NGÀY 05 THÁNG 06
THÁNH BÔ-NI-PHA-XI-Ô GIÁM MỤC TỬ ĐẠO
1.Từ thời niên thiếu tới khi lãnh nhận tác vụ Linh mục:
Thánh Bô-ni-pha-xi-ô sinh vào
khoảng năm 672 tại Crediton, Anh Quốc, trong một gia đình quý tộc. Tên khai
sinh của Ngài là Wynfreth, có nghĩa là Người Bạn Hòa Bình. Sau này Ngài đổi tên
thành Bonifatius, có nghĩa là Người Hảo Tâm. Lớn lên, Ngài được gửi vào trong một
Đan Viện tại Exeter để học. Sau khi học xong, Ngài đã rời bỏ Exeter và gia nhập
Đan Viện Biển Đức Nhutscelle, tức Nursling ngày nay. Không lâu sau thì Thầy
Wynfreth được khấn trọng trong Đan Viện đó. Khi được 30 tuổi, tức khoảng năm
702, Thầy Wynfreth đã được lãnh nhận tác vụ Linh mục. Sau đó, Ngài được bổ nhiệm
làm giáo viên môn văn phạm và môn thơ ca trong trường của Dòng. Cha đã soạn thảo
một số bộ chú giải Kinh Thánh, sáng tác nhiều vần thơ, và viết ra bộ văn phạm
La ngữ đầu tiên bằng tiếng Anh. Lúc đó, Giáo hội tại Anh quốc rất gắn bó với
Giáo hội tại Rô-ma, nhưng Giáo hội tại Ailen-Scotland thì lại có xu hướng độc lập.
Mối liên kết sâu xa của Giáo hội tại Anh quốc với Giáo hội tại Rô-ma và những kỷ
luật nghiêm ngặt của đời sống Đan Tu, cộng với tinh thần đạo đức của Kinh Thánh
đã hình thành nên tính cách của Cha Wynfreth.
2.Hoạt động truyền giáo trên nước Đức:
Vào năm 716, Cha Wynfreth bắt đầu
những hoạt động truyền giáo của mình tại Friesland. Nhưng vì không thu lượm được
kết quả nào, nên vào cuối năm đó, Ngài đã trở về lại Đan Viện Nhutscelle của
mình. Sở dĩ Ngài thất bại trong lần truyền giáo này là vì mảnh đất khô cằn chưa
được tưới đẫm bởi sương sa từ trời như lời giải thích mà tác giả cuốn tiểu sử của
Ngài đã đưa ra. Vào năm 717, khi Viện Phụ của Đan Viện Nhutscelle lâm chung,
Cha Wynfreth đã được cộng đoàn bầu làm người kế vị.
Vào mùa Thu năm 718, Đức Giám mục
Daniel của Winchester đã gửi Viện Phụ Wynfreth tới Rô-ma. Tại đó, ĐứcThánh Cha
Grê-gô-ri-ô II đã phong chức Giám Mục cho Viện Phụ Wynfreth và ủy thác cho vị
tân Giám mục sứ mạng loan báo Tin Mừng cho dân ngoại tại nước Đức. Ngày 15
tháng 05 năm 719, đích thân Đức Thánh Cha đã tấn phong Giám mục cho Viện Phụ Wynfreth.
Vì ngày phong chức Giám mục cho Viện Phụ Wynfreth là ngày mừng kính Thánh Bonifatius
thành Tarsus, Bổn Mạng của Ngài, nên kể từ đó, Đức Cha Wynfreth đã quyết định đổi
tên thành Bô-ni-pha-xi-ô theo tên của Thánh Bổn Mạng.
Ngay sau khi được tấn phong
Giám mục, Đức Cha Bô-ni-pha-xi-ô đã lên đường đi tới nước Đức. Trước tiên, Ngài
lưu lại tại Bayern, rồi tới Thüringen, và sau cùng, Ngài đi tới Friesland cùng
với Willibrord. Qua Willibrord, Ngài đã học biết được rất nhiều về văn hóa,
chính trị cũng như về đời sống của người Đức.
Năm 721, Đức Cha Bô-ni-pha-xi-ô
đã chia tay Willibrord, và bắt đầu những hoạt động truyền giáo của mình tại Hessen
và Thüringen. Vào năm 722, Đức Giáo Hoàng đã triệu tập Đức Cha Bô-ni-pha-xi-ô về
Rô-ma, và phong cho Ngài tước Giám Mục Truyền Giáo, cũng như ủy thác cho Ngài
nhiệm vụ tổ chức lại Giáo hội trên toàn nước Đức, đặc biệt là việc sáp nhập các
Cộng đoàn đang theo lạc giáo Arius cũng như các Cộng đoàn có xu hướng Ailen-Scotland
vào với Giáo hội Công giáo Rô-ma. Đức Thánh Cha cũng trao cho Ngài ủy nhiệm thư
để trình với quốc vương Karl Martell, cũng như với tất cả các ông hoàng và các
Giám mục địa phương. Nhưng các Giám mục tại vương quốc Franken chẳng hào hứng
gì mấy với việc mở rộng Ki-tô giáo tại vương quốc, nhưng lại muốn cai trị giống
như những công tước ngoài đời. Các Giám mục ấy không tổ chức bất cứ một cuộc hội
nghị nào, và cũng gần như không có bất cứ một sự giao tiếp nào với Tòa Thánh cả.
Kế hoạch mà Đức Giám Mục Bô-ni-pha-xi-ô đưa ra nhằm thiết lập các Giáo phận mới
cũng như tổ chức lại Giáo hội tại Franken đã vấp phải những chống đối rất mãnh
liệt. Một số truyền thuyết kể lại rằng, người ta căm tức Ngài đến độ đã tuyên
án tử hình cho Ngài.
Vào năm 723, khi Đức Cha
Bô-ni-pha-xi-ô trở về Hessen, Ngài đã cho phá hủy hết mọi nơi thờ tự của người
ngoại giáo. Có một câu chuyện về Ngài rất được nhiều người biết đến. Theo đó,
Ngài đã đốn bỏ một cây sồi được dâng hiến cho thần Thor, tức thần chiến tranh của
người Đức tại Geismar (một phần của thành phố Fritslar thuộc bang Hessen ngày
nay). Từ cây sồi đó, Ngài đã làm được 4 chiếc cột, và dùng 4 chiếc cột đó để dựng
lên một nguyện đường nho nhỏ tôn kính Thánh Phê-rô. Sau này, nguyện đường đó trở
thành một Đan Viện có tên là Fritzlar.
Ngoài nguyện đường nêu trên, Đức
Cha Bô-ni-pha-xi-ô còn xây dựng thêm được rất nhiều những ngôi thánh đường và
những Đan Viện khác tại Hessen, chẳng hạn như Đan Viện Ohrdruf, cũng như tại
Mainfranken, chẳng hạn như các Đan Viện Tauberbischofsheim, Kitzingen, Neustadt
và Ochsenfurt. Qua đó, Ngài đã đặt nền tảng vững chãi cho toàn Giáo hội tại Đức,
nơi Ngài không ngừng cố gắng xây dựng một mối liên hệ khắng khít với Rô-ma, và
thường xuyên lãnh nhận sự chỉ dẫn từ Tòa Thánh ngay cả trong những chi tiết nhỏ.
Vào năm 723, để chứng tỏ sự nhìn nhận của Tòa Thánh về công trạng của Đức Cha
Bô-ni-pha-xi-ô, Đức Thánh Cha Grê gô-ri-ô đã bổ nhiệm Ngài làm Tổng Giám Mục và
làm Giám Quản Tông Tòa của toàn bộ miền Đông đế quốc Franken, cũng như cho phép
Ngài được thiết lập các Tòa Giám Mục mới.
Trong chuyến trở về Rô-ma vào
các năm 737 – 738, Đức Cha Bô-ni-pha-xi-ô đã được bổ nhiệm làm đặc phái viên của
Tòa Thánh. Từ đó, Ngài bắt đầu hoạt động truyền giáo tại Bayern, Sachen và tại
nhiều nơi khác. Vào năm 739, Ngài cho tổ chức lại một số Giáo phận, như Salzburg,
Passau, Regensburg và Freising. Trong nhiều bộ tiểu sử khác nhau, Ngài được coi
là sáng lập viên của các Giáo phận đó. Nhờ vào sự hỗ trợ liên tục của quốc
vương Karlmann, Ngài đã thiết lập nên các Giáo phận Würzburg, Büraburg và
Erfurt. Và nhờ vào các mối quan hệ của mình, một mặt là với Tòa Thánh Vatican,
và mặt khác là với các hoàng đế triều Caroling, Đức Cha Bô-ni-pha-xi-ô đã góp
công rất nhiều trong việc giải phóng Tòa Thánh khỏi sự lệ thuộc vào triều đình
Byzantin, cũng như đã góp công rất lớn trong việc phát triển Giáo hội tại vùng
Trung Âu. Vào năm 744, Ngài đã thành lập một Đan Viện mới, đó là Đan Viện
Fulda.
Sau sự thành công của Công Đồng
Germanicum vào tháng 04 năm 742, tức Công Đồng đầu tiên trên một phần vương quốc
của Karlmann, Ngài đã cho tổ chức một loạt các Công Đồng khác, chẳng hạn như
Công Đồng Estinnes vào tháng 03 năm 743, Công Đồng Soissons trên lãnh thổ của
triều đình Pippin vào tháng 03 năm 744, và Công Đồng Mainz cho toàn đế quốc
Franken vào đầu năm 745. Các Công Đồng vừa nêu đã tạo ra những nguyên tắc căn bản
cho đời sống kỷ luật trong Giáo hội cũng như cho đời sống Ki-tô giáo: Địa vị và
bổn phận của Giám mục, đời sống đạo đức và thái độ của Giáo sĩ, từ bỏ những
phong tục ngoại giáo và những vấn nạn liên quan tới đời sống hôn nhân trong
Giáo hội.
Nhiều bộ tiểu sử khác nhau về
Bô-ni-pha-xi-ô đều cùng cho thấy Ngài có một mối liên hệ khắng khít với Karl
Martell và với người con của vị hoàng đế này là Karlmann. Vào cuối năm 747, khi
Karlmann từ chức và gia nhập một Đan Viện tại Ý, thì người con khác của hoàng đế
Karl Martell là Tiểu Pippin lên làm vua của đế quốc Franken. Kể từ đó, ảnh hưởng
của Đức Cha Bô-ni-pha-xi-ô suy yếu dần. Phe đối lập nổi lên và đã không chịu
bàn giao các Tòa Giám Mục cũ. Bất chấp những chống đối của giới quý tộc, Đức
Cha Bô-ni-pha-xi-ô vẫn tiếp tục những hoạt động của mình. Ngài đã quy tụ giới y
bác sĩ có năng lực từ Hibernia (Ailen) chung quanh mình để chăm sóc cho các bệnh
nhân. Một số y bác sĩ như Burkhard, Willibald, Wunibald, Sturmius, Lullus,
Megingaud, Wigbert, Gregor, Lioba và Walburga được coi là những cộng tác viên đặc
biệt của Ngài. Với sự cho phép của hoàng đế Pippin, Ngài đã đặt một số cộng tác
viên của mình làm Giám mục cho các Giáo phận: Würzburg (năm 741), Büraburg và Erfurt
(năm 742), cũng như cho Giáo phận Eichstätt (năm 745). Các vị Giám mục đó đã hỗ
trợ Ngài rất nhiều trong công cuộc tái tổ chức lại Giáo hội tại Đức. Và các vị
Giám mục đó cũng hỗ trợ hoàng đế Carolo rất nhiều cả trong việc thành lập lẫn
việc cai trị đế quốc.
Vào năm 747, Đức Cha
Bô-ni-pha-xi-ô được bổ nhiệm làm Giám mục của Giáo phận Mainz. Trước đó, Ngài
được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục của Köln, nhưng việc bổ nhiệm này bị gặp trở ngại
do sự chống đối mãnh liệt của các Giám Mục thuộc vùng hữu ngạn sông Rhein. Vì
thế, đối với Ngài, việc làm Giám mục của Mainz chỉ là một dạng chữa cháy mà
thôi. Tuy nhiên, dưới thời của Đức Cha Lullus, người kế nhiệm trực tiếp của
Thánh Bô-ni-pha-xi-ô, Giáo phận Mainz đã được nâng lên hàng Tổng Giáo Phận.
Mối liên kết giữa các vị vua
nhà Caroling và Đức Cha Bô-ni-pha-xi-ô đã trở nên lỏng lẻo vì những chống đối của
giới quý tộc nhắm vào vị tân Giám mục của Mainz, cộng với việc Pippin III muốn
mở rộng lãnh thổ của mình cũng như muốn trở thành một quốc vương.
Vào tháng 03 năm 747, Đức Cha
Bô-ni-pha-xi-ô vẫn còn có thể tham dự thêm được một Công Đồng nữa tại Áo. Vào
năm 748, Pippin ngang nhiên tự ý triệu tập một Công Đồng, nhưng đã không thành.
Sau đó, những gì liên quan tới Giáo hội, ông ta đều đặt vấn đề trực tiếp với Đức
Giáo Hoàng, còn Đức Cha Bô-ni-pha-xi-ô thì bị gạt sang một bên và chỉ được
thông báo cho biết những câu trả lời của Tòa Thánh mà thôi. Càng về sau, Đức
Cha Bô-ni-pha-xi-ô càng bị đẩy ra xa. Tuy nhiên, những công trình của Ngài đã
bén rễ rất sâu, và những ông hoàng của triều Caroling vẫn tiếp tục công cuộc cải
tổ của Ngài. Pippin III đã có một khế ước lịch sử mang tầm quốc tế với Tòa
Thánh.
Giờ đây Đức Cha Bô-ni-pha-xi-ô
cảm thấy rằng, Ngài không thể nắm chắc được việc mình có thể bổ nhiệm một trong
những môn đệ thân tín của Ngài làm người kế vị tại Giáo phận Mainz hay không.
Vì thế, vào năm 751, dù có đặc quyền được ban bởi Tòa Thánh để tổ chức lại Giáo
hội trên toàn đế quốc Franken, nhưng Đức Cha Bô-ni-pha-xi-ô vẫn từ chức Giám mục
Mainz, rồi sau đó gia nhập Đan Viện Fulda do chính Ngài sáng lập. Còn Pippin
III thì liên minh trực tiếp với Đức Giáo Hoàng Stephanô II. Chính vị Giáo hoàng
này đã truất phế vua Karlmann và tấn phong Pippin làm vua thay thế.
3.Qua đời và được tôn kính:
Vào lúc cuối đời, khi biết giờ
lâm chung của mình sắp đến gần, Đức Cha Bô-ni-pha-xi-ô vẫn lên đường truyền
giáo cho người Friesen. Một số người đã đồng hành với Ngài, trong đó có Adalar,
Eoban, Hildebrand và Ferdinand. Trước khi lên đường, Ngài từ giã những người
thân và mang theo một tấm khăn liệm trong gói hành trang của mình, cũng như ủy
thác mọi công việc của Giáo phận Mainz cho Lullus. Đức Cha Bô-ni-pha-xi-ô đã muốn
trở lại cách công khai với nơi mà Ngài đã từng bắt đầu sứ vụ truyền giáo của
mình. Vào ngày mồng 05 tháng 06 năm 754 (cũng có tài liệu nói vào năm 755), tức
ngày Đại Lễ Kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống của năm đó, khi Ngài đang chuẩn bị
ban Bí Tích Thanh Tẩy cho nhiều người tại vùng Dokkum của Westfriesland, thì
Ngài đã bị những tên cướp đường tấn công, bởi chúng nghĩ rằng Ngài có nhiều tiền.
Chúng đã giết Ngài cùng với 51 người tháp tùng.
Sau đó, tất cả bọn cướp đều bị
bắt giam. Một số người trong bọn họ bị kết án tử hình, còn số khác thì được ân
xá. Trong số những kẻ được ân xá đó, kẻ nào đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội trước
rồi thì đều hoán cải và sống đời Ki-tô hữu đạo hạnh, còn kẻ nào chưa lãnh nhận
Bí Tích Thanh Tẩy, thì được lãnh nhận Bí Tích đó và trở thành những Ki-tô hữu
gương mẫu.
Chính xác mà nói thì Đức Cha
Bô-ni-pha-xi-ô đã không chết với tư cách là một vị Tử Đạo, nhưng là nạn nhân của
những tên cướp đường. Thi hài Ngài trước tiên được đưa tới Utrecht, rồi được
đưa tới Mainz và an táng tại đó như ước nguyện sau cùng của Ngài. Về sau, các
Thánh Cốt của Ngài đã được chuyển tới Đan Viện Fulda do chính Ngài sáng lập. Mộ
của Ngài tại Đan Viện vừa nêu đã trở thành một điểm hành hương rất nổi tiếng.
Sau khi Đức Cha Bô-ni-pha-xi-ô
qua đời, các tín hữu tại Vương Quốc Anh là những người đầu tiên tôn kính Ngài với
tư cách là một vị Thánh Tử Đạo (vì Ngài bị giết trên đường đi truyền giáo), sau
đó, đến lượt các tín hữu tại những nơi Ngài đã từng hoạt động, và cuối cùng là
các tín hữu trên toàn đế quốc Franken.
Thánh Bô-ni-pha-xi-ô đã hết sức
nỗ lực trong việc áp dụng những quy tắc của Giáo hội Rô-ma cho Giáo hội tại
Franken. Với tư cách là một nhà tổ chức, Ngài được coi là một trong những kiến
trúc sư của Giáo hội vùng Tây Âu; và với tư cách là nhà truyền giáo, Ngài đã
góp phần rất lớn trong việc thu hẹp khoảng cách giữa Hessen và Thüringen. Người
ta thích gọi Thánh Bô-ni-pha-xi-ô bằng tước hiệu Tông Đồ Của Người Đức hơn là
Nhà Tổ Chức.
Vào thế kỷ XIX, việc tôn kính
Thánh Bô-na-pha-xi-ô đạt tới một đỉnh cao mới, vì lúc ấy có một làn sóng các
tín hữu Công giáo chạy đến với Ngài, bởi họ sợ sẽ có một phong trào rời bỏ Giáo
hội Rô-ma sau khi Đức Quốc Xã được thành lập, và do vậy, họ được thôi thúc chạy
tới với Thánh Bô-ni-pha-xi-ô với tư cách là Vị Tông Đồ của dân tộc Germanie. Cuộc
hành hương hàng năm tới Thánh Đường Fulda đã bảo tồn một ký ức đáng trân trọng
về vị Tổ Phụ sáng lập ra Đan Viện đó – hạt nhân của thành phố Fulda sau này.
Vào năm 1867, Hội Đồng Giám mục Công giáo Đức đã lần đầu tiên được tổ chức tại
Fulda, và cho tới nay, Hội Đồng Giám Mục Đức vẫn luôn diễn ra hàng năm tại đó
vào mỗi mùa Thu. Trong Thánh Lễ bế mạc các phiên họp của Hội Đồng Giám Mục Đức
tại Nhà Thờ Chính Tòa Fulda, các Giám Mục sẽ lần lượt đến nhận phép Lành với
Thánh Cốt của Thánh Bô-ni-pha-xi-ô. Cho tới năm 2005, việc kính nhớ Thánh
Bô-ni-pha-xi-ô đã được cử hành theo nhiều cách thức, và nhiều bậc Lễ khác nhau
tại mỗi Giáo phận. Nhưng kể từ đó tới nay, Lễ Kính Thánh Bô-ni-pha-xi-ô đã được
nâng lên hàng Lễ Kính, tức Lễ bậc II trên tất cả các Giáo phận thuộc khối tiếng
Đức.
Mặc dù được các tín hữu tôn
kính từ rất sớm với tư cách là một vị Thánh Tử Đạo, nhưng mãi tới năm 1855, Đức
Cha Bô-ni-pha-xi-ô mới chính thức được Đức Thánh Cha Pi-ô IX ghi vào sổ bộ các
Thánh của Giáo hội Công giáo Rô-ma.
Ngoại trừ các Giáo phận thuộc
khối tiếng Đức mừng kính Thánh Bô-ni-pha-xi-ô Giám mục Tử Đạo với bậc Lễ Kính
ra, thì trên toàn Giáo hội Công giáo nói chung, Thánh Nhân được mừng kính với bậc
Lễ nhớ buộc, tức Lễ bậc III, vào ngày mồng 05 tháng 06 hàng năm.
Lm. Đa-minh Trần Tiến Thiệu,
O.Cist.