Thánh Maria Goretti Trinh
Nữ Tử Đạo
Thánh Maria Goretti sinh
ngày 16 tháng 10 năm 1890 tại Corinaldo, Italia, và qua đời với tư cách là vị
Thánh Đồng Trinh Tử Đạo ngày mồng 06 tháng 07 năm 1902 tại Nettuno, Italia. Khi
mới lên 11 tuổi, Thánh Nữ đã trở thành nạn nhân của một vụ sát hại dã man vì
Thánh Nữ quyết bảo vệ sự trinh trong của mình. Vào năm 1950, Maria Goretti đã
được Đức Pi-ô XII tôn phong lên bậc Hiển Thánh.
1.Tiểu sử của Thánh Maria Goretti:
Cha
Mẹ của Maria Goretti là ông Luigi Goretti và bà Assunta Carlini. Cả hai người
đều có quê gốc tại Corinaldo, Italia, và là những nông dân thuần túy. Họ có tất
cả bảy người con, và Maria Goretti là người con thứ ba. Cuộc sống của Maria
Goretti, kể từ khi chào đời cho tới khi cô bị sát hại, đã diễn ra không khác gì
cuộc sống của hầu hết các em bé vùng nông thôn Italia cuối thế kỷ 19, đầu thế
kỷ 20: không được học hành tại trường, khả năng đọc sách rất kém, thậm chí còn
không thuộc bảng chữ cái, phải làm việc trong nhà và trên các cánh đồng ngay từ
khi tuổi đời còn rất nhỏ. Khi Maria Goretti qua đời (lúc cô sắp mừng sinh nhật
lần thứ 12), cô chỉ cao 1,38m, thiếu cân, và đã có triệu chứng mắc bệnh sốt rét
đang ngày một phát triển.
Vào
năm 1897, gia đình ông Luigi Goretti chuyển nơi cư trú từ Corinaldo tới Agro
Pontino, tức vùng đồng bằng Pontini. Họ đến định cư tại làng Ferriere thuộc
huyện Nettuno, và lại tiếp tục làm nghề canh tác ruộng vườn. Agro Pontino là
một vùng đồng bằng nằm tại khu vực Đông Nam Rô-ma, và hồi đó có tên là Paludi
Pontine (tức đầm lầy Pontini), vì đó là một khu vực đầm lầy thường xuyên bị tấn
công bởi bệnh sốt rét. Mãi tới những năm 30 của thế kỷ 20, Mussolini mới ra
lệnh phải tháo cạn nước khỏi khu vực đầm lầy đó.
Tại
nơi ở mới, gia đình ông Luigi Goretti đã cùng với gia đình Serenelli điều hành
một hợp tác xã nông nghiệp. Nhưng chỉ một năm sau thôi thì ông Luigi Goretti,
tức thân phục của Maria Goretti, đã qua đời vì bệnh sốt rét. Vì thế, cô bé
Maria đã phải cùng với mẹ mình chăm lo cho gia đình. Mãi cho tới khi Maria lên
11 tuổi, cô mới được Xưng Tội Rước Lễ lần đầu.
Còn
ông Serenelli, người cùng điều hành hợp tác xã nông nghiệp nói trên với gia
đình Luigi Goretti, có một người con trai tên là Alexandro Serenelli, lớn hơn
Maria Goretti 5 tuổi. Cậu ta là người thanh niên hư hỏng, suốt ngày
ăn chơi nêu lổng. Khi Maria Goretti xuất hiện, cậu ta đã thường xuyên đeo đuổi
và gạ gẫm cô. Nhưng Maria luôn luôn cự tuyệt trước những lời gạ gẫm của cậu.
Vào ngày mồng 05 tháng 07 năm 1902, lúc đó Alexandro đã 16 tuổi, anh ta tìm mọi
cách để cưỡng hiếp cô bé 11 tuổi này. Khi anh ta xông vào cô bé, thì cô đã cố
hô lên: „Không được, không được! Làm vậy
là có tội đấy anh Alexandro ạ, anh sẽ phải sa hỏa ngục đấy!“ Khi bị Maria
nhất quyết từ chối và cự tuyệt, Alexandro cảm thấy nhục nhã và vô cùng tức
giận, hắn đã vớ lấy chiếc đục gỗ và đâm cô bé tới 14 nhát. Tuy nhiên, dù bị đâm
tới 14 nhát, nhưng Maria vẫn còn thoi thóp. Người ta đã mang cô vào bệnh việc
Nettuno. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành giải phẫu khẩn cấp cho cô, nhưng cuộc
giải phẫu đã không thành công. Cô đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày hôm sau,
tức ngày mồng 06 tháng 07 năm 1902 tại bệnh viện nêu trên lúc sắp bước sang
tuổi 12. Khi Maria hấp hối, cô đã tha thứ cho kẻ giết mình với những lời sau
đây: „Tôi tha thứ cho anh ta; tôi muốn có
anh ta bên cạnh tôi trên Thiên Đàng.“
Về
phần mình, Alexandro đã bị kết án lao động khổ sai 30 năm. Theo lời kể của
nhiều người, anh ta đã tỏ ra rất hối hận về hành vi của mình. Anh ta đã trải
qua nhiều thị kiến, và trong các cuộc thị kiến đó, Maria đã hiện ra với anh ta
và còn mang hoa đến tặng cho anh ta nữa. Vào dịp Lễ Giáng Sinh năm 1928, sau 27
năm lao động khổ sai, Alexandro đã được trả tự do trước thời hạn vì anh ta đã
cải tạo rất tốt. Ngay khi được phóng thích, anh ta đã tức tốc đến gặp bà
Assunta Carlini – thân mẫu của Maria Goretti – để xin bà tha thứ cho hành vi
của mình. Và cũng ngay sau đó, anh ta đã gia nhập Dòng Thánh Phan-xi-cô, và
quyết định sống ở bậc Hiến Sinh của Dòng này. Thầy Alexandro qua đời trong Dòng
Thánh Phan-xi-cô tại Tu Viện Macerata vào ngày mồng 06 tháng 05 năm 1970 lúc
xấp xỉ 84 tuổi.
2.Thánh Maria Goretti Trinh Nữ Tử Đạo:
Còn
về phía Maria Goretti, sau khi qua đời, cô đã được an táng trong nhà thờ
Nettuno nằm ở phía Nam thành phố Rô-ma. Sau khi cô được phong Thánh, nhà thờ
này đã được đổi tên theo tên của cô, đó là Thánh Đường kính Thánh Maria
Goretti. Cả Đức Phao-lô VI lẫn Đức Gio-an Phao-lô II đều đã đến viếng Thánh
Đường này. Trong nghệ thuật hội họa, cô được trình bày với hình ảnh một cô bé
trong tay cầm bông huệ và cành lá cọ - biểu tượng của sự Đồng Trinh Tử Đạo.
Chẳng
bao lâu sau khi Maria Goretti qua đời, nhiều người đơn thành, đặc biệt là các
nông dân, đã bắt đầu tôn kính cô như một vị Thánh. Lòng sùng kính dành cho cô
càng ngày càng được nhân lên, và lở rộ dưới thời Phát-xít. Trong thời chiến
tranh, cả trong cuộc thế chiến thứ nhất lẫn thế chiến thứ hai, một vai trò mới
của phụ nữ trong gia đình và xã hội đã trở nên nổi bật, và vì thế, mẫu gương
của Maria Goretti đã được Giáo hội sử dụng để tán dương hình ảnh của phụ nữ
trong vai trò truyền thống của mình với tư cách là những người mẹ và những
người nội trợ tận tâm. Alexandro – kẻ sát hại Maria Goretti – đã làm chứng về
cô với những lời như sau: „Tôi không biết
bất cứ điều gì khác về cô ấy ngoài việc biết rằng, cô là một cô bé tốt lành,
ngoan ngoãn, vâng lời cha mẹ, kính sợ Thiên Chúa, nghiêm trang, không nhẹ dạ
nông nổi và không thất thường như những cô bé khác; trên đường đi, cô ấy luôn
luôn khiêm tốn, nhã nhặn, và chỉ nghĩ về chuyện làm sao để hoàn thành các nhiệm
vụ được giao.“
Vào
ngày 27 tháng 04 năm 1947, Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII đã tôn phong Maria Goretti -
„Tớ Nữ Đáng Kính của Thiên Chúa“ -, lên bậc Chân Phúc. Trong Thánh Lễ tôn phong
Chân Phúc cho Maria Goretti, Đức Pi-ô XII đã giới thiệu cô như là một ý tưởng
ngời sáng và là một mẫu gương của sự giữ mình.
Ngay
sau khi Maria Goretti được tôn phong lên bậc Chân phúc, cô đã thực hiện hai
phép lạ chữa lành. Phép lạ thứ nhất được cô thực hiện cho Anna Grossi Musumarra
vào ngày mồng 04 tháng 05 năm 1947, và phép lạ thứ hai đã được cô thực hiện cho
công nhân Giuseppe Cupe vào ngày mồng 08 tháng 05 cùng năm. Anna Grossi đã phải
chịu đựng cơn bệnh sưng màng phổi rất nặng. Một thành viên trong gia đình của
cô đã lên đường đến nơi bảo quản các Thánh Tích của Chân phúc Maria Goretti.
Người này đã ngắt một ít lá trên những đóa hoa được đặt trên rương đựng các
Thánh Tích của vị Chân Phúc, và mang những chiếc lá đó về cho bệnh nhân. Bệnh
nhân đã tiếp nhận những chiếc lá đó, và chỉ 24 tiếng đồng hồ sau, cô đã được
hoàn toàn khỏi bệnh. Còn anh Giuseppe Cupi thì lại bị một tai nạn: Một tảng đá
khá lớn đã rơi xuống chân anh khi anh đang làm việc, và vì thế, tất cả bàn chân
của anh đều bị dập nát. Anh đã phó thác sự việc cho Chân Phúc Maria Goretti.
Ngay sau đó, sự đau đớn đã biến mất, và anh đã có thể quay trở lại nơi làm việc
ngay trong ngày hôm đó.
Vào
ngày 24 tháng 06 năm 1950, sau hơn ba năm được tôn phong lên bậc Chân Phúc,
Maria Goretti đã được Đức Thánh Cha Pi-ô XII tôn phong lên bậc Hiển Thánh.
Thánh Lễ Tôn Phong Hiển Thánh này đã diễn ra tại quảng trường Thánh Phê-rô với
sự tham dự của hàng triệu tín hữu. Trong số đó có rất nhiều những người hành
hương từ xa đến, vì năm 1950 là Năm Thánh. Thân mẫu của vị Thánh, bà Assunta
Carlini, lúc đó đã 85 tuổi, cũng đã hiện diện trong buổi Lễ Tôn Phong Hiển
Thánh cho con mình, giống như bà đã tham dự Lễ tôn Phong Chân Phúc của con bà.
Thánh Lễ này có một điều đặc biệt, đó là sự hiện diện của Thầy Alexandro
Serinelli – người đã sát hại Maria Goretti 48 năm trước đó, nhưng giờ đây đã là
Tu Sĩ của Dòng Thánh Phan-xi-cô.
Vào
năm 1951, Thánh Nữ Maria Goretti đã được Giáo hội đặt làm Nữ Bổn Mạng của các
Hội Đoàn Đức Maria.
Giáo
hội mừng kính Thánh nữ Maria Goretti vào ngày mồng 06 tháng 07, tức ngày qua
đời của Thánh Nữ, với bậc Lễ Nhớ không buộc.
Phần
lớn các Thánh Tích của Thánh Maria Goretti hiện đang được bảo quản và tôn kính
tại Corinaldo, Italia, nơi chôn rau cắt rốn của Ngài. Phần còn lại, gồm hộp sọ
và xương tay chân của Ngài, hiện đang được bảo quản và tôn kính tại Nettuno,
Italia, nơi Thánh Nữ trút hơi thở cuối cùng.
Lm Đa-minh Thiệu O.Cist