Thánh Rai-mun-đô Nonnatus

(Ngày 31-8)

Thánh Rai-mun-đô Nonnatus (tiếng Tây-ban-nha là: San Ramón Nonato) sinh vào khoảng năm 1202 tại Portell, Lleida, Tây-ban-nha. Ngài được Giáo hội mừng kính vào ngày 31 tháng 08, tức ngày qua đời của Ngài.

1.Thời niên thiếu và thanh niên:

Rai-mun-đô cũng như biệt danh Nonnatus của Ngài có nghĩa là “Không Được Sinh Ra” (vì theo Tiếng La-tinh, Nonnatus cũng có nghĩa là Không Được Sinh Ra). Thân mẫu của Ngài qua đời ngay trong lúc chuyển dạ để sinh Ngài, vì thế Ngài đã phải sinh ra theo phương pháp mổ. Thấy vợ mình đã chết trong lúc chuẩn bị sinh con, bá tước Arnau liền dùng dao để mổ bụng người mẹ đã chết và lấy em bé ra khỏi bụng bà. Có lẽ Rai-mun-đô là người con thứ năm của bá tước Arnau de Cardona. Ngay từ khi còn là một em bé, rồi sau đó là một thanh niên, Rai-mun-đô đã được trao phó để coi sóc một đàn chiên trên một cánh đồng gần với khu vực của một Đan Viện dành cho các Ẩn Sĩ. Trong nhà thờ kính Thánh Nikolaus ở đó có một bức ảnh Đức Mẹ rất được mến mộ. Rai-mun-đô đã học được lòng tôn sùng Đức Mẹ từ đó, và lòng tôn sùng đặc biệt dành cho Đức Mẹ đã kéo dài suốt cuộc đời Ngài. Nói chung, ngay từ sớm, Rai-mun-đô đã cho thấy xu hướng muốn sống đời sống thiêng liêng, mặc dù cha cậu đã chuẩn bị sẵn cho cậu một con đường công danh với tư cách là một công thần trong triều đình Aragonia. Vì Rai-mun-đô không đi theo kế hoạch của cha mình, nên bá tước Arnau đã buộc phải ủy thác cho anh việc quản trị một nông trại. Nhưng dù vậy thì cậu thanh niên này cũng không thể cắt bỏ được tiếng gọi nội tâm của mình. Cuối cùng thì bá tước Arnau de Cardona cũng đành phải nhân nhượng trước ý định của con trai mình.

2.Trở thành Tu Sĩ:

Vào năm 1218, khi đã trở thành một cậu thanh niên, Rai-mun-đô đã gia nhập Dòng “Đức Trinh Nữ Maria Cứu Giúp Các Tù Nhân” tại Barcelona. Dòng này được thành lập bởi Thánh Petrus Nolascus và Thánh Raimund de Peñafort. Theo tiếng La-tinh, Dòng của Thánh Petrus Nolascus được gọi là: Ordo beatae Mariae de mercede redemptionis captivorum, nhưng vẫn được gọi tắt là Dòng Mercedarier. Vào năm 1222, sau khi được mặc áo Dòng, Rai-mun-đô đã được chính Thánh Petrus Nolascus cho phép lãnh nhận tác vụ Linh mục. Vào năm 1224, Cha Rai-mun-đô được bổ nhiệm làm người đồng hành thường trực của Cha Bề Trên Tổng Quyền Petrus Nolascus.

3.Nhà giải phóng các nô lệ:

Vào năm 1224, cùng với một số người Tây-ban-nha, trong đó cũng có cả các nhà thám hiểm, Cha Rai-mun-đô đã chuẩn bị cho cuộc lên đường đi tới Algeria và Tunisie để chuộc lại khỏang 500 tù binh Ki-tô giáo đang bị người Hồi giáo bắt làm nô lệ. Trong cuộc giải cứu này, Cha Rai-mun-đô coi Cha Bề Trên Tổng Quyền Petrus Nolascus và và Cha Serapion như là những mẫu gương của mình.

 

Vào cuối năm 1224, Cha Rai-mun-đô mới thực hiện cuộc hành trình đầu tiên của mình tới Valencia để giải thoát các nô lệ. Vào thời điểm đó, Valencia vẫn đang nằm dưới quyền cai trị của người Hồi giáo. Sau đó, vào năm 1226, Cha Rai-mun-đô mới thực hiện cuộc hành trình đầu tiên của mình tới Algeria. Tại đây, Ngài đã chuộc được 140 nô lệ Ki-tô giáo. Vào năm 1229, Cha Rai-mun-đô lại lên đường tới Bắc Phi và tới Algeria để thi hành sứ vụ giải phóng các nô lệ. Vào năm 1231, Cha đi tới Tunisie, và tới tận thủ đô của nhà Hafsiden (1229-1574). Triều đại này cai trị một vùng đất rộng lớn, bao gồm Đông Algeria, Tunisie và Trypoli Liby ngày nay. Lúc ấy, người cai quản thành phố Tunis của Tunisie là Jahja I (1229-1249). Vào năm 1332, Cha Rai-mun-đô đã tới Bugía. Và vào năm 1236, Ngài đã thực hiện cuộc hành trình cuối cùng của mình tới Bắc Phi, nhưng người ra không rõ, trong chuyến hành trình đó, Ngài đã đi tới Algeria hay đi tới Tunisie.

4.Trở thành con tin của người Hồi giáo:

Với nỗ lực nhằm giải thoát các nô lệ Ki-tô giáo đang bị đe dọa bởi cái chết và bởi những cơn bệnh nặng, Cha Rai-mun-đô đã tự giới thiệu mình như là con tin với những cách thức khác nhau để chu toàn điều khoản thứ tư của Luật Dòng. Ngài đã phải sống trong nhà tù suốt nhiều tháng trời và bị hành hạ một cách tàn nhẫn bởi người Hồi giáo. Tu nhiên, nhà tù đã không thể bẻ gẫy được ý chí của Ngài. Ngài không chỉ giảng dậy cho những người cùng là tù nhân với mình, nhưng còn truyền giáo cho cả những người Berber lẫn những người Mauren. Vì thế, theo tương truyền, người ta đã đưa Ngài ra trước một khu chợ của người Algier, và dùng một chiếc dùi sắt đã được nung đỏ để xuyên thủng đôi môi của Ngài, rồi dùng một chiếc khóa treo để khóa miệng Ngài lại. Nhưng người ta không giết Ngài ngay, mà vẫn để cho Ngài sống, và mỗi khi cho Ngài ăn hay uống, người ta lại mở chiếc khóa đó ra, sau đó lại khóa tiếp. Sau cùng, Ngài bị người Algeria kết án tử hình bằng cách dùng những cọc sắt để đâm thủng thân thể Ngài. Tuy nhiên, những người Mauren đã cố gắng dùng tiền để chuộc lại Ngài. Thế là Ngài được thả sau khi đã bị ăn một trận đòn nhừ tử. Như vậy, Cha Rai-mun-đô đã thoát được một số phận khủng khiếp mà sau này, một người anh em đồng tu với Ngài, tức Thánh Serapion, đã không thể thoát khỏi.

Vào năm 1239, sau 8 tháng bị nhốt, Cha Rai-mun-đô đã được người ta chuộc ra khỏi nhà tù. Tuy nhiên, sau khi được giải thoát, Cha Rai-mun-đô vẫn không muốn từ bỏ lĩnh vực hoạt động của Ngài, và cũng không muốn từ bỏ các tù nhân và những người nô lệ. Nhưng theo lệnh của Cha Bề Trên Tổng Quyền, người đã nhìn thấy Cha Rai-mun-đô là người kế vị mình, nên Cha đã quay trở về Tây-ban-nha. Và vào cuối năm 1239, Cha đã về tới Barcelona.

5.Trở thành Hồng Y và qua đời:

Theo một số tài liệu, nhưng những tài liệu này không thực sự đáng tin cậy, thì vào năm 1239, ngay khi vừa trở về từ Bắc Phi, Cha Rai-mun-đô đã được Đức Thánh Cha Grê-gô-ri-ô IX (1227-1241) bổ nhiệm làm Hồng Y của Tổng Giáo Phận San Eustachio. Rồi ngay trong năm đó – theo những tài liệu đáng tin cậy -, Ngài lại được Đức Giáo Hoàng Grê-gô-ri-ô IX bổ nhiệm làm người cố vấn cho Giáo Triều. Vì thế, vào năm 1240, Cha Rai-mun-đô đã lên đường để tới Rô-ma. Tuy nhiên, khi Cha mới chỉ đi được khoảng một chục cây số thì Cha đã ngã bệnh với một cơn sốt thập tử nhất sinh. Thế là Cha đành phải bỏ dở chuyến hành trình. Người ta định đưa Ngài trở về Tu Viện ở Barcelona, nhưng vì bệnh tình của Ngài quá nặng, nên người ta phải đưa Ngài vào một lâu đài ở Cardona, và Ngài đã qua đời ở đó vào ngày 31 tháng 08 năm 1240.

Sau khi Cha Rai-mun-đô qua đời, cả Dòng của Ngài lẫn người dân thành phố Cardona và vị bá tước của vùng đều muốn giành được thi hài của Ngài để tổ chức mai táng. Vì không thể thống nhất được với nhau nên người ta đành quyết định trao thi thể Ngài cho một con lừa. Khi người ta đặt thi thể của Ngài lên lưng con lừa đó thì nó cứ thế chạy tới Đan Viện Sankt Nikolaus của các Ẩn Sĩ. Vì thế, Cha Rai-mun-đô đã được án táng trong nguyện đường Kính Thánh Nicola tại Portel, gần với trang trại trước kia mà Ngài đã từng phụ trách. Vào năm 1675, Đan Viện Sant Ramon de Portell đã được kiến thiết, và ngôi nguyện đường trên đã trở thành trung tâm của Đan Viện vừa nêu.

6.Thánh Nhân:

Với cuộc sống dấn thân như thế, Cha Rai-mun-đô đã được các tín hữu mến mộ ngay từ lúc Ngài còn sinh thời. Và sau khi qua đời, Ngài lại càng được các tín hữu mến mộ và tôn kính nhiều hơn nữa. Vào năm 1626, Đức Thánh Cha Urban VIII đã ra lệnh soạn một bản Lễ riêng cho Cha Rai-mun-đô. Vào ngày 30 tháng 09 năm 1628, cùng với Cha Petrus Nolascus, Cha Rai-mun-đô đã được chính Đức Urban VIII tôn phong lên bậc Chân Phúc. Vào ngày mồng 04 tháng 08 năm 1657, cả hai vị Chân phúc nêu trên đều được Đức Thánh Cha Alexander VII tôn phong lên bậc Hiển Thánh. Vào năm 1681, Đức Thánh Cha Innozenz XI đã ra lệnh phải tôn kính Thánh Rai-mun-đô trên toàn Giáo hội với bậc Lễ nhớ buộc. Nhưng kể từ năm 1969, với cuộc cải tổ Lịch Phụng Vụ, Giáo hội toàn cầu chỉ còn mừng kính Thánh Rai-mun-đô với bậc Lễ nhớ tự do, tức Lễ bậc IV.

Trong cuộc nội chiến Tây-ban-nha (1936-1939), ngôi mộ của Thánh Rai-môn-đô đã bị phá hủy. Tuy nhiên, dù ngôi mộ của Ngài đã bị hủy hoại, nhưng các Thánh Tích của Ngài vẫn tồn tại. Dẫu vậy mặc lòng, các Thánh Tích này lại bị đánh cắp vào năm 2007.

Giáo hội mừng kính Thánh Rai-mun-đô vào ngày 31 tháng 08, tức ngày qua đời của Ngài, với bậc Lễ nhớ tự do.

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist

 


Hạnh Các Thánh