Lễ Đức Mẹ Trinh Nữ Vương

(Ngày 22-8)

Từ ngày mồng 01 tháng 11 năm 1953 tới ngày mồng 01 tháng 11 năm 1954, Giáo hội Công giáo đã cử hành Năm Thánh Đức Mẹ nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Đức Thánh Cha Pi-ô IX công bố Tín Điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Vào ngày mồng 01 tháng 11 năm 1954, tức ngày bế mạc Năm Thánh vừa nêu, Đức Pi-ô XII đã công bố việc thiết lập ngày Lễ Đức Mẹ Trinh Nữ Vương, và ấn định rằng, Giáo hội Công giáo sẽ cử hành ngày Lễ này vào ngày cuối cùng trong Tháng Hoa Kính Đức Mẹ, tức ngày 31 tháng 05. Việc công bố này được thực hiện trong buổi tôn kính bức ảnh Đức Mẹ Ban Ơn tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả, tức Vương Cung Thánh Đường Kính Đức Maria lớn nhất Rô-ma.

Tuy nhiên, trong cuộc cải tổ Lịch Phụng Vụ Rô-ma do Đức Thánh Cha Phao-lô VI thực hiện vào năm 1969, Lễ Đức Mẹ Trinh Nữ Vương được chuyển sang ngày 22 tháng 08, tức 8 ngày sau Đại Lễ Đức Mẹ Được Rước Về Trời, và được cử hành trong Giáo hội với bậc Lễ nhớ. Khi thực hiện việc thay đổi này, Giáo hội đã có một lời giải thích như sau: “Để sự liên kết giữa phẩm hàm Trinh Nữ Vương của Đức Maria với việc Mẹ được cung rước về Thiên Đàng trở nên rõ ràng hơn.” Vì thế, chức Trinh Nữ Vương của Đức Maria không nên được cử hành một cách đơn giản vào ngày cuối cùng trong tháng 05, tức Tháng Hoa Kính Đức Mẹ, như là hồng ân cuối cùng được thêm vào trong các hồng ân của Mẹ, nhưng từ nay về sau, sự tôn vinh Đức Maria làm Nữ Vương Thiên Đàng, Nữ Vương các Thiên Thần và các Thánh, nên được hiểu như là sự hoàn tất việc nghênh đón Mẹ vào trong vinh quang Thiên Đàng. Trước đây, ngày 22 tháng 08 được dành để cử hành Lễ kính nhớ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Maria. Ngày Lễ này cũng do Đức Pi-ô XII thiết lập và được cử hành trên toàn Giáo hội. Nhưng từ khi có cuộc cải tổ lịch Phụng Vụ vào năm 1969, ngày Lễ này đã được chuyển về cho gần với Đại Lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giê-su, và cụ thể là vào ngày thứ Bảy ngay sau Đại Lễ Kính Thánh Tâm Chúa.

Người ta cũng có thể nói về cuộc phong vương cho Đức Maria thay vì nói rằng, vương quyền của Đức Maria, và căn cứ vào đó, người ta có thể gọi ngày Lễ này là ngày Lễ Đăng Quang của Đức Maria.

Thực ra, không phải kể từ ngày mồng 01 tháng 11 năm 1954, Đức Maria mới được các tín hữu nhìn ngắm và tôn kính với tư cách là Nữ Vương các Thiên Thần và các Thánh trên Trời. Mà ngay từ hồi Trung Cổ, Đức Maria cũng đã được các tín hữu chiêm ngưỡng và tôn kính với tư cách như thế rồi. Kể từ đó, sự kiện Đức Maria được Thiên Chúa Ba Ngôi trao vương miện đã được trình bày trên nhiều bức họa, cũng như trên các bức phù điêu. Rất nhiều những lời cầu nguyện, những Thánh Thy và những bài ca hướng lên Nữ Vương Thiên Đàng, Nữ Trạng Sư, Người Cầu Thay Nguyện Giúp cho nhân loại bên Chúa Con vương đế của Mẹ. Sự kiện Phong Vương cho Đức Maria cũng được trình bày trong một số các bức họa thời Ba-rốc. Bên cạnh hình thức này, để trình bày về sự kiện Đức Maria được phong vương, tất nhiên cũng còn có rất nhiều những bức họa khác trình bày Đức Maria ngồi trên ngai, đầu đội triều thiên và tay ẵm Chúa Hài Đồng. Có vô vàn những bức ảnh Đức Mẹ ban ơn thuộc hình thức này!

Vương quyền của Đức Maria, hay việc Mẹ được tôn phong làm Nữ Vương các Thiên Thần và các Thánh, Nữ Vương của cộng đoàn trên trời, được hình thành nên trong phẩm vị làm Thân Mẫu Thiên Chúa của Mẹ: Mẹ là Thân Mẫu của Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành người, và vì Ngôi Lời Thiên Chúa làm người cũng là Chiên Thiên Chúa, nên Mẹ cũng là Thân Mẫu của Đấng Cứu Chuộc. Với tư cách là Thân Mẫu của Đấng Cứu Chuộc, Mẹ đã dự phần trong cuộc chiến thắng của Chúa Giê-su Ki-tô trên tội lỗi, trên sự chết, trên Sa-tan và trên quyền lực của hắn. Mẹ là Đấng được canh phòng trước tất cả mọi vết nhơ tội lỗi, và Mẹ cũng chính là Đấng Chiến Thắng nhờ vào sự chiến thắng của Con Mẹ trên những mãnh lực đối địch với Thiên Chúa. Vì thế, vương quyền của Mẹ cũng có thể được hiểu như là sự thể hiện cuộc chiến thắng của Mẹ cùng với Con mình. Việc tôn kính Con của Đức Maria ảnh hưởng hoàn toàn trên việc tôn kính dành cho Mẹ. Trong các Thánh Thy khác nhau của mình, Thánh Phao-lô cũng đã phác họa địa vị bao trùm vũ trụ của Chúa Ki-tô (Col 1,12-20; Phil 2,5-11; s. a. 1 Cor 15,20-28; Eph 1,3-23; 2,5). Do đó, với tư cách là Mẹ của Con Thiên Chúa và của Đấng Cứu Độ, Đức Maria cũng tham dự vào trong địa vị của Chúa Ki-tô. Và điều này cũng đã được thể hiện sẵn trong khi trình bày về tất cả những người được cứu chuộc: “Nhưng Thiên Chúa giầu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ! Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời” (Eph 2,4tt; xc. Col 1,13; 3,1tt). Ngay cả lời tổng nguyện trong ngày Lễ Đức Mẹ Trinh Nữ Vương cũng cầu xin cho được ơn tham dự vào Vương Quyền Thiên Quốc:

Lạy Chúa, Chúa đã đặt Thánh Mẫu của Đức Kitô Con Chúa làm Thánh Mẫu và Nữ Vương chúng con. Xin nhận lời Đức Nữ Vương chuyển cầu mà cho chúng con đạt tới phúc vinh quang Chúa dành sẵn trên trời cho con cái Chúa”.

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist

 


Hạnh Các Thánh