Các Thánh Tử Đạo
Tiên Khởi của Giáo đoàn Rô-ma
Sau khi Chúa Giê-su về trời, và đặc biệt là sau cuộc bách hại
nhắm vào các Ki-tô hữu tại Giê-ru-sa-lem, các môn đệ của Ngài đã mau chóng có
mặt tại rất nhiều nơi. Và trong một thời gian ngắn sau đó, các Ki-tô hữu đã
hiện diện tại kinh thành muôn thuở. Vì là một nhóm nhỏ, lại có lối sống khác
biệt một cách căn bản đối với dân ngoại, nên các Ki-tô hữu tiên khởi của Giáo
đoàn Rô-ma đã bị nhìn xem với con mắt nghi kỵ. Trong các năm đầu tiên của Giáo
hội, các Ki-tô hữu luôn phải sống trong sự chế nhạo và dè bửu. Dù vậy, cộng
đoàn Ki-tô hữu càng ngày càng lớn mạnh, càng thêm đông số và càng được nhiều
người biết tới.
Khi các cộng đoàn Ki-tô giáo càng lớn mạnh, và khi toàn bộ tư
tưởng Ki-tô giáo càng ngày càng được biết tới, trong khi tư tưởng này lại biện
phân một cách căn bản với giới ngoại giáo, thì cũng là lúc sự chống đối nhắm
vào tôn giáo non trẻ có vẻ như rất nguy hiểm cho nhà nước này, cũng càng ngày
càng tăng lên. Hoàng đế Nê-rô (54-68) đã phát động một cuộc bách hại nhắm vào
các Ki-tô hữu, và cuộc bách hại này đã kéo dài tới hơn 250 năm. Vào tháng 07
năm 64, một cuộc hỏa hoạn đã xảy ra tại thành phố Rô-ma. Theo tương truyền,
chính hoàng đế Nê-rô đã ra lệnh thực hiện cuộc hỏa hoạn đó để lấy hứng làm thơ.
Tuy nhiên, cuộc hỏa hoạn đã diễn ra ngoài tầm kiểm soát và đã gây ra rất nhiều
thiệt hại, nên đã khiến dân chúng nổi loạn. Để tìm cách chối tội và trấn an dân
chúng, hoàng đế Nê-rô đã đổ lỗi cho các Ki-tô hữu rằng, họ là những người đã
thiêu đốt thành phố. Và vì thế, rất đông tín hữu đã bị bắt giam. Tất nhiên, các
tín hữu đã không bao giờ thừa nhận việc gây hỏa hoạn, nhưng họ lại công khai
tuyên xưng Đức Tin Ki-tô giáo của mình. Và việc công khai tuyên xưng Đức Tin
như thế là đủ để bị khép vào án tử hình. Và để thực hiện án tử hình trên các
Ki-tô hữu, hoàng đế Nê-rô đã không cho phép thi hành việc hành hình họ một cách
đơn giản, nhưng ông ta đã nghĩ ra những cuộc tra tấn và những cách hành hình
hết sức man rợ, chẳng hạn như cho sư tử đói vào xé xác các Ki-tô hữu, hay cho
đóng đi các Ki-tô hữu vào Thập Giá rồi tẩm dầu vào thân thể họ, sau đó châm lửa
đốt như một ngọn đuốc sống v.v...
Sử gia Tacitus, người Rô-ma và cũng là một người ngoại giáo, đã
mô tả lại trong cuốn thứ 15 bộ biên niên sử của ông về cuộc bách hại này. Theo
những lời ông viết, một số người rất đông đã bị hành hình:
Để tránh tiếng đồn rằng, chính ông là người đã đốt thành phố
Rô-ma, „hoàng đế Nê-rô đã tìm cách đổ lỗi cho người khác, và ra lệnh trừng
phạt những người bị căm thù vì tội ác của họ, đó là những người mà dân chúng
gọi là Ki-tô hữu. Danh xưng này bắt nguồn từ ông Ki-tô; ông này đã bị hành hình
bởi tổng trấn Phong-xi-ô Phi-la-tô, dưới thời trị vì của hoàng đế Tiberius...
Vì thế, trước tiên người ta bắt giam tất cả những ai tuyên xưng rằng, mình là
Ki-tô hữu; sau đó, những người này khai ra rằng, họ thuộc về một đám người rất
đông. Họ không chỉ bị kết tội là những kẻ gây ra vụ đốt phá, nhưng còn bị quy
cho tội rằng, họ là những kẻ thù ghét tất cả mọi người. Người ta biến những kẻ
bị kết án tử hình thành những vở kịch. Người ta nhốt họ vào trong những chiếc
chuồng dành cho thú vật, và để cho họ bị cắn xé bởi những con chó, người ta
đóng đinh họ vào Thập Giá rồi châm lửa để đốt họ, và sau khi màn đêm ập xuống,
người ta đốt họ như là đốt những ngọn đuốc. Hoàng đế Nê-rô đã giao vườn thượng
uyển của hoàng cung cho người ta thực hiện những vở kịch này, cũng như đã ra
lệnh tổ chức một hý trường để biểu diễn những màn kịch này: Trong cảnh một
người lái xe, ông hòa mình vào giữa đám đông, hay đứng trên xe của mình...“
Người ta cho rằng, số các Ki-tô hữu bị hành hình trong cuộc bách
hại của hoàng đế Nê-rô là rất nhiều và không thể đếm nổi. Còn theo Thánh
Hieronymus, có tổng cộng 979 Ki-tô hữu đã bị hành hình trong vụ này. Hầu hết
những Ki-tô hữu đó đều là những người vô danh, giờ đây không ai biết đến danh
tánh hay tên tuổi của họ. Vì thế, trong suốt một thời gian dài, các vị Tử Đạo
này đã không được Giáo hội cử hành Lễ kính nhớ.
Mãi tới năm 1923, một Đại Lễ kính chung tất cả các Thánh Tử Đạo
mới được cử hành lần đầu tiên tại Rô-ma. Sau đó, từ năm 1969, với cuộc cải tổ
Lịch Phụng Vụ, ngày Lễ này đã chính thức được ghi vào trong lịch Kính Các Thánh
chung của toàn Giáo hội Công Giáo, và được đổi tên thành Lễ Kính Các Thánh Tử
Đạo Tiên Khởi của Giáo đoàn Rô-ma. Kể từ đó, Giáo hội cử hành Lễ này vào ngày
30 tháng 06, sau Đại Lễ Kính Hai Thánh Phê-rô và Phao-lô Tông Đồ, ở bậc Lễ Nhớ
không buộc.
Lm
Đa-minh Thiệu O.Cist