Thứ năm tuần 2 thường niên

Vì sao theo Chúa ?

(Mc 3,7-12)

 

          1. Chúa Giêsu và các môn đệ đi ra bờ biển. Dân chúng từ khắp nơi theo Chúa rất đông, nên Người phải xuống thuyền giảng dạy để khỏi bị chen lấn. Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, nên hết thảy những kẻ đau yếu đều tuốn đến với Người. Còn ma quỉ mỗi khi thấy Người thì sụp lạy và tuyên xưng Ngài là Con Thiên Chúa.. Nhưng Người cấm không cho chúng tiết lộ điều đó để tránh sự dòm ngó của nhà cầm quyền, nhất là vì quần chúng còn hiểu lầm về sứ mạng của Người.

 

          2. Thánh Marcô cho biết danh tiếng Người đã đồn đi khắp nơi nên người ta từ mọi miền, các Thành Do thái cũng như các thành ngoại giáo, không biết là bao nhiêu người.

Nhưng có một điều muốn đặt ra ở đây là “động cơ nào” đã khiến người ta đến với Chúa đông như thế vì người ta chưa thực sự biết Chúa : ma quỉ biết Chúa Giêsu, nhưng chỉ biết trong thù hận; đám đông thì tìm đến với mục đích kiếm lợi; bà con thân thuộc của Ngài chỉ biết một cách hời hợt; những người biệt phái thì hoàn toàn mù tịt về con người của Chúa; chỉ có nhóm Mười Hai về sau này mới biết chính xác về Người.

          Như vậy có nhiều động cơ nhưng theo như cách Chúa hành xử trong bài Tin Mừng hôm nay, có lẽ đa số người ta đến với Chúa vì động cơ vụ lợi và vật chất. Chính vì thế, nên khi ma quỉ muốn làm cho người ta hiểu Chúa Giêsu là một “nguồn lợi vật chất”, thì chính Chúa Giêsu đã phải tìm cách lánh xa và ngăn cấm.

 

          3. Phải công  nhận rằng, trong cuộc sống, việc con người đến với Chúa thường bị chi phối bởi rất nhiều động lực có tính cách trần thế. Tại sao vậy ? Thưa, vì bản tính con người chúng ta vốn ích kỷ. Lòng ích kỷ đã biến chúng ta  thành những người chỉ biết nghĩ đến mình mà không cần biết đến những người khác. Tệ hơn nữa, là nhiều khi chúng ta còn coi Thiên Chúa là một nguồn lợi – các giám mục hai giáo phận Lyon và Saint Étienne bảo : nhiều khi các tín hữu còn biến Thiên Chúa thành một cái kho – để cho chúng ta đến mà khai thác và thủ lợi, hơn là đến để tỏ lòng tôn kính và biết ơn.

 Truyện : Jesus only.      

          Câu chuyện sau đây do mục sư H.A. Ironside kể trong một buổi thuyết trình về Thánh Kinh:  Một nhóm Kitô hữu đang họp trong một ngôi nhà. Trước mặt tiền nhà, họ treo một biểu ngữ với hàng chữ “Jesus only” (chỉ vì Chúa Giêsu mà thôi). Một cơn gió mạnh thổi qua làm mất 3 mẫu tự đầu. Hàng chữ trở thành “Us only” (chỉ vì chúng ta mà thôi).

          Mục sư kết luận : đối với một số Kitô hữu, họ tưởng hàng chữ đầu diễn tả đúng ý hưởng của họ, nhưng thực ra ý hướng của họ là hàng chữ thứ hai (Sunday School Times).

 

          4. “Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai”(Mc 3,18).

          Tại sao Chúa lại cấm ma quỉ tuyên xưng Người là Con Thiên Chúa ? Thưa, không phải tà thần tuyên truyền dùm Ngài, thực ra chúng muốn phá hại hoạt động của Ngài, vì khi làm như thế, chúng khiến dân chúng chỉ để ý tới khía cạnh quyền phép của Ngài và do đó sẽ không chấp nhận khi Ngài cho biết Ngài là Đấng Messia dùng Thập giá để cứu loài người.  Bởi đó việc Ngài “cấm ngặt chúng không được tiết lộ Ngài là ai cũng là một biện pháp ngăn chận quan niệm sai lạc ấy (Lm Carôlô).

 

          5. Các Tông đồ theo Chúa một thời gian, nghe Ngài giảng dạy, chứng kiến phép lạ Chúa làm mà vẫn chưa hiểu rõ Ngài khi Ngài hỏi : “Phần các con, các con bảo Thấy là ai”(Mc 8,29) ? Các ông cũng chỉ trả lời theo dư luận của quần chúng, trừ ông Phêrô được Thiên Chúa mạc khải cho : “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Câu trả lời Ngài chờ đợi các môn đệ và mọi người chắc không phải là một công thức, một lời tuyên xưng trên môi miệng, nhưng là tất cả cuộc sống. Sự hiểu biết Chúa Giêsu chờ đợi nơi mọi người chúng ta không phải là một hiểu biết thuần trí thức, mà phải là một tương giao mật thiết.

 

          6. Truyện : Bệ hạ là tất cả của thần.

          Ferdowsi (925-1020) thi sĩ người Ba tư, kể câu chuyện : Một quốc vương nọ phải đi qua sa mạc để đến một ốc đảo. Cùng đi với ông là cả triều đình. Họ mang theo vô số vàng bạc của cải. Dọc đường, một con lạc đà bỗng ngã quị. Từ trên lưng nó, một dòng thác vàng bạc châu báu chảy xuống cát. Người ta thấy được tức khắc sự tham muốn bừng lên trong mắt những người theo hộ giá nhà vua. Bằng một cử chỉ vương giả, quốc vương nói với những người tùy tùng :

          - Các khanh hãy tự do nhặt lấy những thứ đó. Trẫm tặng cho các khanh tất cả. Các khanh cũng được tự do đi tiếp với trẫm hoặc lựa chọn con đường khác quay về.

          Nói xong, ông tiếp tục lên đường không một chút do dự. Ông nghĩ, tất cả sẽ dừng lại để nhặt cho đến viên kim cương cuối cùng.

          Đang đi ông bỗng nghe thấy có tiếng chân theo sau mình. Ông quay lại và nhận ra đó là người hầu cận được tiếng là trung thành nhất của ông. Ông âu yếm nhìn anh và nói :

          - Sao nhà ngươi không ở lại nhặt vàng bạc trẫm đã ban tặng ? Ngươi không biết rằng, với số vàng bạc ấy ngươi sẽ trở nên giầu sang không ?

          Người hầu cận trung thành trả lời :

          - Tâu bệ hạ, ngài là vua. Đối với hạ thần, bệ hạ là kho tàng quí giá nhất. Bệ hạ là tất cả của thần.

 

          Vâng, Giêsu cũng là Đấng quí giá nhất cho mỗi người chúng ta. Chúa phải là tất cả cho mỗi người chúng ta.

 

                                                                   Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                   Đà Lạt


Lm. Đinh Lập Liễm - Chia Sẽ Tin Mừng Ngày Thường