Thứ năm tuần 10 thường niên

Đức công chính của ngươi môn đệ

(Mt 5,20-26)

 

          1. Hôm nay Chúa Giêsu đề ra lý tưởng sống cho người môn đệ : Phải công chính hơn những người biệt phái và luật sĩ.  Công chính của người biệt phái  là lo giữ luật cách chín chắn  không sơ sót chút nào cả, nhưng họ giữ luật một cách máy móc không chút tâm tình. Còn sự công chính của các môn đệ Chúa là giữ mọi khoản luật với tâm tình yêu thương, thương người như anh em và thương Chúa như Cha mình.

 

          2. Tại sao Chúa Giêsu đòi các môn đệ Ngài phải công chính hơn người biệt phái ?

          Thưa bởi vì, theo họ, thánh thiện là chu toàn cách chi li và máy móc những luật lệ đã được qui định mà không màng đến linh hồn của lề luật là lòng bác ái; họ có thể trung thành tuyệt đối với những qui luật về ăn chay và cầu nguyện, nhưng lại sẵn sàng khước từ và loại bỏ tha nhân.

          Đả phá quan niệm và cách thực hành của những người biệt phái và luật sĩ, Chúa Giêsu đưa bác ái vào trọng tâm của lề luật; hay đúng hơn, Ngài tóm lại tất cả lề luật  thành một luật duy nhất, đó là lòng bác ái. Ai muốn làm môn đệ Ngài, người đó phải vượt qua quan niệm và cách thực hành đạo của những người biệt phái, nghĩa là cần phải lấy bác ái làm linh hồn và động lực cho toàn cuộc sống :”Nếu các con không ăn ở công chính hơn những biệt phái và luật sĩ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”.

 

          3. Không dùng gươm giáo hay bất cứ vũ khí hoặc phương tiện nào để đổ máu, kết liễu mạng sống người khác, làm như thế, những người luật sĩ và biệt phái cho rằng đã là tuân thủ đúng luật Maisen là “Chớ giết người”. Không sai ! Nhưng Chúa Giêsu muốn các môn đệ Ngài phải công chính  hơn thế  khi Ngài dạy giữ luật ngay từ ý hướng bên trong vì đó là căn cội dẫn đến hành vi biểu hiện bên ngoài : có loại trừ được lòng giận ghét thì mới không mắng chửi người khác, và như thế mới loại trừ được một động cơ quan trọng dẫn đến tội sát nhân. Giận dữ, mắng chửi đã là giết người trong tư tưởng rồi. Đàng khác, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm người khác còn gây ra đau khổ nặng nề hơn cả việc làm hại đến  thân thể tha nhân (5 phút Lời Chúa).

 

          4. “Chớ giết người”, chúng ta phải hiểu thế nào ?

          Luật Maisen qui định kẻ giết người phải bị đem ra tòa xử, và tùy nghi luật lấy lại sự công bằng đúng sai xét về mặt xã hội và được áp dụng mắt đền mắt răng đền răng khi phạm nhân đã hành động sai.

          Sự kiện toàn của luật Tin Mừng không chỉ dừng lại ở hành động cụ thể tay chân mới là tội, và ngay cả việc giận hờn mắng nhiếc nhau đã xứng bị đem ra hội đồng và đáng phải sa hỏa ngục rồi. Thật vậy, giết nhau không chỉ dừng lại ở thể xác, nhưng bằng lời lẽ và hiến kế thâm độc còn đáng sợ hơn biết chừng nào...

          Sự kiện toàn không chỉ dừng lại ở tính tương quan con người, mà là thành tương quan đối với Thiên Chúa, xúc phạm đến nhau tức là xúc phạm đến Thiên Chúa và xứng đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt.

 

          5. “Vậy nếu khi anh em sắp dâng lễ vật”.

          Việc bất bình ở đây hiểu thế nào ?

          - Có thể xẩy ra trường hợp một người thù ghét chúng ta mà không vì lỗi chúng ta. Đó không phải là vấn đề ở đây. Chính Chúa Giêsu cũng đã có những kẻ thù hung dữ, tàn bạo, tuy Ngài không hề có lỗi gì với họ. Vậy đừng lo lắng khi mình khám phá ra chung quanh mình có người nào đó cư xử với chúng ta  như là có điều gì bất bình với chúng ta , mặc dầu chúng ta không làm điều gì phiền lòng họ. Trong trường hợp này, nếu chúng ta có thể đi bước đầu dàn xếp sự việc thì càng tốt, nếu không thể làm điều đó, hãy giao phó sự việc cho Chúa.

          Nhưng điều Chúa Giêsu đòi hỏi là : để đến gần Chúa, chúng ta không được là nguyên nhân phát sinh bất công hay thiếu bác ái làm đau lòng người anh em. Điều này Chúa muốn dạy chúng ta.

          - Nếu có bất hòa xẩy ra, thì phải mau chóng đi làm hòa ngay. Sự làm hòa này cần kíp và cấp bách như một điều kiện cần phải làm trước khi làm việc phụng thờ Thiên Chúa.

          - Không những không được thù oán, gây bất hòa với ai, mà còn không được là đối tượng cho lòng thù oán mà chúng ta có thể gây ra cho kẻ khác.

          - Ngay ở đời này, chúng ta phải cố hòa giải với Chúa  bằng cách sống hòa thuận với nhau, chớ đợi đến đời sau, kẻo sẽ gặp án phạt rất nghiêm ngặt vì đời này là chỗ tha thứ, đời sau là nơi thưởng phạt.

(Trần Hữu Thành).

 

          6. Truyện : Hòa giải trước vị thần.

          Một trong những đền thờ cổ  nói lên tinh thần của người Rôma xưa, đó là đền thờ dâng kính nữ thần có sứ mệnh hòa giải loài người với nhau, nhất là những đôi vợ chồng bất hòa.

          Người Rôma xưa coi định chế hôn nhân là điều quan trọng trong sinh hoạt chính trị, xã hội; do đó, họ rất quan tâm đến việc bảo toàn gia đình. Khi hai vợ chồng bất hòa và như vậy có thể nguy hại cho đời sống gia đình, người ta khuyên họ đến trình diện nữ thần hòa giải.

          Nghi thức diễn ra trước nữ thần rất đơn sơ : mỗi người có thể trình bầy lý lẽ, phơi bầy những bất công mà mình phải gánh chịu trong đời sống gia đình. Nghi thức đòi hỏi hai người không được nói một lúc, hễ ai ngắt lời người kia hoặc cả hai cùng nói một lúc thì điều đó bị coi như phạm thánh.

          Nghi thức này có thể mang đến  những kết quả phi thường : sau khi trình bầy lý lẽ, rủa xả thậm tệ người phối ngẫu, bác bỏ mọi lời buộc tội,  hai vợ chồng thường làm hòa với nhau trước mặt vị thần.

 

                                                                             Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                             Đà Lạt


Lm. Đinh Lập Liễm - Chia Sẽ Tin Mừng Ngày Thường