Thứ năm tuần 33 thường niên

Đức Giêsu thương tiếc thành Giẹrusalem

(Lc 19,41-44)

 

          1. Cuộc hành trình đi Giêrusalem được kết thúc bằng một cuộc khải hoàn long trọg tiến vào thành. Nhưng khi đến gần, nhìn thấy thành Giêrusalem, Chúa thấy trước thành này sẽ bị tàn phá, cũng là báo trước cuộc phán xét trong ngày cánh chung, nên Chúa thốt lên những lời than tiếc cho thành Giêrusalem.  Họ có lỗi bởi vì Thiên Chúa luôn yêu thương dân Ngoừi, nhưng họ đã từ chối tình thương của Thiên Chúa, từ chối ơn cứu độ và sự bình an Người mang đến cho họ. Và vì không đón nhận  nên họ phải đau khổ.

 

          2. Trên đường tiến về Giêrusalem, vừa thấy thành, Đức Giêsu đã khóc thương nó, vì thấy trước viễn cảnh sụp đổ bình địa của thành, vì dân thành đã không tin vào Người.  Đức Giêsu đã khóc, vì dường như bất lực  trước sự cứng lòng của dân Do thái thành Giêrusalem. Người làm được mọi sự, nhưng đối với sự cứng lòng của người Do thái, Người không thể làm gì trước tự do của họ. Có thể nói, Thiên Chúa dường như bất lực trước sự tự do mà Người đã ban cho con người. Người Do thái là dân Chúa chọn nên họ đáng hưởng nhiều đặc ân, nhưng thực tế họ không được gì. Bởi Chúa đã giáng sinh nơi quê hương họ để cứu chuộc họ, nhưng họ đã không đón nhận.

 

          3. Dưới cái nhìn của các tiên tri, số phận của thành Giêrusalem gắn liền với niềm tin và lòng trung thành đối với Thiên Chúa. Sự trung thành của thành thánh luôn đem lại thịnh vượng và an bình. Trái lại, tai họa luôn là hình phạt cho sự phản bội. Ngay từ xa xưa, tiên tri Giêrêmia đã loan báo về sự sụp đổ của thành thánh vào năm -587.  Trong Tin Mừng, dường như Đức Giêsu cũng muốn lấy lại ngôn ngữ của Giêrêmia để loan báo về sự sụp đổ  của thành thánh vào năm 70. Tiếp theo những biến cố này là một loại tang thương xẩy đến cho dân Do thái mà cao điểm là cuộc sát tế 6 triệu người Do thái do Đức quốc xã trong đệ nhị thế chiến.

          Như vậy, dưới cái nhìn của Luca, sự sụp đổ của Giêrusalem và bao tai họa xẩy đến cho dân Do thái đều là hậu quả của sự khước từ hồng ân của Thiên Chúa (R.Veritas).

 

          4. Đức Giêsu đã khóc vì đau buồn  trước viễn cảnh thành Giêrusalem sẽ bị tàn phá bình địa., “không còn hòn đá nào trên hòn đá nào”. Đền thờ là nơi Ngài  thường đến hành hương từng năm, nơi đầy ắp kỷ niệm thời thơ ấu, nhà của Cha Ngài, nơi linh thiêng của cả dân tộc. Vậy mà Đền thờ ấy sẽ phải bị tàn phá ; Quả thật, năm 70, nhân cuộc nổi dậy của người Do thái, tướng Titô đã tàn phá bình địa thành đô, và cho cày một luống dài giữa Đền thờ, để cho thấy từ nay nơi đây đã trở thành hoang phế. Cùng với Đền thờ là biết bao người dân, trong đó có cả những trẻ thơ vô tội, bị tàn sát dưới lưỡi gươm của lính Rôma. Thế mà giờ đây, Đức Giêsu đến đem bình an cho dân thành; Ngài là Thiên Chúa đến thăm dân Ngài. Vậy mà, tiếc thay, dân thành đã dửng dưng, không đón nhận (5 phút Lời Chúa).

 

          5.  Để nói lên thiện chí hòa bình giữa Ac-hen-ti-na và Chi-lê, Ac-hen-ti-na đã đem khí giới, đúc tượng Đức Giêsu. Bức tượng được đưa lên dẫy núi Andes là nơi đã xẩy ra cuộc xung đột giữa hai quốc  gia. Dưới bệ tượng có dòng chứ :”Chính Người là sự bình an chủa chúng ta. Người đã làm cho đôi bên nên một”.

          Lời Chúa hôm nay cho thấy Đức Giêsu khóc thương Giêrusalem, bởi thành  đã không nhận ra Chúa là nguồn bình an. Đức Giêsu khóc thương thành, Người cũng khóc thương những người Do thái đương thời. Họ không nhận ra Thiên Chúa đang biểu lộ tình thương giữa họ.

          Trong cuộc sống, nhiều lúc chúng ta chạy theo những thứ bình an giả tạo, mà quên tìm kiếm  bình an đích thực; chúng ta chối bỏ Thiên Chúa và đặt của cải, danh vọng, địa vị làm mục đích cuộc đời. Khi ấy, chúng ta cảm thấy bất an và mệt mỏi. Ngược lại, lúc chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa và bước đi trong ánh sáng của Ngoừi, chúng ta mới có bình an đích thực.

          6. Điều xẩy ra cho thành Giêrusalem  cũng có thể xẩy ra cho mọi người thuộc mọi thời đại. Mỗi người chúng ta đều có giây phút Chúa đến viếng thăm, đó là giây phút hồng phúc mang đến ơn lành, ơn cứu rỗi và sự bình an. “Ước chi hôm nay, nơi hiểu biết sứ điệp mang hòa bình lại cho ngươi”. Nhưng Chúa không bắt buộc tự do của mỗi người, sự tự do  mà Ngài đã trao ban cho con người một lần vĩnh viễn không bao giờ muốn lấy lại. Dù biết rằng con người vẫn có thể lạm dụng sự tự do đó mà chống lại Ngài (Mỗi ngày một tin vui).

 

          7. Truyện : Kiên tâm chịu đựng.

          Khi đi tuần tra tại một thành phố nọ có một vị thẩm phán lúc nào cũng bị một luật sư kiêu căng gây phiền toái bằng cách đưa ra một số nhận xét mang tính cách chế giễu.

          Sau đó, trong bữa ăn tối, có vài người hỏi vị thẩm phán  tại sao ông không dùng quyền lực của mình để chỉ trích viên luật sư này.

          Vị thẩm liền bỏ dao nĩa xuống, chống cùi chỏ lên bàn và kể câu chuyện của mình :

          - Tại thành phố của chúng ta, có một bà góa sống chung với một con chó, cứ mỗi khi mặt trăng tỏa sáng, thì con chó lại đi ra ngoài và sủa liên tục suốt đêm.

          Ông ngừng lại và lặng lẽ bắt đầu ăn trở lại. Một trong những người bạn hỏi ông :

          - Thưa ngài thẩm phán, thế con chó và mặt trăng thì làm sao ?

          Ông nói :

          - Ô, bất chấp tiếng sủa của con chó, mặt trăng vẫn cứ tiếp tục tỏa sáng.

          Vâng ! Hãy tin tưởng vào Chúa. Gặp thờ thuận tiện hay không, cùng với thánh Phaolô, chúng ta hãy kiên vững trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng vì xác tín rằng không một sức mạnh trần thế nào  có thể cản được chương trình của Thiên Chúa.

 

                                                                             Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                             Đà Lạt