Thứ ba tuần 3 Mùa Chay

Hãy tha thứ cho nhau

(Mt 18,21-35)

 

          1. Hôm nay Đức Gêsu dạy ta về sự tha thứ. Dụ ngôn về sự tha thứ nhắm tới đời sống cộng đoàn. Quả vậy, trong đời sống chúng ta, vì tính tình xung khắc, nên đã gây ra nhiều điều phiền toái, chia rẽ, đố kỵ, thù oán... Nhưng nhờ sự tha thứ, đời sống chung lấy lại được hòa khí, bình an và hiệp nhất.  Nhưng Đức Giêsu lưu ý chúng ta vài khía cạnh quan trọng :

          -Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ cho chúng ta  cho dù tội chúng ta xúc phạm đến Ngài rất nhiều. Ta không thể đền tội cho đủ nhưng Chúa vẫn tha vì Ngài “động lòng thương”.

          - Nhưng chúng ta củng phải rộng lòng tha thứ cho anh chị em chúng ta. Nếu không thì Chúa sẽ rút lại sự tha thứ của Ngài đối với chúng ta.

          - Ngoài ra hãy khôn ngoan tha lỗi nhỏ cho anh em để Chúa sẽ tha thứ những lỗi lầm lớn của chúng ta đối với Chúa.

         

          2. Tha thứ xem ra không phải là điều tự nhiên đối với con người. Phải trải qua một thời gian lâu dài, nhân loại mới nhận ra được ý nghĩa và sự cần thiết của tha thứ.  Xã hội nguyên thủy không dung tha cho tội phạm của cá nhân.

          Sách Khởi nguyên nói đến sự trừng phạt mạnh hơn 70 lần 7 lỗi phạm của con người. Sang đến sách Xuất hành, người ta thấy có một tiến bộ quan trọng khi luật Maisen đã ra luật “mắt đền mắt, răng đền răng”, ít ra ở đây hình phạt cũng tương xứng với lỗi phạm. Sách Lêvi đi xa hơn, tuy không bắt buộc phải tha thứ, nhưng sách này nói đến tình liên đới giữa anh em với nhau và cấm không được nại đến việc tố tụng để giải quyết những tranh chấp giữa anh em với nhau. Như vậy, ít ra sự tha thứ cũng đã manh nha trong quan hệ ruột thịt (Mỗi ngày một tin vui).

 

          3. Đức Giêsu đã làm một cuộc cách mạng vĩ đại. Cốt lõi giáo huấn của Ngài là tình yêu, mà cao điểm là sự tha thứ. Chính Ngài đã tha thứ cho những kẻ giết Ngài. Vậy tha thứ bao nhiêu lần là tối đa, hay tha thứ bao nhiêu lần là không thể tha thứ được nữa?  Xưa kia ông Phêrô cũng đã băn khoăn như thế và ông cho rằng chỉ tha thứ đến 7 lần là tối đa, vì như thế là đã vượt quá sự khuyến cáo của các luật sĩ đến bốn lần rồi : “Quá tam ba bận”. Nhưng Đức Giêsu bảo ông : Tha thứ thì không có giới hạn, không phải ba lần, bảy lần mà là bảy mươi lần bảy. Chúa không có ý bảo là 490 lần mà có nghĩa là phải tha thứ luôn luôn, phải tha thứ mãi mãi, bao lâu người ta còn xúc phạm đến mình thì còn phải tha thứ.

 

          4. Chính Đức Giêsu đã làm gương sống động của lòng tha thứ khi trên Thập giá Ngài tha thứ cho nhưng kẻ giết hại mình. Vì vậy Đức Giêsu dạy môn đệ phải có lòng vị tha, tha thứ không chỉ quên đi những điều không phải nhưng sẵn sàng tái lập sự giao hòa giữ hai người.

          Hơn nữa, sống tha thứ còn giải thoát chính chúng ta  khỏi những xiềng xích của cảm xúc giận hờn đè nặng, làm cho cuộc sống được thư thái tự do, sức khỏe thăng tiến.  Thiếu tha thứ, đời sống con người bị ảnh hưởng từ cá nhân đến đời sống cộng đồng. Vị tha để sự bình an tâm hồn và thân xác  mỗi cá nhân được  đơm hoa kết trái và chính hoa trái đó làm nên hạt giống gieo hòa bình cho quốc gia và thế giới.

 

          5. Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu dạy cho chúng ta biết : Nợ nần của chúng ta đối với Chúa hết sức lớn lao, đó là tội lỗi chúng ta xúc phạm đến Chúa rất kinh khủng, và tự sức mình  chúng ta không thể nào thanh toán nổi. Trong khi đó món nợ của anh em mắc với chúng ta  chỉ là những lỗi lầm không đáng kể, thế mà chúng ta lại khắt khe với anh em : xin không tha, trả không nhận, rồi bực tức ngày đêm, để lòng hờn giận, tìm dịp báo thù, thật là quá tệ. Kết quả là chúng ta  chẳng được Thiên Chúa tha thứ, vì chính chúng ta đã tự lên án mình, khi chúng ta không tha thứ cho người khác. Chúa cũng chẳng tha cho chúng ta.

          6. Truyện : Gương Bà Coritanbun tha thứ.

          Liền sau thế chiến II chấm dứt, Coritanbun với những vết sẹo trên thân thể, tàn tích của những khổ hình Bà phải chịu trong trại tập trung Đức quốc xã, đã đi khắp Âu châu rao giảng sự tha thứ cho những kẻ đã làm hại mình.

          Thế nhưng vào một Chúa nhật nọ, sau khi kêu gọi người hãy tha thứ cho nhau trong một nhà thờ của thành phố Munich, bước ra ngoài Bà bất ngờ đối diện với một khuôn mặt quen thuộc. Đó là dung mạo của người lính đã hành hạ Bà và hàng ngàn nữ tù nhân khác trong trại tập trung. Những tiếng than khóc, những cảnh tra tấn, rồi những tiếng kêu trả thù  nổi dậy mạnh mẽ trong tâm trí Bà.

          Lúc đó người đàn ông tiến lại khiêm tốn đưa tay ra  vừa muốn bắt tay bà vừa nói :”Thưa Bà, tôi rất cảm ơn những lời tốt đẹp của Bà kêu gọi sự tha thứ. Xin Bà tha thứ cho tôi”. Bà Coritanbun như chết điếng người, vì trước đây Bà đã cầu nguyện và quyết tha thứ thật sự, nhưng giờ đây đối diện với con người cụ thể đã tra tấn mình, bà đứng im lặng, tay không thể nào bắt tay  người đến xin Bà tha thứ.

          Sau này vào năm 1971 khi kể lại biến cố ấy trong tập sách “Nơi ẩn trốn”, Bà đã cho biết “Trong giây phút thinh lặng đó. Tôi đã cố gắng dâng lên Chúa lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa thấy con chưa thể tha thứ cho người đã hành khổ con. Xin Chúa hãy ban cho con những tâm tình của Chúa để con có thể tha thứ như Chúa”. Và chính trong lúc đó Bà đã hiểu rằng con người chỉ có thể tha thư cho nhau khi nhìn nhận tình yêu thương và sự tha thứ của Chúa. (Món quàng Giáng Sinh).

 

                                                                             Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                             Đà Lạt

 


Lm. Đinh Lập Liễm - Chia Sẽ Tin Mừng Ngày Thường