Thánh Catharina Thành Siena
(Ngày 29-4)
Thánh Catharina thành Siena sinh vào ngày 25 tháng 03 năm 1347 tại
Siena, Italia, và qua đời vào ngày 29 tháng 04 năm 1380 tại Rô-ma. Thánh Nữ là
một Nữ Huyền Bí, một Trinh Nữ và là Nữ Tiến Sĩ Hội Thánh.
1.Tiểu sử:
Catharina Siena chào đời vào ngày 25 tháng 03 năm 1347 tại
Siena, Italia. Tên khai sinh của cô theo tiếng Ý là Caterina Benincasa. Ngôi
nhà, nơi cô chào đời, giờ đây đã trở thành một viện bảo tàng, và rất nổi tiếng
với tên gọi là Santuario di Santa Caterina. Cô là người con áp út, tức người
con thứ 24 của một gia đình quý tộc với 25 người con. Cha của cô là ông Jacobo
Benincasa, và mẹ của cô là bà Lapa Di Puccio Di Piagente. Tuy nhiên, có lẽ vì
quá đông con và vì điều kiện cuộc sống thay đổi, nên gia đình cha mẹ Catharina
đã trở nên nghèo khổ. Và vì thế, cha của cô đã phải mưu sinh bằng nghề thợ nhuộm
len. Hầu hết những người anh chị của cô đều chết yểu vì bệnh dịch, hoặc không
thể sống tới tuổi trưởng thành. Còn bản thân Catharina thì lớn lên nhưng không
được tới trường. Khi đã khá lớn tuổi, cô mới bắt đầu học đọc và học viết.
Mặc dầu vậy, Catharina có một ơn đặc biệt về thần bí. Khi mới chỉ
khoảng sáu tuổi, cô đã có thị kiến đầu tiên của mình: Cô nhìn thấy „một phòng cưới tuyệt vời như một hoàng cung“
trên mái nhà thờ của Dòng Đa-minh. Cô còn nhìn thấy trong phòng cưới đó „có Đấng Cứu Độ thế giới, Chúa Giê-su Ki-tô,
ngồi trên ngai Chúa Thượng; Ngài mặc bổ phẩm phục Giám mục và đội trên đầu một
chiếc mũ Tiara – vương miện của hoàng đế và của Đức Giáo Hoàng“. Cô cũng
nhìn thấy Thánh Phê-rô, Thánh Phao-lô và Thánh Gio-an Tông Đồ trong đó. Sau thị
kiến này, càng ngày Catharina càng sống ẩn dật và tìm kiếm sự thanh vắng hơn.
Cô dành nhiều thời gian để ăn năn đền tội, để cầu nguyện thay vì chơi bời. Và
càng ngày cô càng bớt ăn uống đi.
Theo Cha Raimund Capua, khi mới lên bảy, Catharina đã khấn với Đức
Mẹ là sẽ giữ mình đồng trinh trọn đời. Khi cô lên mười hai tuổi, tức tuổi có thể
lập gia đình vào hồi ấy, trước tiên cô đã khước từ việc đánh giá cao vẻ bên
ngoài của mình bằng cách tự nhuộm tóc với màu vàng hoe, nhưng sau đó cô bị người
chị tên là Bonaventura ra sức can ngăn. Tuy nhiên không lâu sau thì chị
Bonaventura qua đời. Hết chị, giờ đây lại đến bố mẹ. Cha mẹ của Catharina đã nhờ
một Linh mục bà con là Cha Tommaso della Fonte, Dòng Đa-minh, để khuyên cô bé
hãy chấp nhận lập gia đình. Nhưng thay vì làm theo ý của cha mẹ Catharina, Cha
Tommaso della Fonte lại khuyên cô gái hãy xuống tóc để chỉ ra rằng, mình đã được
thánh hiến cho Thiên Chúa. Vô cùng bực tức về điều đó, mẹ của Catharina đã ra sức
bẻ gẫy ý chí của con gái mình. Bà cấm cô không được ở trong phòng riêng. Không
những thế, bà còn ra lệnh cho cô phải đầu tắt mặt tối với nhiều công việc, và
phải đảm nhận những công việc của những cô gái hầu bếp, để cô không còn thời
gian để tĩnh lặng hay để cầu nguyện nữa. Catharina không chịu thua trước những
khó khăn do mẹ mình gây ra. Không tìm được không gian bên ngoài để thinh lặng
và cầu nguyện, cô đành phải tạo ra một „căn
phòng nội tâm“ để lui vào đó trong sự cầu nguyện. Trong các bức thư của cô,
„căn phòng nội tâm“ này cũng là một đề
tài được đề cập tới nhiều lần.
Trong một thị kiến mới, Catharina nhìn thấy Thánh Đa-minh đứng
trong vòng vây của các vị Thánh khác. Vị Thánh Tổ Phụ của Dòng Thuyết Giáo đã
chỉ cho cô thấy chiếc áo Dòng Thống Hối của các Nữ Tu Đa-minh, và hứa với cô rằng,
sẽ giúp cô gia nhập Dòng ấy. Sau thị kiến này, Catharina đã thông báo cho mọi
người trong gia đình biết về quyết định của mình. Và kể từ đó, cha cô và mọi
thành viên còn lại trong gia đình đều rất ủng hộ cô. Nhờ sự can thiệp của cha, Catharina
lại nhận được một phòng riêng, và ở đó, ngày ngày cô dành ra nhiều giờ để cầu
nguyện cũng như để thực hiện các hành vi thống hối rất nghiêm khắc.
Càng ngày Catharina càng ăn chay nhiều hơn, cô không ăn thịt,
không uống rượu và không ăn các loại rau đã được nấu chín. Cô không ngủ trên
giường nệm, nhưng nằm trên tấm ván trần. Cô cầu nguyện hầu như thâu đêm và dùng
một sợi xích sắt để đánh tội theo gương Thánh Đa-minh.
Sau đó, Catharina liên tục yêu cầu mẹ mình hãy đến nhà Dòng của
các Nữ Tu Đa-minh để xin cho cô được gia nhập Dòng đó. Đến đây thì Catharina lại
vấp phải rất nhiều những khó khăn. Cô muốn mặc chiếc áo choàng màu đen vì nó được
Thánh Đa-minh chỉ cho cô, nhưng vào thời ấy, chỉ có các bà góa khi đến nhà Dòng
mới nhận được chiếc áo choàng đó, và rồi lại trở về sống trong gia đình mình với
chiếc áo choàng được trao. Sau cùng, mãi tới năm 1363, khi Catharina đã lên mười
sáu, và vẫn kiên trì lập lại lời xin của mình, lúc ấy cô mới được các Nữ Tu
Đa-minh nhận vào Dòng.
Khi đã được nhận vào Dòng, Sơ Catharina đã trải qua nhiều năm
trong phòng riêng của mình với sự ẩn dật gần như tuyệt đối. Và tại đó, Sơ đã học
cách biện phân các thần khí. Trong cuốn Dialogus, Sơ đã mô tả về công việc biện
phân đó như sau: „Khi những cuộc thị kiến
về ma quỷ đến, thì linh hồn nhận ngay được niềm vui trước sự hiện ra của hắn,
nhưng hắn lưu lại càng lâu bao nhiêu thì niềm vui sẽ lại càng giảm xuống bấy
nhiêu, và cuối cùng thì chỉ còn sự chán ngán, đêm tối và sự kích động bạo loạn,
tất cả những điều đó đều làm mờ tối tâm hồn của cô. Nhưng nếu cuộc thị kiến được
thực hiện bởi Thiên Chúa, thì trong khoảnh khắc đầu tiên, tâm hồn sẽ bị lấp đầy
bởi một lòng kính sợ thiêng thánh, nhưng đồng thời với niềm kính sợ này, tâm hồn
sẽ nhận được niềm vui và sự chắc chắn…“
Thông qua một thị kiến khác, tức thị kiến về Tiệc Cưới Huyền Nhiệm,
cuộc đời của Sơ Catharina đã thay đổi đến tận căn. Trong thị kiến này, Chúa
Giê-su đã hiện ra với Sơ, Ngài chạm nhẹ và chiếc nhẫn trên ngón tay của Sơ và
nói với Sơ:
„Này, Ta sẽ kết hôn với
con, Đấng Sáng Tạo và Đấng Cứu Chuộc của con, trong Đức Tin. Con sẽ luôn luôn bảo
toàn nguyên vẹn Đức Tin này, tới khi con cử hành hôn lễ đời đời với Ta trên
Thiên Đàng. Hỡi con gái của Ta, từ giờ trở đi, hãy hoàn toàn tin tưởng và không
được có bất cứ sự do dự nào trong việc thực hiện những điều mà sự quan phòng của
Ta sẽ ủy thác cho con. Nhờ vào việc củng cố Đức Tin, giờ đây con đã được trở
nên mạnh mẽ, và nhờ thế, con sẽ vượt thắng tất cả mọi đối thủ của con cách hạnh
phúc.“
Dưới sự thúc giục của thị kiến nêu trên, Sơ Catharina đã rời bỏ
căn phòng riêng của mình và bước vào đời sống công cộng. Sơ đặt cuộc sống mình
vào trong sự phục vụ tha nhân. Giờ đây, những hành vi đánh tội và thống hối về
mặt thể chất của Sơ đã được cho lùi lại phía sau. Sơ đã đảm trách một phần việc
nội trợ trong gia đình cha mẹ mình, và hỗ trợ những người nghèo và các bệnh
nhân với sự giúp đỡ của thân phụ. Sơ thường xuyên đến thăm các nhà tù để an ủi
các tù nhân, đặc biệt là các tử tù, và đồng hành với họ tới nơi hành hình. Sức ảnh
hưởng và công việc của Sơ đã dẫn tới chỗ hình thành nên một nhóm xung quanh Sơ.
Và Sơ trở nên một người mẹ tinh thần của nhóm này. Các thành viên của nhóm này
bao gồm cả các Nữ Tu mặc áo choàng đen, lẫn những người thân thuộc, và những
người bạn, cả các Tu Sĩ Dòng Thuyết Giáo lẫn các nhân viên của bệnh viện Siena.
Ngoài những vấn đề liên quan tới Giáo hội, Sơ Catharina còn công
khai bày tỏ quan điểm của mình cả trong những vụ việc quan trọng liên quan tới
chính trị và xã hội nữa. Việc một phụ nữ công khai bày tỏ quan điểm như thế là
điều khá xa lạ, cũng như là điều rất gây chấn động vào thời đại đó. Có lẽ vì điều
này nên vào năm 1374, Sơ Catharina đã bị triệu tập tới Tổng Công Nghị của Dòng
Đa-minh. Hồ sơ của vụ thẩm vấn vừa nêu đã bị thất lạc, nhưng những nghiên cứu
cho thấy rằng, trong cuộc tra khảo này, Sơ Catharina đã bị quở trách là lạc
giáo. Tuy nhiên, sau đó người ta đã tuyên bố rằng Sơ có Đức Tin chính thống, và
vì thế, lời buộc tội Sơ là lạc giáo cũng đã được tháo cởi. Nhưng từ đó trở đi,
Sơ đã được ủy thác cho một Cha Linh hướng và giải tội riêng, đó là Linh mục
Raimund Capua của Dòng Đa-minh, người rất có ảnh hưởng vào thời điểm đó. Vị
Linh mục này đã đồng hành với Sơ Catharina suốt quãng đời còn lại của Sơ với tư
cách là cố vấn và thông dịch viên. Sau khi Sơ Catharina qua đời, chính vị Linh
mục này đã biên soạn bộ tiểu sử của Sơ, đó là bộ Vita Di Caterina Da Siena
Legenda Maior.
Không chỉ thể hiện quan điểm trong những gì liên quan tới đời sống
Đức Tin, Sơ Catharina cũng còn hoạt động rất tích cực trong các lãnh vực chính
trị và xã hội nữa. Sơ có nhiều bài diễn thuyết công khai, và trong các bài diễn
văn của mình, khi - từ sự hiệp thông khắng khít với Giáo hội -, Sơ cho rằng, đó
là điều cần thiết, thì Sơ cũng không ngần ngại đưa ra những lời chỉ trích gắt
gao đối với những người mang trách nhiệm cả trong Giáo hội lẫn trong xã hội
chính trị. Ngay lập tức, lời kêu gọi của Sơ Catharina đã được phổ biến trên
toàn châu Âu, và vì thế, rất nhiều người từ mọi quốc gia trên cựu lục địa đều
tuốn đến với Sơ để xin được tư vấn. Trong số những người đó, có cả Đức Giáo
Hoàng, người mà về phía mình, Sơ đã không nể nang, nhưng đã nghiêm khắc cảnh
báo Ngài với những lời có tính Ngôn Sứ. Tuy nhiên, Sơ không hề có một chút mảy
may nào trong việc chống lại quyến bính của Đức Giáo Hoàng. Sơ trình bày về điều
đó như sau:
„Ngay cả khi Giáo Hoàng là
một tên quỷ trở thành người chứ không phải là một Đức Thánh Cha tốt lành, thì
chúng ta cũng phải vâng phục Ngài, không phải vì cá nhân Ngài, nhưng là vì
Thiên Chúa. Vì Chúa Ki-tô muốn rằng, chúng ta phải tuân phục vị đại diện của
Ngài“ (Bức thư thứ 207).
Vào ngày mồng 01 tháng 04 năm 1375, khi đứng trước một cây Thánh
Giá tại Pisa, toàn thân thể của Sơ Catharina đã được in Năm Dấu Thánh của Chúa
Giê-su: Năm vết thương của Chúa Giê-su đã xuất hiện cách nhiệm mầu trên thân thể
của Sơ. Tuy nhiên, chỉ mình Sơ mới nhận ra năm vết thương đó.
Vào năm 1376, Sơ Catharina đã lên đường đi tới Avignon để gặp Đức
Thánh Cha Grê-gô-ri-ô XI, vì từ năm 1309, các Đức Giáo Hoàng đã rời đô về đó.
Sơ đã thuyết phục Đức Thánh Cha Grê-gô-ri-ô XI rời bỏ Avignon để quay về Rô-ma.
Đức Thánh Cha đã nghe theo lời khuyên của Sơ Catharina, và thế là vào ngày 13
tháng 09 năm 1376, Ngài đã rời bỏ Avignon để lên đường về Rô-ma, và vào cuối
tháng Giêng năm 1377 thì Ngài về tới nơi.
Tuy nhiên, sau khi Đức Grê-gô-ri-ô XI qua đời thì trong Giáo hội
đã xảy ra một cuộc đại ly giáo. Trong cuộc ly giáo này, Sơ Catharina đã đứng về
phía Đức Giáo Hoàng Urban VI. Theo yêu cầu của vị Giáo hoàng này, Sơ đã đã đi tới
Rô-ma. Tại đây, Sơ đã dấn thân hết mình cho sự hiệp nhất của Giáo hội, cũng như
đã cố gắng tìm ra những giải pháp ôn hòa cho cuộc khủng hoảng đang gây chao đảo
cho đất nước Italia hồi đó.
Vào ngày 29 tháng 04 năm 1380, sau khi mắc phải một cơn bệnh nặng,
Sơ Catharina đã an nghỉ trong Chúa khi mới chỉ có 33 tuổi đời. Nơi Sơ qua đời nằm
gần với nhà thờ Santa Maria sopra Minerva của Rô-ma. Thi hài sơ đã được an táng
trong Thánh Địa của nhà thờ này.
2.Việc tôn kính:
Sau nhiều báo cáo cho biết rằng, rất nhiều phép lạ đã diễn ra tại
mộ của Sơ Catharina, nên Cha Raimund Capua, tức Cha Giải Tội của Sơ, đã cho
phép khai quật ngôi mộ của Sơ và đưa các Thánh Cốt của Sơ vào trong nguyện đường
Capranica của Vương Cung Thánh Đường Santa Maria sopra Minerva nói trên. Từ năm
1855, tức sau khi đã được phong Thánh, các Thánh Cốt của Thánh Catharina đã được
đặt vào trong một hòm đựng Thánh Cốt và được đặt ở phía dưới Bàn Thờ Chính của
Vương Cung Thánh Đường nêu trên. Riêng hộp sọ của Thánh Catharina thì sau này
được chuyển tới Siena, quê hương của Thánh Nữ. Khi hộp sọ nêu trên về tới
Siena, dân chúng đã tổ chức cung nghinh với một đoàn rước rất lớn và đưa hộp sọ
của Thánh Nữ vào trong nhà thờ của Dòng Đa-minh tại đó.
Ngoài ra, một khúc xương ngón tay cái của Thánh Catharina cũng
được chuyển tới Siena và được bảo quản trong Vương Cung Thánh Đường San
Domenico (Vương Cung Thánh Đường Thánh Đa-minh) tại đó.
Vào năm 1430 khi mộ của Sơ Catharina được khai quật lần đầu
tiên, thì thân xác của Sơ vẫn còn nguyên vẹn và không bị thối rữa. Trong cuộc
khai quật lần cuối cùng vào năm 1855, thân xác của Thánh Catharina cũng vẫn còn
được giữ nguyên vẹn một cách đầy ngỡ ngàng.
Vào ngày 29 tháng 06 năm 1461, Sơ Catharina đã được Đức thánh
Cha Pi-ô II, người cũng xuất thân từ Siena, tôn phong lên bậc Hiển Thánh. Vào
ngày 18 tháng 06 năm 1939, Đức Thánh Cha Pi-ô XII đã đặt Thánh Nữ Catharina làm
Nữ Bổn Mạng của nước Ý. Vào ngày mồng 03 tháng 10 năm 1970, Đức Thánh Cha
Phao-lô VI đã tôn phong Thánh Nữ Catharina lên hàng Tiến Sĩ Hội Thánh - Doctor
Ecclesiae universalis. Vào ngày mồng 01 tháng 10 năm 1999, cùng với Thánh
Brigitta Thụy Điển và Thánh Theresa Benedicta Thánh Giá, Thánh Nữ Catharia đã
được Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đặt làm Nữ Bổn Mạng của toàn Châu Âu.
Cả Giáo hội Công giáo lẫn Giáo hội Tin lành và Giáo hội Anh giáo
đều dành cho Thánh Nữ Catharina một sự tôn kính cách đặc biệt.
Giáo hội Công giáo mừng kính Thánh Nữ Catharina Siena Tiến Sĩ Hội
Thánh vào ngày 29 tháng 04, tức ngày qua đời của Thánh Nữ, với bậc Lễ nhớ buộc
hay cũng còn được gọi là Lễ bậc III.
Tại Việt Nam, Thánh Nữ Catharina đã trở thành một trong những vị
Thánh được các tín hữu yêu mến nhất. Rất nhiều bậc cha mẹ muốn đặt tên Thánh
cho con gái mình là Catharina.
Một trong những Hội Dòng lớn tại Việt Nam, đó là Hội Dòng
Đa-minh Tam Hiệp, đã nhận Thánh Catharina làm Bổn Mạng.
Lm
Đa-minh Thiệu O.Cist