CÁI TÔI

_______________________________________________

Bài chia sẻ Mùa Chay 2008

 

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA.

 

          Chúng ta đọc : Pl 2,6-11 ; Mt 26,36-46.

 

          Trong thư gửi cho tín hữu Philipphê, thánh Phaolô chú trọng đến cách sống trong cộng đòan cũng như trong đời sống gia đình. Trong đời sống cộng đòan, Ngài khuyên họ hãy có những đức tính cần thiết như sự đồng tâm nhất trí tránh chia rẽ, sự thông cảm với nhau vui cùng người vui khóc cùng người khóc, sự khiêm nhường, tránh tìm hư danh, tránh tìm tư lợi  nhưng hãy tìm lợi ích cho những người khác.

 

          Ngài đưa ra cho họ một tấm gương sáng ngời để bắt chước hầu mang lại lợi ích cho cộng đòan. Đó là gương của Đức Giêsu.  Ngài khuyên mọi người hãy cố gắng bắt chước điều mà Đức Giêsu đã thực hành :

”Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa

 mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,

 nhưng đã hòan tòan trút bỏ vinh quang

mặc lấy thân nô lệ,

trở nên giống phàm nhân

sống như người trần thế.

Người lại còn hạ mình,

vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,

chết trên cây thập tự (Pl 2, 6-8).

 

          Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa nghĩa là, theo thánh Phaolô, Chúa Kitô được hưởng cách thức tồn tại riêng biệt của Thiên Chúa, nghĩa là có bản tính Thiên Chúa cùng với vinh quang và uy nghi của Ngài, nhưng Ngài đã trút bỏ địa vị của một vì Thiên Chúa, và mặc lấy thân phận của Người Tôi Trung, một người nô lệ, có sứ mạng cứu chuộc.  Đây là một sự tự hiến hòan tòan. Đức Giêsu đã tự hiến “cái tôi” uy quyền của một Thiên Chúa mà mặc lấy “cái tôi” hèn hạ tột cùng của con người.

 

          Trong cuộc thương khó, chúng ta càng thấy Đức Giêsu muốn hủy diệt cái tôi của Ngài để vâng theo thánh ý Chúa Cha. Trong vườn Giệtsimani, Đức Giêsu phải chiến đấu một cách dữ dội : một đàng muốn tìm sự dễ dàng, yên ổn cho mình, một đàng muốn vâng theo thánh ý Chúa Cha. Tư tưởng ấy đã được thánh Matthêu ghi lại, khi Đức Giêsu sấp mặt xuống đất cầu nguyện :”Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý Con, mà xin theo ý Cha”(Mt 26,39).

 

          Trong giờ phút này, Đức Giêsu muốn các tông đồ cùng chia sẻ tâm tình với Ngài trong những giây phút cực kỳ căng thẳng, nhưng chỉ thấy các ông dửng dưng, còn ngủ gà ngủ gật. Ngài lại đi cầu nguyện lần thứ hai và nói :”Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha”(Mt 26,42). Rồi lại đi cầu nguyện lần thứ ba và cũng nói lại một lời đó.

 

          Như trên đã nói, Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa nhưng đã mặc lấy thân phận nô lệ của con người thì Ngài cũng có mọi tâm tình giống như  lòai người. Với tư cách là một con người, Ngài cũng cảm thấy sợ hãi trước cuộc tử nạn, trước cái chết cực kỳ dã man trong lịch sử lòai người. Ngài cũng phải chiến đấu với “Cái Tôi” của mình để vâng theo thánh ý Chúa Cha, chấp nhận lấy cái chết đau thương trên thập giá, nhờ đó nhân lọai được hưởng nhờ ơn cứu chuộc của Ngài.

 

II. TẢN MẠN VỀ CÁI TÔI.

 

          1. Tôi là gì ?

 

          Nếu tôi hỏi bạn là gì, thì bạn sẽ trả lời rằng : Tôi là tôi. Sở dĩ bạn trả lời như thế vì bạn chưa sãn sàng trả lời được câu hỏi đó.  Vậy tôi là chủ thể thứ nhất, có lý trí, có tự do và lãnh trách nhiệm về mọi hành vi của mình. Thực ra, chưa có định nghĩa nào về cái tôi cho xác đáng.

 

          Tu đức học và tâm lý học ngày nay đề cập rất nhiều đến cái “TÔI”. Riêng tôi rất thích lối viết  và tư tưởng của cha Anthony de Mello S.J. trong quyển sách nhan đề “Taking Flight”, ngài dành một chương nói về cái TÔI (The Self) trong đó ngài thu lượm và kể lại những câu truyện khiến tôi phải suy nghĩ nhiều.

 

                                      Truyện : Tôi là cái TÔI của ông.

          Có một ẩn sĩ sống tại vùng sa mạc bên Ai cập. Ngày kia, ông quyết định rời túp lều của mình để đi một nơi khác vì ông không thể chịu nổi những cơn cám dỗ đang hành hạ ông. Đang xỏ đôi xang đan vào chân để chuẩn bị lên đường, bỗng dưng ông nhìn thấy cách ông không xa lắm, một người giống như ông và cũng đang xỏ giầy như ông.

          Vị ẩn sĩ hỏi người lạ :

          - Ông là ai ?

          - Tôi là cái “TÔI” của ông, - người lạ mặt trả lời, rồi tiếp :”Nếu vì tôi mà ông phải rời chốn này, thì tôi báo cho ông biết là  cho dù ông có đi đâu chăng nữa, tôi cũng sẽ theo ông” (Anthony de Mello, Taking Flight, 1988, tr 131-132).

 

          Câu truyện cho chúng ta biết rằng những gì chúng ta ao ước cũng như những gì chúng ta trốn tránh đều nằm trong chính nội tâm của mình.

 

          Tôi nhận thấy rằng có một cuộc chiến trong tôi như thánh Phaolô đã nói :”Những gì tôi muốn làm, tôi không làm, những gì tôi không nên làm, tôi lại làm”(Rm 7,19). Như vậy có cuộc chiến giữa tôi và “TÔI”.

 

          Ông Blaise Pascal đã nói :”Cái tôi đáng ghét” (Le moi est haissable). Tôi không rõ lắm, nhưng có một điều tôi chắc chắn là cái TÔI của tôi rất cứng đầu, khỏe mạnh, sống lâu và nổi bật về hai điểm là vị kỷ và kiêu hãnh. Tôi nghe nói rằng khi người ta chết được 5 phút rồi thì cái tôi mới chết.

          Nhưng Blaise Pascal chưa dừng lại tại đó mà còn đi xa hơn, ông nói :”Cái tôi là đáng ghét, nhưng đó là nói về cái tôi của người khác”. Và ông còn nhấn mạnh thêm :”Mỗi cái tôi là thù địch và muốn làm bạo chúa trên các cái tôi khác”.

 

          Alfred de Vigny nói :”Cái chữ khó nói và khó đặt cho đúng chỗ, chính là cái “TÔI”. Người ta dùng chữ tôi một cách bừa bãi, có thể nói là  ta tự xem mình như cái RỐN của vũ trụ. Tôi có thể nhận thấy dễ dàng sự lạm dụng đó  trong câu chuyện của những kẻ khác. Nhưng, phải chăng tôi có thói quen nhấn mạnh từng câu nói : TÔI… TÔI

 

          Trong quyển “Những vết chân đã mất” của nhà văn Cuba Alejis Carpenter (1904-1980) nêu lên sự khó khăn khi sử dụng chữ TÔI. Còn ông Graham Greene, đại văn hào Anh, đã viết :”Khi tôi viết về ngôi thứ nhất, tôi phải đeo chiếc mặt nạ”. Có lẽ vì thế mà ông Oscar Wilde đã nói :”Kẻ can đảm nhất trong chúng ta  cũng sợ cái tôi của mình”.

 

          2. Cái tôi dễ bị lãng quên.

 

          Nếu suy niệm một đọan Tân ước nói về một người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngọai tình (Ga 8,3-11), ta nhận thấy khi Chúa Giêsu bảo người biệt phái và luật sĩ :”Ai trong các ông không có tội thì ném đá trước đi”… Kết quả : họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi.

 

          Chỉ trước đó vài phút, người ta đang hung hãn tố cáo và đòi ném đá. Và bây giờ, người ta lặng lẽ rút lui. Một sự chuyển biến thật bất ngờ. Và sự chuyển biến ấy phát sinh từ lời mời gọi “Ai trong các ông sạch tội, cứ việc lấy đá ném trước đi” : nghĩa là một lời mời gọi nhìn vào phía bên trong. Chính cái nhìn ấy làm cho kẻ tố cáo  trở thành kẻ bị tố cáo.

 

          Có những cái gần ta nhất mà lại khó thấy nhất : đó chính là bản thân ta. Có những sự thật mà người ta tìm cách trốn chạy nhiều nhất, là sự thật về chính mình. Sự thật ấy chỉ khám phá được do cái nhìn vào phía bên trong.

 

          Nhìn vào phía bên trong  là tự tạo cho mình một khỏang cách nội tâm, để với khỏang cách đó, có thể nhìn lại con người, cuộc sống và họat động của mình. Cái con người và cuộc sống vốn có thể bị ta bao bọc bằng tự ái và mặc cảm nên không thấy rõ.  Cái con người và cuộc sống có thể đã được dư luận xã hội tô son, vã phấn, hay ngược lại, bôi than trát trấu, nhưng chẳng phải là ta .

 

          Phải nhìn vào phía bên trong để khám phá ra sự thật về chính mình. Người Hy lạp đã từng gắn trên cổng đền thờ Delphes câu châm ngôn :”Bạn hãy biết chính mình” và coi sự biết mình, biết cái tôi của mình là khởi điểm của sự khôn ngoan.

 

          Thế nhưng đó là sự thật khó thấy nhất. Thalès de Milet bảo rằng :”Công việc khó khăn nhất là nhận biết chính mình”. Chính những cái gần ta nhất lại là cái khó thấy nhất, như lông mày, lông mi ở trước mắt ta… và về phương diện tâm lý là chính bản thân mình. Vì có quá nhiều lớp vỏ bao bọc cái tôi của ta : lớp vỏ của xã hội, nghề nghiệp, chức quyền, tự ái, tự mãn, mặc cảm… chỉ thấy được nhờ cái nhìn vào phái bên trong. Theo kiểu nói của Đức Hồâng y Fulton Sheen, giống như lớp vỏ của củ hành tây (Cf Thanh Thủy, Con đường tình yêu).

 

          3. Cái tôi thực của ta có nhiều khuyết điểm.

 

a)      Cái tôi kiêu hãnh khoe khoang.

 

          Kinh Thánh Cựu ước còn ghi rõ thiên thần Lucifer và đồng bọn đã kiêu ngạo không vâng phục Thiên Chúa, còn chống lại Ngài  nên phải đẩy xuống hỏa ngục làm quỉ dữ. Adong Evà đã nghe lời phỉnh nịnh của ma quỉ mà đã dám trái lệnh Thiên Chúa, muốn được mở mắt ra mà nhìn được như Thiên Chúa.  Cái tôi của họ đã được đề cao hơn cả Thiên Chúa.

 

          Cái “TÔI” của con người rất phức tạp. Nó ao ước nhiều thứ. Ao uớc được người ta khen ngợi, được đề cao, được danh dự, được trọng dụng. Họ ước muốn những gì thỏai mái, dễ dãi,  và không muốn ai động chạm đến những gì của riêng họ, dù là vật chất hay tinh thần. Cái tôi luôn ao ước được một tiếng khen, nhưng chính những tiếng khen hay tiếng chê sẽ làm cho người ta nhận ngay ra được cái “tôi” của một người.

 

                                      Truyện : giấu đầu hở đuôi.

          Ngày xưa có một nhà bác học. Ông này có biệt tài làm cho con người của mình  biến ra nhiều con người khác, giống đến nỗi không ai có thể phân biệt được ai là người thật, ai là người giả. Một ngày kia ông được tin Thiên thần  sẽ xuống gọi ông về chầu Chúa. Vì chưa sẵn sàng để chết, ông liền chế ra thêm 12 con người khác của ông để Thiên thần không biết đâu mà gọi. Quả thật, Thiên thần không nhận ra ai là người thật và đành tay không về thiên đàng. Sau đó không lâu, vì đã có nhiều kinh nghiệm đương đầu với con người, nên Thiên thần nghĩ ra một kế. Đứng trước 13 con người khác nhau, Thiên thần nói với nhà bác học :

          - Tôi rất khâm phục cái tài chế biến của ông. Tuy nhiên,  tôi thấy còn một chi tiết rất nhỏ cần phải sửa đổi cho hòan chỉnh hơn.

          Vừa nghe xong, con người thật của nhà bác học vội vàng lên tiếng.

          - Đâu ? Tôi không tin, thiếu sót ở chỗ nào ?

          - Ở chỗ này nè.

          Vừa nói, Thiên thần vừa “túm cổ” nhà bác học “thật” để đưa về chầu Chúa.

                   (Anthony de Mello, sđd, tr 136-137).

 

          b) Cái tôi mang bộ mặt giả dối.

 

          Cái tôi không dám khoe cái bộ mặt thật của mình mà mang một bộ mặt giả dối bởi vì con người mình có nhiều nết xấu, không muốn cho ai biết. Do đó, con người chỉ dám khoe bộ mặt của con người ảo chứ không phải của con người thật. Để che đậy cái tôi trần không, nhiều khi quá bỉ ổi đến đớn hèn, người ta thường tạo nên những cái tôi giả tạo, ảo tưởng, vô tội và đáng kính : tôi không như ai, tôi không thế này, tôi không thế nọ… Thật là đẹp.

          Nhưng Chúa Giêsu đã lên án :”Mồ quét vôi trắng, bên trong chứa đầy hôi thối, bọn biệt phái giả hình kiêu căng”(Mt 23,27-29). Thánh hiền Đông phương tặng cho họ biệt hiệu “Hương nguyện”. Còn Thomas Merton gọi là con người hư ảo. Nói khác đi, là cái tôi giả tạo do sự ngộ nhận về bản ngã của mỗi người.

 

          Bề ngòai tỏ ra là một con người tốt lành, như một hiền nhân quân tử nhưng trong lòng là một con người ác hiểm xấu xa, như người ta nói :

 

                                      Khẩu Phật tâm xà.

                             Hay :

                                      Ngòai miệng thì nói Nam mô

                                      Mà lòng thì chứa một bồ dao găm

 

          Nguyễn Du trong truyện Kiều cũng mô tả bộ mặt thật đầy hiểm hóc của Họan Thư bằng một câu thơ :

                                      Bề ngòai thơn thớt nói cười

                                      Mà trong nham hiểm giết người không dao.

 

          c) Cái tôi đầy tự ái.

 

          Cái tôi không dám thẳng thắn nhận những khuyết điểm của mình chỉ vì tự ái. Người ta tìm cách đổ lỗi cho người khác chứ không chịu lỗi mình. Vì thế người ta thường nói :

                                      Đồng đổ cho cốt, cốt đổ cho đồng.

                                                (Tục ngữ)

          Đồng , cốt là những người đàn ông đàn bà làm nghề hầu bóng. Câu này có ý nói  đồng, cốt đổ vấy lẫn cho nhau, không ai chịu nhận lỗi về mình.

 

          Chính vì vậy, sau khi Adong Evà đã ăn quả cấm, Adong bị Chúa hạch hỏi tại sao lại ăn quả cấm, thì ông lại đổ lỗi cho bà đã cám dỗ. Khi Chúa hỏi bà tại sao lại hái quả cấm mà ăn, thì bà cũng trả lời là tại con rắn cám dỗ.  Tất cả tại con rắn chứ không phải tại mình.

          Do đó, người Việt mới sáng tác một màn kịch nhỏ để nói lên tinh thần vô trách nhiệm của mình, chỉ muốn đổ trách nhiệm sang cho người khác, còn mình thì trắng tay :

 

                                      Cái cò, cái vạc, cái nông

                             Sao mày dẫm lúa nhà ông, hỡi cò.

                                      Không, không, tôi đứng trên bờ,

                             Mẹ con cái vạc đổ ngờ cho tôi,

                                      Không tin thì ông đi đôi…

                                             (ca dao)

 

          Mỗi lần đi tham dự Thánh lễ, chúng ta đều nhận thấy mình tội lỗi, xin Chúa thanh tẩy để chúng ta có tâm hồn trong sạch xứng đáng tham dự vào  nhiệm thánh, nên khi đọc kinh Cáo mình, chúng ta đấm ngực ba lần mà kêu lên :”Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”…

 

          d) Cái tôi đầy tham lam và ích kỷ.

 

          Tại sao chúng ta dám khẳng định rằng con người có tính ích kỷ ? Mạnh Tử có cái nhìn lạc quan về bản tính con người nên đã nói :”Nhân chi sơ, tính bản thiện”, nhưng ngược lại, Mạc Tử có cái nhìn bi quan hơn nên đã nói :”Nhân chi sơ, tính bản ác”.

 

          Nhìn vào đứa bé mấy tháng tuổi, chúng ta thấy nó có tính tham lam và ích kỷ : trông thấy cái gì nó cũng đòi, không được thì nó khóc. Phải chăng đứa bé khi còn rất nhỏ đã có tính vị kỷ, muốn coi mình như cái rốn của vũ trụ, mọi cái phải qui hướng về mình hết? Vậy chủ trương của Mạnh Tử và Mặc Tử đúng hay sai, mỗi người chúng ta hãy suy nghĩ và tự kết luận.

                                     

Truyện : Con thỏ và con hổ.

          Thỏ là một con vật tinh ranh. Một hôm bị sa xuống hố mà không thể nào nhảy ra được. Tình cờ có con hổ đi qua. Thỏ tha thiết kêu cứu. Con hổ tỏ ra thương xót, sẽ cứu với điều kiện, khi lên bờ, thỏ phải để cho hổ ăn thịt. Thỏ bằng lòng. Hổ nhảy xuống hố cho thỏ trèo lên lưng rồi nhảy tót lên bờ, chạy một mạch rất xa. Lúc đó, hổ lên bờ mà thấy thỏ đã cao bay xa chạy, liền than :”Anh đã thương em như vậy mà em vô ơn”.

 

          Trong câu chuyện hằng ngày, nếu để ý, chúng ta nhận thấy cái từ ngữ nào được dùng nhiều nhất ? Theo sự nghiên cứu của một số điện thọai viên thì từ ngữ “TÔI” được dùng nhiều nhất.  Nếu nói tiếng Anh thì chữ I dùng nhiều hơn chữ You. Muốn bớt tính vị kỷ đi thì chúng ta phải dùng chữ We . Thay vì I am hay you are thì chỉ dùng chữ we are. Đó là Two in one giống như cà phê uống liền 3 in 1.

 

          Trong đời sống gia đình, muốn cho vợ chồng được hòa thuận thương yêu nhau, mọi người phải cố gắng dùng chữ “chúng ta”. Khi dùng chữ “tôi” thì thấy luôn có chữ “anh” đối nghịch. Bao lâu còn sự đối nghịch thì khó lòng vợ chồng đi đến chỗ đồng thuận. Muốn khai trừ chữ “tôi” ra khỏi gia đình thì phải luôn dùng chữ “chúng ta”.

 

                                      Truyện vui : bộ râu của chúng ta.

          Trong câu chuyện gia đình, chỗ thân mật, người vợ nói với chồng :

          - Sao anh cứ  mở miệng ra là nói cái này của tôi, cái kia của tôi. Chúa đã bảo chúng ta cả hai đã thành một xương một thịt rồi. Từ nay anh đừng nói của tôi nữa, mà phải nói là của “chung ta” nhé.

          Ông chồng nhẹ nhàng đáp :

- Em yêu, từ nay anh sẽ luôn luôn nói là của “chúng ta”.

          Một hôm hai vợ chồng đi ăn cưới. Người vợ đã trang điểm xong xuôi, đứng trước nhà đợi chồng, trong khi chồng còn đang ở trong nhà toilet. Người  vợ sốt ruột hỏi :

          - Đã muộn rồi, anh còn làm gì trong đấy ?

          Người chồng ôn tồn bảo :

          - Anh còn bận cạo “bộ râu của chúng ta”.

 

III. CÁI TÔI VÀ MÙA CHAY.

 

          Con người được rập khuôn theo Đức Kitô không thể phát triển được trong một con người coi cái tôi là quá lớn. Sự phát triển hình ảnh của Thiên Chúa trong ta và sự trương phình bản ngã của ta là hai sự việc luôn luôn tỷ lệ nghịch với nhau. Càng coi cái tôi của mình là quan trọng, càng đặt nặng cái tôi của mình, thì cái tôi ấy càng lấn át tính chất thần linh, và làm cho nó ngày càng yếu ớt, nhỏ bé đi, và đó chính là nguyên nhân của mọi thứ tội lỗi. Trong tiếng Việt, cữ “tôi” được hình thành bởi chữ “tôi” và dấu “nặng” :”tôi nặng tội”. Điều ấy không phải là không có ý nghĩa. Tội lỗi được hình thành từ việc coi cái tôi của mình quá nặng. Và sự thánh thiện thì ngược lại, được hình thành từ việc coi nhẹ hay tự hủy cái tôi của mình đi. Đức Giêsu đã từng nói :”Hạt lúa được gieo vào lòng đất nếu không chết đi, nó vẫn chỉ là hạt lúa, còn nếu chết đi, nó mới sinh nhiều hạt khác” (Ga 12, 24)). Cái tôi có chết đi, thì sự sống thần linh hay Nước Thiên Chúa trong ta  mới phát triển và sinh hoa kết trái (JKN).

 

          Mùa Chay là thời gian thuận tiện để thực hiện chương trình “TÔI ĐI TÌM TÔI”. Xưa nay bạn có thấy mình không ? Có khi nào bạn bắt gặp con người của mình không ? Nghĩa là thấy cái tôi của mình không ? Bạn có dám đối thọai với mình không , bởi vì con người của bạn đáng sợ lắm, đúng như lời một hiền nhân quân tử nói :”Tôi chưa có kinh nghiệm thế nào là lương tâm của một kẻ sát nhân, nhưng tôi đã biết thế nào là lương tâm của một người quân tử : thực là ghê tởm” ! Người quân tử là người dám thành thật với mình, dám nhìn thẳng vào cõi lòng mình, không dối mình, dối người, cũng chẳng dối trời. Đúng là :”Le moi est haissable” !

 

          Bạn đã nhìn ra khuôn mặt thật của bạn chưa ? Bạn thân thiện với nó hay e ngại nó ? Nếu bạn chưa gặp được mình thì trong mùa Chay này, nhất là trong ngày hôm nay,  xin Chúa cho bạn được gặp con người thật của bạn một lần. Mùa Chay là thời gian hủy diệt cái tôi đáng ghét của mình mà đề cao cái tôi của người khác.

 

          Trong mùa Chay này, chúng ta hãy cố gắng thực hiện bà điều Chúa Giêsu đã dạy : đó là ăn chay, cầu nguyện, và bố thí.

 

Trong thông điệp mùa Chay năm nay, chúng ta thấy Đức Giáo  hòang Bênêdictô 16 cũng nhấn mạnh đến vấn đề chia sẻ khi Ngài nói :

 

”Trong mùa Chay, Giáo hội quan tâm đề nghị một số công tác đặc biệt tháp tùng các tín hữu một cách cụ thể trong tiến trình canh tân nội tâm, đó là chay tịnh, cầu nguyện và làm phúc bố thí. Năm nay, qua sứ điệp mùa Chay như thói quen, tôi muốn dừng lại để suy tư về việc làm phúc như một phương thức cụ thể để giúp đỡ những người đang gặp cảnh túng quẫn và đồng thời, đó cũng là một việc thực hành khổ chế để giải thóat chúng ta  khỏi sự quyến luyến của cải trần thế. Hễ những quyến rũ của cải vật chất càng mạnh, thì quyết tâm của chúng ta  càng phải rõ ràng để không coi chúng là thần tượng : Chúa Giêsu đã minh bạch quả quyết :”Các ngươi không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền tài” (Lc 16,13).

 

          Chúng ta phải có tương quan với người khác, đừng bao giờ biến mình thành một ốc đảo. Thomas Merton đã khẳng định :”No man is an Island”. Phải biết sống liên hệ với mọi người vì sống không phải chỉ là sống không không, như sống với ma, mà sống thì phải sống với ai ! Cho nên mọi người phải biết chia sẻ. Chúng ta có thể chia sẻ vật chất cho những người thiếu thốn đang cần sự giúp đỡ của chúng ta : nhường cơm sẻ áo cho người ngheo vì :”Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao : chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ, thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngỏanh mặt làm ngơ trước mặt người anh em cốt nhục”(Is 58,6a-7).

 

          Ngòai ra chúng ta còn phải biết chia sẻ tâm tình với người khác như thánh Phalô đã khuyên bảo tín hữu Rôma :”Vui với người vui, khóc với người khóc”(Rm 12,15). Nếu người ta nói :”Một con ngựa đau, cả tầu chê cỏû”(Tục ngữ), nếu con vật còn biết chia sẻ tình cảm với nhau thì huống chi là con người lại không biết chia sẻ sao ?

 

          Con người thời nay thích sống theo chủ nghĩa cá nhân, thích co cụm trên bản thân mình theo châm ngôn “sống chết mặc bay”. Thánh Phaolô đã dạy chúng ta cách sống trong cộng đòan : phải liên hệ với nhau như sự tương quan giữa các chi thể trong một thân thể.

          Trong Mùa Chay này, chúng ta cố gắng giảm bớt cái tôi của mình đi và chú trong đến cái tôi của người khác. Ông Einstein nói rất có lý :”Cái giá trị thật của một con người là tìm xem trong thể thức nào và theo chiều hướng nào hắn có thể đi đến chỗ tự giải thóat khỏi cái tôi”.

 

          Trong cuộc thương khó, Chúa Giêsu đã nêu một tấm gương tuyệt vời về sự quên mình, đi ra khỏi cái tôi của mình để chỉ lo tìm lợi ích cho cái tôi của người khác, cái tôi của cả nhân lọai :”Lạy Cha, xin cứ theo ý Cha, đừng theo ý Con”(Mt 36-46).

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Mục Lục