Thánh Giéc-tru-đê
Cả, Nữ Đan Sĩ
Ngày 17-11
Thánh
Giéc-tru-đê Cả sinh vào ngày mồng 06 tháng giêng năm 1256 tại Thüringen, Đức
Quốc. Vì là người Đức nên Thánh Nữ có tên theo tiếng Đức là Gertrud von Helfta, và theo tiếng
La-tinh là Gertrudis. Theo tương truyền, Giéc-tru-đê đã sớm mồ côi cả cha lẫn
mẹ. Vì thế, ngay khi còn là một cô bé 5 tuổi, Giéc-tru-đê đã gia nhập Nữ Đan
Viện Xi-tô tại Helfta. Tại đây, cô được dưỡng dục bởi Viện Mẫu
Gertrud von Hackeborn và bởi Thánh Nữ Mechthid von Hackeborn cả về khoa
học lẫn tinh thần, và rồi chính cô cũng đã trở thành một Nữ Đan Sĩ.
Sau khi trở thành một Nữ Đan Sĩ,
Sơ Giéc-tru-đê đã rất miệt mài với các khoa học Thánh. Sơ là
người đầu tiên dịch một phần lớn cuốn Kinh Thánh sang tiếng Đức. Vào ngày 27
tháng Giêng năm 1281, Sơ Giéc-tru-đê đã được trải qua một thị kiến. Trong thị
kiến này, Sơ được Chúa Giê-su mời gọi đi theo Ngài. Ngài nâng Sơ lên khỏi một bức hàng
rào được đan bện bởi những bụi gai để đến gần Ngài, và đưa Sơ đi khỏi đó. Trước
khi trở lại, Sơ đã không muốn chịu thua bất cứ người nào trong bất cứ vấn đề
gì. Trong các cuộc thị kiến sau đó, Chúa Giê-su đã nói về những nỗ lực của Sơ
hồi đó như sau: cho đến bây giờ, con vẫn thường ăn bụi đất chung với
kẻ thù của Ta, và ngươi đã hút một vài giọt mật ong từ những bụi gai của chúng.
Hãy đến cùng Ta – Ta muốn làm cho con uống từ nguồn
mạch hạnh phúc Thần Tính của Ta. Trong những năm sau đó, mối tương quan huyền
bí này của Sơ Giéc-tru-đê với
Chúa Giê-su càng ngày càng
được đào sâu và mở rộng.
Tình Yêu của Thánh Giéc-tru-đê đối với Chúa
Giê-su rất lớn, được diễn tả trong sự tự nguyện dâng hiến cho những người
khổ đau như là dấu chỉ của việc đi theo Chúa,
đồng thời, Tình Yêu của Thánh Nữ đối với con người cũng rất mạnh. Sơ ngồi hằng
tiếng đồng hồ để lắng nghe, để khuyên răn và để an ủi những người chung
quanh. Đồng thời, Thánh Nữ cũng là một phụ nữ có học vấn và có nhiều năng khiếu
về nghệ thuật. Đời sống huyền bí sâu rộng và sự tôn kính một cách đặc biệt của
Thánh Nữ đối với Thánh Tâm Chúa Giê-su đã nói lên tâm hồn đạo hạnh của Thánh
Nữ. Và chính tâm hồn đạo hạnh này đã khiến Thánh Nữ trao hiến tất cả đời sống
mình cho Thiên Chúa trong việc cử hành Phụng Vụ. Chúa Ki-tô đã đặt Đức Maria –
Thân Mẫu của Ngài – trước mặt Sơ Giéc-tru-đê với
tư cách là mẫu gương cho đời sống của Sơ, vì Mẹ đã trao hiến bản thân cho con
mình đến độ những vết thương của Chúa Con đã được khắc rất sâu trong trái tim
Mẹ, Mẹ đã sống như thể là Chúa Giê-su đã trao đổi con tim của mình với Mẹ.
Bên cạnh đời sống đạo hạnh, Thánh
Giéc-tru-đê còn để lại nhiều tác phẩm. Hai tác phẩm chính của Thánh Nữ là
Legatus divinae pietatis (Đặc phái viên của Tình Yêu Thiên Chúa) và Exercitia
spiritualia (Những Thao luyện thiêng liêng). Tác phẩm Legatus divinae
pietatis chính là sự tường thuật về những mạc khải mà Thánh Giéc-tru-đê đã nhận
được. Còn tác phẩm Exercitia spiritualia thì được viết dưới dạng thi ca vô cùng
nghệ thuật. Tác phẩm này được
coi như là bản tóm lược
toàn bộ tri thức về tôn giáo, về đời sống và về sự từng trải của Thánh Nữ, đồng
thời cũng là một tổng luận về kiến thức Thần Học cũng như về những suy tư có
tính tôn giáo trong thời của Thánh Nữ. Tương truyền kề lại một cuộc thị kiến
của Thánh Nữ, qua đó, Thánh Nữ được nhìn thấy Đức Trinh Nữ Maria đang lịm đi
trong một thửa vườn, được bao quanh bởi đủ mọi loại hoa thơm.
Với tư cách là một trong
những Nữ Đại Huyền Bí của nước Đức, Thánh Giéc-tru-đê đã nhận được tước hiệu
danh dự là Thánh Giéc-tru-đê Cả. Trong thế kỷ XVI, các tác phẩm của Thánh Nữ đã
được phổ biến rất rộng rãi tại cả Âu Châu lẫn tại Nam Mỹ, và cũng đã ảnh hưởng
rất nhiều tới Thánh Petrus Canisius. Từ thế kỷ XVI tới thế kỷ XIX, những cuộc
mạc khải mà Thánh Giéc-tru-đê nhận được đã trở nên rất quan trọng đối với lòng
đạo đức Công giáo. Nhiều nhà Thần Học lẫn Tu Đức Học đã trích dẫn các tác phẩm
của Thánh Nữ.
Sơ Giéc-tru-đê qua đời
tại Đan Viện Helfta vào ngày 17 tháng 11 năm 1302 khi mới 46 xuân xanh. Vào năm
1678, Đức Thánh Cha Innozenz XI đã tôn phong vị Nữ Đan Sĩ thánh thiện này lên
bậc Hiển Thánh.
Giáo hội Công giáo mừng kính Thánh
Giéc-tru-đê Cả vào ngày 17 tháng 11, tức ngày qua đời của Ngài, với bậc Lễ nhớ
tự do, hay còn gọi là Lễ bậc IV.
Lm Đa-minh Thiệu O.Cist