Lễ Kính Cuộc Hoán Cải Của Thánh Phao-lô Tông Đồ
(Ngày
25-1)
Giáo
hội Công giáo cử hành cuộc Hoán Cải của vị Tông Đồ Dân Ngoại như là một kỳ công
vĩ đại của Thiên Chúa quyền năng và yêu thương: Sao-lô vốn là một người
Pha-ri-siêu mẫu mực, không tì vết, nhưng lại là người bách hại các Ki-tô hữu.
Tuy nhiên, ông đã hoán cải và đã được kêu gọi để trở thành người loan báo Tin Mừng
cũng như trở thành Tông Đồ cho những người gốc dân ngoại.
Người
ta thường nghĩ rằng, sau cuộc ngã ngựa và sau khi hoán cải, Sao-lô đã đổi tên
thành Phao-lô. Kỳ thực thì không phải vậy. Đọc sách Công Vụ Tông Đồ, người ta
thấy rằng, kể từ đầu cho tới tận chương 13 của tác phẩm này, Thánh Lu-ca luôn luôn
gọi Vị Tông Đồ Dân Ngoại là Sao-lô. Nghĩa là, sau khi ngã ngựa và hoán cải, rồi
trở thành Tông Đồ, như được ghi lại trong sách Công Vụ Tông Đồ chương 9, vị
Tông Đồ Dân Ngoại vẫn không hề đổi tên; tên Sao-lô của Ngài vẫn được giữ nguyên
sau đó. Và rồi ngay ở chương 13 trong tác phẩm của mình, Thánh Lu-ca cũng vẫn
còn gọi vị Tông Đồ Dân Ngoại là Sao-lô. Chỉ ở Cv 13,9, Thánh Lu-ca mới giải
thích rõ ràng rằng: “Ông Sao-lô cũng gọi
là Phao-lô”. Như vậy thì vị Tông Đồ Dân Ngoại luôn có hai tên, một là
Sao-lô và hai là Phao-lô, chứ không phải sau khi hoán cải Ngài mới đổi tên.
Không khó để giải thích chuyện này, bởi vì Ngài là người Do-thái nhưng lại là
công dân Rô-ma, và nói theo cách gọi thời nay thì Ngài là người Do-thái nhưng
có quốc tịch Rô-ma. Theo phỏng đoán thì tên gọi theo tiếng Do-thái của Ngài là
Sao-lô, còn tên gọi theo tiếng Rô-ma của Ngài là Phao-lô. Và cũng vì thế, kể từ
Cv 13,9, nghĩa là kể từ khi Vị Tông Đồ Dân Ngoại hoạt động tại thế giới Rô-ma,
thì Thánh Lu-ca sẽ chỉ gọi Ngài là Phao-lô thôi chứ không gọi là Sao-lô nữa.
Cha
mẹ của Thánh Phao-lô là người Do-thái, sinh sống tại vùng Tarsus, tức một địa
danh nằm ở khu vực Đông Nam vùng Tiểu Á. Thánh Nhân được sinh ra tại đó và đã
được giáo dục một cách nghiêm ngặt trong Niềm Tin Tôn Giáo của Tổ Tiên. Lối sống
của những người Pha-ri-siêu đã hấp dẫn Sao-lô cách đặc biệt, đến độ chính Ngài
đã trở thành môn sinh của Rabbi Gamaliel – một người Pha-ri-siêu rất nổi tiếng
và uyên bác. Sao-lô đã học theo nghệ thuật giảng dậy của các Rabbi. Ngài cũng rất
bận tâm tới việc học hỏi Kinh Thánh trong ngôn ngữ gốc, tức tiếng Híp-ri, và
cũng học cả tiếng A-ram nữa, tức ngôn ngữ mà Chúa Giê-su đã sử dụng.
Chúng
ta biết được thái độ đầu tiên của Sao-lô đối với Cộng đoàn Ki-tô hữu nguyên thủy
nhờ vào trình thuật về cái chết của Thánh Stê-pha-nô (Cv 8): Sao-lô tỏ ra rất
sung sướng về cái chết của Vị Tử Đạo tiên khởi này.
Vì
muốn giữ cho Giáo Lý và Truyền Thống của Cựu Ước được luôn tinh tuyền, nên
Sao-lô vô cùng tức giận trước việc người ta phát tán một thứ Giáo Lý mới có nguồn
gốc từ Đức Giê-su. Được tòa án tối cao trao toàn quyền xử sự, Sao-lô đã tức tốc
đi tới Damascus với mục đích bắt trói tất cả mọi Ki-tô hữu, bất luận đàn ông
hay đàn bà, và giải họ về Giê-ru-sa-lem để xử tử (xc. Cv 9).
Đang
phóng ngựa bạt mạng trên đường thì Sao-lô bất thình lình gặp Chúa Giê-su. Ông
liền lăn nhào xuống đất. Sau cú ngã ngựa này, Sao-lô không chỉ cảm thấy đau đớn
nhưng còn bị mù nữa. Ba ngày sau, Chúa mới sai ông Hanania đến với Sao-lô. Theo
truyền thống Ki-tô giáo thì Hanania là Giám mục tiên khởi của Damascus, và là
thành viên của nhóm Bảy Mươi Hai Môn Đệ đã được đích thân Chúa Giê-su tuyển chọn
và sai đi. Hanania đã đến và bước vào ngôi nhà nơi Sao-lô đang tạm trú. Ông đặt
tay trên Sao-lô và nói: Này anh Sao-lô, Chúa đã sai tôi đến đây để chữa anh khỏi
mù cũng như để ban Thánh Thần cho anh. Ngay lập tức Sao-lô lại nhìn thấy được,
và ông đứng dậy xin chịu Phép-rửa, rồi mới ăn uống (xc. Cv 9, 10-19).
Kể
từ đó, Sao-lô trở thành một con người mới. Ngài hăng hái loan báo Tin Mừng khắp
nơi. Trước tiên, Ngài vào trong các Hội Đường Do-thái để rao giảng Tin Mừng cho
người đồng hương. Tuy nhiên, vì ghen tức với Ngài, nhiều người Do-thái đã dùng
những lời lăng nhục để chống lại những lời Thánh Phao-lô nói. Nên, cùng với
Barnaba, Thánh Phao-lô đã tuyên bố với người Do-thái cách thẳng thừng rằng: “Anh em phải là những người đầu tiên được
nghe công bố Lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ Lời ấy, và tự coi mình
không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại”
(xc. Cv 13,44-52).
Kể
từ đó, Thánh Phao-lô đã dành mọi thời gian và sức lực để loan báo Tin Mừng cho
những người gốc dân ngoại. Vì thế, Ngài được mệnh danh là Vị Tông Đồ Muôn Dân.
Lm
Đa-minh Thiệu O.Cist