Thánh An-tôn Maria Claret
(Ngày 24-10)
Thánh An-tôn Maria Claret là người
Tây-ba-nha, và vì thế có tên theo tiếng Tây-ban-nha là Antoni Maria Claret i Clarà. Không chỉ
là một Tổng Giám Mục, Ngài còn là một vị Sáng lập Dòng nữa. Sau đây là một số
chi tiết liên quan đến cuộc đời của Ngài.
1.Thời niên thiếu:
Thánh
An-tôn Maria Claret sinh vào ngày 23 tháng 12 năm 1807 tại Sallent, Barcelona,
Tây-ban-nha. Cha mẹ Ngài làm nghề thợ dệt. Và chính bản thân An-tôn cũng được
đào tạo trong nghề thợ dệt. Cậu tỏ ra rất thông minh và có kỹ thuật điêu luyện
trong ngành dệt. Vì thế, cha mẹ cậu rất hy vọng vào việc cậu sẽ trở thành giám
đốc kỹ thuật của một hãng dệt lớn. Nhưng khi mới chỉ lên mười hai tuổi, An-tôn
đã thể hiện ước nguyện muốn trở thành Linh mục rồi. Tuy nhiên, vì cha mẹ cậu
muốn cậu trở thành một kỹ sư trong ngành dệt, nên họ đã không dễ dàng chấp nhận
trước mong muốn của An-tôn.
2.Trở thành Linh mục:
Sau nhiều kinh nghiệm thương đau, nên An-tôn đã quyết tâm trở thành Linh
mục. Ước muốn của An-tôn mạnh mẽ đến độ cha mẹ cậu đành phải miễn cưỡng chiều
theo. Trước tiên, cậu xin gia nhập một Đan Viện thuộc Dòng Thánh Bru-nô. Trong
thời gian làm Tập sinh rồi làm Khấn sinh tại Đan Viện này, Thầy An-tôn luôn
luôn được đồng hành bởi những thị kiến và những linh cảm. Chúng luôn bám đuổi
Thầy cho tới khi Thầy chịu chức Linh mục. Sau khi tốt nghiệp Thần Học tại Chủng
viện Vic của Comarca Osona, Barcelona, Thầy An-tôn đã được thụ phong Linh mục
vào ngày 13 tháng 06 năm 1835, trong lúc đang có cuộc chiến tranh tại Solsona,
Pyrené. Sau khi chịu chức Linh mục, Cha An-tôn được bổ nhiệm làm Cha sở của
Giáo xứ quê nhà. Vào thời điểm lúc đó, các Linh mục và Giám mục đang phải chịu
cảnh bắt bớ và trục xuất khắp nơi tại Tây-ban-nha.
3.Trở thành nhà Truyền giáo:
Sau
khi làm cha Sở của xứ nhà được một thời gian ngắn, Cha An-tôn đã đi tới Rô-ma.
Tại đây, sau một cuộc Linh Thao, Cha An-tôn đã quyết định gia nhập Dòng Tên.
Nhưng vì lý do sức khỏe nên Cha An-tô đã sớm phải rời Tập Viện của Dòng này.
Ngài trở về Tây-ban-nha và bắt đầu hoạt động truyền giáo với nhiều thành công.
Giờ đây, công việc truyền giáo trở thành sứ mệnh trung tâm của Ngài. Tuy nhiên,
những cuộc bách hại đã gây ra rất nhiều khó khăn cho công việc truyền giáo của
Cha An-tôn, khiến Ngài nhiều khi không thể công khai hoạt động. Dù vậy, từ năm
1843 tới năm 1847, Cha An-tôn đã đi khắp vùng Catalonia để hoạt động truyền
giáo. Vào năm 1848, vì những cuộc bách hại mới và khốc liệt hơn, Cha An-tôn đã
chuyển nơi hoạt động tới Gran Canaria. Tại đây, Ngài đã đến thăm và hoạt động
trong hầu hết các cộng đoàn.
4.Nhà Sáng lập Dòng:
Vào
năm 1849, Cha An-tôn rời Gran Canaria và trở về Catalonia. Tại đó, rất nhiều
việc đã đến với Ngài. Cùng với năm Linh mục đồng chí hướng, Cha An-tôn đã thành
lập một Dòng Tu với tên gọi là: Dòng Nam Tử Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ
(Tiếng La-tinh là: Cordis Mariae Filii, viết tắt là CMF). Ngày nay người ta gọi
chung Dòng này là Dòng Claret. Sau đó vào năm 1850, khi đã được bổ nhiệm làm
Giám mục tại Cuba, Ngài đã thành lập thêm một Cộng Đoàn nữa, gọi là Cộng Đoàn
Nữ Tử Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ, với tư cách là Tu Hội đời. Sau cùng,
vào năm 1855, khi đã làm Giám mục tại Cu-ba, Ngài còn thành lập thêm một Dòng
mới, gọi là Dòng Nữ Thừa Sai Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ.
5.Giám mục tại Cu-ba:
Vào
tháng 08 năm 1849, Cha An-tôn Maria Claret được bổ nhiệm làm Giám mục của Giáo
phận Santiago tại Cu-ba. Vào ngày mồng 06 tháng 10 năm 1850, Cha An-tôn đã được
tấn phong Giám mục bởi Đức Cha Llucià Casadevall i Duran của Giáo phận Vic, tại
nhà thờ Chính Tòa của Giáo phận này. Đức Giám mục José Domingo Costa y Borrás
của Barcelona, và Đức Cha Florencio Llorente y Montón của Giáo phận Girona, là
hai Giám mục phụ phong trong Thánh Lễ phong chức của Đức Cha An-tôn Maria
Claret.
Vào
tháng 02 năm 1851, Đức Cha An-tôn đã đặt chân tới đất Cu-ba. Tại đây Ngài lại
tiếp tục công cuộc truyền giáo cũng như đã thúc đẩy hoạt động này. Ngài đã kiến
tạo Giáo phận và đã đích thân vi hành đến tất cả mọi cơ sở trong Giáo phận.
Đồng thời, Ngài cũng quan tâm nhiều tới những vấn đề xã hội. Ngài đã thành lập
các công đoàn và quỹ tiết kiệm. Ngài cũng đấu tranh chống lại chế độ nô lệ và
chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Và vì thế Ngài đã phải chuốc lấy nhiều sự căm
ghét và bách hại. Vào năm 1856, Ngài đã bị người ta mưu sát và đã bị thương rất
nặng, nhưng may là không bị mất mạng. Vào năm 1860, sau khi đã về hưu, Ngài
được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục danh dự của Traianopolis, Rhodope.
6.Làm việc tại triều đình
Tây-ban-nha:
Vào
năm 1857, Đức Cha An-tôn Maria Claret đã được mời về làm việc tại triều đình
Tây-ban-nha ở Madrid. Ngài trở thành Cha Giải Tội của nữ hoàng Isabella II
(1833-1870), và trở thành nhà giáo dục của các hoàng tử và công chúa. Cũng
trong thời gian đó, Ngài đã hoạt động truyền giáo tại Madrid với nhiều cách
thức khác nhau. Ngoài ra, Ngài còn chịu trách nhiệm trong việc bổ nhiệm các
Giám mục của Tây-ban-nha. Đồng thời, trong nhiều cách thức khác nhau, Ngài đã
khuyến khích việc sáng lập các Dòng Tu và các Cộng Đoàn mới. Vào năm 1858, Ngài
đã đến thăm Thánh Địa quốc gia Covadonga. Và vào năm 1859, Ngài trở thành chủ
tịch của lâu đài hoàng gia Tây-ban-nha Escorial. Ngài đã tái Ki-tô hóa cho
triều đình Tây-ban-nha đã bị tục hóa. Ngài đồng hành với Nữ Hoàng Isabella II
trong tất cả các cuộc hành trình xuyên quốc gia. Và trong khi tháp tùng Nữ
Hoàng như thế, Ngài cũng không quên tận dụng mọi cơ hội để loan báo Tin Mừng
cũng như để tổ chức các khóa Linh Thao.
7.Tham dự Công Đồng Vatican I:
Vào
năm 1868, nữ hoàng Isabella II phải trốn khỏi Tây-ban-nha. Đức Cha An-tôn cũng
đồng hành với nữ hoàng trong cuộc chạy trốn này. Sau đó, Ngài đã tới Rô-ma và
đã tham gia trong công tác chuẩn bị Công Đồng Vatican I (08.12.1869 –
20.10.1870). Ngài là người bảo vệ mạnh mẽ tín điều bất khả ngộ của Đức Thánh
Cha. Và khi tham dự Công Đồng nêu trên, bất chấp việc sức khỏe không được tốt,
Ngài đã có một bài diễn văn thật dài để bảo vệ Tín Điều đó.
8.Qua đời:
Sau
khi tham dự Công Đồng Vatican I, Đức Cha An-tôn đã lên đường để đi tới miền Nam
nước Pháp, và đến thăm các cộng đoàn của Dòng Claret tại Pardes. Chính quyền
cách mạng Tây-ban-nha ra lệnh dẫn độ Đức Cha An-tôn về nước. Trước sự lùng sục
của quân đội, Ngài đã tìm đến Đan Viện Xi-tô Fontfroide tại Pháp, như là nơi
trú ẩn. Vào ngày 24 tháng 10 năm 1870, Ngài đã qua đời tại Đan Viện đó. Trước
tiên, người ta an táng Ngài tại Đan Viện Fontfroide nêu trên. Sau đó, vào năm
1897, các Thánh Cốt của Ngài đã được chuyển về Vic, Tây-ban-nha.
9.Phong Thánh:
Vào
ngày 25 tháng 02 năm 1934, Đức Cố Giám Mục An-tôn Maria Claret đã được Đức
Thánh Cha Pi-ô XI tôn phong lên bậc Chân Phúc. Vào ngày mồng 07 tháng 05 năm
1950, Đức Thánh Cha Pi-ô XII đã tôn phong Chân Phúc An-tôn Maria Claret lên bậc
Hiển Thánh.
Giáo
hội Công giáo mừng kính Thánh An-tôn Maria Claret vào ngày 24 tháng 10, tức
ngày qua đời của Ngài, với bậc Lễ nhớ không buộc, tức Lễ bậc IV.
Cũng trong ngày 24 tháng 10, Giáo hội Công giáo còn mừng kính các vị
Thánh sau:
1.Thánh Fromund (Giám
mục và là Đấng Sáng Lập Dòng; sống vào thế kỷ thứ VII);
2.Thánh Evergislus (Giám
mục, Tử Đạo; sinh tại Bỉ, qua đời vào năm 593);
3.Chân Phúc Thaddäus Macher (Giám mục; sinh năm 1456 tại Ai-len;
qua đời ngày 24 tháng 10 năm 1492 tại Piemont ,Ý);
4.Thánh Giuse Lê Ðăng Thị (Tử Đạo Việt nam; sinh năm 1825
tại Kẻ Văn, Quảng Trị, Giáo dân, Cai Ðội, bị xử giảo ngày 24/10/1860 tại An Hòa
dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X).
Lm Đa-minh Thiệu O.Cist