Thứ sáu tuần 8 thường niên

Dụ ngôn cây vả chết khô

(Mc 11,11-26)

 

          1. Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Marcô ghi lại cách tóm tắt nhiều sự kiện và lời dạy của Đức Giêsu : Ngài nguyền rủa cây vả không sinh trái, xua đuổi quân buôn bán ra khỏi đền thờ giáo huấn về sức mạnh của niềm tin, giá trị của lời cầu nguyện và lời mời gọi sống tha thứ để được  tha thứ.  Chúng ta chú trong tới hai vấn đề là dụ ngôn cây vả và việc thanh tẩy đền thờ.

 

          2. Bài Tin Mừng kể lại hai câu chuyện có liên hệ với nhau và giải thích cho nhau. Đó là câu chuyện cây vả bị chúc dữ chết khô và câu chuyện xua đuổi những người buôn bán ở Đền thờ.

          Tại sao Đức Giêsu lại chúc dữ cây vả làm nó chết khô như vậy ?  Một lời chúc dữ thật kỳ lạ. Đối với Đức Giêsu, nếu chỉ nhằm thỏa mãn cơn đói, thì việc làm trên  xem ra là cách phản ứng của một kẻ mất trí bất bình thường : nổi giận với một cây vào không thể sinh hoa trái.

          Đức Giêsu muốn làm một việc bí ẩn, được giải thích bởi câu chuyện xua đuổi những người buôn bán  ở đền thờ liền sau đó. Nghĩa là Đức Giêsu không nhắm tới cây vả, nhưng là Đền thờ. Bởi vì Đền thờ đã không đáp lại sự trông chờ của Thiên Chúa, nó biến thành cái chợ, thành hang trộm cướp, nó khơi dậy sự phẫn nộ của Thiên Chúa và nó sẽ bị tàn phá. Như vậy, cây vả bị chúc dữ và chết khô là hình ảnh của đền thờ Giêrusalem sẽ bị tàn phá bình địa sau này (Phạm Văn Phượng, OP, Chia sẻ TM hằng ngày, tập 1, tr 81).

 

          3. Để hiểu rõ hơn, cây vả và đền thờ là hai biểu tượng có liên hệ mật thiết với nhau. Chúng nói lên thực trạng đạo đức lúc bấy giờ của một dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn.

          Dân Do thái là dân được Thiên Chúa tuyển chọn để đón chờ Lời hứa Cứu Thế, nhưng  sau bao nhiêu phép lạ Chúa làm, bao nhiêu những hồng ân Chúa trao, tới lúc này lòng dạ của họ vẫn chẳng có gì thay đổi. Họ chẳng khác gì một cây vả bên ngoài rất xanh tươi nhưng bên trong nó không còn khả năng sinh hoa kết trái. Cây vả không hoàn thành được nhiệm vụ của nó. Nó đáng nhận hình phạt bị chết khô.

          Đền thờ cũng vậy. Chức năng của Đền thờ là giúp người ta  được gần gũi Chúa qua lời cầu nguyện, qua việc tạ ơn, qua việc tiếp xúc với Chúa. Nhưng Đền thờ đã không còn giữ được chức năng đó nữa. Đức Giêsu đã thanh tẩy Đền thờ với ước mong để trả lại cho Đền thờ những chức năng phải có. Nhưng rồi công việc của Chúa cũng chẳng thành công. Và cuối cùng Đền thờ đã bị tàn phá vào năm 70.

          Các nhà chú giải Kinh thánh coi đây là những hình ảnh Chúa muốn dùng để “thức tỉnh” chúng ta. Người Kitô hữu chúng ta cũng vậy, nếu không cộng tác với ơn Chúa, để làm trổ sinh những hoa trái của đức tin và nếu cứ sống mải trong cảnh tội lỗi như Đền thợ bị tục hóa, thì rồi cũng sẽ phải chung số phận như vậy.

 

          4. Chính vì không muốn để con người biến Đền thờ Thiên Chúa thành hang trộm cướp mà Đức Giêsu đã tẩy uế Đền thờ. Ngài đuổi những kẻ buôn bán, lật bàn của những kẻ đổi tiền và xô ghế của những người bán bồ câu. Ngài bảo :”Nhà Ta được gọi là nhà cầu nguyện của các dân tộc, thế mà các ngươi đã biến thành hang trộm cướp”.

          Thật thế, nhờ Bí tích Rửa tội, tâm hồn người tín hữu đã trở thành Đền thờ nơi Thiên Chúa ngự trị. Nhưng thay vì ý thức sự hiện diện sống động của Thiên Chúa trong tâm hồn để sống thân tình với Ngài, chúng ta lại đưa vào đó biết bao chuyện gian tham, lừa lọc, trộm cắp, mưu mô, hận thù, ghen ghét. Đức Giêsu có lý để khiển trách chúng ta, như Ngài đã phẫn nộ với những kẻ buôn bán trong Đền thờ ngày xưa.

 

          5. Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng lưu ý chúng ta phải tôn trọng nhà thờ là nơi tôn nghiêm, quy tụ các tín hữu, cử hành Phụng vụ Lời chúa và phụng vụ Thánh Thể, mọi người có chung một niềm tin, một lời cầu tôn vinh Thiên Chúa. Nhà thờ chính là Hội thánh thu nhỏ, không phải là ngôi nhà kín lũy cao, trái lại phải mở rộng để đón tiếp mọi người, không phân biệt mầu da sắc tộc, ngôn ngữ, tốt xấu, miễn là có thành tâm đến để gặp gỡ Thiên Chúa.

 

          6. Truyện : Tâm sự của ông Mahatma Gandhi.

          Mahatma Gandhi, vị thánh của dân tộc Ấn độ,  trong nhật ký tự thuật của mình, ông kể lại rằng: khi còn theo học ở Nam phi, ông rất thích và say mê đọc Kinh Thánh, đặc biệt là “Bài giảng trên núi”.

          Ông xác tín rằng Kitô giáo chính là đạo để giải đáp cho hệ thống đẳng cấp đã gây thương tổn cho đất nước Ấn độ của ông từ bao thế kỷ. Ông thực sự nuôi ý định trở thành Kitô hữu.

          Ngày kia, ông vào nhà thờ để dự lễ và nghe giảng. Người ta chặn ông lại ở cửa nhà thờ và nhẹ nhàng cho ông hay rằng: nếu ông muốn dự lễ, xin mời ông đến một nhà thờ  dành riêng cho người da đen.

          Ông đã ra đi và không bao giờ trở lại nhà thờ nữa.

 

                                                                             Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                             Đà Lạt

 

 

 

 

 


Lm. Đinh Lập Liễm - Chia Sẽ Tin Mừng Ngày Thường