Thứ tư tuần 22 thường niên

Hành động và cầu nguyện

(Lc 4,38-44)

 

          1. Thánh Luca tiếp tục tường thuật một ngày hoạt động bận rộn của Chúa Giêsu : sau khi giảng và chữa một người bị quỉ ám trong hội đường, Ngài đến nhà nhạc mẫu của Simon Phêrô và chữa bệnh sốt cho bà. Chiều đến, người ta vẫn còn mang tới rất nhiều bệnh nhân. Chúa Giêsu “đặt tay trên từng bệnh nhân” và cứu chữa họ. Sáng hôm sau dân chúng lại tìm Ngài. Nhưng Ngài đành phải ra đi vì “còn phải rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho những thành khác”.

 

          2. Chúa Giêsu đến nhà nhạc mẫu của Simon Phêrô và chữa bệnh sốt rét cho bà. Ngài xua trừ quỷ dữ ra khỏi nhiều người, và trong rất nhiều trường hợp khác, đối với nhiều bệnh nhân mắc đủ thứ chứng bệnh, Ngài cũng chữa lành. Tất cả đều chứng tỏ lòng nhân từ yêu thương của Chúa. Nói rõ hơn, với tư cách là Đấng Cứu Thế, Chúa Giêsu đến trần gian để giải cứu con người khỏi mọi khốn khổ phần hồn, nhưng Ngài cũng cứu giúp con người về phần xác nữa : Ngài cảm thông với những đau yếu bệnh tật của con người và chữa lành họ.

 

          3. Chúa Giêsu không bao giờ quên việc chính yếu là phải loan báo một Tin Mừng. Chúa Giêsu nói với dân chúng :”Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó”(Lc 4,43). Phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, đó là công việc hàng đầu, ưu tiên và số một của Chúa. Sau khi Chúa về trời, các Tông đồ đã tiếp tục thi hành công việc này. Các ngài đã hoàn thành nhiệm vụ Chúa trao phó một cách rất tốt đẹp.

          Rao giảng Tin Mừng  luôn là một việc cấp bách và liên tục, không dừng lại ở một nơi hay một nhóm người nhất định, mà phải từ nơi này đến nơi khác, cho bất cứ ai chúng ta gặp gỡ và đi đến. Cần ý thức sứ vụ của tất cả Kitô hữu chúng ta là truyền giáo, truyền giáo trong cả lời nói và hành động thiết thực qua đời sống yêu thương, bác ái và xả thân phục vụ.

 

          4. Dân chúng mộ mến Đức Giêsu vì Ngài làm cho họ  biết bao điều tốt đẹp : chữa bệnh, trừ quỷ, rao giảng... Thật dễ hiểu khi họ muốn giữ Ngài ở lại với họ. Điều đó không sai. Nhưng Chúa Giêsu không chấp nhận một tầm nhìn hạn hẹp như vậy. Ngài nói với họ :”Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa... Tôi được sai đi cốt để làm việc đó”.  Để thắng cơn cám dỗ đi sai lệch trọng tâm của sứ mạng loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu vẫn luôn kết hợp với Chúa Cha qua đời sống cầu nguyện :Từ sáng sớm, Người đi ra một nơi hoang vắng để cầu nguyện, để sống thân mật với Chúa Cha, để lắng nghe Chúa Cha và nói lại cho dân chúng. Cầu nguyện trước đã rồi mới loan báo Tin Mừng, hai thực hành này  hòa quyện với nhau trong con người và hoạt động của Chúa Giêsu (5 phút Lời Chúa).

 

          5. Nhiều lần các Tin Mừng kể việc Chúa Giêsu cầu nguyện, chẳng hạn như:”Sau khi giải tán đám động, Người đi lên núi mà cầu nguyện, chiều đến Ngài vẫn ở đó một mình” (Mt 14,23), hoặc :”Sáng sớm lúc trời còn tối mịt, Người đã thức dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó”(Mc 1,35). Chúng ta để ý đến hai chi tiết : sáng sớm thức dậy Chúa Giêsu đi cầu nguyện và chiều đến sau khi giải tán đám đông, Chúa Giêsu đi cầu nguyện.

          Cầu nguyện đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống Kitô hữu. Mọi người có thề cầu nguyện mọi lúc mọi nơi với nhiều phương cách. Tuy nhiên, nơi mỗi xứ đạo chúng ta từ xưa đến nay  vẫn giữ được thói quen tốt là đến nhà thờ vào lúc khởi đầu và kết thúc mỗi ngày : ban sáng dâng Thánh lễ và buổi tối đọc kinh chung, nhất là kinh Mân Côi.

 

          6. Theo như đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận có viết trong cuốn sách Đường Hy Vọng như sau :”Hoạt động không cầu nguyện là vô ích trước mặt Chúa”.

          Dù là Con Thiên Chúa, với thân phận làm người, Chúa Giêsu vẫn không bỏ qua việc cầu nguyện. Nhìn lại một ngày làm việc của Chúa Giêsu, ta thấy Ngài rất bận : giảng ở hội đường; giảng xong, chữa một người bị quỷ ám; rời hội đường, Ngài đi chữa bệnh cho nhạc mẫu của Simon Phêrô; chiều đến chưa kịp nghỉ ngơi người ta lại đem các bệnh nhân tới và Ngài lại cứu chữa. Sáng sớm hôm sau khi trời còn tối mịt, Ngài thức dậy sớm đi đến một nơi hoang vắng để cầu nguyện và bắt đầu một ngày mời cũng rất bận rộn. Dù rất bận rộn, nhưng Chúa Giêsu vẫn dành thời giờ để cầu nguyện; dù bị đám đông ồn ào bao vây suốt ngày, Chúa Giêsu vẫn có cách tìm nơi yên tĩnh để cầu nguyện.

 

          7. Truyện : Phải cộng tác với Chúa.

          Đức cha Tihamer Toth kể : Một triết gia kia buồn vì người học trò xuất sắc của mình ngày  càng ham suy tư hơn, nhưng càng bớt cầu nguyện đi. Khi được hỏi lý do thì người học trò đáp :

          - Thứ nhất, Chúa biết hết mọi sự, không cần chúng ta nói. Thứ hai, Chúa tốt lành vô cùng, Ngài sẽ ban cho chúng ta mọi thứ chúng ta cần. Thứ ba, Ngài là Đấng Vĩnh Cửu, lời cầu nguyện của chúng ta chẳng thay đổi được Ngài.

          Triết gia không nói gì. Ông đến ngồi dưới bóng cây, mặt buồn bã, người học trò hỏi :

          - Tại sao thầy buồn thế ?

          - Người bạn của thầy có một thửa ruống rất tốt, hằng năm sản xuát rất nhiều hoa màu. Nhưng bây giờ ông ta bỏ mặc không hăm sóc gì cho nó nữa.

          - Bộ ông ta khùng ư ?

          - Không đâu. Ông còn khôn nữa là khác. Ông nói : Thiên Chúa yêu thương vô cùng, Ngài sẽ lo cho tôi mọi thứ tôi cần, thế nên chẳng cần làm ruộng nữa. Chúa quyền phép vô cùng, dù tôi không cầy xới, Ngài vẫn thừa sức cho nó sinh sản hoa mầu dư đầy.

          - Như thế nghĩa là thử thách Chúa rồi con gì nữa ?

          - Thì con cũng thế thôi.

 

                                                                              Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                              Đà Lạt