Thánh Gio-a-kim và Thánh Anna

(Ngày 26-7)

Thánh Gio-a-kim và Thánh Anna là hai vị Thánh vô cùng nổi tiếng, vì các Ngài là song thân của Đức Maria và là ông bà ngoại của Chúa Giê-su. Mặc dù là hai nhân vật quan trọng và nổi tiếng như vậy, nhưng cả bốn sách Tin Mừng và toàn bộ Tân Ước đều không đề cập gì tới các Ngài. Chúng ta biết về các Ngài chủ yếu là qua các sách Ngụy Thư. Vào khoảng năm 150 xuất hiện một cuốn Ngụy Thư với tên gọi là „Tin Mừng theo Thánh Gia-cô-bê“. Cuốn sách này kể rằng, Thánh Gio-a-kim là một cụ già đạo đức, giầu có và rộng rãi. Cụ sống cùng vợ là bà Anna ngay tại Giê-ru-sa-lem. (Thánh Gio-an Damascus cho rằng, các Ngài sống gần ngay „Cổng Chiên“ của Đền Thờ Giê-ru-sa-lem). Theo một số truyền thuyết khác, thì Thánh Gio-a-kim là một vị Tư Tế cao niên xuất thân từ dòng tộc Lê-vi. Cũng có truyền thuyết cho rằng, cụ thuộc dòng tộc Giu-đa và là hậu duệ của vua Đa-vít.

Tin Mừng theo Thánh Gia-cô-bê“ kể lại rằng, một lần kia khi Gio-a-kim đến dâng của lễ trong đền thờ thì đã bị vị Thượng Tế từ chối với lý do là Cụ không có người nối dõi tông đường. Vì thế, Gio-a-kim đã đi vào sa mạc và sống một mình ở đó với bầy chiên. Tại đây, một Thiên Thần đã hiện ra với Cụ lúc Cụ đang ở bên cạnh bầy chiên trên cánh đồng cỏ. Sau đó vị Thiên Thần lại hiện ra với Cụ bà Anna khi Cụ Bà đang ở nhà. Thiên Thần ra lệnh cho hai Cụ phải tái gặp gỡ nhau. Thế là hai Cụ đã hẹn gặp nhau tại cổng vàng của đền thờ, và rồi sau đó Hại Cụ lại về chung sống với nhau. Không lâu sau, hai Cụ đã sinh ra đứa con của lời hứa, tức Đức Maria.

Sử gia Sophronius – người thành Giê-ru-sa-lem -, và Thánh Gio-an Damacus đều tường thuật về ngôi nhà nơi Đức Maria được sinh ra tại Giê-ru-sa-lem. Tuy nhiên, có một cuốn sách được gọi là „Tin Mừng về cuộc sinh nhật của Đức Maria“, cuốn sách này xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ thứ 5 hoặc đầu thế kỷ thứ 6, và thực ra, hầu như là một bản sao của cuốn „Tin Mừng theo Thánh Gia-cô-bê“, thì lại cho rằng, Nazaret mới là nơi sinh của Đức Maria. Theo sử gia Epiphanios Salamis, Thánh Gio-a-kim qua đời vào lúc 80 tuổi sau khi Đức Maria đã dâng mình vào trong Đền Thờ.

Đối với Giáo hội Hy-lạp thì Epiphanios Salamis đã biên tập lại các truyền thuyết của Ngụy Thư. Tại Phương Tây, truyền thuyết này trước tiên đã bị từ chối bởi Thánh Augustinô và Thánh Hieronymô, nhưng rốt cuộc lại được chấp nhận. Những nhân vật quan trọng trong việc đẩy cao những truyền thuyết này là Roswitha Gandersheim, Fulbert Chartres, Vinzenz Beauvais và cuốn Legenda aurea (tức cuốn Truyền Thuyết Vàng) của Jacobus de Voragine – một Linh mục Dòng Đa-minh.

Vào năm 1854, Đức Thánh Cha Pi-ô IX đã công bố Tín Điều về sự thụ thai vô nhiễm Nguyên Tội của Đức Maria. Như vậy, không chỉ Chúa Ki-tô được thụ thai vô nhiễm nguyên tội, nhưng cả Đức Maria nữa cũng được như thế. Theo Giáo lý của Hội Thánh Công giáo, tầm quan trọng trong cuộc thụ thai của Chúa Ki-tô chính là sự thụ thai nhờ vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần và sự trinh nguyên vẹn tuyền của Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa – trước, trong và sau khi sinh. Trong cuộc thụ thai của Đức Maria bởi bà Anna, sự cộng tác của Cụ Gio-a-kim là điều không thể nghi ngờ, nhưng điều đặc biệt nằm ở chỗ là, Thiên Chúa đã bảo vệ Đức Maria khỏi tội Nguyên Tổ ngay từ khoảnh khắc đầu tiên của cuộc đời Mẹ.

Trước đây Giáo hội mừng kính Thánh Gio-a-kim vào ngày 16 tháng 08, nhưng kể từ ngày cải tổ Lịch Phụng Vụ tới giờ, Giáo hội đã mừng chung cả Thánh Gio-a-kim và Thánh Anna vào cùng một ngày là ngày 26 tháng 07 với Lễ bậc III, tức Lễ Nhớ buộc. Còn Giáo hội Chính thống thì mừng kính Thánh Gio-a-kim vào ngày mồng 09 tháng 09.

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist 

 


Hạnh Các Thánh