Lễ Kính Thánh Gio-an Tẩy Giả Bị Trảm Quyết
(Ngày 29-8)
Theo Tin Mừng Lu-ca, Gio-an Tẩy Giả chào đời trước
Chúa Giê-su đúng 06 tháng. Có lẽ vào cuối năm 27, Ngài đã đến hoạt động, rao giảng
và làm Phép Rửa tại khu vực hai bên bờ sông Gio-an. Phép Rửa của Ngài được coi
là chỉ dấu cho sự hoán cải khỏi tội lỗi để làm hòa với Thiên Chúa. Rất nhiều
người đã quy tụ lại chung quanh Ngài để nghe Ngài rao giảng và khuyên nhủ thống
hối. Có lẽ sức hút của Gio-an trước dân chúng đã khiến Herode Antipas – vua chư
hầu của Galilea và Perea (4tcn – 39cn) – phải lo lắng. Ông ta sợ rằng, có thể
Gio-an sẽ xúi dân chúng nổi loạn. Mà nếu dân chúng nổi loạn thì ngai vàng của
ông sẽ bị đe dọa, bởi dân chúng quy tụ lại quá nhiều chung quanh Gio-an Tẩy Giả.
Đã vậy, Gio-an còn ngang nhiên trách móc vua Herode về
lối sống vô luân và đồi bại của ông ta. Ông ta đã ruồng rẫy người vợ cả để lấy
một người đàn bà khác. Bà này tên là Hedorias, cháu họ của Herode, và đang là vợ
của người em cùng cha khác mẹ với Herode, đó là Philippus. Giữa Philippus và
Herodias đã có một người con gái tên là Salome. Trước lối sống đồi bại đó của
nhà vua, Gio-an đã không ngần ngại nói thẳng thừng với ông ta rằng: vua không
được phép cưới bà Herodias làm vợ.
Đã sẵn bực tức với Gio-an vì Ngài quy tụ bên mình quá
nhiều người, giờ đây lại bị Thánh Nhân khiển trách cách công khai, nên Herode
đã ngay lập tức ra lệnh tống ngục vị Tẩy Giả. Lẽ dĩ nhiên, vua Herode rất muốn
kết liễu cuộc đời Thánh Nhân ngay lập tức, nhưng ông tại lại sợ rằng, làm thế sẽ
bị dân chúng nổi loạn, vì dân chúng coi Gio-an Tẩy Giả là một vị Đại Ngôn Sứ.
Và rồi chuyện phải đến cũng sẽ đến. Nhân ngày sinh nhật
của mình, vua Herode đã mở tiệc mừng và mời rất nhiều quan khách. Ông cũng
không quên mời Salome – con riêng của Hedorias và Philippus – đến dự với tư
cách là người góp vui trong bữa tiệc. Salome đã nhảy một vũ điệu làm nức lòng
quan khách. Có lẽ đã có sự giàn xếp trước, nên Herode cao hứng thề với cô gái
nhảy rằng, cô muốn ông ta thưởng cho cô bất cứ điều chi cũng được, kể cả một nửa
quốc gia. Salome vờ đi hỏi ý kiến mẹ. Mẹ cô phán rằng, lấy cái đầu của Gio-an
chứ còn cái gì nữa! Cô ta chạy vào và nói với nhà vua, xin thưởng cho tôi cái đầu
của vị Tẩy Giả. Nghe thế, vua Herode cũng làm ra vẻ rất ngỡ ngàng và do dự.
Nhưng rồi, lấy lý do là không muốn làm cô gái phật lòng cũng như không muốn phủi
tay đối với lời tuyên bố hùng hồn của mình trước toàn thể quan khách, nên ông
đã ra lệnh cho lý hình vào ngục để lấy đầu Gio-an. Tên lý hình đã làm theo và
ngay lập tức mang đầu Gio-an đến cho Salome. Nhận được đầu của vị Tẩy Giả như
là một món quà, Salome lập tức mang chiếc đầu đó đến cho mẹ mình. Theo sử gia
Flavius Josephus, thì cuộc Tuẫn Giáo của Gio-an Tẩy Giả đã diễn ra vào năm 29 tại
lâu đài Macherus thuộc miền Perea, phía Đông sông Gio-đan.
Các môn đệ của Thánh Gio-an đã đến nhận thi thể Thầy
mình và tổ chức an táng cho Thầy. Có lẽ họ đã an táng ông tại thành phố
Samaria, nơi trước kia thuộc quyền kiểm soát của Herode Antipas, nhưng lúc bấy
giờ ông đã không còn quyền kiểm soát trên nó nữa.
Mặc dù đã ra lệnh hành quyết Gio-an Tẩy Giả, nhưng vua
Herode vẫn không cảm thấy an tâm khi ông nghe thấy những phép lạ lẫy lừng của
Chúa Giê-su. Ông ta cho rằng, Chúa Giê-su chính là Gio-an Tẩy Giả đã sống lại từ
trong kẻ chết. Và vì thế, thay vì an tâm vì đã giết được Gio-an, giờ đây Herode
lại càng cảm thấy bất an hơn.
Còn về phía mình, Gio-an Tẩy Giả đã được các Ki-tô hữu
tiên khởi đánh giá rất cao. Việc ông được cả bốn Tin Mừng nhắc tới với những lời
lẽ rất trân trọng là bằng chứng cho thấy điều đó. Chính Chúa Giê-su khi nói về
Gio-an Tẩy Giả cũng đã khẳng định rằng: “Tôi
nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng
hơn ông Gio-an Tẩy Giả” (Mt 11,11).
Việc tôn kính Thánh Gio-an Tẩy Giả được lưu truyền từ
hồi Giáo hội sơ khai cho tới tận ngày hôm nay.
Người ta cho rằng, hộp sọ của Thánh Gio-an Tẩy Giả đã
được mang tới Rô-ma và đang được bảo quản cũng như tôn kính tại nhà thờ San
Silvestro in Capite của Rô-ma.
Ngoài Đức Mẹ và Chúa Giê-su ra, thì Thánh Gio-an Tẩy
Giả là vị Thánh duy nhất được Giáo hội mừng kính cả trong ngày Sinh Nhật lẫn
trong ngày Tuẫn Giáo. Lễ mừng Sinh Nhật của Thánh Gioan Tẩy Giả được Giáo hội cử
hành vào ngày 24 tháng 06, tức trước Đại Lễ Sinh Nhật của Chúa Giê-su đúng 06
tháng. Còn Lễ mừng kính ngày Ngài Tử Đạo được Giáo hội cử hành vào ngày 29
tháng 08.
Người ta có thể đọc được trong Martyrologium Romanum
(Danh Mục Các Vị Tử Đạo của Giáo hội Rô-ma) những lời sau đây về ngày 29 tháng
08: “Thánh Gio-an Tẩy Giả đã bị trảm quyết.
Vua Herode đã ra lệnh chém đầu Thánh Nhân để mừng Đại Lễ Phục Sinh. Hôm nay, sự
tưởng nhớ sẽ được cử hành cách long trọng, vì vào ngày này, chiếc đầu đáng kính
của Thánh Nhân đã được tái tìm thấy. Sau này, chiếc đầu ấy đã được mang tới
Rô-ma và được bảo quản cũng như được dân chúng tôn kính trong nhà thờ Thánh
Silvester nằm tại cánh đồng Mars.”
Như vậy, sở dĩ Giáo hội kính nhớ cuộc Tuẫn Giáo của
Thánh Gio-an Tẩy Giả vào ngày 29 tháng 08 là vì, theo bản văn trên, ngày này được
cho là ngày tìm thấy hộp sọ của Thánh Nhân.
Trong ngày Lễ kính Thánh Gio-an bị Trảm Quyết, Giáo hội
cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa, Chúa đã muốn
cho Thánh Gio-an Tẩy Giả báo trước mầu nhiệm Con Chúa sinh ra và chịu chết. Xưa
thánh nhân đã anh dũng hi sinh vì chân lý và chính đạo thế nào, nay xin Chúa
cũng cho chúng con biết xả thân làm chứng cho Tin Mừng như vậy. Chúng con cầu
xin nhờ Đức Giê-su Ki-tô Con Chúa, Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị
cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.”
Còn sau đây là Kinh Tiền Tụng trong Lễ Kính Thánh
Gio-an bị chém đầu:
“Lạy Chúa là Cha
chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi, mọi
lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con, nhờ Ðức
Kitô, Chúa chúng con. Chúng con ca ngợi những kỳ công Chúa đã thực hiện nơi
thánh Gio-an Tiền Hô. Chúa đã thánh hiến người và cho người được vinh dự đặc biệt
giữa các người thế . Chưa sinh ra người đã nhảy mừng khi Ðấng cứu độ trần gian
ngự đến. Lúc chào đời người đã đem lại nhiều niềm vui. Người là vị ngôn sứ duy
nhất chỉ cho dân chúng nhận ra Ðức Kitô là Chiên Thiên Chúa đến cứu chuộc trần
gian. Hơn nữa, trong dòng sông Gio-đan, người đã làm phép rửa cho Ðấng thiết lập
bí tích thánh tẩy để thánh hoá mọi người. Sau cùng, người đã sẵn lòng chịu chết
để làm chứng cho Ðức Kitô. Vì thế, cùng với Triều thần thiên quốc, chúng con ở
dưới trần gian luôn ca tụng Chúa uy linh cao cả và không ngừng tung hô rằng:
Thánh, Thánh, Thánh…”
Lm
Đa-minh Thiệu O.Cist