Thánh Gia-cô-bê Tông Đồ
(Ngày 25-7)
Thánh Gia-cô-bê Tông Đồ hay cũng còn được gọi là Thánh Gia-cô-bê
Tiền, sinh vào khoảng đầu thế kỷ thứ nhất tại vùng duyên hải Gennesaret thuộc
miền Gailea, tức Jam Kinneret, Israel ngày nay. Thánh Nhân là con trai của viên
ngư phủ tên là Giê-bê-đê, và là anh trai của Thánh Gio-an Tông Đồ, cả hai đều nằm
trong số 4 Tông Đồ được Chúa Giê-su kêu gọi đầu tiên. Thân mẫu của các Ngài là
bà Salome. Vì lòng nhiệt tình hăng hái của hai vị Tông Đồ này, nên Chúa Giê-su
đã đặt cho các Ngài một biệt danh là Con Của Sấm Sét (xc. Mc 3,17). Bên cạnh
Thánh Gio-an – em của Ngài -, và Thánh Phê-rô, Thánh Gia-cô-bê được liệt vào số
ba vị Tông Đồ được Chúa Giê-su ưu ái cách riêng. Các Ngài đã hiện diện trong cuộc
Biến Hình của Chúa Giê-su cũng như trong vườn Getsemani lúc Chúa Giê-su đang sợ
hãi trước cái chết của Ngài (xc. Mc 14,33).
Theo Tin Mừng của Thánh
Mát-thêu, hai vị Tông Đồ này đã nhờ mẹ mình đến gặp Chúa Giê-su để cạy cựa cho
mình có được những cấp bậc cao nhất trong „Nước“ của Chúa (xc. Mt 20,20-23).
Nhưng Tin Mừng của Thánh Mác-cô thì kể rằng, hai ông đã đích thân tới gặp Chúa
để cạy cựa chuyện đó (xc. Mc 10,35-40). Việc hai vị Tông Đồ công khai vận động
cho mình có được những chức vụ cao đã khiến cho các Tông Đồ khác hết sức bất
bình (xc. Mt 20,24; Mc 10,41).
Trong khi sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật một cách cặn kẽ về những
hoạt động của Thánh Phê-rô và của Thánh Gio-an, thì sách này chỉ nhắc tới Thánh
Gia-cô-bê qua biến cố Ngài bị hành hình bởi vua Hê-rô-đê Agrippa I tại Judea
vào năm 43. Nhưng cuộc Tử Đạo của Thánh Gia-cô-bê lại được sách Công Vụ Tông Đồ
liên kết với một cuộc bách hại nhắm vào các Ki-tô hữu khác (xc. Cv 12,1-2). Vì
thế, Thánh Gia-cô-bê là vị Tử Đạo đầu tiên trong số các Tông Đồ.
Theo truyền thuyết, trước khi được phúc Tử Đạo, Thánh Gia-cô-bê
đã rao giảng Tin Mừng tại vùng xung quanh Samaria, tức Shomron ngày nay, và sau
đó Ngài mới hoạt động tại Giê-ru-sa-lem, và trở thành Giám mục tiên khởi của cộng
đoàn Ki-tô giáo nguyên thủy này.
Khi hoạt động tại Giê-ru-sa-lem, Thánh Gia-cô-bê đã bị vua
Hê-rô-đê Agrippa I tống ngục và hành quyết vào năm 43 (có tài liệu nói vào năm
44), (Hê-rô-đê được người Rô-ma đặt làm vua của người Do-thái vào năm 41, và trở
thành người kế vị thứ ba của Pontius Philatô).
Truyền thuyết kể lại rằng, Thánh Gia-cô-bê đã khống chế viên phù
thủy có tên là Hermogenes, đã giải thoát ông ta khỏi sự kìm kẹp của ma quỷ và
sau đó ném tất cả các sách phù thủy của ông ta xuống biển. Trên đường đi tới
nơi hành hình, Thánh Gia-cô-bê đã chữa lành cho một người bị bại liệt, và đã
xin viên đao phủ một chai nước để Ngài làm Phép Rửa cho Josias, tức viên lính –
theo lệnh của cấp trên – đã trói Thánh Gia-cô-bê bằng dây thừng, nhưng đã trở lại
ngay tại nơi Thánh Nhân bị hành hình. Và rồi, ngay sau đó, chính Josias cũng bị
chém đầu cùng với Thánh Gia-cô-bê.
Tại Giê-ru-sa-lem có một Ngôi thánh Đường kính Thánh Gia-cô-bê
được cho là tọa lạc ngay tại nơi Thánh Nhân được phúc Tử Đạo. Vào năm 70, các
Thánh Cốt của Ngài được chuyển đến Đan Viện Thánh Gia-cô-bê nằm trên núi Horeb
trong sa mạc Sinai, và ngày nay, Đan Viện này được đổi tên thành Đan Viện Thánh
Catharina.
Tại Tây-ban-nha có một truyền thuyết khá phổ biến. Truyền thuyết
này cho rằng, ngay sau khi Chúa Ki-tô Thăng Thiên, Thánh Gia-cô-bê đã đến rao
giảng Tin Mừng tại đó cũng như đã thu phục các môn đệ với một lời tiên tri rằng,
sau khi Ngài qua đời, Ngài sẽ làm cho vô vàn người ở đó trở lại đạo. Mộ của
Thánh Nhân đã bị quên lãng cho tới khi đích thân Ngài chỉ cho một vị Ẩn Sĩ tên
là Pelagius biết rằng, mộ của Ngài đang ở trong cánh đồng được gọi là Cánh Đồng
Ngàn Sao, mà tiếng Tây-ban-nha gọi là Compostela. Đó là một nghĩa địa lớn có
trước Ki-tô giáo. Vào năm 813, người ta bắt đầu xây lên một ngôi Thánh Đường tại
cánh đồng này, và nơi đây trở thành trung tâm hành hương. Vào ngày 25 tháng 07
năm 816, các Thánh Cốt của Thánh Gia-cô-bê đã được đưa vào ngôi Tân Thánh Đường
vừa nêu, và vì thế, ngày 25 tháng 07 trở thành ngày Lễ Kính Thánh Gia-cô-bê.
Việc khám phá ra ngôi mộ của Thánh Gia-cô-bê rơi vào đúng thời
điểm mà trong đó Giáo hội Bắc Tây-ban-nha với vị Giám Mục tên là Theodemir của
Giáo phận Iria Flavia – tức một địa phương thuộc Padrón ngày nay – muốn khẳng định
vị thế của mình đối với Giáo hội Goth ở phía Tây đang được cai quản bởi Đức
Giám mục Toledo. Vị Giám mục của Iria Flavia đã đặt viên đá đầu tiên cho một
Ngôi thánh Đường kính Thánh Gia-cô-bê tại Santiago de Compostela. Và Ngôi Thánh
Đường này đã được cung hiến vào năm 870. Ngay lập tức, Santiago trở thành một
trụ cột của Giáo hội thời Trung Cổ. Trong quá trình tái chinh phục Tây-ban-nha
do quân đội Mauritania thực hiện, Thánh Gia-cô-bê đã đóng một vai trò mới: Giờ
đây Ngài được coi là Santiago Matamorus (người bảo vệ Santiago), người phù hộ
các kỵ binh, và là người tiêu diệt quân Mauritania. Sau đó, vào năm 844, Thánh
Gia-cô-bê đã giúp người Santiago chiến thắng trong trận chiến của Clavijo.
Vào thế kỷ thứ IX, một Vương Cung Thánh Đường đã được xây dựng bởi
vua Alfons II và Alfons III, Santiago de Compostela trở thành một điểm hành
hương tại Bắc Tây-ban-nha. Nhiều bằng chứng cho thấy, vào năm 930, đã có nhiều
người từ khắp châu Âu đã hành hương tới Santiago. Vào thế kỷ 11 và 12, được
thúc đẩy một cách đặc biệt nhờ vào những cuộc cải tổ của Cluny, Santiago đã trở
thành một trung tâm hành hương lớn nhất của phương Tây, nhiều con đường rộng dẫn
tới Santiago đã được mở ra khắp Âu Châu. Vào năm 1078, một ngôi Đại Thánh Đường
mới kính Thánh Gia-cô-bê đã được khởi công tại Santiago. Ngôi Thánh Đường này
được cung hiến vào năm 1128, và vào thế kỷ 18, Ngôi Thánh Đường này đã được đại
tu và được khoác lên mình tấm áo Barock. Vào năm 1095, Tòa Giám Mục của Iria
Flavia đã được di chuyển tới Santiago. Vào năm 1120, Giáo Phận Santiago được
nâng lên thành Tổng Giáo Phận. Từ năm 1122, bất cứ năm nào có ngày Lễ kính
Thánh Gia-cô-bê rơi vào ngày Chúa Nhật, thì năm đó đều được coi là Năm Thánh.
Hai năm Thánh gần đây nhất là năm 2010 và năm 2021. Sau đó, từ thế kỷ XV, tất cả
mọi người hành hương đến Santiago đều được lãnh nhận ơn Toàn Xá trong những Năm
Thánh này. Trong Năm Thánh 2004, người ta thống kê được 12 triệu tín hữu đã
hành hương tới Santiago. Những người hành hương này đã đi qua Cổng Thánh được mở
ở bên phía Đông của Vương Cung Thánh Đường Santiago.
Vào thế kỷ 12, các truyền thuyết của Tây-ba-nha về Thánh
Gia-cô-bê đã được ghi lại bằng giấy tờ. Vào năm 1135 xuất hiện truyền thuyết
cho rằng, hoàng đế Kard đã đến viếng mộ Thánh Gia-cô-bê, và nhờ vào sự giúp đỡ
của một viên đầy tớ trung thành tên là Roland, ông đã được giải thoát khỏi tay
người Mauritania. Truyền thuyết này được phổ biến rộng rãi và là một trong những
truyền thuyết được nhiều người trong thời Trung Cổ biết tới nhất, cũng như trở
thành một sự quảng bá đầy công hiệu cho việc hành hương. Một truyền thuyết
tương tự về Hoàng Đế Kard được cho rằng có nguồn gốc từ Đức Giáo Hoàng
Callistus II. Ngài là tác giả của bộ sách mang tên của chính Ngài: Codex
Calixtinus. Trong bộ sách này, bên cạnh những tương truyền, những bài tường thuật
về những phép lạ, những bản văn Phụng Vụ, người ta còn nhận được một bản hướng
dẫn để thực hiện những cuộc hành hương trên những tuyến đường xuyên qua nước
Pháp để đi tới Santiago de Compostela. Giờ đây nhiều cuốn sách hướng dẫn thực
hiện cuộc hành hương tới Santiago de Compostela đã được xuất bản, trong đó có
cuốn Liber Sancti Jacobi (Sách về Thánh Gia-cô-bê), với một bộ sưu tập các câu
chuyện về những phép lạ. Thánh Gia-cô-bê trở thành Bổn Mạng của những nhà cải tổ
Dòng Tu, của các hiệp sĩ với tư cách là chiến binh Chúa Ki-tô, hay người tiêu
diệt quân Mauritania, và sau cùng là Bổn Mạng của những người hành hương, và của
những con đường hành hương dẫn tới Santiago. Từ cuối thế kỷ XIV, các Huynh Đoàn
Thánh Gia-cô-bê đã thúc đẩy việc hành hương tới Santiago một cách mạnh mẽ hơn nữa.
Một số truyền thuyết khác còn kể về sự hoán cải của một cặp vợ
chồng ngay trên đường họ hành hương từ Xanten tới Santiago de Compostela. Cùng
với người con trai của mình, đôi vợ chồng này đã tạm dừng chân trong một quán
trọ tại Santo Domingo de la Calzada. Người chủ quán đã dẫn cô con gái của mình
đến giới thiệu với người con trai của cặp vợ chồng, và muốn gả cô con gái đó
cho anh ta, nhưng người thanh niên này đã từ chối. Và vì anh ta từ chối không
chịu lấy cô con gái của viên chủ quán làm vợ, nên người chủ quán (có truyền
thuyết nói là chính cô con gái) đã bí mật giấu một chiếc ly bạc vào giỏ xách của
anh ta, để anh ta bị treo cổ vị tội ăn cắp. Khi cuộc hành hình diễn ra thì ngay
lập tức Thánh Gia-cô-bê đã nhấc người con trai đang bị treo cổ vào chiếc dây
thòng lọng lên, để anh ta không bị hề hấn gì. Cha mẹ của anh ta đã đến nơi hành
hình và thấy con mình vẫn còn sống và đã nhận lại anh từ chiếc giá treo cổ. Tuy
nhiên viên quan tòa đã không tin liệu đây có phải là một phép lạ hay không, và
khi ông ta đang tỏ ý nghi ngờ thì bỗng nhiên một con gà nướng đã bay ra khỏi
chiếc đĩa. Và việc này được coi như bằng chứng cho thấy rằng, trong thực tế, những
người chết đã có thể sống lại. Vì thế, viên quan tòa liền nhìn nhận rằng mình
đã tuyên án sai, và sau đó, tên chủ quán dối trá đã bị treo cổ.
Đồng thời, nhiều bức tranh của Tây-ban-nha cũng đã thuật lại vô
vàn những phép lạ, trong đó có phép lạ về những phiến đá tự ghép lại thành một
khu lăng mộ cho Thánh Gia-cô-bê, hay những chiếc xe với những con bò hoang đã
chạy tới địa điểm của ngôi lăng mộ trên, nơi sau này một Ngôi Thánh Đường đã được
xây lên tại Sangtiago.
Trong thế kỷ XV, Santiago de Compostela đã thu hút nhiều khách
hành hương hơn cả Rô-ma và Giê-ru-sa-lem. Trong thời gian này, tại vùng Bắc Âu,
người ta gọi Tây-ban-nha là đất Nước Thánh Gia-cô-bê. Vào năm 1504, sau khi kết
thúc cuộc tái chinh phục của người Mauritania, một đại học đã được thành lập tại
Santiago. Ngày nay, đại học này là một trong những đại học lớn nhất của Châu
Âu. Từ hậu bán thế kỷ XVI, các cuộc hành hương tới Santiago đã đánh mất đi ý
nghĩa và tầm quan trọng của nó. Trong thế kỷ XIX, nhiều quán trọ miễn phí dành
cho những người hành hương dọc theo những con đường đã ngưng hoạt động.
Vào năm 1879, sau khi những cuộc hành hương tới Santiago đã giảm
dần, thì bỗng nhiên các Thánh Tích của Thánh Gia-cô-bê lại tình cờ được phát hiện
ra, nên kể từ đó, các cuộc hành hương đã có xu hướng tăng lên. Và vào năm 1937,
sau khi thống tướng Franco tuyên bố rằng, cuộc chiến thắng quân Phát-xít trong
một trận nội chiến có tính quyết định – rơi đúng vào ngày 25 tháng 07 và trong
một Năm Thánh – là nhờ vào sự hỗ trợ của Thánh Gia-cô-bê, thì việc tôn kính
Thánh Gia-cô-bê lại bắt đầu được sử dụng như một phương cách để thể hiện lòng
yêu nước. Ngày kính Thánh Gia-cô-bê vì thế trở thành ngày quốc khánh của
Tây-ban-nha. Một thời kỳ nở rộ mới lại bắt đầu với việc kính nhớ Thánh
Gia-cô-bê và thực hiện các cuộc hành hương tới Santiago.
Từ những năm 1970, việc hành hương tới Santiago de Compostela đã
tái trở thành mô-đen của nhiều người. Nhiều người đã hành hương tới Santiago
không chỉ với tư cách là thực hiện một cuộc du lịch, nhưng cũng còn với tư cách
là kiếm tìm những kinh nghiệm thiêng liêng. Người ta hành hương tới Santiago
không chỉ bằng máy bay, bằng tàu hỏa, hay ô tô, nhưng còn đi cả bằng xe đạp, bằng
ngựa, hoặc thậm chí là đi bộ với nhiều trăm cây số nữa. Ai đi bộ ít nhất 100
cây số hay ít nhất 200 cây số bằng xe đạp, người ấy sẽ nhận được một bằng chứng
nhận từ văn phòng phụ trách người hành hương. Vào năm 2004, có khoảng 10 triệu
người đã hành hương tới Santiago, trong đó có 179.932 người đã nhận được bằng chứng
nhận cho việc đi bộ 100 cây số hay 200 cây số bằng xe đạp.
Tại cửa sông Sar in Padrón có một ngôi Thánh Đường kính Thánh
Gia-cô-bê Tông Đồ, trong đó có trưng bày một tảng đá mà theo tương truyền,
chính Thánh Nhân đã cột chiếc thuyền của Ngài vào tảng đá đó.
Trước đây tại vùng Trung Âu, vào ngày Lễ Kính Thánh Gia-cô-bê,
các nông dân thường mang những trái táo đầu mùa tới nhà thờ để được làm phép,
và thường thì ngày này là một ngày hội chợ. Người ta thường trình bày Thánh
Gia-cô-bê như là một thương gia bán hàng với giá phải chăng trong các ngày hội
chợ diễn ra.
Cả Giáo hội Công giáo lẫn Giáo hội Tin lành đều mừng kính Thánh
Gia-cô-bê vào ngày 25 tháng 07. Riêng Giáo hội Chính thống thì mừng kính Ngài
vào ngày 30 tháng 04.
Lm Đa-minh Thiệu O.Cist