CỬA   HẸP

+++

I. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

 

Chúng ta đọc : Lc 13, 22-30.

         

         Không ai trong chúng ta còn lạ gì về cái cửa ? Nhà nào cũng có : từ ngoài vào có cửa ngõ, cửa nhà, cửa buồng, cửa tủ, cửa ngăn kéo. Cửa có đủ các cỡ từ nhỏ đến to. Trong bài Tin Mừng vừa nghe chúng ta thấy Chúa Giêsu đã dùng đến hình ảnh này để nói lên giáo huấn của Chúa : đó là “cửa hẹp”.

         

        1. Phải qua cửa hẹp.

                  

       Trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi ngang qua các thành thị và làng mạc vàø giảng dạy, có kẻ hỏi Người :”Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không” (Lc 13,22) ? Câu hỏi này rất bình thường đối với người Do thái, vì họ tin tưởng rằng chỉ có họ là con cháu Abraham, là dân riêng của Thiên Chúa, thì mới được cứu rỗi, còn những người khác thì không.

         

       Ngoài ra còn một loại người khác như Pharisêu và luật sĩ, họ cho mình là những người đặc biệt, biết giữ luật một cách cặn kẽ không chê vào đâu được, nên đương nhiên họ được  cứu rỗi, còn những người khác thì không.

         

       Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp cho câu hỏi của họ là có hay không mà Ngài chỉ nói :”Hãy chiến đấu để đi qua cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết : có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được” ((Lc 13,24)

         

        Sở dĩ Chúa Giêsu không trả lời có hay không vì nếu nói là có thì người Do thái cứ ỷ y là con cháu Abraham rồi thì đương nhiên là được cứu rỗi, không cần phải làm gì nữa, cứù sống thả giàn không cần giữ luật gì nữa, đàng nào cũng được cứu độ.  Còn những người khác thì cũng thế, họ cho là mình không được cứu độ thì chẳng cần phải giữ luật làm gì, đàng nào cũng sẽ phải hư đi. 

 

         Câu trả lời của Chúa Giêsu  bỏ lửng và mở ra một con đường mới : Muốn vào Nước Trời phải qua cửa hẹp.

 

          2. Thế nào là cửa hẹp ?

                  

           Có lần đi hành hương La vang, chúng tôi có dịp được đi tham quan thành cổ Quảng trị. Chung quanh thành có tường bao bọc kiên cố. Sát chân tường là cái hào sâu, ra vào phải đi qua cái cầu treo bằng gỗ để kéo cầu lên khi có địch tới hoặc không muốn cho ai ra vào. Bốn mặt tường thành chỉ có một cửa ra vào. Cửa này cũng không to lắm. Khi chiều xuống người ta chen chúc nhau ra vào qua cái cửa này. Ai đi một mình và không có đồà đạc gì thì đi lại dễ dàng; còn ai có đồ đạc lỉnh kỉnh, tay xách nách mang thì đi lại khó khăn, phải chen chúc mà đi.

 

            Qua hình ảnh cửa thành cổ Quảng trị, tôi liên tưởng đến cái cửa hẹp mà Chúa Giêsu nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay. Cửa hẹp đây không phải là cái cửa hẹp về diện tích đến nỗi phải khó nhọc lách qua mà đi, mà nó trở nên hẹp vì cái TÔI cồng kềnh, lỉnh kỉnh, chưa bỏ đi được những cái xấu xa của con người tôi để vào Nước Trời. Cái con người cồng kềnh của tôi có biết bao nết xấu, bao nhiêu khuyết điểm cần phải được sửa đổi. Cái con người mập mạp phì nộm của tôi với lòng tự ái cao như núi cần phải được bạt xuống. Con người của tôi phải được trở nên nhẹ nhàng thanh thản mà tiến bước.

 

II. MUỐN VÀO NƯỚC TRỜI.

 

          1. Phải biết chọn lựa.

                  

          Vào Nước Trời hay không là do ta quyết định. Trước khi quyết định phải biết lựa chọn. Có hai con đường cho ta lựa chọn như Chúa Giêsu đã vạch ra :”Hãy qua cửa hẹp mà vào,cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được  lối ấy” (Mt 7,13-14).

 

Truyện : Thần Hercule lưỡng lự.

 

          Truyện thần thoại Hy lạp kể rằng Hercules đứng giữa ngã ba đường phân vân và tự hỏi  không biết phải đi đi về đâu.

             Hai người chỉ đường đến với ông. Một người nói :

          - Hãy theo tôi, đây là con đường thoải mái, hạnh phúc và lối đi dễ dàng.

          Người thứ hai nói :

          - Đây là con đường cố gắng, nỗ lực, khó khăn. Tuy là đường khó khăn, nhưng đưa tới          hạnh phúc.

          Hercules đã chọn con đường khó khăn và quả thực ông khôn ngoan, vì thập giá trước triều  thiên, ăn chay trước khi ăn tiệc. 

.                            (W,J. Diamond, Đồng cỏ non, 1968, tr 69)

 

          2. Phải biết chiến đấu.

 

          Theo lẽ  tự nhiên, ai cũng muốn được vào  Nước Trời mà không cần phải hy sinh, coi Nước Trời như một món quà Thiên Chúa ban cho hết mọi người, ban một cách nhưng không. Nhưng đây là một quan niệm sai lầm vì Nước Trời không phải là món quà tặng cho mỗi người cách nhưng không, mà Nước Trời được coi như phần thưởng cho những ai cố gắng chiếm lấy bằng công khó của mình .Vì thế Chúa Giêsu mới phán :”Không phải tất cả những ai nói với Thầy : Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Thầy ở trên trời, kẻ ấy mới được vào Nước Trời” (Mt 7,21).

 

          Cuộc chiến này hết sức cam go, phải nỗ lực hết lòng hết sức để thi hành ý Chúa như trường hợp Đức Giêsu ở vườn Cây dầu :”Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi Con. Nhưng xin đừng theo ý Con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39).

 

          Trong cuộc đua tài, người ta phải nỗ lực, phải vất vả lắm mới có thể đoạt được giải, mới được lãnh  phần thưởng. Chúng ta đã được chứng kiến những cuộc tranh tài ở thế vận hội hay ở các cúp châu lục. Phần thưởng chỉ được dành cho những người đã nỗ lực luyện tập và dành được chiến thắng qua bao gian khổ.

 

          Người ta thường nói :

                   Không ai ngồi mát ăn bát vàng

          Hoặc :

                    Lúc vất vả, lúc thanh nhàn

                   Không dưng ai bỗng cầm tàn che cho.

 

          3. Chiến đấu với cái tôi.

 

                   Cái tôi đây là cái tôi cồng kềnh của con người cũ đầy những nết xấu mà Blaise Pascal gọi là “Cái tôi đáng ghét”. Thánh Phaolô thổ lộ rằng, trong mình Ngài, hai người cũ và mới xung đột nhau, giằng co nhau, làm cho Ngài phải khổ sở, không hiểu nổi chính mình nữa :

:

                   “Tôi không làm điều tôi ưa thích

                   Trái lại, tôi làm điều gớm ghét.

                   Tôi hớn hở đồng ý với luật của Thiên Chúa

                   Theo con đường bên trong,

                   Nhưng một luật khác nơi chi thể tôi

                   Phản kháng lại với luật của lương tri.   (Rm 7,15,21,23)

         

          Chúa Giêsu phán :”Nếu ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thánh giá hằng ngày mà theo (Mt 16,24; Mc 8,34; Lc 9,23). Muốn từ  bỏ mình làø phải thẳng thắn diệt cái TÔI, không phải cái tôi tốt lành, cái tôi chân thật mà là cái tôi “giả tạo”, lệch lạc. Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta hy hiến cái tôi giả tạo mà chúng ta tạo nên bằng những nhu cầu vô ích và những phù phiếm trẻ con :”Đó là cái tôi, theo thánh Gioan thánh giá nói, của những thèm muốn thúc giục chúng ta trở nên bất hạnh đối với chúng ta, khô khan đối với tha nhân, nặng nhọc và biếng nhác đối với các công việc của Chúa” (A. Sève, Sương mai, tr 209).

 

          4. Cuộc chiến đòi hy sinh.

 

          Có thành công nào mà không phải hy sinh. Nếu không có chiến đấu thì cũng không có chiến thắng.  Muốn thành một con người “linh ư vạn vật”, nhất là muốn thành một  vị thánh thì càng cần phải có nhiều hy sinh chịu đựng trong cuộc chiến.

 

          Người ta kể rằng : Ngày kia, có người muốn xâm hình một con sư tử trên lưng của ông ta. Ông đến tiệm và cho họa sĩ biết ý định của mình. Họa sĩ liền bắt tay vào việc. Nhưng chỉ sau một vài mũi kim châm từ  tay họa sĩ, ông khách đã bắt đầu rên rỉ :

          - Ông định giết tôi hay sao ?  Làm gì mà đau thế ? Ông đang xâm phần nào của con sư tử vậy ?

          Họa sĩ trả lời :

          - Tôi chỉ mới bắt đầu bằng cái đuôi thôi.

          -  Thôi bỏ cái đuôi đi cũng được.

          Họa sĩ tiếp tục vẽ, nhưng chỉ trong giây lát thì ông khách lại kêu la đau đớn :

          - Bây giờ ông xâm phần nào của con sư tử thế ?

          - Tôi đang vẽ cái tai.

          Ông khách khẩn khoản :

          - Thôi bỏ cái tai đi cũng không sao.

          Họa sĩ vẽ tiếp nhưng chỉ được vài phút thì ông khách lại hỏi :

          - Ông đang vẽ đến đâu rồi ?

          Họa sĩ trả lời một cách chán nản :

          - Cái bụng của con sư tử.

          - Thôi đừng vẽ cái bụng nữa, bỏ đi cũng được, đau lắm !

          Nghe vậy, họa sĩ lên tiếng đề nghị :

          - Xâm hình một con sư tử không đuôi, không tai, không bụng thì đâu phải là hình của sư

          tử. Thôi tôi đề nghị ông xâm hình một con kiến trên lưng đi thì sẽ bớt đau nhiều lắm.

                             (Edward Hays, In  Pursuit of the Great White Rabbit)

 

          Không thành công nào trên trần gian này mà không đòi phải hy sinh. Hy sinh là gì và tại sao cần phải hy sinh ? Có phải hy sinh nào cũng đưa đến mất mát ? Phải, mất mát theo sự định nghĩa của người đời, nhưng đối với Thiên Chúa, không có hy sinh, là không có sự sống sung mãn vĩnh cửu.

 

 Hy sinh phải chăng là một sự đổi chác ? Đúng vậy, trên đời này có nhiều thứ dổi chác. Có sự đổi chác ngây ngô như chuyện thằng Bờm đổi lấy nắm xôi. Có thứ đổi chác cao thượng như tình của người mẹ đánh đổi miếng ăn giấc ngủ của mình để cho đứa con  được ăn no mặc ấm. Có thứ đổi chác đầy gian dối giữa những tay  buôn bậc đàn anh, đàn chị.  Có sự đổi chác phiêu lưu được tường thuật trong Phúc âm của một người đã dám bán hết sự nghiệp, gia tài của       mình để tậu cho được thửa ruộng trong đó có chôn giấu viên ngọc  qúy (Mt 13,14).

         

            5. Cuộc chiến trường kỳ.

 

                   Cuộc chiến này là cuộc nội chiến.  Đây không phải là một trận địa chiến mà là một cuộc chiến tranh du kích, mà quân địch ở ngay trong lòng ta. Vì thế, cuộc chiến này là một cuộc chiến trường kỳ và đòi nhiều nỗ lực.  Phải bắt tay vào ngay.

         

          Ông Franklin Roosevelt nói :”Trong đời có một cái tệ hại hơn cả sự thất bại, đó là không dám thực hiện”.

 

          Ông Nguyễn bá Học, một chí sĩ Việt nam cũng nói :

                     “Đường đi khó,

                   không khó vì ngăn sông cách núi,

                   nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông”.

 

          Hoàng đế Napoléon, có kinh nghiệm về cuộc chiến này, đã nói ;

                   Thắng được cả Aâu  châu, còn dễ hơn là thắng được chính mình”.

 

          Ai thắng được chính con người của mình, đó là chiến thắng vĩ đại nhất :

                   Chiến đấu có gian nan,

                     thì chiến thắng mới vinh quang.

                             (Corneille)

          Nói đến văn minh Tây phương, ta không thể nào quên được hai dân tộc Hy lạp và La mã thời cổ , nhất là về phương diện giáo dục thanh niên. Vấn đề này đã được coi như một quốc sách.

Tuy nhiên, ở Hy lạp và La mã, những phương pháp đem ra áp dụng đều khác hẳn nhau. Ngay ở hai đô thị Spartes và Athènes của Hy lạp đã có sự dị biệt rồi.

 

Truyện : Huấn luyện thanh niên

 

          Ở Spartes, vào khoảng năm 750 trước Thiên Chúa giáng sinh, toàn dân chỉ chuyên về việc tập luyện thân thể cho cường tráng để trở nên một quân nhân dũng cảm, triệt để tuân theo kỷ luật, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc.

 

          Khi mới ra đời, đứa trẻ được thầy thuốc khám nghệm để định đoạt số phận : sống hay chết.  Lên 7 tuổi, bắt đầu phải đi chân không, nằm đất, và quanh năm mặc chiếc áo mỏng. Rồi tập đấu võû : đánh, đỡ, tiến , lui đều phải đứng phương pháp, tập bắn cung, ném đá. Khi lớn lên phải ra mắt công chúng để đấu vật. Tập dượt rất công phu, khắc khổ. Có những buổi lễ mà thanh niên phải đứng yên để cho người ta đánh rất đau, đau mà vẫn phải nghiến răng chịu. Ăn uống thanh đạm và có điều dộ.

          Hàng năm có một cuộc duyệt binh lớn, toàn dân từ trẻ đến già đều đến tham dự một cách nồng nhiệt.

          Các vị bô lão đồng thanh ca hát vang trời :

                   Hồi xưa chúng ta là những thanh niên dũng cảm”

          Những người đã đứng tuổi đáp lại :

                   Ngày nay chúng ta cũng thế, chả tin hãy ra đây đấu thử vài keo”

          Rồi đến lượt bọn trẻ cũng hát theo :

                   Còn chúng tôi đâu có chịu thua kém, mai kia sẽ dũng mãnh hơn ai”.

         

          Ở Spartes, con gái cũng được huấn luyện như con trai : tập thể dục, học các ban võ nghệ, rồi học múa, học hát. Phụ nữ có sức khỏe thì con cái mới lành mạnh để phụng sự Tổ quốc.

 

III. CUỘC LỮ HÀNH VÀO NƯỚC TRỜI.

         

          Trong một cuộc hành hương, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 nói cho giới trẻ biết : Hành hương là để cho giới trẻ biết rằng mình còn đang trên cuộc hành hương về quê Trời chưa đến đích đâu. Đúng thế, chúng ta là những khách lữ hành, hãy nhằm đích mà đi, đừng ai thấy những cảnh quyến rũ trên đường mà ở lại. Không khó khăn nào làm ta chùn bước, không quyến rũ nào làm ta quên đích  vì “Chỉ có ai bền đỗ đến cùng mới được rỗi” (Mt 10,22).

 

          Thời nay người ta bị tục hóa về mọi mặt nghĩa là người ta chỉ theo “chủ nghĩa Hưởng thụ”. Người ta không còn niềm tin, không đặt vấn đề tôn giáo làm gì vì tôn giáo chỉ khiến họ bận tâm không cho họ được hưởng mọi lạc thú trên đời theo như đòi hỏi của con người họ.

 

          Ta phải có tinh thần siêu thoát, phải biết từ bỏ tất cả để rồi lại được tất cả :”Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó sẽ trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó  mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24).   Nếu muốn lên trời cũng phải hy sinh mất mát. Mất mát đây không phải là mất luôn, mất một cách vô ích nhưng phải mất đi để lấy lại cũng như phải có Mùa Chay mới có mùa Phục sinh, có chết đi mới sống lại được.

 

          Tục truyền rằng một hôm Lưu-Bá-Ôn đi thăm miễu Khổng Minh. Một ngôi miễu thật cổ kính. Trong miễu có một ngọn đèn dầu gọi là “vạn niên  đăng”, đời đời không bao  giờ tắt. Ngoài miễu có một đôi câu đối, nhưng lại chỉ còn một vế :

         

                             Vạn đại quân sư Gia-cát-Lượng”

 

          Xem qua, họ Lưu có ý tự phụ :”Ta đây cũng đủ tài kinh luân thao lược, thua gì Gia Cát?”.Và lấy bút đối luôn lên một bên :

 

                             Nhất thống sơn hà Lưu-Bá-Ôn”

 

          Rồi nghênh ngang đi vào miễu, ra vẻ đắc chí lắm. Đến trước bàn thờ, họ Lưu chỉ khấu đầu, không chịu lạy. Bỗng chốc ông ta thấy mình mất thăng bằng, rồi bị một sức vô hình kéo ngược lên không. Kinh hãi vô cùng, họ Lưu lấy hết sức bình sinh bám vào mặt đất, vào các đồ vật chung quanh. Nhưng vô hiệu. Họ Lưu bị rút lên thật mạnh cho đến khi dính chặt vào trần miễu.

 

          Không ngờ vì một cử chỉ kiêu hãnh mà bị đức Khổng trừng phạt nặng nề đến thế ! Trong lúc hoảng hồn, họ Lưu nhìn sang tấm hoành phi treo trước mặt , thấy bốn chữ :Giải y nhi thoát”. Họ lưu vội vàng lột áo bỏ đi, và trụt xuống được mặt đất vô sự.  Bây giờ hoàn hồn, mới phục Khổng Minh là bậc thần thánh, cung kính quỳ xuống đất tạ tội.

 

          Thì ra Lưu Bá Ôn mặc áo giáp sắt, mà ngôi miễu Khổng Minh lại xây giựa lưng  sát ngay vào một sườn có đá... nam châm !

         

          Kể ra họ Lưu cũng đáng măt anh hùng. Thời chinh chiến còn gì qúi hơn bộ áo giáp ? Nhưng lúc đó đã thành nguy hiểm, Bá Ôn đã lanh trí lại khôn ngoan, không ngần ngại lột bỏ đi và nhờ đó mới được thoát nạn.

 

          KẾT LUẬN

 

          Người ta nói : đời là một cuộc chiến đấu không ngừng. Đúng vậy, cuộc đời phải chống chọi với biết bao nhiêu khó khăn từ trong đến ngoài. Nhưng cuộc chiến khó khăn và dai dẳng nhất vẫn là cuộc chiến đấu với chính mình, phải thắng mình, không thắng là bại. Cuộc đời được ví như một con thuyền trôi trên dòng nước ngược, phải chèo chống để tiến lên mà không tiến lên được tức là lùi.   Muốn vào Nước  Trời phải cố gắng hết sức như lời Chúa nói :”Nước Trời phải chiếm được bằng sức mạnh” (x. Mt 12,12), bằng sức mạnh của tinh thần và chỉ dành cho những ai cố gắng không ngừng :”Ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu độ” (Mt 10,22; 24,13).

 

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Mục Lục