Thứ ba tuần 2 thường niên

Tranh luận về ngày hưu lễ

(Mc 2,23-28)

 

          1. Chúa Giêsu đi ngang đồng lúa với các môn đệ. Các ông đói nên bứt lúa ăn. Nhóm biệt phái thấy vậy thì trách các ông làm việc cấm trong ngày hưu lễ. Chúa hỏi họ : Các ông có biết vua Đavít và bạn hữu vua làm gì khi đói không ? Vua đã vào đền thờ lấy bánh ăn, thứ bánh mà không ai được ăn chỉ trừ các tư tế. Ngày hưu lễ được lập ra vì loài người, chớ không phải loài người được dựng nên vì ngày hưu lễ. Và chính tôi là chủ của ngày hưu lễ. Tôi có quyền trên ngày hưu lễ.

 

          2. Để hiểu luật nghỉ làm việc trong ngày hưu lễ (Sabat) được ghi trong Xh 20,8-11), Linh mục Carolô đã giải thích như sau : Nhóm biệt phái chỉ để ý đến mặt chữ, cho nên họ suy nghĩ nông cạn rằng nghỉ là nghỉ. Thậm chí họ còn đưa thêm đến 39 việc không được làm trong ngày sabat, trong đó có việc mót lúa và bứt vài bông lúa. Bởi đó họ phản đối Chúa Giêsu về việc làm của các môn đệ Ngài.

          Còn Chúa Giêsu thì để ý đến tinh thần của khoản luật ấy, tức là nhằm phục vụ con người. Ngày xưa khi còn ở bên Ai cập, dân Do thái phải làm nô lệ cực nhọc. Bởi đó khi họ ra khỏi Ai cập, Maisen đã ra luật nghỉ ngày Sabat, trước hết là nhằm phục vụ cho chính những người Do thái : họ phải được một ngày nghỉ ngơi; kế đến là vì quan tâm tới những người tôi tớ và nô lệ : trong ngày đó những người chủ Do thái phải để cho các tôi tớ và nô lệ được nghỉ ngơi, đừng tái phạm điều mà người Ai cập trước kia đã phạm đối với họ.

          Theo tinh thần ấy,Chúa Giêsu dám tuyên bố 2 câu “nảy lửa” : a/ Ngày Sabbat được lập ra vì con người chứ không phải con người được tạo nên vì ngày sabbat; b/ Con người (tức là Chúa Giêsu) là chủ của ngày sabbat.

 

          3. Khi muốn hình thành dân Israel, Chúa đã ban cho họ một bộ luật gồm 10 điều răn, nhưng rồi với thời gian, cùng với sự tiép xúc với các nên văn hóa chung quanh, người Do thái đã từ từ hình thành một bộ luật rất chi tiết. Bộ sách Luật ấy người Do thái gọi là Torah. Sách gồm 5 quyển, dầy 250 trang, chứa 613 khoản luật, chia ra 365 khoản cấm và 248 khoản buộc.

          Ngoài bộ luật chính ra, còn rất nhiều khoản khác được thêm vào. Đây không phải là luật mà là những tập tục được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Các tập tục này được truyền lại cho những thế hệ mai sau. Và sau cùng thì người chép lại và đóng lại thành tập gọi là Talmud. Talmud là bộ sách giải thích Luật của Do thái giáo. Bộ sách này được chia thành 2 loại : một là Mishna và hai là Gemara. Bộ sách này có tới 523 quyển (Wim Barclay).

 

          4. Nguyên nhân cuộc xung đột này chỉ là việc các môn đệ ngắt mấy bông lúa khi đi qua cánh đồng lúa. Một sự việc tầm thường không đáng kể.  Luật chỉ cấm gặt và trục lúa thôi, nhưng ở đây các người biệt phái coi đó như việc gặt hái, là một trong những việc cấm trong ngày sabat. Sở dĩ người biệt phái xét nét khắt khe như vậy là cái tính ghen tương nghi ngờ, cái thói hay vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết của người biệt phái, đã gây nên cớ xung đột giữa họ với Chúa Giêsu về việc kiêng việc xác ngày sabat. Tính ghen tương hay soi mói và nghi ngờ thường xẩy ra những xung đột, cãi vã, và chia rẽ nhau trong đời sống cộng đoàn và xã hội.

          Chúa Giêsu lưu ý chúng ta phải hiểu biết ý nghĩa và mục đích của lề luật. Tất cả mọi khoản luật của Giáo hội cũng như trong cộng đoàn đều nhằm giúp ta thêm mến Chúa yêu người.  Giữ những luật đó mà lòng không mến Chúa và yêu người thì vô ích. Dựa vào những khoản luật đó để làm khổ người khác là phản lại luật.

          Maurice Zundel trong quyển “Sự hiện diện khiêm hạ” có viết :”Việc gặp gỡ Thiên Chúa chỉ có thể thực hiện nếu có tình thân với con người, tình thân ấy sẽ biến thành tình trong suốt. Hình thức mục vụ duy nhất có giá trị  là biết cảm xúc trước giá trị con người. Chỉ kẻ biết tôn trọng con người mới làm chứng được cho Thiên Chúa”.

 

          5. Truyện : Luật là để yêu thương.

          Một người thợ xây đang ở trên giàn ráo cao thì bị xẩy chân rớt xuống, chẳng may trúng phải một người đang đi bộ ngang qua phía dưới. Điều oái oăm là  anh thợ chỉ bị xây xát qua loa, còn người khách bộ hành thì bị chấn thương nặng, hôn mê rồi chết khi người ta đưa vào bệnh viện.

          Chiếu theo luật “Mắt đền mắt, răng đền răng” của miền này , gia đình nạn nhân đưa nội vụ ra tòa đòi anh thợ  xây phải đền mạng. Vị quan tòa từ lâu đã thấy cái vô lý trong bộ luật địa phương, nhưng truyền thống và hủ tục xưa rất khó thay đổi. Cuối cùng, để cứu người thợ xây oan ức, ông tuyên bố :

          - Việc gia đình nạn nhân đòi mạng người thợ xây theo truyền thống là chính đáng, nhưng tôi thấy phải nói rõ. Nếu anh ta đã giết người nhà của các ông bằng cách nào, thì các ông cũng phải  giết anh ta bằng cách đó,  nghĩa là một người trong gia đình các ông phải trèo lên giàn ráo, nhảy xuống đúng vào đầu anh thợ xây lúc anh đang đi ở phía dưới.

          Nghe tòa phân xử, bên gia đình kiện cáo bèn vội vàng xin bãi nại. Anh thợ xây được tha bổng. Sau đó, nhận thức được sự tàn nhẫn phi lý và mù quáng của bộ luật địa phương mình, dân chúng trong vùng quyết định loại bỏ hẳn tính cách “mắt đền mắt, răng đền răng” trong quan hệ xử thế giữa con người với nhau.

 

                                                                   Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                   Đà Lạt

 

         


Lm. Đinh Lập Liễm - Chia Sẽ Tin Mừng Ngày Thường