Thánh An-béc-tô Cả, Giám Mục, Tiến Sĩ Hội Thánh

Ngày 15-11

Thánh An-béc-tô Cả, Giám Mục sinh vào năm 1193 (có tài liệu nói vào năm 1200, hay 1206) trong một gia đình quý tộc tại Lauingen, Donau, Bayern, Đức Quốc. Vì là người Đức, nên tên của Ngài theo tiếng Đức là Albert der Große, và theo tiếng La-tinh là Albertus Magnus. Cha Ngài là Markward von Lauingen, làm chủ một trang trại lớn tại Lauingen. Vào năm 1223, An-béc-tô tới Padua, nước Ý, và gia nhập Dòng Đa-minh chỉ mới được thành lập ở đó 10 năm về trước. Tuy nhiên, Thầy An-béc-tô không trải qua thời kỳ Tập Viện ở Padua, nhưng được gửi tới Tu Viện Stolkgasse ở Köln, Đức Quốc, và đã trải qua thời kỳ Tập Viện tại Tu Viện này. Thầy đã tốt nghiệp Thần Học và được thụ phong Linh mục cũng tại Tu Viện nêu trên. Sau khi thụ phong Linh mục, Cha An-béc-tô còn đến nghiên cứu Thần học và Triết học tại nhiều trường học khác nhau của Dòng Đa-minh, trong đó có những trường sau: Hildesheim, Freiburg, Regensburg và Straßburg.

Từ năm 1236 tới năm 1238, Cha An-béc-tô được bổ nhiệm làm giáo sư Thần Học của một trường do Dòng Thuyết Giáo quản lý tại Freiburg. Trong thời gian này, Ngài đã viết các tác phẩm đầu tiên của mình, mà tác phẩm “Ngợi Ca Đức Maria” là tác phẩm đặc biệt nhất.

Từ năm 1243, Cha An-béc-tô được cử tới dậy học tại đại học Sorbonne, Paris, Pháp Quốc. Vào năm 1245, Ngài đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Thần Học tại Đại Học này. Một trong những học trò xuất sắc nhất của Thánh An-béc-tô tại Đại Học Sorbonne là Thánh Thomas d`Aquin.

Vào năm 1248, Cha An-béc-tô được cử trở về Köln. Tại đây, Ngài đã thành lập một Đại Học của Dòng Thuyết Giáo, và sau đó Đại Học này đã trở thành Đại Học Köln. Cha An-béc-tô chính là hiệu trưởng tiên khởi của Đại Học do Ngài sáng lập.

Chính Ngài đã thúc đẩy dự án xây dựng nhà thờ Chính Tòa Köln, và đã thành lập nhiều cơ sở giáo dục và đào tạo của Dòng Đa-minh tại Straßburg.

Vào năm 1254, Cha An-béc-tô được bầu làm Bề Trên Giám Tỉnh của Tỉnh Dòng Đa-minh Teutonia, với trụ sở chính tại Worms, Đức Quốc. Trong thời gian làm Bề Trên Giám Tỉnh, Cha An-béc-tô đã vi hành khắp vùng Tây Âu, và thường là đi bộ. Ngài đi thăm hết Tu Viện này đến Tu Viện khác, và luôn quan tâm tới việc tuân thủ kỷ luật của các Tu Sĩ trong Dòng.

Vào năm 1256, Cha An-béc-tô đã thành công trong việc bảo vệ các Dòng Hành Khất trước sự tấn công của các giáo sư Đại Học Paris.

Vào năm 1260, vâng phục Đức Thánh Cha Alexander IV, Cha An-béc-tô đã đảm nhận chức vụ Giám mục của Giáo phận Regensburg. Nhưng Ngài chỉ làm Giám mục tại đó có hai năm. Vào năm 1263 và 1264, trong sứ mạng do Đức Thánh Cha Urban IV chỉ định, Đức Cha An-béc-tô đã cùng với các nhà giảng thuyết khác, đi khắp nước Đức và vùng Böhnen để kêu gọi mọi người tham gia cuộc thập tự chinh thứ 7.

Từ năm 1264 tới 1266, Đức Cha An-béc-tô đã đến dậy học tại Würzburg, rồi sau đó tại Straßburg, trước khi Đức Thánh Cha cho phép Ngài được nghỉ hưu. Vào năm 1269, Đức Cha An-béc-tô đã đến nghỉ hưu trong Đan Viện Thánh Andreas tại Köln.

Vào năm 1271, Đức Cha An-béc-tô đã phải làm trung gian cho Đức Tổng Giám Mục của Tổng Giáo Phận Köln với chính quyền của thành phố này.

Theo một truyền thống đáng tin cậy thì vào năm 1277, Đức Cha An-béc-tô đã đích thân bảo vệ cho các học thuyết của Thánh Thomas d`Aquin tại Đại Học Paris.

Thánh An-béc-tô là một trong những Đại Thần Học Gia của thời Trung Cổ, vì thế Ngài được gọi là Doctor expertus (Tiến Sĩ Đầy Kinh Nghiệm), và Doctor venerabilis (Tiến Sĩ Đáng Kính). Ngài cũng là một trong những Đại Khoa Học Gia của thời Trung Cổ, với nhiều chuyên ngành khác nhau, chẳng hạn như Y Khoa, Sinh Học, Hóa Học, Vật Lý, Nguyên Tử và Địa Lý. Vì thế, Ngài còn được trao tặng tước hiệu danh dự là Doctor universalis (Tiến Sĩ Phổ Quát). Nhưng cũng vì thế mà Thánh Nhân bị gán cho là đã đi theo ngành pháp thuật.

Việc Thánh An-béc-tô tái khám phá ra các ngành khoa học tự nhiên đã dẫn đến việc du nhập triết học Aristote vào trong Triết Học Kinh Viện của thời Trung Cổ mà Ngài chính là nhân vật chủ chốt của việc du nhập này. Trong các nghiên cứu kinh viện đầu thế kỷ XIII, các tác phẩm của Aristote vẫn còn bị từ chối. Những kiến thức của các nhà Kinh Viện về Aristote lúc đó chỉ giới hạn vào trong môn luận lý của ông, như chúng được giới thiệu bởi Thánh Augustinô và các Triết Gia Tân Platon.

Bên cạnh những kiến thức uyên bác cả về cả Khoa Học Thánh lẫn khoa học tự nhiên, Thánh An-béc-tô còn được ghi nhận là một con người rất đạo hạnh và khiêm tốn. Trong suốt cuộc đời mình, ngoài thời gian dành để nghiên cứu khoa học và cho các nhu cầu cần thiết khác, Ngài đều sử dụng thời gian còn lại để cầu nguyện và chiêm niệm. Ngay cả khi đã trở thành Giám Mục của Regensburg, Ngài vẫn mang trên mình bộ quần áo của người nông dân. Vì thế Ngài đã nhận được biệt danh là “Giám Mục Đeo Giầy Rơm”.

Đức Cha An-béc-tô đã qua đời vào ngày 15 tháng 11 năm 1280 tại Nordrhein-Westfalen, Köln, Đức Quốc. Thi hài Ngài được an táng trong Đan Viện Thánh Andreas tại Köln, và vẫn an nghỉ trong Đan Viện này từ đó tới nay. Nhưng riêng hộp sọ của Ngài thì sau này đã được chuyển tới nhà thờ Thánh Mác-tin tại Lauingen, nơi chôn nhau cắt rốn của Ngài.

Tại Lauingen, ngay sau khi Đức Cha An-béc-tô qua đời, dân chúng đã xây cất một nguyện đường tại chính ngôi nhà mà Ngài đã được sinh ra, để tôn kính Ngài. Tuy nhiên, sau cuộc chiến tranh kéo dài suốt 30 năm, ngôi nguyện đường trên đã bị phá hủy. Vì thế, vào năm 1604, người ta đã thay thế ngôi nguyện đường ấy bằng một nguyện đường khác, ngay trên chỗ nguyện đường cũ.

Từ năm 1631, hằng năm người ta đều cử hành Lễ kính Thánh An-béc-tô. Vào năm 1932, một đài tưởng niệm Thánh An-béc-tô đã được xây lên ngay trước quảng trường tòa thị chính của thành phố Köln. Và cũng trong năm đó, một trường trung học đã được thành lập và được đặt tên theo tên của Ngài. Vào năm 1980, nhân dịp kỷ niệm 700 năm ngày qua đời của Thánh An-béc-tô, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã đến Köln để viếng mộ Ngài.

Vào năm 1622, Đức Cha An-béc-tô đã được Đức Thánh Cha Grê-gô-ri-ô XV tôn phong lên bậc Chân Phúc. Và vào ngày 16 tháng 12 năm 1931, vị Chân Phúc này đã được Đức Thánh Cha Pi-ô XI tôn phong lên bậc Hiển Thánh. Chính vị Giáo Hoàng này cũng đã trao tặng tước hiệu Tiến Sĩ Hội Thánh cho Thánh An-béc-tô. Việc trao tặng này được thực hiện ngay trong ngày tôn phong Hiển Thánh cho Ngài.

Vào năm 1941, Đức Thánh Cha Pi-ô XII đã đặt Thánh An-béc-tô Cả Giám Mục làm Bổn Mạng của các nhà khoa học tự nhiên. Bên cạnh đó, Ngài còn được dân chúng mừng kính với tư cách là Bổn Mạng của các Thần Học Gia, của các Triết Gia, các Bác Sĩ, các Sinh Viên và của những người dân miền núi.

Giáo hội mừng kính Thánh An-béc-tô Cả Giám Mục vào ngày 15 tháng 11, tức ngày qua đời của Ngài, với bậc Lễ nhớ tự do, tức Lễ bậc IV.

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist

 


Hạnh Các Thánh