mang một ý nghĩa đối với một giai đoạn mới hoặc cần thiết cho sự trưởng thành, mỗi biến cố đều mang nặng sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa (Mỗi ngày một tin vui).

 

II. NÓI VỀ BỆNH ĐỘT QUỴ.

 

          1. Đột quỵ là gì ?

 

          Đột quỵ là tình trạng xẩy ra khi việc cung cấp máu cho não bị ngưng hoặc bị hạn chế. Nếu lưu lượng máu lên não bị ngưng lại sẽ gây tổn thương vĩnh viễn cho não, có thể dẫn đến cái chết tức thời cho người bệnh khi trải qua một cơn đột quỵ.

 

          Cái chết có thể đến đột ngột qua tai nạn hoặc căn bệnh đột quỵ (hay còn gọi là tai biến mạch máu não). Hằng năm trên thế giới vẫn có nhiều người phải nhận cái chết đột ngột không được báo trước như thế.

 

          “Đột quỵ” là bệnh cấp cứu rất thường gặp. Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là từ được dùng chung để chỉ sự tổn thương một phần não bộ. Vì não cần được cung cấp óc-xy và đường thường xuyên để có thể hoạt động được nên khi động mạch não bị tắc nghẽn, lượng máu dùng để cung cấp cho vùng não sẽ bị cản trở và một phần não sẽ ngưng hoạt động.

 

          Nếu không được cấp cứu kịp thời thì vùng não này sẽ bị chết và ngưng chức năng vĩnh viễn, gọi là nhồi máu não.  Theo nghiên cứu, thống kê có khoảng hơn 80% các ca đột quỵ  là do nhồi máu não.  Khi bị đột quỵ, người bệnh sẽ rơi vào tình trạng một phần não bị hư hại đột ngột do mất máu nuôi và các tế bão não sẽ bị chết dần đi. Hậu quả dẫn đến thường là  bệnh nhân bị liệt nửa người, hôn mê hoặc tử vong (Theo Internet).

 

          2. Nguyên nhân của bệnh đột quỵ.

 

          Có người đi ngủ bình thường sáng hôm sau không tỉnh dậy được, hoặc một người trông khoẻ mạnh nhưng lại chết đột ngột sau khi ăn xong.  Dân gian gọi những trường hợp này là tử vong do “Trúng gió”.  Nhưng theo y học, những trường hợp đột tử có thể do chứng suy tim  hoặc chứng tai biến mạch máu não.

 

          Nguyên nhân chính xuất phát từ thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh, đó là : các thói quen lạm dụng rượu bia, thuốc lá, thói quen lười vận động và chế độ ăn uống nhiều dầu mỡ. Ngoài ra, huyết áp cao cũng dễ dẫn đến đột quỵ bất cứ lúc nào. Người có tiền sử cao áp huyết sẽ có nguy cơ đột quỵ cao gấp 3 lần so với những người không bị bệnh.

 

          Nói chung, bệnh đột quỵ thường bị gây ra bởi :

 

          - Bệnh tim mạch.

          - Huyết áp cao.

          - Gan nhiễm mỡ.

          - Mỡ máu cao.

 

          3. Đề phòng và chữa bệnh thế nào ?

 

          Tuy đột quỵ rất hiểm nguy nhưng có thể phòng tránh căn bệnh này  ngay từ nguyên nhân gây bệnh của nó. Ngay từ bây giờ nên thay đổi thói quen ăn uống sinh hoạt, tăng cường hoạt động thể lực, tập thể dục, đi bộ… nhằm nâng cao sức khoẻ bản thân.

 

          Ngoài ra, cần giữ cho chỉ số áp huyết được ổn định, thường xuyên đi thăm bác sĩ để kịp thời phát hiện bệnh.

 

          Bên cạnh đó, có thể sử dụng những sản phẩm thảo dược có tác dụng phòng ngừa nguyên nhân đột quỵ như cha ông chúng ta thường nói :”Cơm thì phải có rau, đau thì phải có thuốc”.

 

          4. Những ai dễ mắc bệnh đột quỵ ?

 

          Nói chung, người tuổi càng cao càng dễ bị đột tử. Nam giới dễ bị đột tử hơn nữ giới. Ngoài ra, là các trường hợp người nghiện thuốc lá, hút trên 20 điếu mỗi ngày, người bị tăng huyết áp động mạch, tăng cholesterol máu, người bị béo phì, ít vận động thể lực, người bị căng thẳng thần kinh, stress tâm lý…

 

          Để phòng ngừa, bên cạnh việc phát hiện sớm những triệu chứng gây đau tim hay đột quỵ, mọi người nên bỏ thuốc lá, tăng cường vận động, giảm stress, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ và nên ăn nhiều rau quả…

 

III. ĐỘT QUỴ TRONG ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG.

 

          Theo triết học Đông phương, đã có hình thì có hoại, đã có sinh thì có tử, chỉ khi nào không sinh thì mới không tử. Chúng ta đã sinh ra  thì ắt phải chết, cái chết không kiêng nể ai, cũng không ai có thể chống lại được cái chết.

 

          Chính Thiên Chúa đã phán với tổ tông chúng ta trong sách Sáng thế :”Ngươi là bụi tro và sẽ trở về cùng bụi tro”.  Như vậy chết là một điều chắc chắn chỉ có điều là  giờ chết đến một cách đột ngột không ai ngờ.

 

          Trong cuộc sống hằng ngày, mọi người phải công nhận rằng có bệnh đột quỵ dẫn đến cái chết đột ngột mà ta gọi là đột tử diễn ra hằng ngày trước mắt chúng ta nhất là những năm gần đây.

 

          Còn trong đời sống thiêng liêng, có đột quỵ, đột tử không ? Về phương diện này, chúng ta có thể trả lời rằng có thể có mà cũng có thể không , tùy ở từng người !  Chúng ta phải phân biệt hai trường hợp :

 

          Trường hợp 1 : Thực sự có cái chết đột ngột cho những người không thèm nghĩ tới linh hồn mình, họ chỉ biết sống để mà sống, không biết sống để làm gì.  Họ chỉ biết sống cho qua ngày hay chỉ biết sống để hưởng thụ càng nhiều càng tốt, nên người ta mới nói :

 

                                      Sống bữa nào hay bữa ấy,

                                      Hơi đâu ngồi nghĩ chuyện đâu đâu.

                                                   (Quách Tấn)

 

          Hoặc có người sợ cái già đang theo sau, họ phải sống cuồng sống vội,  phải hưởng thụ cho mau, cho thật nhiều trước giờ chết đến :

 

                                      Người ơi ! Tận hưởng mùi thế tục,

                                      Trước ngày tan nát bãi tha ma.

                                                       (Omar)

 

                                       Truyện :  Đã có dấu báo hiệu.

          Có một người đàn ông nọ qua đời vì chứng nhồi máu cơ tim. Ông phàn nàn với Chúa rằng :

          - Thưa Ngài ! Ngài gọi con về, con không chút oán hận. Nhưng tại sao trước lúc gọi, Ngài không thông báo cho con một tiếng để con chuẩn bị tâm lý và cũng để con bàn giao mọi việc với vợ con và các con của con. Ngài đã khiến con trở tay không kịp.

          Thiên Chúa trìu mến đáp :

          - Ta đã từng viết cho con 3 bức thư, nhắc cho con chuẩn bị ngày về mà !

          Người đàn ông kinh ngạc đáp :

          - Làm gì có. Con chưa hề nhận được lá thư nào.

          Thượng Đế nói :

          - Trong bức thư thứ nhất, Ta để con đau lưng. Trong bức thư thứ hai, ta để con tóc bạc đi. Và bức thư thứ ba, Ta đã khiến cho răng con rụng dần. Tất cả điều đó là tín hiệu nhắc nhở con sắp đến thời hạn quay về đấy (Nguyễn thị Anh Thư, Chút gì với Chúa, 2011, tr 168).

 

          Trường hợp 2 : Đối với những người đã chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng thì không bao giờ có cái chết đột ngột, không có đột tử.  Đối với những người đang chuẩn bị đón nhận người yêu, khi người yêu đến thì làm gì có sự đột ngột ? Nếu một người hằng ngày hằng giờ chờ đợi Chúa đến trong ngày sau hết của đời mình, và khi Chúa đến viếng thăm thì làm gì có sự đột ngột trong sự chờ đợi !

 

          Như vậy, không bao giờ có cái chết đột ngột đối với những người đã được chuẩn bị sẵn sàng. Cái chết chỉ là người bạn thân mà con người đang nóng lòng mong đợi.  Không ai có thể nói “cái chết đến bất ngờ làm cho người ta không kịp trở tay”.  Giờ chết chỉ là chìa khoá vàng mà kẻ đã chuẩn bị nhận lấy để mở cánh cửa vào Nước Trời.

 

                                      Truyện : Chiếc chìa khoá vàng.

          Người ta kể : một hôm thánh Charles Boromée có ý nghĩ nhờ người ta  vẽ một bức ảnh về sự chết tại phòng ngài. Một hoạ sĩ được tuyển chọn đã trình bầy cái chết  dưới hình ảnh một bộ xương dễ sợ, với chiếc liềm trên tay.

          Thánh nhân hỏi :

          - Tại sao lại vẽ bức tranh ghê gớm thế ?

          Người nghệ sĩ trả lời :

          - Thưa, cái chết sẽ gặt hái con người. Chiếc liềm tượng trưng  cho sự tiêu diệt cuộc sống.

          Đức Hồng y đáp lại :

          - Phải, sự chết tiêu diệt sự sống trần gian, nhưng giúp con người mở cửa sự sống trên trời. Đối với một Kitô hữu, sự chết là cửa mở vào thiên đàng. Hãy cho sự chết một chìa khoá vàng, tôi muốn nhìn nó như thế.

 

          Cái nhìn đức tin trên đây, đã giúp Đức Hồng y  được ơn chết bình an và vui vẻ.  Renan nói về các vị thánh :”Tôi không muốn mong ước sống như họ, nhưng tôi ghen tức cái chết của họ” (Charles Lebrun, Vượt qua cõi hồng trần, tr 71-72).

IV. ĐỂ LINH HỒN CÒN KỊP TRỞ TAY.

 

          1. Phải biết phòng xa.

 

          Chết là một điều chắc chắn nhưng chỉ có một điều thắc mắc là khi nào giờ chết đến. Chúa Giêsu đã nói trong bài Tin Mừng hôm nay :”Nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng : vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Lc 12,39-40)..

 

          Văn sĩ Cervantes đã nói một cách dí dỏm khi đưa ra cho chúng ta một hình ảnh mới :”Cái chết là anh thợ gặt không biết ngủ trưa”.

 

          Vì thế, sách Luận ngữ viết :”Nhân vô viễn lự, tắc hữu cận ưu” : người không biết phòng xa, ắt phải gặp buồn gần.

 

          Người không biết lo xa là người thiếu khôn ngoan, chắc chắn họ sẽ gặp thất bại trong cuộc sống. Cổ nhân đã khuyên con người :

 

                                      Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn.

                                      Phải dự trữ lúa thóc phòng khi đói kém,

                                      Tích trữ áo quần phòng khi trời lạnh.

 

          Cuộc sống mai hậu sẽ hoàn toàn lệ thuộc vào đời sống ở trần gian, vì người ta thường nói :”Sống sao chết vậy” hoặc “Sống khôn chết thiêng”. Chỉ có những ai biết sống, biết yêu thương trong đời này nhưng vẫn khát khao sự sống và tình yêu đời đời, chỉ những người đó mới thấy viên mãn của sự sống và tình yêu Thiên Chúa.

 

          2. Hãy sống tốt từng giây phút Chúa ban.

 

          Người ta nói :”Ai biết chết là biết sống”. Sống và chết có liên lạc chặt chẽ với nhau.  Hiểu được tinh thần đó, ông Montaigne đã phát biểu :”Ai dạy cho con người biết cách chết là dạy cho con người biết cách sống; bởi biết cách chết là tự giải thoát được mọi sự kiểm toả ở đời”.

 

          Để chuẩn bị cho ngày ra đi, ta hãy dùng hết mọi giây phút Chúa ban cho, hãy dùng hết mọi giây phút hiện tại, đừng để phi đi một giây phút nào, vì thời giờ là cái vốn Chúa ban cho mọi người  để sinh lời lãi trong đời sống thiêng liêng. Hãy cố gắng sống đời thường một cách phi thường.

 

          Guy de Larigaudie nói rất có lý :”Chúng ta xây dựng đời đời trong mọi hành vi của mình: đó là khả năng kỳ diệu của con người. Chúng ta xây dựng Nước Trời từng mỗi giây phút”.

 

          Cũng trong chiều hướng đó, linh mục Duval phát biểu :”Trời của bạn sẽ được hình thành ngay dưới đất bằng cánh tay của bạn”.  Đối với các tín hữu, với những người đang sống đức tin, trời không là cái gì hoàn toàn mới mẻ, nhưng là sự khai nở, tỏ hiện và thành toàn cái đã có sẵn trong họ.

 

          Mỗi người chúng  ta sẽ chết, không biết chết lúc nào. Nhưng thái độ mỗi người khi chết đều khác nhau. Có người vui vẻ đón nhận giờ chết, coi như thời giờ được đi gặp Chúa trong tình yêu thương và lãnh phần thưởng.  Có người lo sợ trước cái chết vì đây là lúc phải đến gặp Chúa để chịu phán xét và lãnh hình phạt.

          Sở dĩ có sự khác nhau là vì có người đã chuẩn bị sẵn sàng, lại có người lơ là việc linh hồn, không chút chuẩn bị. Chớ gì giờ chết là ngày sinh nhật vui vẻ của chúng ta ở trên trời.

 

                                      Truyện : Trước cái chết gần kề.

          Không đầy 48 tiếng sau khi được biết  mình sắp chết vì  ung thư tụy tạng. Đức Hổng y Joseph Bernadin, 68 tuổi, Tổng Giám mục Chicago, đã cho mọi người biết  trong một cuộc họp báo ngày 30/08/1996 :”Tôi được biết là bệnh tôi đã đến thời kỳ cuối, và tôi chỉ còn sống được không đầy một năm”.

 

          Về Phần mình, Đức Hồng y Bernadin chia sẻ trong cuộc họp báo trên như sau :”Tôi được cho hay là tôi vẫn còn ít nhiều thời gian để hoạt động. Lời nguyện của tôi là  tôi sẽ dùng bất cứ khoảng thời gian còn lại này một cách tích cực, nghĩa là  theo cách thức đem lại lợi ích cho các linh mục và dân chúng mà tôi được kêu gọi để phục vụ, cũng như đem lại lợi ích thiêng liêng cho chính tôi” (Theo Phạm Quốc Hưng, Trong dòng đời, 1997, tr 141).

 

          Qua  gương sáng của Đức Hồng y Bernadin, chúng ta thấy thái độ và phản ứng của Đức Hồng y  trước cái chết gần kề, chính là thái độ  và phản ứng của mỗi Kitô hữu chân chính  phải có khi đối diện với sự chết. Đó là thái độ chấp nhận  với lòng biết ơn và tin, cậy, mến.  Vì thánh Phaolô đã nói :”Đối với tôi, sống chính là Đức Kitô, và chết là một mối lợi lớn” (Phil 1,21), và chết là “được ở cùng Đức Kitô” (Phil 1,23).

 

                                                                             Lm Giuse Đinh lập Liễm

                                                                             Giáo xứ Kim phát

                                                                             Đà lạt

 

         


Gợi Ý Giảng Lễ An Táng