Thánh Giu-se thành Nazareth
(Ngày 19 tháng 3)
Thánh Giu-se là một con người hết sức đặc biệt vì Ngài được Thiên
Chúa tuyển chọn để làm Cha nuôi của Chúa Giê-su và làm bạn trăm năm của Đức
Maria. Đó là một phẩm vị vô cùng cao quý đối với Thánh Nhân, và vì thế, vị thế
của Ngài trong công trình cứu độ của Thiên Chúa là một vị thế hoàn toàn trổi vượt,
chỉ thua kém mỗi Đức Maria và Chúa Giê-su mà thôi. Tuy nhiên, dù phẩm vị của
Thánh Giu-se đặc biệt đến như thế, nhưng những tài liệu có tính sử học về Ngài
thì vô cùng hiếm hoi. Những tài liệu đó hầu hết đều nằm trong các sách Tin Mừng.
Tuy nhiên, ngay cả các sách Tin Mừng cũng rất hiếm khi nhắc đến Ngài. Dầu vậy
thì Thánh Giu-se vẫn được các tín hữu vô cùng mến yêu. Có lẽ ngoài Đức Maria ra,
không vị Thánh nào có thể chiếm được sự mến mộ của các tín hữu nhiều cho bằng
Thánh Giu-se. Không những Thánh Nhân được kính nhớ vào mỗi thứ Tư hàng tuần tại
nhiều Cộng Đoàn Giáo hội, cũng như được Giáo hội hoàn vũ dành hẳn một tháng, cụ
thể là tháng 03, để tôn kính, mà trong năm Phụng Vụ của mình, Giáo hội Công
giáo còn dành ra tới hai ngày Lễ chính thức để kính nhớ Ngài nữa, đó là ngày 19
tháng 03 và ngày mồng 01 tháng 05.
1.Thánh
Giu-se trong các Tin Mừng:
Các Tin Mừng rất hiếm khi nói về Thánh Giu-se, vì thế, sự xuất
hiện của Ngài trong các sách Tin Mừng cũng quả thật là ít ỏi. Trong Tân Ước, hầu
như Thánh Giu-se chỉ xuất hiện trong phần đầu của Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu
(Mt 1,16.18.19.20.24; 2,13.19) cũng như trong phần đầu của Tin Mừng theo Thánh
Lu-ca (Lc 1,27; 2,4.16; 3,23 và 4,22). Còn Tin Mừng theo Thánh Gio-an thì chỉ nhắc
qua tới Ngài (Ga 1,45; 6,42).
*Mt 1,1-24
+Gia phả của Chúa Giê-su:
„Đây là gia phả Đức Giê-su
Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham: Ông Áp-ra-ham sinh ông
I-xa-ác; ông I-xa-ác sinh ông Gia-cóp; ông Gia-cóp sinh ông Giu-đa và các anh
em của ông này… Ông Gia-cóp sinh ông Giu-se, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức
Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô. Như thế, tính chung lại thì: từ Tổ phụ Áp-ra-ham
đến vua Đa-vít là mười bốn đời; từ vua Đa-vít đến thời lưu đầy tại Ba-by-lon là
mười bốn đời; và từ thời lưu đầy Ba-by-lon tới Đức Giê-su cũng là mười bốn đời.“
+Cuộc Giáng Sinh của Chúa Giê-su:
„Sau đây là gốc tích Đức
Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước
khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông
Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định
tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến
báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà
Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.
Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ
cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ." Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng
nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai
và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là
"Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta." Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần
Chúa dạy và đón vợ về nhà.“
*Lc 1,26-27; 2,1-16:
+Truyền Tin:
„Bà Ê-li-sa-bét có thai được
sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi
là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc
dòng dõi vua Đa-vít.“
+Cuộc Giáng Sinh của Chúa Giê-su:
„Thời ấy, hoàng đế
Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là
cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ
Xy-ri. Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giu-se từ
thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê lên thành vua Đa-vít tức là Bê-lem, miền Giu-đê,
vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đa-vít. Ông lên đó khai tên cùng với người
đã thành hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở
đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng,
lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ
trong nhà trọ.
Trong vùng ấy, có những
người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần
Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh
khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ: "Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh
em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu
Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa.
Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã,
nằm trong máng cỏ." Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng
ngợi khen Thiên Chúa rằng: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới
thế cho loài người Chúa thương."
Khi các thiên sứ từ biệt
mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: "Nào chúng ta
sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết." Họ liền
hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm
trong máng cỏ.“
*Ga 1,45 và 6,42:
„Ông Phi-líp-phê gặp ông
Na-tha-na-en và nói: "Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng
tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét."
„Họ nói: Ông này chẳng phải
là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả!“
2.Lịch sử và sự phát triển
của ngày Đại Lễ Kính Thánh Giu-se:
Trong Phụng Vụ của Giáo hội Tây phương, Thánh Giu-se được mừng
kính trong hai Đại Lễ. Thứ nhất là Đại Lễ Kính Thánh Giu-se vào ngày 19 tháng
03. Đại Lễ này được thiết lập tại Rô-ma vào năm 1479. Và thứ hai là Lễ Kính
Thánh Giu-se Thợ vào ngày mồng 01 tháng 05. Ngày Lễ này được thiết lập bởi Đức
Pi-ô XII vào năm 1955. Cũng cần phải nói thêm rằng, vào năm 1962, Danh Tính của
Thánh Giu-se đã được Đức Gio-an XXIII bổ sung vào trong Kinh Nguyện Thánh Thể.
Trong khoảng thời gian từ năm 1517 tới năm 1980, có tổng cộng 172
Cộng Đoàn Dòng Tu đặt mình dưới quyền bảo trợ của Thánh Giu-se. Sự tôn kính
Thánh Giu-se cũng được biểu lộ trong sự kiện Ngài được Đức Pi-ô XI đặt làm Bổn
Mạng Giáo hội vào năm 1870, Đức Pi-ô XII đặt làm bổn mạng của giới thợ mộc và của
giới thợ thủ công vào năm 1955, và Đức Gio-an XXIII đặt làm Bổn Mạng của Công Đồng
Vatican II.
Những dấu vết đầu tiên của việc tôn kính Thánh Giu-se đã được
tìm thấy tại Ai-cập vào thế kỷ thứ VIII và IX. Hồi đó, người ta cử hành Lễ Kính
Ngài vào ngày 20 tháng 07. Còn việc kính Thánh Giu-se vào ngày 19 tháng 03 thì
có từ hồi thế kỷ thứ X cũng tại Ai-cập. Đức Thánh Cha Sixtus (1471-1484) – người
xuất thân từ Dòng Phan-xi-cô – đã chính thức xác định Ngày Lễ Kính Thánh Giu-se
vào ngày 19 tháng 03. Từ năm 1487, các bản văn dành cho Ngày Lễ Kính Thánh
Giu-se đã được in trong Sách Kinh Nhật Tụng Rô-ma. Công Đồng Tren-tô
(13.12.1545 – 4.12.1563) cũng đã tán thành việc cử hành Đại Lễ Kính Thánh
Giu-se vào ngày 19 tháng 03. Từ năm 1621, qua sắc lệnh của Đức Thánh Cha Grê-gô-ri-ô
XV, ngày Lễ Kính Thánh Giu-se vào ngày 19 tháng 03 trở thành Ngày Lễ Nghỉ trong
Lịch Phụng Vụ Rô-ma. Vào tháng 05 năm 1676, Thánh Giu-se được Đức Thánh Cha
Clemens X đặt làm Bổn Mạng Vương Quốc Rô-ma. Vào năm 1870, Thánh Nhân được Đức
Thánh Cha Pi-ô IX đặt làm Bổn Mạng của toàn Giáo hội.
Lm
Đa-minh Thiệu O.Cist