LƯƠNG TÂM

____________________________________________

Ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết (Mt 26,75)

 

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA.

       

        Chúng ta đọc Lời Chúa : Mt 26,69-75.

 

        Trước khi từ giã các môn đệ để đi vào cuộc tử nạn, Chúa Giêsu đã cùng các môn đệ ăn mừng lễ Vượt Qua theo phong tục người Do thái. Bữa tiệc được diễn ra trong bầu khí ấm cúng, thân mật nhưng cũng nhuốm mầu sắc bi  thảm vì Chúa phải từ giã các môn đệ để lại các ông bơ vơ, nhất là trong các môn đệ lại có người sẽ phản nộp Ngài.

 

        Khi hát xong Thánh vịnh kết thúc bữa tiệc, Ngài và các môn đệ ra đi lên núi Oliu. Bấy giờ Chúa Giêsu bất thần nói với các  môn đệ :”Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã. Vì có lời chép : Ta sẽ đánh người chăn, và đàn chiên sẽ tan tác”. Ông Phêrôâ luôn là con người nhiệt tình, ông đã khảng khái nói :”Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã”. Nhưng Chúa Giêsu nói thật với ông :”Thầy bảo thật con : nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì con đã chối Thầy ba lần”.  Ông Phệrô không thể chịu được, ông khảng khái nói :”Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy.

 

        Nhưng rồi, như ta đã biết : cái gì đã xẩy đến cho Phêrô ? Ông là con ngườiøbằng sắt thép hay bằng đá ? Nhưng nước chảy đá mòn, sắt thép sẽ bị nung chảy dưới sức nóng.  Tuy ông là con người nhiệt tình và gan dạ đến mấy đi nữa, nhưng trước cơn thử thách chưa đến nỗi chết mà ông đã chối Chúa đến 3 lần.  Đúng như lời Chúa đã báo trước :”Gà chưa kịp gáy, thì con đã chối Thầy 3 lần”.  Chỉ có một lúc mà ông đã chối Chúa tới 3 lần :”Tôi không biết người ấy”.

 

        Ngay khi ấy gà gáy,  cùng với cái liếc nhìn của Chúa, ánh mắt đã xoáy vào tim ông làm cho ông tỉnh giấc mộng .  Ông đã làm gì, ông đã nói gì ? Ông đã xử sự nhưng thằng điên chăng ?  Đúng thế, ông cảm thấy mình điên mất rồi ! Ông đã hứa với Chúa làm sao ? Bây giờ ông đã phản bội.  Và kết cục, thánh sử Matthêu cho biết : Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết (Mt 26,75).

 

Tại sao ông ra ngoài khóc lóc ? Thưa ông, ông không chịu nổi tiếng nói khiển trách của lương tâm !  Lương tâm ông bị cắt rứt với cái tư tưởng là ông đã phản bội.  Ông cảm thấy đau đớn trong lòng, không chịu nổi được nữa, ông đã ra ngoài khóc lóc thảm thiết !  Tại sao lương tâm đã khiến trách ông ? Vì lương tâm chính là tiếng nói của Thiên Chúa, Chúa bảo ông đã phản bội ! Vậy lương tâm là gì mà có sức mạnh đến thế ?

 

II. NÓI VỀ LƯƠNG TÂM.

 

        1. Lương tâm là gì ?

                . Lương có nghĩa là tốt như lương thiện.

                . Tâm có nghĩa là lòng như tấm lòng vị tha.

        Ta có thể định nghĩa : Lương tâm là lòng lành tự nhiên mà mỗi con người vẫn có (theo Lê văn Đức và Lê ngọc Trụ) hoặc Lương tâm là lẽ phải của con người, là tấm lòng Trời sinh ra sẵn tốt, biết điều nhân nghĩa (theo Bửu Kế).

        Đứng về phương diện tôn giáo, chúng ta có thể nói một cách không sai : Lương tâm chính là tiếng nói của Thiên Chúa. Chúa luôn nhắc nhở ta phải làm lành lánh dữ. Vì thế, Lương tâm là chỉ nam cho mọi hành động của chúng ta.

 

        2. Là tiếng nói sâu thẳm.

 

        Lương tâm là tiếng nói sâu thẳm trong lòng mỗi người, nónói nhỏ nhẹ nhưng rất mãnh liệt : nó khen thưởng ta khi làm điều lành và nó khiển trách ta khi làm điều dữ. Nó có thể làm cho chúng ta vui sướng thoải mái, nó cũng có thể cắn rứt ta, làm cho ta ăn ngủ không yên, có thể làm cho nhiều người phát điên lên được.

 

        Văn hào Chateaubriand của Pháp thế kỷ 19 đã viết về lương tâm con người như sau :”Con sư tử sau khi giết và ăn thịt con mồi có thể nằm lăn ra ngủ, nhưng con người không thể ngủ yên sau khi giết hại một đồng loại của mình”.

 

                             Truyện : Cuộc đối thoại của Lamartine

        Lamartine, một thi sĩ nổi tiếng của Pháp, đã yêu tha thiết Julie. Nhưng ngang trái làm sao, Julie đã có chồng ! Việc có chồng con không thành vấn đề trước ái tình đắm đuối... Thế mà, ta hãy nghe cuộc đối thoại giữa hai tình nhân :

        Lamartine nói với Julie :

        - Không, anh không thể nào xa em được. Em là lẽ sống, là nguồn an ủi duy nhất của anh. Thiếu em, cuộc đời của anh sẽ hoàn toàn thiếu tất cả và không có nghĩa lý gì nữa. Em đừng bảo anh phải làm một điều mà nhất định là anh không thể nào nghe theo em được.

        Julie vẫn lắc đầu :

        - Nhưng chúng ta đã gặp nhau quá muộn rồi ! Em chẳng còn xứng đáng làm một người vợ của anh ! Vả lại, giữa chúng ta vẫn còn có Charles, chúng ta làm sao có thể chung sống cùng nhau ?

        - Thế em không thể nào hy sinh gia đình em được sao ?

        - Rất có thể lắm, nhưng...

        - Nhưng còn lương tâm ta, phải không ?

        - Đúng thế. Nếu anh nói một câu “không cần lương tâm” em sẵn sàng theo anh đến tận cùng trái đất. Anh có thể nói được không ?

        Câu hỏi ác nghiệt ấy khiến Lamartine ngồi chết lặng cả người đi.

        Thật vậy, chưa bao giờ chàng đương đầu với một vấn đề hết sức rắc rối như thế.

        Chàng có thể nào không cần đến lương tâm ?

        Không, dầu sao Trời cũng đã cho chàng có một khối óc biết nghĩ và một tấm lòng biết chuộng lẽ phải. Chàng đã yêu vợ của một kẻ khác là một việc hết sức quấy, chàng không có quyền xúi giục Julie bỏ chồng để sống cùng mình được.

        Julie nói tiếp :

        - Anh hãy nghĩ kỹ lại đi, em là một kẻ nô lệ của anh. Anh bảo em điều gì em sẽ nghe theo điều ấy. Nhưng em chỉ khuyên anh một điều là đừng làm gì trái với lẽ phải, để sau này chúng ta khỏi phải hối hận và gánh lấy sự trừng phạt của lương tâm.

                        (Đỗ bá Ái, Đời đáng sống, in lần 2, tr 105-106)

 

        3. Là ánh mắt vô hình.

 

        Đã khi nào chúng ta cảm thấy dằn vặt, day dứt trong tâm hồn chưa ? Có bao giờ chúng ta cảm thấy sức nặng của một quá khứ đầy hành vi bất chính ám ảnh không ?  Có bao giờ chúng ta trăn trở vì đã đánh mất một cơ hội để làm việc thiện, để thi hành một nghĩa cử tốt đẹp không ?

 

        Rút kinh nghiệm trong cuộc sống, nếu đi sâu vào trong tâm hồn, có lẽ không ai trong chúng ta thoát khỏi cái ánh mắt vô hình đang nhìn xem, đang theo dõi những hành vi trong cuộc sống của chúng ta.

 

        Cái ánh mắt ấy đã được thi sĩ Victor Hugo mô tả trong bài thơ “Lương tâm”. Bài thơ được cảm hứng từ câu chuyện trong Thánh kinh : Cain giết em (x. St 4,1-16) . Theo đó, Cain – tên sát nhân – là anh ruột của Abel, cả hai là con của nguyên tổ Ađam và Evà. Vì ganh tị với em mình là người tốt, Cain lập mưu giết em. Hành động sát nhân ấy là khởi đầu của cuộc chạy trốn không có lối thoát. Cain lên ngàn xuống biển, đào ngạch xuống sâu lòng đất; thế nhưng bất cứ nơi nào, hắn cũng thấy một ánh mắt trừng trừng theo đuổi mình. Ánh mắt ấy nhìn tròng trọc vào Cain với câu hỏi không dứt : em mày đâu ? Như vậy, nhà thi sĩ này muốn gọi Lương tâm là chính CON MẮT của Thiên Chúa.

 

        3. Vừa tiếng nói vừa ánh mắt.

 

        Ánh mắt không ngừng theo đuổi chúng ta, tiếng nói luôn vọng lên trong tâm hồn chúng ta  : ánh mắt ấy, tiếng nói ấy đến từ đâu ?  Phải chăng đó là tàn tích của những nhồi nhét mà tôn giáo, xã hội, giáo dục đã tạo nên trong chúng ta ?  Có lẽ không phải thế. Ánh mắt ấy, tiếng nói ấy dường như đi trước mọi kiến thức, mà chúng ta có thể tiếp thu. Ngay khi chúng ta vừa có trí khôn, ngay khi chúng ta vừa biết lý luận, ánh mắt ấy, tiếng nói ấy đã có sẵn trong tâm hồn chúng ta. Dù cố gắng đến mấy, chúng ta cũng không thể xua đuổi được ánh mắt ấy, tiếng nói ấy vì đấy là tiếng nói của Thiên Chúa  vang vọng trong tâm hồn chúng ta.

 

                                Truyện : Bác sĩ  Bernard Nathelson.

        Vào khoảng thập niên 70, một bác sĩ Mỹ tên là Bernard Nathelson đã thành lập tại New York một trung tâm y tế lành mạnh hoá sinh sản và tính dục. Thực ra, cũng như chương trình có tên là “kế hoạch hóa gia đình”, đàng sau cái tên hoa mỹ ấy là cả một kỹ thuật phá thai dã man. Chỉ trong vòng 19 tháng làm Giám đốc trung tâm này, bác sĩ Nathelson đã tiến hành tới 60.000 vụ phá thai.

        Thế nhưng đến một lúc không chịu nổi tiếng nói của lương tâm, Nathelson đã đóng của trung tâm và tuyên bố  : Tại sao  tôi thay đổi ý kiến. Đó không phải là vì tôi tin vào tôn giáo, bởi lẽ như tôi nhiều lần xác nhận tôi là một người vô thần ; tôi thay đổi ý kiến là một phần dựa trên thực tế, một thực tế không thể chối cãi : một bào thai thực sự là một đời sống cần được bảo vệà. Sự thay đổi ý kiến của tôi một phần nữa dựa trên nguyên tắc riêng của cá nhân tôi :Nếu bạn không muốn bị ai tước đoạt sinh mạng của bạn, bạn cũng đừng tước đoạt sinh mạng của ai”. Tôi đã bị day dứt sâu xa vì cái chết của 60.000 trẻ thơ vô tội mà chắc chắn tôi đã gây ra”.

                        (Wahrheit. Tìm về cõi phúc, tr 23-24

        Lời phát biểu của người tự nhận mình là vô thần trên đây hẳn làm cho chúng ta suy nghĩ. Có tôn giáo hay không có tôn giáo, vô thần hay hữu thần, không ai có thể chối bỏ được rằng tự đáy thẳm tâm hồn mỗi người luôn có một ánh mắt theo dõi từng hành vi của chúng ta. Đó là tiếng nói sâu kín thôi thúc chúng ta làm điều thiện và tránh điều ác, và cũng chính tiếng nói ấy là quan tòa xét xử mọi hành động của chúng ta.

 

III. LƯƠNG TÂM VÀ BÌNH AN.

 

Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ biết mình sắp ra đi chịu nạn chịu chết,  làm cho các ông hoảng sợ. Trong lúc các ông đang hoang mang sợ hãi như thế mà Chúa Giêsu lại nói :”Thầy để lại bình an cho các con”(x. Ga 14,27-31). Như thế, thứ bình an này hẳn là một thứ bình an đặc biệt ?

 

        Bình an mà Chúa Giêsu mang đến không phải là thứ bình an  mà thế gian ban tặng. Bình an của thế gian thường chỉ là đồng nghĩa với an phận, với trốn tránh, với thỏa hiệp. Bình an Chúa mang đến chỉ có thể có được bằng một giá đắt : nó đòi hỏi sự chiến đấu, chấp nhận mất mát, có khi cả mạng sống mình nữa. Bình an ấy chỉ có khi con người có thể thốt lên như thánh Phaolô :”Lương tâm tôi không trách cứ tôi điều gì”.

 

        Thánh Phaolô cho biết khi lương tâm Ngài không trách cứ Ngài điều gì thì Ngài có sự bình an. Lương tâm không trách cứ  được điều gì là một tâm hồn  sạch tội.  Ngược lại, khi lương tâm trách cứ ta điều gì đó là lúc tâm hồn đang mang tội và như vậy là mất sự bình an. Do đó, ta có thể nói :”Tội lỗi chính là nguyên nhân làm cho ta mất sự bình an”.

 

        Người ta nói :”Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu” : lưới trời lồng lộng, sưa mà không lọt.  Không lọt vì lưới ấy giăng ngay từ cõi lòng ta, từ trong linh hồn ta :

        Lưới ấy là lưới : LƯƠNG TÂM.

        Lương tâm biết nói, nói dẻo dai, nói dai dẳng, nói tỉ tê, nói mãi như người ăn mày khó tính cứ xin mãi nói hoài cho đến khi nào người ta cho mới hết nói, mới hết xin.

 

        Thánh Ambrôsiô nói :”Người của Chúa phải là người sạch tội, vì tội và Chúa chống đối nhau. Đâu có Chúa, đấy không có tội và ngược lại”.

 

        Thánh Phaolô nói :”Chúa chính là sự bình an của chúng ta”(Ep 2,14). Vậy thì muốn được sự bình an của Chúa – thứ bình an trong tâm hồn – tất nhiên phải sạch tội.

 

        Cái gì đã phá vỡ đời sống thanh nhàn của các thiên thần?

        Cái gì đã làm cho tổ tông phải khóc ? (St 3,11-12).

        Cái gì đã làm cho Cain phải buồn sầu ? (St 4,13).

        Cái gì đã làm cho loài người phải chìm đắm trong đại hồng thủy ? (St 6,5).

        Cái gì đã làm tháo thứ và khiến lửa bởi trời xuống đốt thành Sôđôma và năm thành kế cận ? (St 19,24).

        Cái gì đã làm cho vua Đavít khóc lóc mất ăn mất ngủ ? (Tv 6,7).

        Cái gì đã làm cho Phêrô đau đớn suốt đời ? (Lc 17,61-62).

        Cái gì đã làm cho Giuđa buồn rầu bứt rứt phải đi thắt cổ ? (Cvsđ 1,18).

        Tất  cả chỉ là TỘI. Hễ đâu có tội ở đấy không có bình an, vì lẽ sự bình an không ưa người có tội (x.Is 48,22 ; 57,21).

 

                                Bắc thang thử hỏi Ông Trời

                        Những người phạm tội có ngồi yên không ?

 

        Họ không thể ngồi yên vì họ đã mất sự bình an. Mất sự bình an tức là mất Chúa vì Chúa chính là sự bình an của họ (x. Ep 2,14).

 

                                Truyện : núi Philatô.

        Khi người ta đi tầu trên hồ “Bốn tổng”, một ngọn núi cao, hình dáng quái lạ đập vào mắt mọi người. Có ai hỏi tên núi đó là núi gì thì có kẻ trả lời rằng :”Đó là núi Philatô”.

        Theo truyện truyền khẩu, sau khi Chúa Giêsu chết, Philatô không được bình yên nữa. Ban đêm hắn bỗng giật mình dậy. Chúa Cứu thế đẫm máu hiện ra trước mặt hắn và bảo hắn :”Philatô, tại sao ngươi để Ta bị xử oan, vô tội” ? Thế rồi không thể chịu nổi sự hiển hiện khủng khiếp, cái người có trái tim hèn nhát kia bèn trốn nhà đi. Hắn đi ra ngoại quốc, nhưng khắp nơi hắn đến, nơi nào Chúa Cứu thế đẫm máu cũng đứng trước mặt hắn.

        Sau cùng, muốn trút hết mọi điều hối hận bứt tứt, hắn nhảy xuống hồ Bốn Tổng. Nhưng cái hồ cũng không nhận hắn bình yên. Một ngọn núi bỗng nổi lên trên xác hắn, thành một cái mồ khủng khiếp. Ngày nay là núi Philatô.

                        (Tihamer Toth, Chúa Cứu thế với thanh niên, tr 317)

 

        Ngày xưa những vua nước Ba tư có thói quen để trong gối 5 vạn ta-lăng vàng (một thứ tiền của nước Ba tư) để cho dễ ngủ.

        Hoàng đế Caligula, để hộ vệ cho mình, có nuôi nhiều thú dữ ngoài cửa để ngăn không cho ai vào khi ngài ngủ.

        Bertmon để một cái vòng trên đầu trong khi ngủ, đề phòng nhỡ trần nhà có rơi xuống thì không bị vỡ đầu.

        Hitler, một tên giết 6 triệu người Do thái, trong một đêm phải chuyển phòng ngủ nhiều lần vì sợ bị giết...

        Nhưng những cái đó thực ra có ích lợi gì ?... Cái gối tốt và êm nhất cho dễ ngủ là lương tâm yên tĩnh.

 

        Có lẽ vì vậy mà người da đỏ gọi lương tâm là một khối 3 góc ở trong tim ta. Khi ta làm gì tốt thì nó nằm yên. Khi ta làm gì xấu, nó quay và đâm các góc nhọn vào ta. Nếu ta cứ làm điều xấu, các góc nhọn của nó mòn dần và không làm ta cảm thấy gì nữa (Weapons and workers).

 

IV. PHẢI HUẤN LUYỆN LƯƠNG TÂM.

 

        Lương tâm là tiếng nói của Thiên Chúa.Tiếng nói của Thiên Chúa luôn thôi thúc ta là điều lành và tránh điều dữ. Nhưng tiếng nói đó rất nhỏ nhẹ, rất êm ái, phải để cho tâm hồn lắng xuống thì mới nghe thấy ; đó là một lương tâm trong sạch và tế nhị.  Nếu để cho tiếng nói ồn ào của dục tình lấn át thì sẽ không nghe thấy tiếng Chúa, đó là những con người chai lỳ trong tội lỗi, họ đã bị ù tai  trước tiếng nói nhỏ nhẹ của Chúa.

        Vậy phải cố gắng huấn luyện lương tâm để con người phải hết sức nhậy bén với tiếng  nói của Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào.  Một khi đã có lương tâm trong sáng và ngay thẳng thì cứ việc sống theo lương tâm của mình vì đó là tiếng nói của Chúa.

 

        Lương tâm phải được giáo dục thường xuyên, phải uốn nắn nó cho nên tốt hơn chứ không thể chống lại được nó, nếu không, sẽ phải rước lấy hậu quả đáng buồn.

 

        Lương tâm có răng và biết cắn, vì người ta hay nói :Lương tâm cắn rứt. Người nào bị rết cắn thường cảm thấy buốt, bị rắn cắn có thể chết trong mấy phút, nhưng nếu bị lương tâm cắn thì... thật khó mà nói cho đúng, bởi vì chưa bác sĩ nào trên thế giới chữa nổi những người bị cắn hoặc biết được sau khi bị cắn cơ thể và tâm hồn nạn nhân có những phản ứng gì.

 

        Những hạng người nào có thể bị lương tâm cắn ? Tại sao phải phân biệt hạng người ? Vì có một điều rất lạ là lương tâm không bạ ai cũng cắn như chó dại, mà trái lại, chỉ cắn những người có lương tâm.

 

        Để dễ hiểu, chúng ta có thể nói : Lương tâm là một con vật có răng mà người nào nuôi nó trong tâm hồn thỉnh thoảng bị nó cắn, nếu bạn vô lương tâm thì khỏi phải lo lắng gì hết, không bao giờ bạn bị cắn, trừ khi bạn điên rồ tìm cho bằng được con lương tâm để nuôi dưỡng nó trong người.

 

                                Truyện : Lương tâm cắn rứt.

        Một tạp chí ngoại quốc có đăng câu chuyện ly kỳ sau đây : Trong một chuyến xe lửa ở Bavìere, cô Emma, 18 tuổi cùng ngồi với bạn bè ở toa sau hết. Emma nói với chị em “Tôi đi ra ngoài chút...” Thế rồi, đến ga mọi người đều xuống, nhưng không thấy Emma đâu cả. Họ đến báo cáo với ông trưởng ga.

        Sau khi đi dọc lại suốt hai tiếng đồng hồ trên đường sắt, các nhân viên hỏa xa đã gặp xác Emma nằm bên lề trên vũng máu. Thân cô bị đâm mấy nhát dao.

        Cảnh sát hỏi cung tất cả hành khách, trong đó có một chàng sinh viên, 24 tuổi, bạn thân của cô Emma.  Chàng ta tái người đi và nói ngượng nghịu rằng không biết gì cả. Cảnh sát cũng tin vì chàng ta vốn là người điềm đạm và thẳng thắn.

        Hai tuần sau, chàng sinh viên xin đi tu ở dòng Biển đức.  Có người bảo chàng ta buồn tình vì đã mất Emma, nhưng kỳ thực vì chàng ta sợ.

        Bốn bức tường của tu viện, chôn chặt cái bí mật huyền ảo của chàng trong hai năm.  Chàng ít nói về đời dĩ vãng, và rồi chàng được chọn vào nhà Tập.

        Chú đệ tử được hai tuần nghỉ để về thăm bà con cha mẹ.

        Ngày đầu tiên “chú” đã đến ngay con đường sắt, nơi mà Emma, hai năm trước, đã nằm sõng sượt trên vũng máu. “Chú” chắp tay cầu nguyện ; và mai lại, từ sáng tinh sương “chú” đã đến quỳ bên nấm mộ Emma.

        Chú thổn thức nghẹn ngào :”Tôi không còn can đảm gánh nổi sức nặng của tội được nữa”. Chú đi tìm cảnh sát và thú tội, mà hồ sơ đã vùi sâu dưới bao lớp hồ sơ khác. “Chính tôi đã đẩy cô Emma xuống tầu, trong phút ghen tức tôi đã nhảy theo và đâm thêm hai nhát dao, rồi tôi chạy đến ga rửa tay đã đẫm máu”.

        Lịch sử nhân loại đầy dẫy những kẻ giết người mà không biết gớm tay. Trong phút say máu và để cho hận thù điều khiển, con người có thể hạ sát người khác cách dễ dàng. Tuy nhiên, ngồi lại một mình, đối diện với toà án lương tâm, làm sao không khỏi ray rứt hối hận

        Tại Việt nam chúng ta cũng không thiếu gì những gương sáng chói của những người biết nghe theo tiếng nói của lương tâm.  Trong vụ án Đào xuân Thu như được báo Tuổi trẻ Chúa nhật 19/11/1995 tường thuật cái lương tâm kỳ lạ cao qúi và mạnh đến mức đã buộc một kẻ sát nhân, sau 17 năm thành công trong việc lẩn trốn mạng lưới pháp luật, cuối cùng đành phải ra đầu thú.  Không có tiếng nói của toà án lương tâm ấy, không có một chút lương tri còn sót lại, thì hẳn Đào xuân Thu đã có thể tiếp tục sống cuộc đời còn lại với vợ con. Hối hận để nhìn ra lầm lỗi của mình, sám hối về hành động sai trái của mình, Đào xuân Thu xứng đáng nêu gương là một  con ngườ có tư cách, nếu không muốn nói là một bậc quân tử.

 

        Xả thân hy sinh cho người khác là một hành động cao thượng, nhưng cao thượng không kém khi con người còn biết để tiếng nói của lương tâm thống trị và điều khiển.

 

        Lời nói của một phạm nhân gửi cho người thân, trước khi lãnh án tử hình đáng cho chúng ta suy nghĩ :”Con đã làm nên tội, thì con phải chịu tội, con sẽ chết vào ngày hôm nay, mong cha mẹ đừng buồn và hãy tha lỗi cho con”.

 

        KẾT LUẬN

 

        Trong ngày phán xét, chúng ta phải ra trình diện trước mặt Chúa để bị tra hỏi về cuộc sống của mình. Không phải Chúa Giêsu trực tiếp phán xét, mà Chúa để cho chính lương tâm phán xét ta. Vì lương tâm là tiếng nói của Chúa nên lương tân cứ cứ theo tội phúc mà xét xử. Sau cuộc xét xủ, chính lương tâm ta tự  quyết định phần thưởng hay lãnh hình phạt, lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục.  Như vậy, Chúa để cho lương tâm trở thành quan án để xét xử và Chúa sẽ chấp nhận án quyết ấy.

 

        Con người có phẩm giá cao cả vì con người có lương tâm. Lương tâm chính là ánh mắt yêu thương của Thiên Chúa không ngừng theo dõi con người để mời gọi thôi thúc con người vươn lên. Thảm trạng đau thương nhất của cá nhân cũng như của xã hội chính là khi tiếng nói của lương tâm bị bóp nghẹt.  Xét cho cùng, thảm trạng ấy cũng đồng nghĩa với loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống. Khi ánh mắt yêu thương của Thiên Chúa không còn nhìn xuyên qua tâm hồn con người nữa, thì đó là lúc con người đang dãy chết.

 

        Giáo hội thường mời gọi con cái mình sám hối. Sám hối là trước tiên biết lắng nghe tiếng nói của lương tâm, là đón nhận cái nhìn yêu thương của Chúa như ánh sáng chiếu dọi và hướng dẫn cuộc sống. Tin mừng đã ghi lại biết bao lần Chúa Giêsu  đã đưa mắt nhìn và hoán cải bao nhiêu người. Ngài đã nhìn một Lêvi đang ngồi ở bàn thu thuế và kêu gọi ông trở thành môn đệ Ngài. Ngài đã nhìn một thủ lãnh của những người thu thuế tên là Zakêu và cho ông nhận ra hành vi sai trái của mình. Ngài đã nhìn Phêrô và ông đã ra ngoài khóc lóc ăn năn vì hành động chối Thầy của mình.  Ánh mắt yêu thương của Chúa Giêsu đã hoán cải biết bao linh hồn trong lịch sử Giáo hội. Ánh mắt ấy cũng đang theo dõi từng người trong chúng ta. Mãi mãi ánh mắt ấy vẫn là ánh  mắt của yêu thương, của cảm thông và tha thứ.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt

       


Mục Lục